Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
17:56 (GMT +7)

Xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ

VNTN - Chiều 24/5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS). Tỉnh Thái Nguyên vươn lên xếp thứ 18 (vượt 12 bậc so với năm 2017) và đứng thứ 7 trong số các tỉnh, thành phố phía Bắc (sau Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La). Đây là tín hiệu vui để Thái Nguyên tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác CCHC, xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ.

Những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ CCHC bằng định lượng trên cơ sở so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hằng năm giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã. Thông qua chỉ số này nhằm xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện CCHC, qua đó giúp các sở, ngành, UBND cấp huyện có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu cũng như giải pháp trong triển khai hàng năm góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu quả vì nhân dân phục vụ. Năm 2018 có 3 sở, ngành giữ nguyên thứ hạng so với năm 2017 là Sở Khoa học & Công nghệ (dẫn đầu), Sở Công thương (đứng thứ hai) và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (đứng thứ 3). Ban Dân tộc tỉnh từ thứ hạng 11 vươn lên đứng thứ 4 (tăng 7 bậc so với năm 2017); Sở Lao động Thương binh và Xã hội từ vị trí cuối cùng năm 2017 vươn lên đứng thứ 11 (tăng 8 bậc so với năm 2017). Để đạt kết quả cao trong công tác CCHC, cũng như giữ nguyên top đầu trong bảng xếp hạng không phải chuyện dễ dàng.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Công thương, người dân, doanh nghiệp có thể tự tra cứu hồ sơ hướng dẫn TTHC.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như hiện đại hóa nền hành chính cơ quan, Ban Giám đốc Sở đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, tập trung cụ thể vào các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tài chính công; cải cách tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện các chỉ số PaPi tại đơn vị; nâng cao chất lượng kiểm soát, vận hành và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến.

Còn đối với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh (KH&CN), từ vị trí thứ thứ 7 năm 2016, năm 2017 Sở này đã “lội ngược dòng” dẫn đầu 19 sở, ngành về chỉ số CCHC. Vậy làm thế nào để duy trì thứ hạng cao trong công tác CCHC? “Mặc dù năm 2017, Sở KH&CN đứng top đầu khối các sở, ban, ngành trong công tác CCHC, song chúng tôi chưa thỏa mãn với kết quả này. Ngay sau khi UBND tỉnh công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2017, năm 2018 chúng tôi đã tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu để nhìn nhận rõ những lĩnh vực, tiêu chí nào đã đạt điểm cao để duy trì, những tiêu chí đạt thấp phải có giải pháp khắc phục triệt để. Vì vậy, nhiều chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực của Sở năm nay đạt cao như: Điểm số và chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đứng đầu 19 sở, ngành đạt 7.12 điểm (tối đa 9 điểm); điểm số và chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) dẫn đầu với 17.26 (điểm tối đa 22 điểm); điểm số và chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy đứng thứ 2 trên 19/sở, ban, ngành với 13.20 (tối đa 16 điểm)… Sở đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy. Kết quả đã tiến hành sáp nhập Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ, giảm 02 đơn vị. Với kết quả này đã đưa Sở KH&CN là đơn vị đứng thứ 2 trong bảng kết quả điểm số và chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 13.94 (tối đa 16 điểm)…”, đó là những minh chứng về sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác mà đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh thông tin thêm với chúng tôi.

Đối với khối huyện, thành, thị, T.P Sông Công năm 2018 ghi điểm tăng 1 bậc so với năm 2017, dẫn đầu bảng CCHC các địa phương; tiếp đến là T.P Thái Nguyên tăng 1 bậc so với năm 2017, vươn lên xếp thứ 3 khối các địa phương. Đáng ghi nhận là huyện Đồng Hỷ đã có sự bứt phá trong công tác CCHC, tăng 3 bậc so với năm 2017.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả T.P Sông Công, thị xã Phổ Yên, T.P Thái Nguyên, các sở, ngành cho tới nhiều phường, xã, nhận thấy bộ phận này được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại; các TTHC được niêm yết công khai và người dân có thể tự tra cứu trên bảng điện tử. Việc thực hiện cơ chế này đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, không phải chờ đợi, được nhân dân đánh giá cao.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phùng Bá Thu, tổ dân phố Tân Lập, phường Thắng Lợi, T.P Sông Công vui vẻ: Theo giấy hẹn, hôm nay tôi ra bộ phận “một cửa” nhận trích lục để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặc dù lĩnh vực đất đai lâu tôi không làm, còn lúng túng, nhưng được các cán bộ ở đây niềm nở, hướng dẫn rất tận tình, nên không phải đi lại nhiều lần. Tôi thấy việc sắp xếp chỗ làm việc, chỗ ngồi của công dân ở đây rất thân thiện, văn minh, khoa học.

Ông Phạm Tuấn Cẩn, Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết thêm: Một trong những nét nổi bật trong công tác CCHC của tỉnh năm 2018 là tỉnh đã hỗ trợ cho mỗi địa phương 2 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư bộ phận “một cửa” đồng bộ. Cùng với nguồn của tỉnh hỗ trợ, các địa phương bố trí thêm kinh phí tiếp tục nâng cấp hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ cấp huyện đến các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc; nâng cao chất lượng triển khai cung cấp dịch vụ và giải quyết TTHC mức độ 3, 4 trực tuyến trên môi trường mạng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hệ thống một cửa và một cửa liên thông; thực hiện đơn giản hóa và niêm yết công khai các TTHC, quy trình, mẫu biểu...

 

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại phường Mỏ Chè, T.P Sông Công công dân được bố trí ghế ngồi chờ và có phục vụ nước uống.

Có thể khẳng định, kết quả CCHC năm 2018 phản ánh rõ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Sự quyết liệt trong triển khai thực hiện CCHC đã thể hiện rõ vai trò nổi bật của người đứng đầu. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã tham mưu cho cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC với trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Mặc dù công tác CCHC của tỉnh có những chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa hành chính; trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số Par Index của Thái Nguyên trong 5 năm qua cho thấy, tổng điểm cũng như các tiêu chí thành phần tăng, giảm qua mỗi năm không đồng đều, tính bền vững không cao. Việc xác định chỉ số CCHC, chất lượng việc tự đánh giá theo các chỉ số của một số cơ quan, đơn vị chưa cao. Đáng chú ý là vẫn còn một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai, đánh giá, xác định chỉ số CCHC, việc bố trí nguồn nhân lực, con người cũng như tài chính cho công tác CCHC chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.

Điều đó thể hiện rõ nhất qua kết quả khảo sát trực tiếp của HĐND tỉnh về công tác CCHC mới đây tại 6 huyện: Định Hoá, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên và các sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Khoa học & Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, tổng số TTHC phải giải quyết theo thẩm quyền được niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và đăng tải trên cổng dịch vụ công trực tuyến ở UBND cấp huyện, cấp xã rất khác nhau, chưa có sự thống nhất với các quyết định công bố danh mục TTHC do UBND tỉnh ban hành. Số TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện theo các quyết định của UBND tỉnh năm 2018 công bố là 241 TTHC, tuy nhiên theo báo cáo và trên cổng dịch vụ công trực tuyến của các huyện thì số liệu chênh lệch rất nhiều, có đơn vị chênh tăng từ 24 TTCH đến 55 TTHC (T.P Sông Công, huyện Phú Lương, huyện Võ Nhai), có đơn vị thì đăng tải và báo cáo số TTHC thấp hơn từ 1 đến 40 TTHC như T.P Thái Nguyên. Tương tự ở cấp xã cũng vậy. Đơn cử như ở T.P Thái Nguyên, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết năm 2018 theo báo cáo là 201, nhưng công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến là 234 TTHC; cấp xã theo báo cáo số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết là 122, nhưng đăng công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến là 120; huyện Đồng Hỷ số TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện theo báo cáo là 234, nhưng công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến lại là 275 TTHC… Theo quyết định công bố của UBND tỉnh, UBND cấp xã có 115 TTHC, kết quả khảo sát tại xã Bảo Cường (Định Hóa) có 118 TTHC, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) có 152 TTHC, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có 125 TTHC… Như vậy, về cơ bản các đơn vị chưa xác định được chính xác số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.

Việc thực hiện giải quyết liên thông các TTHC chưa thống nhất. Một số xã chưa triển khai thực hiện liên thông TTHC về cấp giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ mai táng/hưởng mai táng phí… Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa kịp thời niêm yết các TTHC mới ban hành đã có hiệu lực, trong khi vẫn còn tình trạng niêm yết các TTHC cũ đã hết hiệu lực; chưa thực hiện công khai địa chỉ, số điện thoại của người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức được phân công làm tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Chưa kể, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã còn rất khó khăn, như ở huyện Định Hóa còn 3 xã phải tiếp nhận hồ sơ tại phòng làm việc riêng lẻ, chưa có phòng tập trung. Đặc biệt là tình trạng quá hạn giải quyết TTHC vẫn diễn ra phổ biến ở các địa phương.

Cá biệt, vẫn có tình trạng phát sinh thủ tục hành chính ngoài quy trình như Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Phổ Yên yêu cầu bổ sung xác nhận của công an khi người dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đánh mất, thất lạc; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phú Bình yêu cầu UBND cấp xã có tờ trình đề nghị cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người dân làm mất, thất lạc…

Với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm, thông qua kết quả công bố đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC các sở, ban, ngành, địa phương năm 2018, Sở Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực công tác này của tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại để các sở, ngành, địa phương nhìn nhận vấn đề cốt lõi của hạn chế để đánh giá nghiêm túc thực trạng CCHC của mình và triển khai các giải pháp thực hiện nâng cao chỉ số CCHC năm 2019. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác CCHC. Mặt khác, các sở, ban, ngành, địa phương cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ… để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ.

Linh Nga

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy