Xây dựng “Gia đình học hiệu” theo tư tưởng Hồ Chí Minh
VNTN - Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất quan tâm đến giáo dục trong gia đình, Người nhấn mạnh nhiệm vụ của gia đình là phải trở thành “Gia đình học hiệu”.
Gia đình Việt Nam là cái nôi dưỡng dục mỗi người, là cái chốt quan trọng để mọi người chúng ta hướng về cội nguồn, về những người thân yêu. Tình cảm gia đình luôn là cội nguồn cho tình yêu quê hương, đất nước.
Khi ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ thường nói với các đồng chí xung quanh: “Chúng ta, ai cũng đều muốn có một gia đình ấm cúng. Người cách mạng là người giàu tình cảm, mà chính vì giàu tình cảm thì mới đi làm cách mạng, càng làm cách mạng lại càng quý trọng cuộc sống gia đình, chẳng qua vì chưa có điều kiện thuận lợi nên chưa thực hiện được, đành phải chịu đựng mà thôi”.
200 học sinh nghèo vượt khó hiếu học tỉnh Thái Nguyên được nhận học bổng trong chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - Vì em hiếu học” năm 2019.
Bác Hồ cũng như chúng ta, là con người bình thường, cũng mong muốn có một mái ấm gia đình. Các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng chân tình hỏi Bác vì sao Người không lấy vợ, không lập gia đình? Bác cười, ôn tồn nói: “Lúc còn trẻ, mải mê đi làm nhiệm vụ, không có điều kiện lập gia đình, bây giờ già rồi không còn nhu cầu ấy nữa”.
Đối với những đồng chí sống gần gũi quanh mình, Bác luôn quan tâm đến gia đình riêng của họ. Trước khi đi công tác xa lâu ngày, Bác không quên nhắc những người phục vụ bố trí thay phiên nhau để có thì giờ về thăm gia đình. Mỗi khi có dịp, Bác đều nhắc những người tham dự cuộc vui lấy phần kẹo về cho vợ con ở nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục trong gia đình, Người khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Theo người, những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường bất khuất… được hình thành, vun đắp và phát huy từ trong mỗi gia đình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế nhiều kết quả giáo dục. Vì vậy, phải “kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục con em”.
Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6/1957, Bác căn dặn “phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Trong thư ngày 31/10/1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Bác “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp”.
Theo Người, giáo dục trong gia đình là mỗi người cần nhắc nhở, dạy bảo nhau, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo” Bác nhắc nhở “trẻ em hay bắt chước cho nên cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm”.
Theo Bác, trong giáo dục trẻ cần làm cho trẻ biết “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, giữ gìn vệ sinh thật tốt”, cần rèn luyện cho các con đức tính “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Đối với Hồ Chí Minh, giáo dục trong gia đình cần vận dụng tất cả các phương pháp như phương pháp đối thoại, phương pháp học đi đôi với hành, phương pháp nêu gương, phương pháp kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội... Các phương pháp này vừa mang tính truyền thống, lại vừa hiện đại, vừa hệ thống, khoa học, lại vừa cụ thể, thiết thực, luôn gắn với đời sống và thời đại. Chăm lo tới việc giáo dục con em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một triết lý sâu sắc thông qua một việc cụ thể, đơn giản, khó quên:
Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người
Trước lúc đi xa Bác còn căn dặn chúng ta “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”.
Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về các gia đình phải trở thành “Gia đình học hiệu”, ngay từ năm 2003, Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên đã vận động phong trào xây dựng Gia đình hiếu học (GĐHH), và từ năm 2015 là phong trào xây dựng “Gia đình học tập” coi đó là hoạt động trọng tâm vận động trong phong trào khuyến học, khuyến tài của các cấp Hội. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 236.924/340.513 gia đình (= 70%) đã được công nhận đạt tiêu chí “Gia đình học tập”.
Đã xuất hiện nhiều điển hình về những gia đình dù hoàn cảnh khó khăn song vẫn quyết tâm nuôi dạy các con trở thành nhưng con ngoan, trò giỏi để trở thành những con người thành đạt, góp phần xây dựng quê hương đất nước, những gia đình xứng đáng là những “Gia đình học hiệu”.
Đó là tấm gương bà Nguyễn Thị Tam ở xóm Gò Chè xã Cổ Lũng huyện Phú Lương, người mẹ nông dân nghèo góa bụa nuôi dạy 6 con đỗ đạt, thành tài.
Chị Trần Thị Hà xóm 6 xã Sơn Cẩm, người mẹ lái xe ôm quyết kiếm tiền cho các con ăn học giỏi giang và thành đạt.
Bà Lường Thị Thạch 58 tuổi, quê ở xóm Khau Lang, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, một phụ nữ dân tộc Sán Chí chồng đã mất sớm, với nghị lực vượt khó, bà dã nuôi dạy các con học giỏi, ngoan ngoãn và hiện nay đều đã trưởng thành.
Ông Nguyễn Văn Quý, hiện đang cư trú tại tiểu khu 4, thị trấn Ba Hàng, thị xã Phổ Yên là thương binh hạng 3/4 và là người được hưởng trợ cấp chất độc màu da cam. Ông chăm lo dạy dỗ 3 đứa con luôn là học sinh xuất sắc của trường, của huyện.
Gia đình anh Hoàng Văn Tùng, dân tộc Nùng, hội viên hội CCB, trưởng xóm Đại Quyết là gia đình hiếu học xuất sắc tiêu biểu của huyện Định Hóa…
Tỉnh Thái Nguyên đã 3 lần tổ chức Đại hội biểu dương Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, đã tuyên dương hàng nghìn gia đình hiếu học tiêu biểu ở các cấp huyện đến cấp tỉnh. Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” và nay là “Gia đình học tập” đang được hưởng ứng sôi nổi ở khắp các địa phương góp phần vào xây dựng các “Gia đình văn hóa” làm hạt nhân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
TRỊNH TRÚC LÂM
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...