Xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thành lập đặc khu
VNTN - Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) là ba địa danh đã trở nên khá đặc biệt khi có cơ hội trở thành những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi như giới chuyên gia là đặc khu) đầu tiên của Việt Nam.
Nhưng để chính thức trở thành đặc khu với dấu Quốc huy thì không chỉ là một nghị quyết thành lập của Quốc hội mà còn phải chờ một hành lang pháp lý hoàn chỉnh - một đạo luật.
Chiều 10/11 Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với phạm vi điều chỉnh quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại ba đơn vị nêu trên.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình dự án
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thuyết minh sự cần thiết ban hành luật, Chính phủ nhận định, sau nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá, những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm lại và môi trường đầu tư cũng đang mất dần tính hấp dẫn. Việc thành lập đặc khu được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt về kinh tế. Các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo Chính phủ đều có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế nếu có được thể chế, chính sách về kinh tế, hành chính, tư pháp phù hợp và vượt trội so với trong nước và quốc tế.
Xây dựng luật, bên cạnh tạo cơ sở pháp lý cho sự việc xây dựng và phát triển của ba đơn vị nói trên, Chính phủ còn đặt mục tiêu hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị nói trên có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả.
Một số chính sách đặc biệt cho đặc khu được Chính phủ trình Quốc hội như thu hẹp từ 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn 108. Hay, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động đầu tư kinh doanh tại đây trong những ngành, nghề ưu tiên phát triển không phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và Điều ước quốc tế có liên quan (như hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động kinh doanh, đối tác đầu tư và điều kiện khác). Cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược....
Hai phương án được Chính phủ đề xuất cho mô hình chính quyền là chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế Trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính. Phương án hai là tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành. Cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo, cơ quan thẩm tra cũng chưa "chốt" phương án tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu. Nhiều quy định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ đề xuất cũng được nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra nhìn nhận là đã thể hiện tính vượt trội. Tuy nhiên, về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất thì một số ý kiến cho rằng việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan tới an ninh, chủ quyền quốc gia, đối với một số địa bàn còn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân do tác động của việc thu hồi đất, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài. Do đó, đề nghị đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân, quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn về quy định cho phép người sử dụng lao động nước ngoài tại đặc khu được tuyển dụng theo nhu cầu người lao động nước ngoài. Bởi, chính sách này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động đối với lao động Việt Nam, có thể phát sinh những vấn đề liên quan tới an ninh, đối ngoại, áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, sự xung đột về văn hóa và gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá thêm về những tác động đối với thị trường lao động trong nước và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để từ đó quy định cơ chế, biện pháp phù hợp.
Chiều 10/11, ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Con đường cho đặc khu chắc chắn sẽ được nắn chỉnh không ít, để "nét vẽ" cuối cùng khi Quốc hội thông qua dự án luật (dự kiến vào kỳ họp thứ 5, giữa năm 2018) đủ sắc nét, và quan trọng là đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư. Bởi, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội: Chúng ta có rất nhiều quyền, có thể có quyền cho thể chế này, cho dự án kia, yêu cầu này khác nhưng nhà đầu tư có một quyền thôi mà là quyền rất quan trọng, là quyền không làm.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...