Thơ Trần Cầu:
Xanh tươi một niềm yêu
Đông đảo người thân, bạn văn chương đến với buổi tọa đàm vì trân quý tài thơ và nhân cách sống cao đẹp của Trần Cầu - một con người luôn thường trực niềm yêu thương. 8 bài tham luận xoay quanh các tập thơ cùng nhiều những phát biểu, cảm nhận của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có uy tín trên địa bàn tỉnh không chỉ tái hiện một đời thơ Trần Cầu mà còn khiến cho cuộc tọa đàm thơ “Miền lửa riêng” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức trở thành buổi sinh hoạt chuyên môn đầy sôi nổi và cảm xúc.
Đến với thơ rất muộn - khi đã gần 70 tuổi nhưng Trần Cầu sớm thành công với nhiều giải thưởng ở các cuộc thi thơ cấp tỉnh. Và cứ thế, đến nay dù đã 90 tuổi, nhưng ông viết vẫn rất khỏe, hồn thơ vẫn thanh tân, bay bổng như ở tuổi đôi mươi.
Bút lực dồi dào, hồn thơ thanh tân trai tráng
Mở đầu buổi tọa đàm, nhớ về những ngày đầu chập chững bước chân vào thơ Trần Cầu không giấu nổi niềm xúc động. Trong lời phát biểu ông không quên nhắc tới nhà cố thơ Khánh Kiểm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPH Chuyên Bắc Thái - người đã khuyến khích, động viên, và chỉ vẽ cho ông đến với thơ.
Vốn là một người lính, rồi một người thợ luyện kim, Trần Cầu đến với thơ thật tình cờ. Bài thơ đầu tiên ông được đăng là năm 2001 - do nhà thơ Khánh Kiểm phát hiện và gửi tập san Vì trẻ thơ”của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em của tỉnh đăng tải. Và chính bài thơ này là động lực lớn để ông mạnh dạn bước tới con đường thơ đầy gập ghềnh hoang sơ và quyến rũ. Về thơ mình, Trần Cầu tự sự: thơ ông cũ và nhạt so với những cách tân mới mẻ của thơ. Mặc dù luôn có ý thức tìm hiểu và học tập để thay đổi phong cách nhưng ông thấy không biến chuyển được nhiều. Ông tự nhận: “Ngôn từ vay mượn của đời. Tôi thành con nợ khó đòi người ơi”.
Nói về đời thơ Trần Cầu có lẽ bài tham luận “Trần Cầu - Nhà thơ của ân tình xứ sở” của Tiến sĩ văn học, nhà thơ Võ Sa Hà trình bày trong buổi tọa đàm là công phu và đầy đủ nhất.
Với trái tim tâm huyết với thi ca, cách làm việc khoa học, cẩn trọng, nhà thơ Võ Sa Hà cho rằng: “Trần Cầu là một trường hợp lạ và hiếm của thơ Thái Nguyên nói riêng và thơ Việt Nam nói chung”. Dù đến với thơ rất muộn và ở độ tuổi đã cao, nhưng ông luôn có một năng lượng sáng tạo cực dồi dào, một niềm đam mê thi ca kỳ lạ. 20 năm liên tục sáng tác, Trần Cầu đã có 5 tập thơ chất lượng. Và càng lạ hiếm hơn, sau khi xuất hiện ở làng thơ Thái Nguyên, nhiều năm liền thơ Trần Cầu liên tiếp đạt những giải cao ở những cuộc thi thơ địa phương. Ông chính là tài năng thi ca của thơ Thái Nguyên.
Qua nghiên cứu trong 5 tập thơ của Trần Cầu, nhà thơ Võ Sa Hà còn khẳng định: Điểm mạnh nhất trong thơ Trần Cầu chính là mảng thơ về ân tình xứ sở. Mảng thơ này chiếm số lượng áp đảo trong thơ ông. Qua hơn 200 bài thơ đã xuất bản của Trần Cầu, thì có tới gần một nửa mang cảm hứng từ hai miền quê: tỉnh Hưng Yên - nơi chôn rau cắt rốn và mảnh đất Thái Nguyên - nơi ông công tác và gắn bó từ năm 1959. Bằng dẫn chứng rất nhiều câu thơ, bài thơ, hình tượng thơ hay, ám gợi lòng người của Trần Cầu sáng tác từ mảng đề tài này, nhất là những câu viết về Thái Nguyên được Võ Sa Hà nhận định: “Hồn quê cũ phất phản trong hồn quê mới và hồn quê mới đau đáu cùng hồn quê cũ đã làm nên một đời thơ, một giọng thơ thật đẹp”.
Tại buổi tọa đàm cảm hứng về quê hương của Trần Cầu còn được các tác giả khác đề cập đến khá chi tiết trong những tham luận của mình như nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ với “Nặng gánh yêu thương cõi người” khi đọc tập thơ “Phù sa bến cũ” của Trần Cầu; “Đất và người Thái Nguyên trong thơ Trần Cầu” của nhà thơ Dương Văn Mưu.
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ phát hiện, phải là người có tâm hồn và bản năng thi sĩ và gắn bó sâu nặng lắm, thì Trần Cầu mới cảm nhận được vẻ đẹp đầy ân tình của mảnh đất Thái Nguyên. Ngập tràn trong tập thơ là những dấu ấn thời gian gắn liền với những địa danh: La Bằng, Phúc Trìu, Lưu Xá, Nà Tu, Thịnh Đán..., mỗi vùng đất là một kỉ niệm khó quên. Thơ như lời tự sự của chính tác giả, không bóng bẩy màu mè, không cầu kì gọt giũa, nhưng lại rất ám ảnh. Có khi chỉ là một mảnh kí ức nhỏ vụn: tôi bỏ quên ở Phúc Trìu mấy mùa rét cũ/Chiếc áo bông cổ lông xanh cũng lạc tôi rồi (Về nơi sơ tán). Có khi, tác giả ngoái nhìn trong vọng tưởng, để thấy: Gió chuyển mùa thấp thoáng một con đường/Đồng Lau Sau mịt mù sương trắng/ Đốm lửa hồng thắp sáng La Bằng (Ngọn lửa bền)…
Về tài thơ và cảm xúc tươi mới dạt dào của thơ Trần Cầu, trong tham luận “Thơ Trần Cầu - thủng thẳng niềm yêu sống”, nhà thơ trẻ Phạm Văn Vũ đã đề cập khá tinh tế.
Đọc 4 tập thơ của ông Phạm Văn Vũ cho rằng, cái di sản của thế hệ trước cũng như Trần Cầu để lại đấy là cảm xúc mạnh mẽ, niềm lạc quan, tình yêu cuộc sống, cuộc đời.
Phạm Văn Vũ phát hiện ra, đối diện với những câu chuyện muôn mặt của nhân sinh thì Trần Cầu lại càng yêu hơn đời sống bề bộn buồn vui này. Đằng sau mỗi câu thơ ông viết là một nụ cười ấm áp, bình thản, một Trần Cầu luôn thủng thẳng niềm yêu sống - một tình yêu trong trẻo. Để chọn được tâm thế sống như vậy không phải dễ dàng và Phạm Văn Vũ ví nhà thơ Trần Cầu cũng như một “cây vối già trổ nụ vậy, vững vàng và bình thản thơm hương”. “Chính niềm sống ấy đã giúp cho tác giả lúc nào cũng đắm mình trong một mĩ cảm của sự hồi sinh, lúc nào cũng tươi xanh và ấm áp, trong từng ý nghĩ, từng rung cảm, từng câu chữ”.
Về sự mộc mạc, tự nhiên trong thơ Trần Cầu, người bạn thơ Ma Trường Nguyên đã có cảm nhận lý thú “Thơ như tình yêu ấy, đến lúc nào thì lúc ấy phát triển và thơ anh Trần Cầu đúng là như vậy”.
Đa dạng về đề tài
Phong phú về nội dung, mở rộng về đề tài, thơ Trần Cầu phổ trên diện rất rộng nhiều vấn đề: tính thời sự nóng hổi; chiều sâu trong góc khuất của đời sống thực tại; tình yêu quê hương đất nước; tình cảm dành cho Đảng, Bác Hồ; tình bạn; nghệ thuật; mùa xuân… Điều này các tham luận “Trần Cầu, Một người thơ” của nhà thơ Nguyễn Hữu Bài; “Hình tượng người chiến sĩ và chiến tranh trong thơ Trần Cầu” của nhà Phan Thức; “Những tin yêu đi suốt cuộc đời” của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh… đã đề cập đến và phân tích khá rõ nét.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cho rằng, điểm đặc biệt trong thơ Trần Cầu chính là trường quan tâm của ông trải rộng hơn nhiều so với nhiều người viết ở Thái Nguyên cùng thế hệ và các thế hệ kế tiếp. “Xuyên suốt các tập thơ là một Trần Cầu luôn mang tâm thế của người sống có lý tưởng và kiên định với lý tưởng; một người yêu nước chân thành và trong sáng, một người có tầm nhìn và sống tròn đầy trách nhiệm với quê hương, đất nước, với cuộc đời”. Và đặc biệt chị còn phát hiện ra những câu thơ lấp lánh “yêu thương cõi đời” của Trần Cầu chính là viết về người yếm thế, thiệt thòi, bị khuất lấp trong cộng đồng…
Trước khi sự kiện diễn ra, cầm trong tay 3 tập thơ của tác giả Trần Cầu, nhà thơ Dương Văn Mưu đọc một mạch với tâm trạng thích thú. Gần gũi, mộc mạc mà dễ đi vào lòng người, những bài thơ của Trần Cầu khiến anh viết rất nhanh và bằng tình cảm yêu mến thơ ca thật sự. Mang tới buổi toạn đàm tới 2 tham luận, và tham luận “Hình tượng Đảng và Bác Hồ trong thơ Trần Cầu” được nhà thơ trẻ Dương Văn Mưu nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tâm huyết.
Viết thơ, làm thơ về Đảng và Bác Hồ thường rất khó, nếu không khéo, bài thơ sẽ sa vào lối kể lể, đậm chất tuyên truyền. Dương Văn Mưu đánh giá: Với đề tài này Trần Cầu có những bài đã thể hiện được lối viết riêng, sáng tạo và lấp lánh ý thơ. Không dùng lối nói trực tiếp mà nhà thơ mượn những hình ảnh so sánh, ẩn dụ để làm sáng tỏ công lao của Đảng giúp thay đổi cuộc sống người dân. Như sợi chỉ hồng xuyên suốt thời gian/ Vui đã đến tận thôn cùng bản vắng/ Sắc thắm sắc đậm đà hồn dân tộc/ Hương dậy hương lan tỏa khắp không gian. (Nghĩ về Đảng).
Cùng là người lính đi qua cuộc chiến, đến với buổi tọa đàm nhà thơ Phan Thức đã có những phát hiện rất mới về người chiến sĩ và chiến tranh trong thơ Trần Cầu qua tham luận “Hình tượng người chiến sĩ và chiến tranh trong thơ Trần Cầu”.
Về chiến tranh Phan Thức phát hiện ra Trần Cầu ít nói về chiến thắng huy hoàng, cờ hoa rực rỡ mà ông dành phần nhiều cảm nhận, chia sẻ sâu sắc nỗi mất mát hi sinh, nhất là đối với người phụ nữ. Chính sự mất mát hi sinh ấy đã góp phần vô cùng quan trọng tạo nên chiến thắng…
Qua những tham luận tâm huyết tại buổi tọa đàm người nghe dễ dàng nhận thấy “Miền lửa riêng” trong thơ Trần Cầu không chỉ về độ rộng về đề tài mà đó còn là sự giản dị tự nhiên, không làm duyên với câu chữ nhưng vẫn có nhiều câu thơ tài hoa khiến người đọc phải giật mình. Với nhân cách sống cao đẹp - yêu đời, yêu người sâu sắc, ở tuổi 90 thơ Trần Cầu vẫn xanh tươi một niềm yêu.
Minh Quang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...