Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:02 (GMT +7)

Xác định người có công: vẫn còn nhiều trăn trở

VNTN - Thời gian qua, công tác lịch sử Đảng của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thái Nguyên là một trong số rất ít các tỉnh, thành phố quan tâm đến công tác lịch sử Đảng trên cả 4 mặt: nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu. Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, mà một trong số đó là việc xác định người tham gia hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Từ một câu chuyện có hậu…

Theo bà Dương Thị Tám ở tổ dân phố La Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, từ năm 1995, vợ chồng bà được họ tộc ủy quyền làm kê khai, đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho bà Dương Thị Vít ở xóm Đông, làng Đình Cả, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình. Tuy nhiên, khi đó cơ sở để xem xét, quyết định công nhận người hoạt động cách mạng đối với bà Vít là không đủ. Đến ngày 9 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Nghị định 31). Từ đây, hy vọng của bà Tám về việc công nhận người hoạt động cách mạng cho bà Dương Thị Vít lại được nhen nhóm.

Các nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh tham dự cuộc họp tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Gia đình bà đã đến xin xác nhận của 2 người cùng hoạt động cách mạng với bà Vít là ông Lê Phương và bà Nguyễn Thị Vân (đều là Lão thành cách mạng, lúc đó đang còn sống). Trong giấy xác nhận, ông Lê Phương ghi tường tận: Tháng 3/1943, bà Vít là Tổ trưởng rải truyền đơn, dạy bài hát cách mạng, vận động nông dân, tá điền đấu tranh chống tăng thuế, chống cường hào bóc lột, kiêm tự vệ chiến đấu. Tháng 3/1944, tổ chức điều động bà Vít sang hoạt động ở làng Hanh, xã Điềm Thụy, làm Tổ trưởng rải truyền đơn, làm công tác phụ nữ. Tháng 4/1944, bà Vít được cử huấn luyện cho tự vệ chiến đấu và chiến tranh du kích ở làng Nguyễn, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, do đồng chí Trần Độ và Hà Thị Quế chủ trì. Sau đó tổ chức điều động bà Vít thực hiện một số nhiệm vụ ở Điềm Thụy, Hương Sơn, Kha Sơn (Phú Bình). Ngày 2/8/1945 cùng tự vệ du kích Đình Cả (Phú Bình) chặn đánh địch. Điểm tập trung đầu tiên ở gần cổng nhà ông Tuyết, xóm Tây, Đình Cả… Mười giờ đêm ngày 9/8/1945, bị chồng là Dương Văn Hữu giết chết tại nhà mẹ đẻ do tên Hữu bị mật thám kích động. Cách mạng kết án tử hình tên Hữu vì tội giết người hoạt động cách mạng”.

Trước khi có Nghị định 31, những giấy tờ xác nhận như trên là căn cứ để xem xét công nhận người hoạt động cách mạng. Nhưng sau này, do thực tiễn có nhiều trường hợp người cùng hoạt động cách mạng nhớ lại không chính xác nên đã xác minh sai người, sai thời gian, nội dung hoạt động... Do vậy, giấy xác nhận của người cùng hoạt động không còn là căn cứ công nhận như trước nữa. Tại mục 2, Điều 6 Nghị định 31 quy định về căn cứ xác nhận đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước được bổ sung “Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản” làm một trong những căn cứ để xem xét, xác nhận. Như vậy có thể hiểu, giờ đây các nhà nghiên cứu, biên soạn lịch sử sẽ có trách nhiệm sưu tầm, thẩm định về độ chính xác, tin cậy của các tư liệu, kết hợp với các bước khác (tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến nhân dân địa phương, xin thẩm định cấp tỉnh…) để ghi tên người hoạt động cách mạng vào cuốn lịch sử, từ đó làm căn cứ, điều kiện cho việc xem xét và công nhận người hoạt động cách mạng.

Tháng 5/2015, Đảng bộ thị trấn Hương Sơn xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Hương Sơn (1946 - 2014)”, trong đó trang 24 viết: “Nhân dân tổ dân phố Tây cũng là một trong những địa phương sớm giác ngộ cách mạng. Tiêu biểu có đồng chí Tuyết, Dương Văn Nhàn, bà Dương Thị Ý và bà Dương Thị Vít”. Trang 48 viết: “Những người sớm giác ngộ cách mạng là các ông, bà: Dương Văn Thơ, Đào Quang Luông, Dương Văn Đệ, Dương Văn Tuyết, Dương Văn Bàn, Tạ Quang Tin, Dương Văn Nhàn, Nguyễn Thị Vân, Dương Thị Vít”. Những tưởng đến đây, bà Vít sẽ đủ điều kiện để công nhận là Lão thành cách mạng, song khi xét, bà vẫn không đủ điều kiện, vì trong sách lại ghi là “giác ngộ” chứ không phải “tham gia” cách mạng! Bà Dương Thị Tám đã nhiều lần viết đơn gửi các cơ quan để đề nghị xem xét, nhưng vẫn không thể giải quyết. Đến đầu tháng 1/2018, Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra Đơn đề nghị của bà Dương Thị Tám về việc đề nghị đính chính cụm từ “giác ngộ cách mạng” thành “tham gia cách mạng”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Thường trực Huyện ủy Phú Bình tổ chức hội nghị thẩm định, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu của tỉnh, lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Huyện. Hội nghị đã thống nhất cho phép Đảng ủy thị trấn Hương Sơn đính chính cụm từ “giác ngộ” thành “tham gia”. Sau hội nghị, hồ sơ của bà Vít được bổ sung và đủ điều kiện công nhận. Ngày 20/12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ra quyết định công nhận bà Dương Thị Vít là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (thường gọi tắt là Lão thành cách mạng).

Trở lại Phú Bình sau hơn một năm bà Dương Thị Vít được công nhận là Lão thành cách mạng, bà Nguyễn Ngọc Hoa, Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Văn Bộ, Tổ trưởng TDP La Sơn cho biết: cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tổ dân phố rất phấn khởi, tự hào, không ai có khiếu kiện, thắc mắc gì. Còn bà Dương Thị Tám (người thờ cúng bà Vít) sau nhiều năm kiên trì theo đuổi sự việc, trong lòng đã cảm thấy thanh thản vì hoàn thành tâm nguyện và trách nhiệm mà dòng họ đã ủy thác.

…đến cuốn lịch sử đảng bộ 7 năm chưa được xuất bản

Cũng là người đứng ra đề nghị công nhận Lão thành cách mạng cho bố đẻ, nhưng câu chuyện của ông Hà Hữu Long, tổ 9, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên chưa có kết quả. Bố của ông Long là Hà Hữu Lai, tham gia hoạt động cách mạng tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Trong bản thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương (1945 - 2015) gửi Hội đồng thẩm định cấp tỉnh họp để thẩm định ngày 26/11/2016, trang 24 ghi “Năm 1943, Tổ Trung kiên kết nạp Phạm Văn Thự, Phạm Viết Núi, Vũ Văn Hoạt, Nguyễn Văn Máu, Hà Hữu Lai, Cù Huy Khả và đồng chí Đỗ Văn Hinh”. Một số thành viên Hội đồng đề nghị Đảng ủy xã cung cấp các tài liệu liên quan đến việc đưa tên các nhân vật lịch sử trên vào cuốn sách để xem xét, vì liên quan đến chế độ người hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, Đảng ủy xã lại thực hiện theo cách khác: ra văn bản hỏi ý kiến Ban Tổ chức Thành ủy về việc xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng (8 trường hợp, trong đó có ông Hà Hữu Lai). Ban Tổ chức Thành ủy có văn bản phúc đáp: các trường hợp nêu trên chưa đủ căn cứ để đề nghị xác nhận là Lão thành cách mạng (điều này dễ hiểu vì ông Hà Hữu Lai cũng như một số người khác không còn hồ sơ, lý lịch làm căn cứ, mà chỉ trông đợi vào việc được ghi tên trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã - PV).

Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, người đã tham gia biên soạn hầu hết các cuốn sách lịch sử của tỉnh Thái Nguyên, liên tục tham gia với chức danh Phản biện tại các Hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử của tỉnh. Ông Minh cho biết: Công lao của những người tham gia cách mạng, nhất là giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rất lớn, không thể kể xiết. Nhưng việc xác định được chính xác danh tính, thời điểm tham gia, hoạt động trong tổ chức nào, ở đâu… để ghi vào các cuốn sách lịch sử là vô cùng khó khăn.

Bà Dương Thị Vít, cán bộ Lão thành cách mạng.

 

Bà Dương Thị Tám (bên phải), bà Nguyễn Ngọc Hoa, Bí thư Chi bộ (giữa) và ông Nguyễn Văn Bộ, Tổ trưởng TDP La Sơn.

Chúng ta đều biết, thời kỳ đó chủ yếu là hoạt động bí mật, danh tính bị che dấu, cùng hoạt động trong một tổ chức nhưng có khi lại không biết nhau; không có giấy tờ gì để lại. Hơn nữa, từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), mỗi người lại phải “cuốn” vào những công việc mới, rồi chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới… liên tục nổ ra, khiến việc ghi chép lại lịch sử gặp nhiều khó khăn, tài liệu không đầy đủ hoặc bị thất tán. Những người có công thuộc đối tượng cán bộ “Lão thành cách mạng”, cán bộ “Tiền Khởi nghĩa” có đủ điều kiện để xác nhận không nhiều, thậm chí rất ít so với số người tham gia thực tế.

Về căn cứ để ghi tên người hoạt động cách mạng vào cuốn sách lịch sử, ông Nguyễn Xuân Minh cho biết: Đây là vấn đề khó, cần căn cứ vào nhiều yếu tố, chứ không có sẵn một “ba rem” hay quy định nào.

Thứ nhất, căn cứ vào các văn bản, giấy tờ, sổ ghi chép, các tài liệu lịch sử, sách lịch sử đã xuất bản, hồ sơ và lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ… Cần chú ý rằng, các tài liệu trên đây không phải lúc nào cũng là văn bản pháp lý (có dấu, được thẩm định…). Nhưng cũng phải lưu ý, những nội dung ghi trong tài liệu đó không hẳn đã tuyệt đối chính xác. Vì vậy, phải cần đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và kết hợp với các tài liệu khác của những người tham gia cách mạng để đối chiếu, xem xét; nếu hợp lý và không có mâu thuẫn mới đủ độ tin cậy.

Hai là, lời kể của nhân chứng. Nhân chứng trực tiếp là tốt nhất (mặc dù cũng phải đối chiếu, so sánh như cách làm trên); tiếp đến là nhân chứng gián tiếp (được người trong cuộc kể lại), đôi khi do nhân vật lịch sử đã kể lại cho nhiều người biết, thậm chí được cộng đồng (làng, xã) mặc định thừa nhận. Nguồn tư liệu từ nhân chứng phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Chẳng hạn, nhân chứng gián tiếp cung cấp thông tin tại hội thảo bản thảo, sau khi thống nhất phải được đưa vào biên bản, đảng ủy cấp xã đóng dấu xác nhận. Bản thảo sau khi hội thảo và chỉnh sửa, phải được công bố, xin ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Những trường hợp người tham gia cách mạng được ghi tên trong bản thảo được đồng thuận cao, không có ý kiến thắc mắc, khiếu kiện gì mới đủ điều kiện gửi cấp trên thẩm định.

Trở lại với câu chuyện về cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương triển khai biên soạn từ năm 2013, đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua (đạt yêu cầu nhưng phải tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa), đến nay chưa được cấp phép xuất bản, ông Minh cho biết: Về nội dung, bản thảo còn nhiều sai sót. Mặt khác, tài liệu làm căn cứ chứng minh đưa tên người hoạt động cách mạng vào cuốn sách hiện nay chưa có (hoặc có nhưng không gửi). Vì vậy, Ban Biên soạn cần phải tiếp tục khai thác tư liệu, bổ sung các căn cứ, chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu của Hội đồng để bản thảo đảm bảo chất lượng khi xuất bản.

Theo ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Cương, việc đưa tên người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám vào cuốn Lịch sử Đảng bộ do Đảng ủy xã xem xét, quyết định, nhưng quan điểm là chỉ đưa vào những người có đủ điều kiện công nhận là Lão thành cách mạng hoặc Tiền Khởi nghĩa. Toàn bộ những người có tên trong Tổ Trung kiên như dự thảo sẽ cắt bỏ, không đưa vào.

Trong khi ông Long và những người khác đang hy vọng các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ sưu tầm, xác minh các tài liệu lịch sử làm căn cứ đưa tên người hoạt động cách mạng vào cuốn sách, từ đó làm căn cứ, điều kiện xét công nhận người có công, thì Đảng ủy xã lại yêu cầu phải đủ căn cứ, điều kiện xét công nhận rồi mới đưa vào. Cách làm như vậy không đúng với quy trình nghiên cứu, biên soạn một công trình lịch sử đảng bộ mà Viện Lịch sử Đảng, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hướng dẫn.

Trăn trở

Ông Vũ Thanh Khôi, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng: Người làm công tác lịch sử không thể máy móc vì không có một chuẩn mực cố định cho việc đưa sự kiện, nhân vật lịch sử vào các cuốn sách lịch sử, nhưng cũng không thể tùy tiện, hời hợt. Về cơ bản, các nội dung nghiệp vụ lịch sử Đảng đã được nêu đầy đủ trong cuốn “Một số vấn đề về nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành, đoàn thể” do Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh biên soạn, xuất bản (năm 2017). Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã nhiều lần đưa nội dung công tác lịch sử Đảng vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Vấn đề là đội ngũ cán bộ tuyên giáo và cấp ủy các cấp sẽ vận dụng những kiến thức đó ra sao trong công tác lịch sử đảng của địa phương, đơn vị?

Ông Hà Hữu Long trăn trở: ông cũng đã chủ động sưu tầm, cung cấp tài liệu cho Đảng ủy xã nhằm thỏa mãn các điều kiện xác nhận bố đẻ của ông có tham gia hoạt động cách mạng tại Tân Cương từ tháng 2/1943. Ngoài 2 bản xác nhận giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng cho ông Hà Hữu Lai của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (Lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên BCH lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên); ông Nguyễn Văn Sỹ (Lão thành cách mạng, nguyên cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên), ông Long còn một số tài liệu khác có ghi tên ông Lai hoạt động cách mạng, như Lịch sử Đảng bộ xã Bình Sơn (1946 - 2006); Hồi ký Đặng Dũng (lưu tại Kho lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên). Những tài liệu này dù không ghi đầy đủ, rõ ràng hoạt động của ông Lai, song có nhắc tên, lại được viết từ trước khi có Nghị định 31 nên rất khách quan, cũng là cơ sở để các nhà sử học xem xét, đối khớp, kết hợp với các nguồn tài liệu khác thì có thể xác định ông Hà Hữu Lai có tham gia hoạt động cách mạng tại Tân Cương từ năm 1943 hay không. Ông Long rất mong Đảng ủy xã tổ chức hội nghị hoặc hội thảo lịch sử về các nhân vật lịch sử là người có công ghi trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã để các nhà khoa học phân tích, cho ý kiến, giúp Đảng ủy xã có căn cứ xác định những người đã tham gia cách mạng, như là một sự tri ân với các bậc tiền bối.

Như vậy, có thể thấy rằng việc xác nhận người tham gia hoạt động cách mạng là công việc rất khó khăn, lại liên quan đến chế độ, chính sách người có công, vì vậy không dễ gì giải quyết “một sớm một chiều”, nhất là những trường hợp phức tạp về hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ, điều kiện xác nhận. Đây là trách nhiệm của cấp ủy các cấp, trong đó, với những đối tượng cần xác nhận là người được ghi trong các cuốn sách lịch sử đảng bộ thì ngành Tuyên giáo giữ vai trò tham mưu chính.

 

 

Ông Hà Hữu Long, tổ 9, phường Gia Sàng vẫn đau đáu nỗi niềm được ghi tên ông Hà Hữu Lai vào cuốn LSĐB xã Tân Cương.

Theo ông Hà Huy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thái Nguyên: Công tác lịch sử Đảng là một lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn sâu và có sự tích lũy kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, ở nhiều đảng bộ, cán bộ tuyên giáo chuyên sâu về lịch sử Đảng có rất ít, đây là một khó khăn cho công tác tham mưu, chỉ đạo ở các cấp ủy. Để tháo gỡ khó khăn này, bên cạnh việc cấp ủy các cấp cần quan tâm tuyển chọn cán bộ, chuyên viên có chuyên môn về lịch sử vào làm công tác đảng ở địa phương, chúng tôi cũng mong muốn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường hơn nữa việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về công tác lịch sử Đảng cho cấp huyện và xã; hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở giải quyết những vướng mắc khi biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

Còn về phương hướng giải quyết việc xác định nhân vật lịch sử đã tham gia cách mạng trước ngày tỉnh Thái Nguyên giành chính quyền (20/8/1945) để ghi vào cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương, theo ông Hoàng, Đảng ủy xã cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh tổ chức hội nghị thẩm định nhân vật lịch sử tại địa phương để cung cấp tư liệu, thảo luận, làm rõ và tranh thủ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, từ đó quyết định việc đưa tên những nhân vật lịch sử đã có tài liệu tin cậy, thỏa mãn các yêu cầu khi viết về nhân vật, sự kiện trong một cuốn sách lịch sử vào dự thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua.

 

“Đối với những vấn đề, sự kiện, nhân vật, sau khi sưu tầm còn chưa chuẩn xác và còn có ý kiến khác nhau thì cần tổ chức hội thảo để thống nhất. Nếu trong hội thảo vẫn chưa thống nhất được thì tạm gác lại và tiếp tục sưu tầm tư liệu về các vấn đề đó” - Trích “Một số vấn đề về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; lịch sử ban, ngành, đoàn thể”, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr 27.

Thời gian qua, công tác lịch sử Đảng của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thái Nguyên là một trong số rất ít các tỉnh, thành phố quan tâm đến công tác lịch sử Đảng trên cả 4 mặt: nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu. Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, mà một trong số đó là việc xác định người tham gia hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử như ông Minh, ông Khôi và các “chuyên gia lịch sử” hàng đầu của tỉnh, người làm công tác lịch sử Đảng nhất định phải bám vào quy trình nghiên cứu, biên soạn một công trình lịch sử đảng bộ như tài liệu đã hướng dẫn để thực hiện. Ban tuyên giáo và cấp ủy các cấp cũng phải hiểu rõ về quy trình biên soạn lịch sử để chỉ đạo và quyết định nội dung của bản thảo cuốn lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị, tránh bỏ sót người có công.

Với những kết quả đã đạt được và sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, tin tưởng rằng thời gian tới sẽ có thêm người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của tỉnh được công nhận là “Lão thành cách mạng” và “Tiền Khởi nghĩa”, như là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đi trước.

HUY VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 2 tháng trước