Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:22 (GMT +7)

Xạ thủ số 1

CHÀO MỪNG 44 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2019)

VNTN - Hơn 1.500 ngày ở mặt trận miền Nam; trực tiếp tham gia chiến đấu gần 30 trận lớn, nhỏ; rất nhiều đồng đội hy sinh, nhưng ông chỉ bị một mảnh đạn “khắc” vào bên trán phải. Ông nói hồn nhiên: Trận đó, nếu mảnh đạn đồng ăn sâu tí nữa, tôi sẽ là thương binh hạng I. Và sâu tí nữa, tôi là liệt sĩ. Nhiều lúc tôi cũng không hiểu vì sao mình còn sống sau những trận đánh cực kỳ ác liệt.

Đó là câu chuyện của cựu chiến binh Đỗ Xuân Bộ, xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) về một thời quân ngũ. Ông là xạ thủ số 1 của Khẩu đội đại liên, thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A. Ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Ngụy; được kết nạp vào Đảng sau một trận đánh, được phong cấp bậc từ chiến sĩ xạ thủ số 1 lên làm Trung đội trưởng.

 

Ký ức. Vâng! Ký ức của một người, của một thời dĩ vãng, nghiệt ngã chiến tranh, đầy máu lửa hùng thiêng sông núi. Có lẽ những người trong cuộc như ông Bộ mới thấu tận tường về những năm tháng “cả đất nước cùng ra trận”. Bên bàn trà, ông Bộ chậm rãi nhâm nhi, tận hưởng cái dư vị đặc biệt của đặc sản xứ Thái Nguyên. Ngẫm ngợi giây lát, chợt như cả một quá vãng của thời trẻ trung, sôi nổi ùa về, ông tự sự: Từ lúc tôi có nhận thức, biết nhớ, biết sợ đã phải chứng kiến tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời quê hương. Lũ trẻ chúng tôi mắt nhắm nghiền, hai tay bưng chặt đôi tai vẫn thấy tiếng nổ của bom giội lộng óc. Sức tàn phá của nó làm dòng sông Cầu như chao lắc, từ nhà tôi nhìn sang bên kia sông thấy bom Mỹ đánh phá Nhà máy điện Cao Ngạn. Nhiều khu phố xập xuống. Cầu Gia Bảy cũng bị bom đánh xập. Dưới sông cá chết phơi bụng trắng xóa, trên bờ tiếng người ri rỉ khóc hờ…

Những đứa trẻ sinh ra vào thời đất nước có chiến tranh nên quen với tiếng bom rơi đạn nổ hơn cả lời ru  của mẹ. Có nhiều lúc mẹ phải nằm đè lên con, hoặc ngồi phía cửa hầm để che chắn cho những đứa con được sống sót. Và như loài cỏ cây, cậu bé Đỗ Xuân Bộ cũng như bao đứa trẻ của thời bấy giờ, cứ quần túm, áo vá, ăn khoai, sắn chạy bom mà hồn nhiên lớn. Tháng 8-1972, tròn tuổi 18, Bộ tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, làm quen với súng đạn, quân kỷ thao trường ở huyện Phú Bình, ông hăng hái lên đường theo đoàn quân Nam tiến.

Để vào đến mặt trận, ông cùng đơn vị cơ động linh hoạt, khi bằng tàu hỏa, lúc bằng ô tô, đến Đò Lèn (Thanh Hoá) thì bắt đầu hành quân bằng đôi chân. Trên đường mòn Nam tiến qua dãy Trường Sơn, đơn vị của ông vừa cảnh giới đánh địch, truy quyét phỉ. Đường hành quân trải dài cùng gian lao, muỗi mòng, sốt rét ác tính. Nhiều cán bộ, chiến sĩ phải nằm lại trên dọc đường vì đuối sức, vì bệnh tật hoặc do bom, mìn. Ông kể: Mất 3 tháng đi bộ, đơn vị chúng tôi đến được địa điểm tập kết tại một vùng rừng núi thuộc tỉnh Gia Lai. Hằng ngày ăn cơm “Bếp Hoàng Cầm”, ngủ tăng võng, sẵn sàng tham gia đánh địch.

Đó là những ngày đầu năm 1973, không khí bình yên giả tạo bao trùm khắp mặt trận. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh tại một trạm gác trên trục đường 19. “Địch một bên, và ta một bên”, cả hai bên chiến tuyến bấy giờ đều là người Việt. Lính hai bên còn cho nhau thuốc lá, lương khô và hỏi thăm nhau về quê hương, gia đình. Bên này trạm gác là Sư đoàn chiến đấu 320A của ta. Bên kia trạm gác là Sư đoàn I Kỵ binh của quân đội Việt Nam cộng hòa. Vì đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng, bên đối phương thường sử dụng vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và chuyển quân từ Sài Gòn tăng cường cho Ban Mê Thuột, Pleiku và các tỉnh Tây Nguyên. Tôi còn nhớ khi làm nhiệm vụ gác đường 19, tại vị trí đơn vị chúng tôi đóng quân, gần như suốt thời gian tháng 1 và tháng 2-1973, im ắng, không một tiếng súng. Nhưng bằng giác quan người lính, chúng tôi biết đang có một sự dồn nén kinh khủng của ngòi nổ chiến tranh, chỉ cần một lý do rất nhỏ là bùng lên dữ dội. Chúng tôi căng mình ra đợi lệnh.

Rồi, những khoảnh khắc bình yên trên đường 19 òa vỡ bằng tiếng đạn bom. Những người lính ở hai bờ chiến tuyến bắt đầu nói chuyện với nhau bằng súng, đạn. Trận mạc triền miên, có hôm đánh câu giầm cả ngày, cơm không kịp ăn… Giây lát ngẫm ngợi như kìm nén xúc động, ông Bộ tiếp tục câu chuyện: Đánh nhau nhiều cũng quen. Không ít lần giữa hai trận đánh, anh nuôi (cấp dưỡng) gánh cơm vào trận địa, lại gánh về vì nhiều đồng đội bị thương vong. Quân số liên tục được bổ sung từ ngoài miền Bắc vào. Có khi trong đơn vị anh em đồng chí chưa nhớ được tên, đã vội khoác ba lô hành quân đi phục đánh địch, rồi không gặp lại nhau nữa.

Sự tàn khốc của đạn, bom làm những người lính như ông Bộ chai sạn, đanh lại, tình cảm như thứ sắt thép vì cảm xúc khô khan. Ông Bộ nói chậm rãi: Là xạ thủ số 1, trực tiếp “ngoéo” cò của Khẩu đội. Hình ảnh những tên địch đổ vật như cây chuối bị phạt ngang. Tiếng hô xung phong của đồng đội xông lên đánh chiếm cứ điểm. Ở vào phút giây chiến thắng, tôi thấy trái tim mình nhói đau, vì bao người lính, trong đó có đồng đội tôi không bao giờ về với mẹ, với vợ, con.

Một làn gió nhẹ từ lòng sông Cầu bất chợt thoảng về làm vơi nguôi đi hơi nắng nóng của những ngày tháng tư. Nhưng với những người lính từng một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” như ông Bộ thì thiêng liêng, ý nghĩa, vì phần tuổi xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời đều ở ngoài xa trường. Có còn gì vinh dự, tự hào hơn khi được chứng kiến ngày quân ta giải phóng Sài Gòn. Niềm vinh quang đong đầy trong ký ức, là hành trang cho những người cựu chiến binh đã lên thiên chức ông, bà, song gặp gỡ nhau vào dịp “mùa giải phóng” hằng năm thì tuổi mười tám, đôi mươi ùa về, vồn vã, trẻ trung, cứ xưng tao, gọi mày mà con cháu thấy mừng vì tình thân giữa các bậc cha, chú thâm sâu, thế hệ con cháu được sinh ra sau chiến tranh không thể có được. Vì trước hòn tên, mũi đạn, các cụ - những người lính của một thời đã sẵn sàng lấy thân mình che chắn cho đồng đội được sống.

Nước trên bàn trà đã nguội, nhưng câu chuyện của ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh của những cựu chiến binh vẫn nóng hôi hổi. Ông Dương Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Cao Ngạn cho biết: Tôi với ông Bộ cùng nhập ngũ năm 1972. “Mỗi thằng” một hướng của mặt trận, nhưng đích đến là giải phóng Sài Gòn. Năm 1974, tôi bị thương trong một trận đánh tại tỉnh Quảng Nam. Nên phải trở ra Bắc, thiệt thòi vì không được đi hết mùa chiến dịch cùng đồng đội.

Như để đỡ lời cho người bạn lính, ông Nguyễn Tiến Bình, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Cao Ngạn chia sẻ: Hồi bấy giờ chưa có điện thoại di động, nên ở ngoài mặt trận, thỉnh thoảng chúng tôi có nhận được thư nhà, truyền tay nhau đọc. Tôi cũng ở mặt tận phía Nam, biết trong xã có anh Bộ đang ở hướng mặt trận ác liệt, song không rõ địa chỉ để viết thư động viên nhau.

 Còn ông Đàm Minh Trí, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Cao Ngạn chia sẻ: Ông Bộ trông hiền khô, nhưng ngang tàng, chẳng biết sợ chết là gì, đi đánh trận mà cứ như đi hội. Tháng 2-1974, trong trận đụng địch ở một thẻo rừng thuộc tỉnh Gia Lai, ông bị mảnh đạn cắt vào trán, nhờ đồng đội băng bó giúp rồi tiếp tục cùng đơn vị truy kích địch.

Cầm chén trà trong tay giống cách người lính chuẩn bị rút chốt quả lựu đạn, ông Bộ phấn chấn: Trước thế hệ chúng tôi có các cụ “trẩy hội Điện Biên”, đến thế hệ chúng tôi là “trẩy hội Trường Sơn”. Mà đã đi hội thì phải phấn chấn. Có phấn chấn thì đơn vị mới giao cho tôi làm xạ thủ số 1. Oách nhất Đại đội, vì khi khẩu đội xả đạn thì bên đối phương không dám ngóc đầu dậy. Trước giải phóng Sài Gòn, tôi cùng đơn vị được tham gia hai trận đánh để đời. Trận thứ Nhất đánh vào Phú Yên. Hôm đó, ngày 20-3-1975, Đại đội 4 chúng tôi đi phối thuộc với Đại đội 3. Chúng tôi đánh rất nhàn, chừng 90 phút, thời gian bằng một trận thi đấu bóng đá thì làm chủ trận địa, đơn vị bắt sống được tên tỉnh trưởng đeo lon Chuẩn tướng. Nhưng khi bộ đội áp giải ra ngoài, chúng tôi thấy các thủ trưởng của đơn vị tiếp đón tên sĩ quan cao cấp của địch rất long trọng. Một loáng sau đã thấy “ngài” Chuẩn tướng bỏ quân phục Việt Nam cộng hòa, mặc quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam, vai mang hàm Đại tá. Chúng tôi trố mắt nhìn khâm phục, nhận ra trận đánh không mất nhiều máu là do ngài Chuẩn tướng là người của “Việt Cộng” cài cắm vào hàng ngũ địch.

Trận đánh để đời thứ hai của tôi diễn ra vào ngày 29-4-1975. Đơn vị chúng tôi được lệnh đánh Đồng Dù, Củ Chi, Hậu Nghĩa để mở cánh cửa thép vào Sài Gòn. Sư đoàn 320A chúng tôi chọi với Sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam cộng hòa, đây là một Sư đoàn ác ôn, khét tiếng tàn độc, được mệnh danh là đơn vị sấm sét miền Đông, do tên Chuẩn tướng, Lý Tòng Bá chỉ huy. Trận này Sư đoàn 320 A có pháo binh,  xe tăng yểm  trợ. Để chắc đánh là thắng, từ đêm trước lực lượng trinh sát của Sư đoàn đã đột nhập vào đặt mìn tại 11 lượt rào kẽm gai. 5 giờ sáng, pháo của Sư đoàn giội vào trận địa đối phương. Sau 30 phút, cánh bộ binh chúng tôi bắt đầu xuất kích, nhưng diễn biến trận đánh xảy ra ngoài ý muốn, công binh cho nổ bộc phá, nhưng chỉ hất bay được 9 hàng rào. Bọc phá tại 2 hàng rào phía trong cùng không nổ, bộ đội không thể xung phong lên. Quân Việt Nam cộng hòa như con thú bị dồn đến chân tường, điên cuồng bắn về phía đội hình của đơn vị. “Kịch bản” trận đánh không diễn ra như dự định. Các mũi tấn công của ta bị đánh trả ác liệt. Khẩu đội đại liên của chúng tôi mới nhả được một loạt đạn ngắn đã bị đối phương phát hiện mục tiêu. Từ trong đồn bốt, chúng tập trung hỏa lực, bắn xối xả buộc cả Khẩu đội phải nằm bẹp xuống sau một ụ đất lớn. Trong thời gian chừng mươi phút, cả một ụ đất lớn trước mặt bị đạn các loại cày bới, tạo thành cái hố. Tất cả các đồng chí nằm phục gần tôi đều đã hy sinh. Hai đồng chí cùng Khẩu đội đại liên với tôi cũng hy sinh tại chỗ. Bằng kinh nghiệm trận mạc, tôi vội lăn xuống một hố đạn pháo gần đó để tiếp tục quan sát, đợi lệnh xung phong.

Phía trước, 2 hàng rào kém gai vẫn chềnh ềnh như một thách thức. Đạn địch từ trong đồn xả ra như trút. Tiếng đạn rít ghê rợn như thần chết gọi, cứ chiu chíu, thùm thụm loại âm thanh chết chóc. Nhiều đồng chí ôm bọc phá xung phong lên phá rào, nhưng đều lần lượt hy sinh. Tôi cũng ôm khẩu AK trườn lên, nhưng “đạn nó tránh mình”, nên đến được hàng rào, nhồi lại kíp nổ vào bọc phá… Ầm… Tiếng nổ làm rung chuyển cả một khoảng đất rộng. Hàng rào mở toang, bộ đội hô xung phong, xông lên diệt địch. Trận đánh này kéo dài gần 7 giờ đồng hồ. Chuẩn tướng chỉ huy Sư đoàn 25 Nguyễn Tòng Bá bị bắt sống. Cánh cửa thép được mở, Sư đoàn 320A chúng tôi bị thương vong hơn 500 người. Sau trận này, Sư đoàn 320A được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Bản thân tôi được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Ngụy; được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Sau ngày đất nước toàn thắng, đơn vị của ông được Bộ Quốc phòng điều động sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Đến tháng 2 năm 1979, lại chuyển quân ra miền Bắc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Như chợt nhớ ra điều gì, ông bật dậy, vào nhà lấy ra chai rượu thuốc, tự tay rót ra chén mời mọi người. Ông nói chậm rãi. Phải rồi, tôi phục viên từ tháng 4-1979. Dũng sĩ diệt Mỹ, Ngụy là danh hiệu tôi được phong tặng trong thời gian tham gia kháng chiến giải phóng miền Nam. Còn bây giờ tôi là cựu chiến binh, hằng ngày “sát cánh” cùng vợ con và chòm xóm chăm lo cho cuộc sống gia đình; cùng đoàn kết, tham gia Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phạm Ngọc Chuẩn

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy