“Vườn Thơ muôn nhà” – những nhịp yêu thương kết nối mọi người
Hội viê n nữ CLB thơ Lục bát với điệu múa “Nàng thơ”
Thật vui vì trong chương trình Lễ hội Thơ Nguyên tiêu năm nay, “Vườn thơ muôn nhà” được diễn ra tại sân chính của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Dù quy mô nhỏ hơn mọi năm nhưng không vì thế mà sân thơ kém phần sôi nổi.
Sân khấu lung linh những vần thơ mượt mà, thăng hoa cùng cảm xúc cứ như ngân vang thêm mãi. Tác giả Nguyễn Thị Hồng 84 tuổi (CLB thơ Sông Cầu) là một trong những người có mặt sớm nhất tại Lễ hội Thơ Nguyên tiêu, giống như các thành viên tham dự sân thơ, bà rất xúc động và tự hào vì Thái Nguyên có một sự kiện thơ nổi bật như vậy. Theo như bà chia sẻ, đã nhiều năm sinh hoạt tại CLB thơ Sông Cầu, đã bao lần đứng trên sân khấu để giao lưu cùng các thi huynh, thi hữu, bà cũng không nhớ nữa. Cái cảm giác nghe trống hội Thơ cứ làm lòng nao nao như trẻ lại. Với sự kiện trọng đại như thế này bà và những người yêu thơ trong các CLB mới có dịp gặp gỡ đông đảo tất cả các bạn thơ trong toàn tỉnh.
Năm nay ở sân thơ này bà vui sướng được là người đầu tiên khai cuộc. Giọng ngâm vẫn trong khỏe như mới ở độ đôi mươi bà tự tin diễn ngâm bài thơ “Về nguồn cội” do chính mình sáng tác. Nghe giọng ngâm của bà sân thơ càng thêm khí thế.
Thướt tha áo dài, các cô các chị là hội viên trong CLB thơ Lục bát dù tóc đã điểm sương nhìn ai cũng trẻ hơn nhiều so với tuổi. Nhạc du dương, họ nghiêng vành nón nhẹ nhàng, uyển chuyển vào vai những Nàng thơ xứ Huế trong điệu múa “Nàng thơ”.
Mọi người đến sân thơ bằng cả tấm lòng. Các tiết mục đọc, ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ đan xen nhịp nhàng thu hút ánh nhìn của khán giả.
Những câu thơ đầy hình tượng và cháy bỏng, thiết tha rung lên khiến hương xuân như nồng nàn thêm mãi: “Em gái đồng quê/ Mặc áo tứ thân/ Bịn rịn chia tay/ Liền anh về hội/ Cứ đứng lặng nhìn dòng nước chảy/ Lòng bâng khuâng/ Mơ... (Nơi đầu nguồn dòng sông quan họ - Thanh Hà); “Tìm em trong hội mùa xuân/ áo chàm ủ ấm ngày gần tháng xa/ Màu xanh đậm nét thật thà/ Thảo hiền như đất bông hoa núi rừng (Đi tìm hương xuân - Phạm Thị Dịu; Nụ hôn nghiêng cháy đêm yêu/ Lời em thủ thỉ bao điều thần tiên/ Anh yêu rót nhớ vào em/ Thêm hương nồng thắm lỡ quên lối về? (Nghiêng - Nguyễn Thúy Hòa)…
Tác giả Nguyễn Thị Hồng với tiết mục mở màn tại sân thơ
Là sân thơ tụ hội của các câu lạc bộ (CLB) thơ ca thuộc Hội VHNT tỉnh, sân thơ Muôn nhà 2023 chỉ do 4 CLB thơ: Mùa Thu, Sông Cầu, Lục Bát, Tháng Năm đảm nhiệm. Từ lâu tại Lễ hội Thơ Nguyên tiêu, vườn thơ này đã trở thành một ngày hội, một dịp hội ngộ không chỉ của những người cao tuổi mà còn cho những người yêu văn chương, những bạn trẻ, sinh viên, học sinh tham gia. Năm nay do thời lượng chương trình hạn chế nên hơi đáng tiếc vì không có sự góp mặt của những tác giả trẻ và CLB biểu diễn nghệ thuật trên toàn tỉnh.
Mỗi tiết mục mang một sắc thái riêng nhưng các cảm nhận chung của những người yêu thơ khi tới đây đều rất xúc động. Xúc động vì được trình diễn nghệ thuật và đọc những bài thơ đặc sắc của mình. Xúc động vì được đứng trên một sân khấu lớn với sự chuẩn bị công phu của Ban Tổ chức, càng vinh dự hơn khi được hòa mình vào một lễ hội đẹp và nhân văn. Mùa xuân đến, thi ca lại cất cánh và rung lên những nhịp yêu thương, nối kết mọi người.
Không giấu nổi cảm xúc và sự tự hào, thi sĩ Lã Thị Thông, Phó Chủ nhiệm CLB thơ Lục bát tâm sự: “Vườn thơ muôn nhà” thu hút sự quan tâm của CLB thơ trong tỉnh, ngay từ những ngày cuối năm khi mọi người rộn ràng chuẩn bị đón xuân Quý Mão, chúng tôi đã háo hức luyện tập các tiết mục để hướng về ngày Thơ Việt Nam. Có mặt ở sân thơ là ngọn lửa say mê thơ ca trong tôi lại bùng cháy. Tôi không chỉ vinh dự khi biết mình sẽ được đứng trên sân thơ lớn, được sống với đam mê tận cùng thơ ca, mà còn thấy cả trách nhiệm và sự quan tâm của một nhà thơ đối với Ngày Thơ Việt Nam và đối với “Vườn thơ Muôn nhà”. Ước muốn của tôi là hoạt động ý nghĩa tại vườn thơ này nên duy trì và đổi mới vào dịp Nguyên tiêu hằng năm. Đây là một sân thơ nhân văn và ý nghĩa của những hội viên sinh hoạt thơ tại các CLB và của mọi người.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...