Vườn tạp
Ký. Nguyễn Minh Khiêm
VNTN - Người ta đang có chủ trương thanh lý vườn tạp chú ạ! Thanh lý để đưa các cây giống mới có khả năng trở thành hàng hóa có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao. Mít miếc, bưởi biếc chặt hết. Lưu niên cũng chặt. Cổ thụ cũng chặt. Nông thôn mới phải có bộ mặt mới. Vào làng nhìn phải giống như trang trại mới, không thể để vườn tạp được. Để vườn tạp là lạc hậu. Chị họ tôi bảo thế.
Thú thật, tôi đã choáng. Những người đi tham quan các mô hình kinh tế mới nổi ở các tỉnh phía nam, phía bắc về đang là ngọn cờ, là đầu tàu cho phong trào xóa vườn tạp. Đúng là không thể kể hết cái tương lai tươi rói, sáng lạn rực rỡ từ các buổi thuyết trình mở ra. Cứ nhìn các pa nô áp phích treo dán dọc bờ tường nhà văn hóa thôn cũng đủ no mắt. Cái giàu đã bước hơn một chân vào cửa buồng hạnh phúc. Cành táo Thiện Phiến, táo Gia Lộc trăm quả như nhau nặng trĩu xuống. Ổi Tân Cương, ổi Australia lúc lỉu. Quả nào cũng bọc giấy to đẹp hơn tranh vẽ. Quả dăm bảy lạng. Có quả hơn cân. Mỗi cân hơn mười nghìn đồng. Mỗi cây vài ba tạ. Chưa đầy bốn mét vuông ngồi chơi xơi nước cũng có vài triệu đồng. Một mảnh vườn hai ba trăm mét vuông thì bao nhiêu tiền! Bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, bưởi Năm Roi mười quả như nhau cả mười. Giá cả còn lý tưởng hơn nhiều. Bảy tám chục nghìn đồng một quả. Cây nào cũng hàng trăm quả. Lái buôn tranh nhau đến nhà mua cất. Mấy chốc mà giàu sụ lên. Mê nhất là mô hình vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên. Mỗi khu vườn mấy trăm triệu, mấy trăm triệu cứ thế mở ra. Chăm sóc ít. Chi phí ít. Thu hoạch nhiều. Nhàn tênh. Đúng là lý tưởng. Chả mấy chốc cả làng triệu phú! Đầu vào thì rõ rồi. Nhưng đầu ra đâu? Ai tiêu thụ? Ai chịu trách nhiệm? Không tiếng trả lời. Không một công trình nghiên cứu khoa học nào. Không biết liên kết bốn nhà là gì. Không biết thị trường là gì. Trồng mà không biết nơi tiêu thụ. Trồng mà không thấy đầu ra. Thế mà tiếng mõ, tiếng chiêng cổ vũ xóa vườn tạp cứ dồn dập, dồn dập thúc vách mỗi gia đình.
Nếu nhìn vào cây cối, cách trồng cây quy hoạch theo kiểu vãi hạt giữ đất từ nghìn năm ông cha để lại thì một trăm phần trăm vườn quê tôi là vườn tạp. Có nhà một hai sào vườn. Có nhà năm sáu sào. Có nhà hơn mẫu. Trong vườn đủ loại cây. Cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy vật liệu, cây lấy dây, lấy hoa, lấy cảnh. Cây lấy gỗ, lấy vật liệu thì có xoan, tre, luồng, bương. Nhiều nhà còn giữ được xà cừ, lim, lát. Những cây này chủ yếu có từ thời Bác Hồ kêu gọi tết trồng cây những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Nó đứng trong góc vườn hoặc đầu ngõ làm bóng mát. Có cây cao mười lăm, hai mươi thước, đường kính hàng mét. Nhiều cây còn mảnh bom Mỹ găm trong da thịt. Nó là những nhân chứng lịch sử của làng. Có thương lái đến trả hàng trăm triệu đồng một cây. Chủ nhà không bán. Họ bảo, kỷ niệm về thời đại Bác Hồ đối với gia đình họ chỉ còn có một nấy. Đắt bao nhiêu cũng không bán. Cây ăn quả, cây lưu niên thì vô cùng phong phú. Cây đặc biệt còn lại mang hương sắc của rừng là bùi (có nơi gọi là trám đen). Có nhà giữ được vài chục cây bùi vươn tận trời xanh tỏa tán. Tháng chín, tháng mười quả chín. Mỗi cây cho thu hoạch vài ba tạ quả. Hầu như vườn nhà ai cũng có mít, xoài, nhãn, vải, hồng, bưởi, thị, cam, chanh, lót, chuối, mơ, mận, khế, dừa, sung, vả, dổi. Mít có nhiều giống. Mít mật. Mít giai. Mít mỡ. Mít tố nữ. Bưởi thì có bưởi đỏ, bưởi đào, bưởi trắng. Cam thì có cam sành, cam giấy, cam chanh, cam đường, quýt. Có nhà trồng mấy sào chè. Có nhà trồng mấy sào trầu. Có nhà trồng cả vườn cau. Mỗi cây mít cho vài chục quả một vụ. Cá biệt, có cây cho đến hai, ba trăm quả. Mà năm nào cũng nhiều vậy. Mùa sung chín quả rụng đỏ mặt ao. Cá lao lên đớp nhoang nhoáng những vây đuôi đỏ chóe. Vườn nhà nọ với vườn nhà kia bằng một bờ rào dưới (tiếng phổ thông gọi là duối). Nhót cứ dọc bờ rào dưới mà lan, mà ra hoa kết quả và chín. Mây cứ dựa bờ rào dưới mà leo. Có cây mây dài ba bốn chục thước là thế.
Người ta hay nói đến hương đồng gió nội. Nếu nói cái phóng khoáng, cái không gian mênh mang thoải mái chăn trâu cắt cỏ thì quả không đâu sánh được trên đồng. Nhưng nếu nói đến hương thì không nơi nào, ở bãi sông, đồng cỏ, chân đê, triền núi nào có thể sánh được với hương vườn tạp. Bốn mùa, mùa nào vườn tạp cũng có hương hoa. Mùa xuân, trên đồng chỉ có hoa cỏ. Nhưng trong vườn hàng chục thứ hoa. Hoa mơ, hoa mận trắng cành trắng cây. Không có màu trắng nào tinh khôi như hoa mận. Hoa xoài nở như đóng chóc lại. Hoa nhãn hoa vải vàng rộm tầng nọ tầng kia nở như đóng chóc lại. Hoa khế nở như đóng chóc lại. Hoa xoan nở như đóng chóc lại. Hoa bưởi bật hết mọi cành để nở. Hoa chanh, hoa cam, hoa hồng, hoa cạy bật hết mọi cành để nở. Chót vót trời cao, hoa dừa bung ra. Hoa cau bung ra. Mỗi thước đất vườn tạp là mỗi thước hoa. Dưới gốc nhãn, gốc vải, dưới gốc xoài, gốc khế, dưới gốc cam gốc bưởi, dưới gốc dừa, gốc cau là một lớp thảm hoa. Ấy là chưa kể quanh năm hoa chuối nở đỏ tươi. Ổi chín thơm lừng. Một quả mít rụng xuống vườn hàng tuần vẫn hương thơm ngào ngạt. Tháng tám tháng chín, ra đến đầu làng mùi thị vẫn còn thơm. Ấy là chưa kể đến trước cửa nhà ai cũng có một luống đất trồng hoa hồng, hoa thược dược, hoa hướng dương, hoa nhài hay hoa cúc. Nhà nhiều đất hơn thì trồng hoa móng rồng, hoa ngọc lan.
Ong bướm lượn trên trời đã nhiều. Ong bướm lượn dưới mặt đất tìm mật chỗ hoa rơi quả rụng cũng không ít. Các loài chim thi nhau về vườn tạp làm tổ. Chèo bẻo làm tổ trên ngọn dừa ngọn cau. Chim cu gì làm tổ trong ngọn dưới xù. Cò vạc làm tổ dày đặc bờ tre. Gõ kiến làm tổ trong hốc cây sâu mục. Các loài chim khác làm tổ nơi lùm nhãn, lùm vải. Chim sâu, ong vàng, ong vò vẽ làm tổ trong bụi mây bụi mái. Chào mào lảnh lót hót trên cành xoan, cành ổi chín. Chim xòe quạt xập xòe khắp vườn. Chim thiên đường, lãn phướn, khướu, hét bông lau chao lượn khắp vườn. Tiếng quạ đầu nhà. Tiếng cú rúc ban đêm. Tiếng cuốc gọi hè. Rồi tu hú gọi. Tiếng chuột chạy trên cây. Mùa nhãn chín, dơi bay ngạt trời. Chẳng phải đi đâu xa, chẳng phải treo năm bảy lồng chim, nhà ai cũng quanh năm chim hót.
Quê tôi sống bằng vườn tạp. Thời hợp tác xã, mỗi công năm, sáu lạng lúa. Mỗi vụ thiếu ăn vài tháng. Vườn tạp che giông che bão. Vườn tạp che nắng che gió. Vườn tạp che chở nuôi sống làng qua ngày ba tháng tám. Mít chín mít xanh ra chợ. Ổi, nhãn, vải ra chợ. Na bưởi ra chợ. Con cá lá rau, hoa rơi quả rụng trên vai người ra chợ. Hạt muối trở về. Hạt gạo trở về. Dầu đèn trở về. Sách học cho lũ trẻ trở về. Quả ổi, quả sung, hoa mít giúp qua cái đói quắt đói queo. Lá chuối khô, rơm rạ giúp người đi hết mùa đông này đến mùa đông khác. Thời tôi lớn, một trăm phần trăm người làng tôi nhờ vườn tạp mà làm được nhà, được bếp. Xoan đó hạ xuống làm. Tre đó hạ xuống làm. Luồng đó hạ xuống làm. Chỉ có mồ hôi nước mắt là có tất cả. Suốt thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hàng chục đoàn bộ đội, thương binh về làng tôi ở. Ụ pháo trong vườn tạp. Chiến hào trong vườn tạp. Sa bàn tác chiến trong vườn tạp. Lán trại trong vườn tạp. Dưới cây cối um tùm của vườn tạp, là trường học, lớp học. Bom bên ngoài. Pháo sáng bên ngoài. Truyền đơn bên ngoài. Hương chanh, hương bưởi thầm gửi vào khăn, vào tóc người ra trận.
Lũ trẻ làng tôi lớn lên từ vườn tạp. Tóc đứa nào chẳng đẫm hương đẫm hoa cây trái trong vườn. Quần áo đứa nào chẳng toạc ra vì leo trèo hết cây nọ cây kia hái quả, hái hoa, bắt chim, bắt dơi. Những kỹ năng sống, kinh nghiệm sống, những bài học đạo đức, triết lý làm người được hình thành từ vườn tạp. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. To cành gãy cây. Cây này đổ cây khác dập. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Dậu đổ bìm leo. Lá rụng về cội. Cây cao bóng cả. Bé không vin lớn gãy cành. Mỗi cây mỗi hoa. Mỗi nhà mỗi cảnh. Rau nào sâu ấy. Tre già từng đốt. Mía ngọt từng gióng. Sâu rễ bền gốc. Không phải chỉ có thế. Người làng tôi biết cách nhận ra mưa ra nắng từ vườn tạp. Con mối bay ra, con chuồn chuồn bay thấp thì ắt trời mưa. Rễ tre, rễ mía trắng ra thì ắt là mưa. Ong làm tổ kín dưới gần mặt đất thì lắm bão. Măng mọc đâm quặp vào giữa bụi thì năm ấy nhiều bão. Không chỉ có thế, vườn tạp dạy người quê tôi biết cách nhận ra các loài sâu ngụy trang giống que giống lá giống vỏ cây giống hoa giống quả. Và quê tôi có câu tục ngữ: Bọ nẹt chuối có chào mào ngô. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Tôi tin, những bài hát, hoa cau vườn trầu, những bài thơ tre xanh, nước vối, hoa cạy, tìm lại vườn xưa, mùa ổi, dậu mùng tơi... đều ra đời từ vườn tạp. Cảm ơn vườn tạp cho tôi những câu thơ đậm lẽ sống làm người “Râm bụt bìm bìm ken chặt vào nhau/ Dây bện vào dây giữ làng đứng thẳng/ Lá rách tả tơi vẫn được gọi lá lành”; “Hoa muống hoa cà hoa mướp hoa giong/ Xòe hết ra cho mùa đông đỡ lạnh/ Xòe hết ra cho làng đỡ âm u”; “Gốc tre là gì đánh mãi cứ mọc măng/ Thừng chão là gì mà đạn bom dội bao nhiêu không đứt”; “Cây trong vườn tỏa tán sang nhau/ Đừng vì thế mà chặt cành bấm rễ”; “Xới lưỡi cuốc gặp trong từng vụn đất/ Có bao nhiêu thứ rễ xuyên vào”; “Con là hoa quả chín trong vườn/ Mẹ quờ tay chỗ nào cũng thấy”.
Vườn tạp còn là nơi ông bà cha mẹ truyền cho tôi nhiều chân lý cuộc sống, vững tin vào đất làng mình, vững tin vào nghị lực của mình. Mẹ tôi bảo, cứ chê đất nghèo. Cây lim, cây lát, cây xà cừ trong vườn có đi đâu mà thành đại thụ? Cây mít đi đâu mà thân cành hàng trăm quả? Quả nào cũng to, múi nào cũng đầy mật ngọt? Cây thị, cây ổi, cây dứa có đi đâu mà hương nó thơm thế? Cây cau, cây dừa có đi đâu mà hoa quả nó đẹp thế? Cây chuối đi đâu mà đời đời con cháu buồng dài, quả mập? Chê đất khó làm ăn? Bụi mái, bụi mây nhiều gai thế sao ong vàng, ong vò vẽ, ong mật tìm đến làm tổ? Ngọn dưới xù có cái gì mà chim cu làm tổ sinh con đẻ cháu? Cây nào nhiều gai bằng cây bồ kết? Sáng nào con chim xòe quạt cũng đậu trên đó hót hay đến thế? Con chào mào nó ăn gì mà nó hót hay thế? Con chuồn chuồn nó ăn gì mà nó thanh thản thế?
Thế rồi cuộc cách mạng vườn tạp đến. Khẩu hiệu chăng lên: Phá vườn tạp. Phá vườn tạp. Hãy cương quyết phá. Phá vườn tạp không còn là vận động. Một xu hướng. Một dòng chảy. Mốt cách tân thời đại. Phá vườn tạp là đổi mới. Đổi mới là để sống. Phá vườn tạp là một cách làm ăn lớn đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vườn bùi bỗng chốc trắng tinh. Vườn chè trắng tinh. Tre luồng trắng tinh. Nhãn, bưởi, na, ổi, chuối, dổi trắng tinh. Cau bị đốn hạ. Trầu bị san bằng. Dừa, hồng, cạy... chặt tất. Nhãn lồng Hưng Yên dình dịch đem về. Vải thiều Lục Ngạn dình dịch đem về. Táo Thiện Phiến, táo Gia Lộc dình dịch đem về. Và ổi về. Cây cối bị triệt hạ. Tự nhiên giếng không còn nước. Ao không còn nước. Cái được đầu tiên là phải khoan thêm giếng, sắm thêm máy bơm. Cái được thứ hai là sắm bình phun thuốc trừ sâu. Nắng. Mệt. Không có bóng cây mát để ngồi. Mùi thuốc sâu nồng nặc. Nhà nọ chạy sang nhà kia. Chạy đâu cũng mùi thuốc sâu. Chim cò bay đi. Ong bay đi. Rắn rết đi. Ếch nhái đi. Làng không còn nghe rộn ràng chim hót. Không tiếng côn trùng ếch nhái. Những bày dơi đông thế cũng không còn. Nhà nọ cách nhà kia bằng những bờ tường gạch, đá cắm dày mảnh thủy tinh. Đầu tiên hồng xiêm còn bán được dăm ba chục quả một ngày. Sau bán không ai mua, cho không ai lấy. Quả trứng gà vàng rợi, thơm phức, bở tơi. Ấy thế mà đổ đầy đường, đầy bờ rào. Đau đớn nhất là gần như một trăm phần trăm vải thiều là giống vải tu hú lai ghép. Nhãn lồng Hưng Yên không được quả nào. Giận cá băm thớt. Không ai chịu trách nhiệm. Không ai thăm hỏi. Không ai tư vấn. Hết vườn vải thiều này bị chặt đến vườn vải thiều khác bị chặt. Nhãn lồng Hưng Yên cũng thế. Ổi lai cũng thế. Bưởi Mỹ, bưởi Diễn cũng thế. Tiếng khóc gọi hồn vườn tạp âm i trong từng ngôi nhà, trong từng trái tim.
Một số gia đình “chậm tiến”, “chống đối” không chịu thay đổi tư duy, giữ lại được một số khu vườn tạp. Bây giờ tự nhiên được gắn biển “vườn sinh thái”, “vườn cổ”. Có khu vườn được bình chọn là vườn du lịch hấp dẫn nhất trong năm. Một vài cây còn được đề nghị tôn vinh là cây “di sản” của làng, của quê hương. Có đại gia không biết ở đâu đến hỏi mua trọn vẹn cây cối trong khu vườn tạp với giá hàng tỷ. Mua rồi dùng phương tiện máy móc bấng mang đi nơi khác. Nhưng cuộc ngã giá không thành.
Dưới con mắt của các nhà cải cách kinh tế, họ gọi những khu vườn cổ xưa quê tôi là vườn tạp. Nhưng với người quê tôi, nó là tất cả tâm hồn, tâm linh, tâm thế, tâm thức, ký ức, kỷ niệm, trải nghiệm, tình yêu, xương máu. Ở đó có gia phả, có huyết thống, có nghĩa tình chồng vợ. Ở đó có mọi thứ triết lý hạnh phúc không riêng gì phong thủy. Nắm nhau tôi chôn trong khu vườn tạp ấy. Câu thơ tôi cũng bắt rễ rất sâu ở nơi khu vườn tạp ấy.
Chị họ tôi thở dài sườn sượt: Không biết mấy trăm năm nữa nhà mình lại mới có những khu vườn tạp như ngày xưa nữa chú?
20.12.2015
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...