Vươn tầm từ ứng dụng kỹ thuật cao
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2
VNTN - Năm 2018 là năm đầu tiên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên được giao tự chủ hoàn toàn. Có được sự chủ động trong công tác điều hành, nhưng khó khăn song hành cũng không ít. Số thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đăng ký ban đầu giảm, quỹ BHYT giao thấp, thay đổi về nhân sự chủ chốt…, song nỗ lực vươn tầm của bệnh viện tiếp tục được đẩy mạnh, từ những thành quả ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Không bị động dù là tuyến dưới
Bị tai nạn lao động, đá văng vào người dẫn đến cong xương sống, mẻ đốt sống, bệnh nhân Nguyễn Linh Hoàn (53 tuổi, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai) được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương chẩn đoán và quyết định phẫu thuật, vì vết thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến tủy sống, để lâu sẽ rất nguy hiểm. Ngày 28/1/2019 ca mổ của anh Hoàn được đánh dấu mốc vô cùng đặc biệt, bởi sự góp sức của thiết bị định vị robot hỗ trợ phẫu thuật cột sống hiện đại hàng đầu Đông Nam Á; ở Việt Nam chỉ duy nhất Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ứng dụng được kỹ thuật này. Sau ca mổ chỉ 4 ngày, anh Hoàn đã được xuất viện. Gần một tháng sau, vết thương đã hồi phục khoảng 60%. Nhận lời thăm hỏi của chúng tôi, anh Hoàn xúc động: Nhờ các bác sĩ tận tâm, Ban Giám đốc Bệnh viện quan tâm, thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật giảm thiểu tối đa sự đau đớn, nên sức khỏe ổn định rất nhanh. Về nhà hơn chục ngày tôi đã tự lật được người, rồi vịn đi, giờ thì đi lại gần như bình thường. Chẳng biết nói gì hơn lời cảm ơn sâu sắc đến đội ngũ y, bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện.
Các bác sĩ Khoa Ngoại - Thần kinh ứng dụng định vị robot phẫu thuật cột sống cho bệnh nhân Nguyễn Linh Hoàn.
Bác sĩ Chuyên khoa II Đồng Quang Sơn, Trưởng Khoa Ngoại - Thần kinh đã rất hào hứng khi nói về cuộc phẫu thuật ấy. Hào hứng bởi đây là lần đầu tiên anh và các đồng nghiệp thực hiện phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot vô cùng hiện đại. Anh Sơn và các bác sĩ của Khoa đã có thời gian chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ vài, ba năm nay. Thiết bị được đưa từ Bệnh viện Việt Đức lên chứ chưa thể trang bị vì chi phí khá cao (khoảng 70 tỷ đồng). Chi phí cho một ca mổ khoảng 120 triệu đồng, bệnh nhân nghèo không thể đáp ứng được, song Bệnh viện đã quyết định hỗ trợ để phẫu thuật cho bệnh nhân. Bác sĩ Sơn vui vẻ chia sẻ: “Nghĩa cử nhân văn hết lòng vì người bệnh, trên hết là mong muốn phát triển kỹ thuật hiện đại để cứu người, chúng tôi quyết tâm tuyến trên làm được thế nào thì Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ làm được như thế. Không chậm hay bị động dù mình là tuyến dưới!”.
Nói đoạn, vị trưởng khoa say mê phân tích kỹ lưỡng về thiết bị mới với chúng tôi: Phẫu thuật cột sống là phẫu thuật chuyên sâu rất khó, chỉ cần bắt lệch một đường vis dù rất nhỏ (1mm) cũng sẽ gây khiếm khuyết về thần kinh. Thông thường khi phẫu thuật mở, đường rạch vào cột sống khoảng 15cm sẽ cắt qua nhiều khối cơ, bệnh nhân mất nhiều máu và sau phẫu thuật rất đau đớn. Các bác sĩ, kỹ thuật viên thì phải vừa bắt vis vừa định vị trên màn hình tăng sáng, sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tia phóng xạ. Do đó, phẫu thuật ứng dụng định vị robot giúp bác sĩ, kỹ thuật viên định vị chính xác vị trí cần phẫu thuật, giảm được tối đa 51 lần lượng tia X (nguyên nhân gây ung thư) giúp bệnh nhân giảm rủi ro trong phẫu thuật, giảm đau, vết mổ nhỏ, ít sẹo và thời gian phục hồi nhanh. Robot hỗ trợ phẫu thuật được thiết kế rất nhỏ gọn, có thể được gắn trực tiếp trên lưng của bệnh nhân và điều khiển từ xa thông qua một hệ thống máy tính có màn hình cảm ứng. Trước khi tiến hành phẫu thuật, hệ thống sẽ chụp đối xứng để phân tích cấu trúc xương sống của bệnh nhân và phát tia trong khi phẫu thuật để lên kế hoạch thực hiện. Hệ thống sẽ phân tích và hiển thị hình ảnh dưới dạng ba chiều, từ đó bác sĩ phẫu thuật có thể quyết định được kích thước của loại vis cần được bắt vào và vị trí cần bắt vis. Nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng robot hỗ trợ đã tăng độ chính xác khi bắt vis lên đến 98%.
- Lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật cột sống với thiết bị định vị robot, các anh có gặp khó khăn gì? - bác sĩ Sơn cười hiền bảo: không có sự hỗ trợ của chuyên gia nào từ tuyến trên, nhưng chúng tôi không hề gặp khó khăn gì. Thiết bị hỗ trợ này vẫn coi trọng yếu tố con người; các bác sĩ vẫn đóng vai trò chủ đạo từ khâu chụp cộng hưởng từ cột sống, kết nối với màn hình tăng sáng, nhập các dữ liệu cần thiết…
Năm 2018 vừa qua, Khoa Ngoại - Thần kinh cũng đã tập trung phát triển nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật bơm xi măng tạo hình thân đốt sống; phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất tâm nhĩ; phẫu thuật gãy mỏm nha, gãy đốt sống cổ lối sau; vi phẫu lấy u, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, lưng; phẫu thuật rỗng tủy cổ… Tiếp tục phát triển trong năm nay sẽ mổ vỡ phình mạch não, định vị robot phẫu thuật cột sống, mổ bắt vis qua da, mổ nội soi cột sống… Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ý thức nỗ lực trau dồi, tiếp cận kỹ thuật cao để nâng tầm bệnh viện luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động của mỗi người - anh Sơn nói thêm.
Tạo dựng niềm tin từ kỹ thuật y khoa hiện đại
Trong những năm qua, mũi nhọn đầu tư của Bệnh viện cũng chú trọng vào lĩnh vực sinh học phân tử. Các trang, thiết bị rẻ nhất khoảng 1 tỷ đồng, đắt có thể lên tới 5, 10 tỷ đồng, vì thế Ban Giám đốc quyết định tập trung các xét nghiệm liên quan đến sinh học phân tử của các chuyên khoa (Khoa Vi sinh, Khoa Sinh - Hóa, Trung tâm Huyết học truyền máu…) về chung một khoa để giảm thiểu đầu tư cho các labor (lao động) và khai thác được hết công suất của các máy. Khoa Miễn dịch - Di truyền Phân tử của Bệnh viện đã ra đời và đi vào hoạt động từ tháng 6/2017. Các xét nghiệm đa phần liên quan đến mảng miễn dịch và sinh học phân tử (ứng dụng công nghệ gen vào điều trị và chẩn đoán bệnh). Hiện tại Khoa phát triển ở 4 mảng chính gồm: xét nghiệm về vi rút, vi khuẩn (định lượng virut viêm gan B, viêm gan C, chẩn đoán vi khuẩn như Chlamydia (lậu), lao, các tác nhân gây bệnh như CMV, BK…); xét nghiệm di truyền (bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh), ung thư máu…); xét nghiệm phục vụ ghép tạng, cụ thể là ghép thận (anti HLA - xét nghiệm kháng nguyên bạch cầu người; định type HLA - xác định sự tương quan giữa bệnh nhân và người hiến tạng); xét nghiệm sàng lọc sơ sinh về 5 bệnh thường gặp: thiếu men G6PD, bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; cường giáp, Phenylketonuria (PKU) - rối loạn về chuyển hóa; Galactosemia (GALT) - rối loạn chuyển hóa đường. Gói xét nghiệm này vừa được Khoa phát triển từ tháng 9-2018.
Các thiết bị xét nghiệm hiện đại của Khoa Miễn dịch - Di truyền Phân tử
Nói về thành quả nổi trội mà Khoa Miễn dịch - Di truyền Phân tử đã thực hiện được trong thời gian qua, cử nhân công nghệ sinh học Trần Trung Anh, Kỹ thuật viên trưởng của Khoa chia sẻ: “mang lại thương hiệu cho Bệnh viện nói chung, cho Khoa nói riêng là nhóm xét nghiệm phục vụ ghép tạng anti HLA và định type HLA. Hệ thống máy móc được đặt tại đây đạt chất lượng hàng đầu thế giới chuyên về xét nghiệm HLA. Ở các mảng xét nghiệm còn lại, ngày càng có nhiều bệnh nhân chủ động thực hiện. Nếu năm 2017, riêng đối với xét nghiệm HPV trong định lượng virut Khoa có khoảng 600 mẫu, thì sang năm 2018 tăng lên 900 mẫu, năm 2019 này sẽ có thể đạt hơn 1000 mẫu/năm.
Dàn máy móc phục vụ xét nghiệm rất hiện đại, đòi hỏi đi kèm với đó phải có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể vận hành, sử dụng hiệu quả. Trong Khoa hiện có 4 tiến sĩ, các kỹ thuật viên đa phần là cử nhân công nghệ sinh, tiếp xúc với các kỹ thuật phân tử sát hơn các kỹ thuật viên y nên chuyên môn rất vững. Gắn bó với Khoa từ những ngày đầu thành lập, ngót nghét 9 năm công tác tại Bệnh viện, cử nhân Trần Trung Anh rất tâm huyết với mảng xét nghiệm sàng lọc sau sinh. Tự hào vì Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc ứng dụng các thiết bị hiện đại, thực hiện thường quy kỹ thuật sàng lọc cho trẻ sơ sinh ngay tại Bệnh viện. Trong vòng 48 giờ sau khi chào đời, trẻ sẽ được lấy mẫu máu gót chân thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu qua hệ thống thiết bị sàng lọc sơ sinh hiện đại bậc nhất của hãng Perkin Elmer (Hoa Kỳ), chẩn đoán các bệnh chuyển hóa, nội tiết và di truyền có thể mắc phải như: Thiếu enzym G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh (thalassemia) hoặc các rối loạn chuyển hóa axít amin… Kể từ tháng 9/2018 đến nay đã có hàng ngàn trẻ được thực hiện xét nghiệm sàng lọc sau sinh.
Là bà mẹ hiện đại, chị Đoàn Hồng Hạnh (Trại Cau, Đồng Hỷ) đã thực hiện sàng lọc sau sinh cho con gái như một cách thể hiện sự yêu thương dành cho con. Chị vui vẻ cho biết: “Khi mang thai mình cũng tìm hiểu và thực hành thai giáo theo sự chỉ dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng, biết đến xét nghiệm sau sinh nên mình đăng ký luôn, để nếu có vấn đề gì thì sẽ can thiệp được ngay và luôn. Cũng hồi hộp lắm, may mắn là con hoàn toàn khỏe mạnh. Hạnh phúc có con vì thế mà thêm trọn vẹn”.
Các kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiến hành lấy máu gót chân làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho trẻ.
Ứng dụng các thiết bị hiện đại, thực hiện tầm soát, sàng lọc là vô cùng cần thiết đối với việc bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân. Đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song cũng theo chia sẻ của cử nhân Trung Anh, thì việc tuyên truyền về các xét nghiệm, đưa thông tin đến với cộng đồng nói chung, các cán bộ y tế, bác sĩ lâm sàng nói riêng chưa đạt hiệu quả cao. Làm thế nào để bác sĩ lâm sàng hiểu về xét nghiệm, sử dụng được xét nghiệm của Khoa; để nhân dân hiểu được Bệnh viện đang làm những xét nghiệm gì, tầm quan trọng của các xét nghiệm…, là mối trăn trở lớn của anh và các đồng nghiệp. Mặc dù về trình độ, trang thiết bị máy móc ở Bệnh viện tương đương tuyến cuối, nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân nặng cần kỹ thuật cao vẫn muốn xuống Hà Nội chữa trị. Khả năng giữ được bệnh nhân vì thế cũng gặp khó khăn. Vì vậy, việc đưa các kỹ thuật cao vào khám, điều trị, tạo niềm tin cho bệnh nhân là điều các bác sĩ trong Khoa nói riêng, của Bệnh viện nói chung đang nỗ lực thực hiện từng ngày.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện, thì Bệnh viện hiện đã triển khai được khoảng 100 kỹ thuật mới, duy trì những kỹ thuật cao như ghép thận, phẫu thuật tim hở, tim kín, tim mạch can thiệp; thay khớp gối, khớp háng… Năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm ghi dấu nhiều bước tiến mới, các trang thiết bị, khoa học kỹ thuật bám sát kỹ thuật đầu ngành sẽ được Bệnh viện cố gắng triển khai trong thời gian 6 tháng sau khi trung ương triển khai. Phát triển mạnh kỹ thuật đơn vị đau, một đơn vị mà ngay cả đầu ngành cũng chưa có. Sẽ giải quyết tất cả các vấn đề đau: cột sống, đầu, xương khớp, đau do ung thư với phương pháp giảm đau bằng châm kim. Tiếp đó sẽ triển khai hệ thống xạ trị cho cả vùng; đầu tư hệ thống chẩn đoán hình ảnh hàng đầu khu vực… Khoa Miễn dịch - Di truyền Phân tử sẽ đặt thêm hệ thống sinh học phân tử tự động hoàn toàn; triển khai thêm xét nghiệm định lượng virut HIV, phục vụ cho hơn 4000 bệnh nhân HIV được quản lý và điều trị tại Thái Nguyên.
***
Một năm tiếp nối, phát huy những thành quả đã có được trong ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào khám, điều trị bệnh; hành trình tạo dựng niềm tin và sự sống cho bệnh nhân, là những nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ trong việc tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới hiện đại. Đó là đòn bẩy đưa Bệnh viện Trung ương vươn tầm trong khu vực và cả nước.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...