Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
10:52 (GMT +7)

Vững vàng trong gian khó

Phục hồi mạnh mẽ

Nhìn vào bảng thống kê số liệu đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có thể hình dung rõ hơn nhận định này. Ở lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 ước tính tăng 8,25% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,18%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 7,5%.

Đặt con số 8,25% trong bối cảnh từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay càng thấy tầm quan trọng của nó. Bởi, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này đặt ra là tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8%/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020 tỉnh chỉ đạt tăng trưởng 4,24%; năm 2021 đạt 6,51%. Chính vì vậy, việc “bứt tốc” của năm 2022 có vai trò quan trọng trong việc quyết định khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ.

Kết quả này có được là nhờ công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển khá, dịch vụ có sự bứt phá mạnh mẽ nên cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2022 tiếp tục xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm thủy sản. Cụ thể, cơ cấu khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 58,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,5%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,6%.

GRDP bình quân đầu người ước đạt 106,6 triệu đồng, bằng 101,5% kế hoạch, tăng 12,1% (tương đương tăng 11,5 triệu đồng/người/năm) so với năm 2021.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Ảnh: Mạnh Hùng

Có thể nói, những khó khăn tiếp diễn trong thời gian vừa qua giống như một phép thử về khả năng chống chịu, mức độ bền vững của kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh đó, những khó khăn đó cũng chính là cơ hội để nhiều thành phần kinh tế có bước chuyển dịch từ sản xuất, kinh doanh truyền thống sang tận dụng môi trường số. Sự linh hoạt thích ứng ấy đã giúp giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Chia theo khu vực kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính năm 2022 của khu vực kinh tế trong nước trước bộn bề khó khăn vẫn có những bước tiến đáng ghi nhận tăng 11,7% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa những biến động không dễ lường trước của thế giới vẫn tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng càng trong lúc khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế chung. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đã vượt kế hoạch đề ra, tăng 4,14% so cùng kỳ.

Với cam kết mạnh mẽ “đồng hành cùng nhà đầu tư” cùng với hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát huy hiệu lực ngay từ đầu năm 2022 đã giúp nhiều doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các xu thế mới, mở ra không gian phát triển mới. Nhờ đó, Thái Nguyên vẫn là địa chỉ an toàn và tin cậy với các nhà đầu tư.

Tính cả năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 59,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2022, tuy toàn tỉnh có 620 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 70 doanh nghiệp giải thể, nhưng cũng cấp mới đăng ký kinh doanh cho 796 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 8.495 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi cho 2.157 doanh nghiệp, cấp thành lập đơn vị trực thuộc 564 đơn vị. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 8.818 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 129.090 tỷ đồng.

Dự ước đến hết năm 2022, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập (lũy kế) đạt 8.850 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch đề ra.Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,4% so cùng kỳ, vượt kế hoạch.

Đó là những điểm sáng trong bức tranh công nghiệp, khu vực chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Các doanh nghiệp sản xuất dần phục hồi và phát triển sau những tháng đầu tiên của năm 2022, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Trong ảnh: Xuất hàng tại Công ty cổ phần Prime Phổ Yên. Ảnh: Mạnh Hùng

Phát huy nội lực…

Thời gian dịch bệnh hoành hành và những sự kiện cho thấy sự bất ổn của tình hình thế giới, một số sai phạm của các cán bộ từ trung ương đến địa phương trong cả nước… có tác động nhất định đến tình hình phát triển chung, nhưng cũng cho thấy năng lực quản lý, điều hành và nỗ lực vươn lên của chính quyền tỉnh.

“Đầu tư công” có lẽ là một trong những cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong vài năm trở lại đây. Trong đó, phần lớn là những thông tin thiếu tích cực liên quan đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Thậm chí nhiều địa phương phải xin hoàn vốn vì không thể thực hiện được. Năm 2022 cũng không phải là ngoại lệ. Thông tin tại Hội nghị trực tuyến ngày 1/12 do Bộ Tài chính tổ chức với các bộ, ngành, địa phương để báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng năm 2022; triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân tháng cuối năm cho thấy:

Năm 2022, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước được Thủ tướng giao vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài trên 34.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 11, tiến độ giải ngân mới đạt trên 26% kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý có 114 dự án tiến độ giải ngân bằng 0. Hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có văn bản đề nghị xin hoàn trả, giảm vốn, với tổng số vốn trên 12.800 tỷ đồng, chiếm trên 36% tổng số vốn giao...

Nhưng bằng sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo điều hành, tỉnh Thái Nguyên đã có những nỗ lực được ghi nhận. Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là trên 693 tỷ đồng, ở 6 dự án. Tính đến hết tháng 11, lũy kế thanh toán vốn của tỉnh là trên 390 tỷ đồng, đạt trên 56% kế hoạch giao (gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước).

Thái Nguyên vẫn là điểm đến tin cậy với nhiều nhà đầu tư trong năm 2022. Ảnh: Mạnh Hùng

Bên cạnh đó, trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới, dự ước kết quả năm 2022 toàn tỉnh sẽ có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra. Như vậy, tính đến hết năm 2022, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 119 xã (bao gồm 9 xã đã lên phường của thành phố Phổ Yên).

Kinh tế phát triển ổn định, công tác an sinh xã hội được chú trọng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) toàn tỉnh dự ước giảm được 1%, từ 6,14% xuống còn 5,14%. Công tác chăm lo cho người có công, thân nhân các liệt sĩ, người yếu thế, lao động ở khu vực nông thôn được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động được tổ chức thường xuyên. Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động năm 2022 được tổ chức với 20 hoạt động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên và 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thu hút sự tham gia của 155 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, 8 Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh. Kết quả có 5.300 lượt người được tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm; 1.600 người đạt phỏng vấn sơ loại và kết nối việc làm thành công; hỗ trợ học nghề cho 65 người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nhiều dự án mới với quy mô lớn được triển khai thực hiện tạo xung lực trong phát triển kinh tế của Thái Nguyên và các tỉnh lân cận

Một năm bộn bề khó khăn sắp qua. Dẫu thách thức trước mắt còn nhiều, nhưng những cố gắng của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đã thêm một lần khẳng định tinh thần, ý chí và quyết tâm vượt khó của Thái Nguyên. Đây sẽ là tiền đề để chúng ta bước vào năm mới với nội lực mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Phú Khang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy