Thứ sáu, ngày 18 tháng 04 năm 2025
14:00 (GMT +7)

Vừng ơi… mở cửa ra

VNTN - Tôi đứng ở lưng dốc vào bản Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), phóng mắt nhìn bốn bề đều thấy núi. Và thõng dưới chân núi là từng khe nước, nham nhở đá, ẩm mốc rêu xanh, hình như thấp thoáng đâu đó những sắc chàm lặng lẽ kiếm cá, tìm măng. Không riêng ở Sảng Mộc, mà hầu hết các vùng nông thôn, miền núi của Thái Nguyên, những đứa trẻ từ lúc biết nghĩ đã phải “ướm” bàn chân mình vào vết chân bố mẹ. Bám rừng, bám ruộng, chạy đuổi theo mùa vụ mà khó nghèo chẳng buông tha. Nhưng đấy là chuyện trước đây.

Từ năm 2011 đến 2020, toàn tỉnh có gần 18.000 người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ. - Trong ảnh: Học viên tham gia lớp đào tạo nghề may công nghiệp được tổ chức tại xã Vũ Chấn (Võ Nhai) từ tháng 8 đến hết tháng 10/2020.

Tôi đã nghe câu chuyện cổ tích về chàng trai Alibaba, nhờ biết câu thần chú: “Vừng ơi… mở cửa ra” mà có được kho báu mang về chia cho dân làng cùng hưởng. Đề án Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956-QĐ/TTg năm 2020, của Chính phủ cũng như câu thần chú của Alibaba, giúp người dân mở ra một cuộc đời mới. Nhiều nông dân sau học nghề, vận dụng kiến thức học được vào đời sống lao động, mang lại nguồn thu nhập cao. Bà Trương Thúy Hồng, chuyên viên Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tâm đắc: Hơn cả đặt vào tay người nông dân chiếc cần câu, Đề án 1956 đã góp phần quan trọng trong thực hiện nâng cao trình độ, tay nghề cho LĐNT. Hơn thế, Đề án tạo được động lực cho người nông dân dám dứt bỏ tập quán tự sản, tự tiêu; mạnh dạn tham gia các lĩnh vực lao động sản xuất phi nông nghiệp; góp phần tăng cao số lượng người lao động qua đào tạo trên toàn tỉnh, nếu như đầu năm 2016 tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 58,1%, trong đó 25,4% có văn bằng, chứng chỉ; thì năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó 30,5% có văn bằng, chứng chỉ.

Đến xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), vào thăm mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Miêu Văn Tân, dân tộc Sán Dìu. Ông Tân đón khách bằng một ấm trà mộc tự sao lấy, đoạn bảo: Chè này làm hỏng, bán không được nên để nhà uống… Thực thà đến thế là cùng. Tôi thầm nghĩ và nhận ra rằng chè không ngon, nhưng cái phong thái trò chuyện đầy “chất quê” của bác chủ nhà thật đậm đà, tình cảm. Sau tham gia lớp ĐTN chăn nuôi, thú y, ông Tân mạnh dạn bỏ ra cả trăm triệu đồng để nâng cấp chuồng trại, đầu tư chăn nuôi gà từ quy mô 1.000 con/lứa, lên 6.000 con/lứa. Ông Tân khề khà như muốn giấu, cũng như muốn khoe: 1 năm tôi xuất chuồng 3 lứa; bình quân 1 con gà nặng 2,5kg, với giá bán 52.000 đồng/kg; nhờ anh tính hộ, 1 năm tôi thu được bao nhiều tiền?... Nói xong, ông đứng phắt dậy kéo tôi ra sau nhà, chỉ đàn gà lông vàng nuôi theo phương pháp bán chăn thả, bảo: Vàng cũng là gà, mà gà cũng là vàng. Đề án đào tạo nghề đã cho nông dân chúng tôi chìa khóa mở cửa kho vàng đấy. Tôi lật mở cuốn sổ tay, tìm được ở đó những con số thống kê từ 10 năm trước. Chính xác vào tháng 9/2010, Thái Nguyên có dân số nông thôn hơn 866.000 người, chiếm 76,12% dân số toàn tỉnh, riêng ở độ tuổi lao động có hơn nửa triệu người, và gần 80.000 người có nhu cầu học ở 262 nghề khác nhau, trong đó cao đẳng nghề 3.653 người; trung cấp nghề 10.832 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 64.613 người. Đặc biệt có 31.650 LĐNT là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, như người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất, đất ở. Trên cơ sở về kết quả điều tra, cơ quan chức năng của tỉnh dự báo về nhu cầu sử dụng lao động thực tế. Cụ thể đến năm 2015, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn cần thêm 114.300 lao động so với năm 2010, trong đó công nghiệp và xây dựng 60.000 người, dịch vụ 54.300 người. Đến năm 2020 cần thêm 130.600 lao động so với năm 2015, trong đó công nghiệp và xây dựng 59.000 người, dịch vụ 71.600 người.

 

Sau tham gia lớp học về trồng ngô trên đất dốc, người Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long

(Đồng Hỷ) trồng được cây ngô cho bắp to, có hạt mẩy hơn.

Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề của Sở LĐTB&XH cho biết: Căn cứ vào các kết quả điều tra về LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhu cầu học nghề của LĐNT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” trên toàn tỉnh. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ 2010 đến 2015; giai đoạn II từ 2016 đến 2020. Theo đó nhiều cơ sở ĐTN, dạy nghề được thành lập mới. Hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở dạy nghề đang hoạt động có hiệu quả, gồm 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 17 cơ sở khác tham gia ĐTN theo Đề án 1956 của Chính phủ, với tổng số 415 giáo viên tham gia dạy nghề, trong đó thuộc khối các cơ sở dạy nghề là 343 người; thuộc các cơ sở giáo dục là 24 người, cơ sở khác là 48 người.

Để không lãng phí tiền của của Nhà nước; không làm phiền, gây mất thời gian của người dân và không chạy theo số lượng, tỉnh tập trung đào tạo các nghề gắn với thế mạnh địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh cũng có chỉ đạo là: Chỉ thực hiện ĐTN cho những người có nhu cầu học nghề thật sự. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT tỉnh, cho biết: Sau 10 năm, toàn tỉnh có gần 59.000 lượt LĐNT được tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm, trong đó gần 49.000 LĐNT đã được ĐTN từ nguồn ngân sách Trung ương. Hiện 45.738 người đã học xong; gồm gần 28.400 người học nghề phi nông nghiệp; hơn 17.300 người học nghề nông nghiệp. Sau đào tạo có hơn 35.000 LĐNT có việc làm, trong đó có hơn 14.000 LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng; gần 4.000 LĐNT được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hơn 15.600 LĐNT tiếp tục làm công việc cũ, nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên. Đặc biệt có gần 2.000 LĐNT tự tin, đứng ra thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Tìm hiểu về hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, tôi được nghe nhiều cán bộ làm công tác quản lý cho rằng: Giai đoạn I giống như một khởi động hiệu quả, để bước vào thực hiện Đề án giai đoạn II nhanh, mạnh, thiết thực hơn. Cụ thể ở giai đoạn 2016 - 2020, trên toàn tỉnh có gần 20.000 LĐNT được tuyển sinh và đào tạo nghề, trong đó hơn 7.800 người học nghề phi nông nghiệp; hơn 12.000 người học nghề nông nghiệp. Trong quá trình ĐTN cho LĐNT đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Điển hình như mô hình về kỹ thuật gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại thị xã Phổ Yên. Các mô hình này thu hút hàng nghìn lao động, với thu nhập bình quân từ 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt có lao động đạt 12 triệu đồng/tháng. Ông Lương Anh Văn, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Văn Sáu, xã Trung Thành (Phổ Yên) cho biết: Cơ sở có 30 lao động, hầu hết đều có tham gia các lớp đào tạo nghề của tỉnh, nên cơ sở không phải đào tạo lại. Cùng ở xã Trung Thành, ông Khúc Văn Xuân, chủ một cơ sở mộc ở xóm Thanh Xuyên 4, ví von: “Không thày đố mày làm nên”, gần chục lao động đang làm việc tại cơ sở đều tham gia các lớp đào tạo nghề của Đề án 1956. Do vậy họ sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị chế biến gỗ như máy đục điều khiển bằng vi tính, hệ thống phun sơn.

Ly nông không ly hương - đó không phải là khẩu hiệu, biểu ngữ, mà là hành động rất cụ thể tại các vùng nông thôn. Việc LĐNT đi học nghề mới, như nấu ăn, gia công cơ khí, điện, nước, làm tóc, cắm hoa, nề, mộc… đều nhằm mục đích tìm được việc làm mang lại thu nhập cao hơn. Ông Ma Doãn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đình (Định Hóa) cho biết: Địa phương có nhiều người lao động được học nghề, rồi đi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Hằng năm họ đều mang tiền lương về cho gia đình sắm sanh, làm lại nhà ở để ổn định cuộc sống... Ông Dũng cho biết thêm: Nhiều nhất vẫn là nghề may công nghiệp. Nổi bật phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, một trong những đơn vị đồng hành cùng Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh. Trong cả 2 giai đoạn, Công ty đã phối hợp với các địa phương tổ chức chiêu sinh, mở 360 lớp ĐTN may cho LĐNT. Sau đào tạo, Công ty đã tuyển dụng gần 9.000 người vào làm việc. Mức thu nhập của người lao động năm sau luôn cao hơn năm trước, từ 3,8 triệu đồng/người/tháng năm 2013 lên 7,1 triệu đồng/người/tháng năm 2020. Chị Triệu Thị Hồng, xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) cho biết: Tôi là người dân tộc Dao. Năm 2019 tôi tham gia lớp học nghề may công nghiệp. Sau đó được Công ty TNG Thái Nguyên tuyển dụng vào làm việc, với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, bao gồm cả làm tăng ca. Nhờ có việc làm mới, thu nhập ổn định, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Trong ĐTN, ở Thái Nguyên không thể không nhắc đến việc ĐTN cho nông dân vùng chè. Đã có hàng trăm lớp đào tạo về trồng chè, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu chè. Chính vì thế mà những năm gần đây, không chỉ ở các xã vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ), mà nhiều vùng chè khác của tỉnh nông dân đã sản xuất, chế biến được chè đặc sản, với giá bán 2 triệu đến 3 triệu đồng/kg, tăng gấp 10 lần so với sản xuất chè thông thường. Bà Đào Thị Thức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè an toàn Phục Linh (Đại Từ) cho biết: Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề, chúng tôi thấy mình được mở mang tầm nhìn, biết liên kết lại với nhau thành hợp tác xã để cùng xây dựng thương hiệu chè Phục Linh… Tâm huyết với chuyên môn, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH, người gắn bó với Đề án đào tạo nghề nhiều năm đúc kết: Tốt nghiệp lớp học nghề, nhiều LĐNT tự thay đổi được chính mình. Các yếu tố là kiến thức, khoa học kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm sản xuất tạo cho người LĐNT động lực vượt qua rào cản tự ti chuyển sang tự tin, dám đầu tư trong làm kinh tế, vượt khó, xóa nghèo. Nhớ dạo tháng 9 năm 2020, về xã Vạn Phái (Phổ Yên), tôi được chứng kiến một lớp ĐTN dành cho người khuyết tật, do Trung tâm Dạy nghề người tàn tật Thái Nguyên tổ chức. Một lớp học đặc biệt dành cho những người không có cơ thể lành lặn, hoặc tinh thần bất bình thường. Chị Lê Thị May, giáo viên dạy nghề chia sẻ: Tôi đã dạy nghề chăn nuôi, thú y cho hàng trăm người tàn tật. Họ nhìn tôi như một tấm gương, và tôi cố gắng giúp họ “tỏa sáng” bằng cách giúp mỗi người biết lao động sản xuất khoa học, hiệu quả… Rồi khi lên Vũ Chấn (Võ Nhai), vào thăm lớp học may công nghiệp, tôi gặp ở đó những học viên là người Dao Vũ Chấn, người Mông Sảng Mộc, người Tày Nghinh Tường… đang cặm cụi với công việc tập cắt, may. Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên dạy nghề (Trung tâm dạy nghề Thái Nguyên) cho biết: Đồng bào các dân tộc vùng cao có đức tính cần cù, chịu khó, nhưng vì thiếu đất sản xuất, nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Vì thế tôi giúp họ có nghề may mặc. Có nghề, họ có cơ hội tìm việc làm mới, hoặc tham gia xuất khẩu lao động, mang tiền công về cho gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, giảm nghèo bền vững... Tôi quay sang hỏi chị Hoàng Thị Tấu, dân tộc Mông. Chị cho biết: Nhà mình ở bản Khuổi Mèo. Từ nhà mình đến lớp học dài hơn 30 km, nhiều hôm phải mang theo con nhỏ đến lớp. Vất vả, nhưng được chồng khuyến khích: cố học lấy cái nghề, sau đi làm công ty, tiền lương mỗi tháng bằng cả năm chồng làm rẫy đấy!

Chặng đường 10 năm thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT được khép lại. Nhưng trên suốt hành trình ĐTN luôn gắn bó với sự vận động, phát triển xã hội, đã luôn mở ra, và tiếp tục mở ra nhiều cơ hội về việc làm mang lại thu nhập cao hơn cho LĐNT. Theo báo cáo giảm nghèo của tỉnh: Từ năm 2011 đến năm 2020, trên toàn tỉnh có gần 60.000 hộ thoát nghèo; 47 xã thuộc Chương trình 135 và 6 xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã, 75 xóm, bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Những con số ấn tượng khắc vào bản thành tích chung của tỉnh. Ở đó tôi thấy được giọt mồ hôi lấp lánh của đội ngũ cán bộ tâm huyết, và của bao LĐNT, cùng hợp tác trong chuyển giao nghề và tiếp nhận nghề. Và trong lần trở lại Khuổi Mèo này, trời mới mờ sớm, sương muối còn lảng vảng, lặng lẽ tan dần dưới chân, tôi chợt nhận ra niềm vui trào dâng từ lòng mình, bởi đói nghèo trên những vùng đất khó đang đi về miền cổ tích. Những nông dân nghèo sau khi được ĐTN, đã thay đổi được cuộc sống của mình và gia đình. Chàng Alibaba trong cổ tích mở được cửa kho báu nhờ lời chú “Vừng ơi...”. Còn LĐNT Thái Nguyên “mở được cửa kho báu”, thoát được nghèo bền vững bởi dám thay đổi mình, dám tiếp cận với công việc mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những ngọn núi ký ức

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Đào Thanh Tịnh và nghiệp y võ

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Tuổi trẻ và khát vọng cống hiến

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Ngàn thu sự nghiệp nổi từ đây!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước