Vùng đất Thái Nguyên qua một số di vật, cổ vật
VNTN - Gắn liền với thời kỳ tỉnh Thái Nguyên được thành lập (ngày 4/11/1831), chúng tôi giới thiệu một số cổ vật quý có giá trị của tỉnh được ra đời dưới triều nhà Nguyễn.
Sách Đại Nam thực lục, tập 3, trang 219 có ghi: Năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12 (1831), mùa đông, tháng Mười, ngày mồng Một (Dương lịch ngày 4/11/1831). Triều đình nhà Nguyễn làm lễ Đông hưởng, trong đó có việc thay đổi chính sách thuế khóa, bổ sung luật pháp, đổi tên, sáp nhập một số đơn vị hành chính trong nước; xem việc của dân vùng đói, giảm thuế nơi mất mùa, thôi bổ các chức sắc quan lại từ trung ương đến địa phương. Việc chia lại địa hạt các tỉnh, cùng một lúc vua cho ban bố địa hạt, cương vực các tỉnh trong nước. Theo đó, vua Minh Mệnh phê chuẩn đổi trấn Thái Nguyên thành tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh Thái Nguyên quản lý hai phủ là Thông Hóa và Phú Bình, gồm 9 huyện là: Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Động Hỷ, 2 châu là Bạch Thông và Định Châu (1).
Từ đó đến ngày nay đã qua biết bao biến cố, thăng trầm, mặc cho sự nghiệt ngã của thiên tai, địch họa nhưng trên mảnh đất thân yêu này vẫn tồn tại, lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa.
1. Chuông đồng chùa Úc Kỳ, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình
Chuông đồng cao 1,2m, nặng 100kg, dáng chuông khum thanh thoát, đẹp. Quai chuông đúc hai con rồng đấu lưng nhau, tạo hình tinh vi, sắc nét. Thân chuông chia làm 4 múi có 4 núm tròn, chia từng ô khắc chữ Hán “Ngọc Sơn tự chung” (Chuông chùa Ngọc Sơn), 4 ô trên có 2 ô khắc chữ Hán, nội dung địa danh di tích, lý do đúc chuông, trọng lượng quả chuông và niên đại. 4 ô phần dưới chuông được khắc nổi đề tài tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng, nét khắc nổi rất tinh vi thể hiện từng con linh vật rất sinh động, đặc biệt là hình dáng đang bay lượn của rồng và phượng. Niên đại chuông đúc vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831).
Đây là 1 trong 5 quả chuông được ra đời thời Minh Mạng (1820 - 1840) ở tỉnh Thái Nguyên (chuông chùa Sơn Dược, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ (1829), chuông chùa Nghênh Phúc, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên (1830), chuông chùa Đồng Mỗ (1831) và chuông chùa Huống, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên (1838)).
2. Bia đá chùa Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình
Bia cao 75cm, rộng 45cm, dày 15cm, trán bia hình bán cung khắc nổi hình con dơi trong lá đề, mũi nở, mắt lồi, dưới miệng có chữ Thọ, cánh soãi trong tư thế đang bay lượn rất sinh động. Diềm của bia được khuôn thành hình để trơn không trang trí hoa văn. Đây là tấm có họa tiết trang trí hiếm gặp. Bia có 2 mặt khắc chữ. Mặt trước khắc dòng chữ: Hậu Phật chi bi (Bia bầu Hậu Phật của chi họ). Toàn bộ văn bia có khoảng 450 chữ Hán Nôm. Nội dung mặt 1 bia khắc bài ký kể một gia đình người địa phương hằng tâm, hằng sản công đức tiền, ruộng tu bổ chùa được lập bia thờ ở chùa. Mặt 2 của bia chữ khắc to hơn, gồm 1 dòng niên đại ở giữa và 1 bài minh bằng thơ theo thể 4 chữ, 5 câu, nội dung ca ngợi công đức, giáo lý nhà Phật. Bia được lập vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831).
3. Bia đá chùa Lũ Yên, xã Đào Xá, huyện Phú Bình
Chùa Lũ Yên xưa là một ngôi chùa cổ ở bờ bắc dòng sông Máng thuộc làng Lũ Yên, xã Đào Xá, huyện Phú Bình. Hiện nay, chùa đang được trùng tu, tôn tạo lớn. Tại khu vực chùa còn 10 tấm bia đá cổ và 1 khánh đá cổ thuộc loại lớn. Trong đó có 3 tấm bia được lập dưới thời vua Minh Mạng thứ 11 (1830).
Bia thứ nhất mang tên Hậu Thần bi ký (Bài ký bầu hậu Thần), có 2 mặt khắc chữ. Chữ trên bia còn rõ nét, toàn văn có 500 chữ Hán. Đặc biệt bia được làm bằng đá cứng khi gõ vào thì có tiếng kêu như chuông, tiếng trong thanh lạ. Văn bia có đoạn: Thường nghe: Thần là người chính trực, vô tư, tối cao, làm những điều huyền diệu cho con người, thì thường được con người tôn vinh. Tại bản xã ta có ông Phạm Tuấn Cung, bà Phạm Thị Mao, bà Phạm Thị Úc, bà Phạm Thị Quýnh, là người trung hậu. Vào năm Quý Mùi (1823) bản xã tu tạo lại đình, các ông, bà đã xuất tiền riêng 100 quan, tiền công 150 quan tiền để thuê thợ mộc, cộng thêm công của dân đóng góp. Đến năm Tân Mão thì công việc tu tạo miếu đường cũng vẫn còn thiếu tiền để trả công cho thợ mộc và thợ nề, các ông, bà trên lại bỏ ra 180 quan tiền cho bản xã và 2 mẫu ruộng tốt để trang trải tu bổ đình làng. Bởi vậy, bản xã đã họp nhau lại bầu ông Phạm Tuấn Cung, cha và mẹ ông là Phạm Thời Thông và Nguyễn Thị Kiếm làm Hậu Thần của làng, để ghi nhớ và cúng giỗ ở đình làng. Lập bia vào ngày 18 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 12 (1812). Người soạn văn bia là cựu Xã trưởng Trần Quốc Bình.
Bia thứ 2 cũng khắc 2 mặt có tiêu đề Hậu Phật bi ký - Lũ Yên xã vạn cổ lưu phương (Bài ký bầu hậu Phật của xã Lũ Yên, vạn năm còn lưu danh tiếng thơm). Văn bia có đoạn: Vào năm Ất Mùi bản xã tu tác chùa Phật làm tòa Tam Bảo còn thiếu tiền để trả công thợ, lại đến năm Kỷ Hợi cũng lại thiếu tiền trả công cho thợ tô tượng. May mắn thay, bản xã ta có bà Phạm Thị Úc, Nguyễn Thị Nhi, Vũ Thị Ngọc đã ứng ra 10 quan tiền và 5 sào ruộng tốt giao cho bản xã trả tiền công cho thợ. Bản xã nhất trí tôn bầu các vị trên làm Hậu Phật. Các tiết lệ thờ cúng được lưu truyền lâu dài, bản xã lập điều ước, sau này có kẻ muốn làm sai đi thì thề có long thần, đại vương tru diệt, vậy lập bia ghi lại. Văn bia lập vào ngày 12 tháng 1, hoàng triều Minh Mạng năm thứ 11 (1830).
Bia thứ 3 hình thức cũng giống như các tấm bia nói trên, mang tiêu đề Lũ Yên xã Hậu Phật bi ký (Bài ký ghi nhớ bầu Hậu Phật của xã Lũ Yên). Bia ghi rằng: Mảng nghe: Lấy tài sản của mình mà đem làm công đức thì được người đời khen ngợi, mà việc đó tất sẽ có báo đáp ghi nhớ công ơn. Nay bản xã ta có ông Phạm Tuấn Cung, bà Văn Thị Trường đã ứng xuất tiền 30 quan. Sau lại bỏ ra 15 quan tiền cổ giao cho bản xã thêm một thửa ruộng tốt 5 sào để trang trải việc công, thật là vợ chồng lương thiện, hằng tâm, hằng sản lúc nào cũng vì bản xã. Bản xã nhất tâm tôn bầu ông Phạm Tuấn Cung, bà Văn Thị Trường là Hậu Phật ghi vào bia đá lưu truyền vạn đại. Hằng năm vào ngày mồng 5 tháng 12 và ngày mồng 9 tháng Giêng lễ Thượng nguyên duy trì cúng tại bia, 2 bàn cúng Phật, cúng Giàng cũng y như cúng Hậu. Cúng xong, hạ lễ, bản xã cùng ăn uống. Bia lập vào ngày 22 tháng 12 triều vua Minh Mạng năm thứ 12 (1831). (Văn bia không ghi người soạn văn, người khắc bia).
4. Chuông chùa Nghênh Phúc, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên
Chùa Nghênh Phúc được xây dựng thời điểm nào chưa rõ. Hiện nay chùa nằm ở trung tâm của làng Phù Lôi, xã Thuận Thành, sát ngay đường liên xóm. Chùa ở phía bờ bắc sông Cầu. Chùa còn một số hiện vật như quả chuông cổ, cột đá, chó đá, tượng Phật, trong đó đáng chú ý có quả chuông bằng đồng. Chuông cao 90cm, không kể quai, chu vi 55cm, thân chuông được chia làm 4 ô, các ô đều được khắc chữ Hán. Hoa văn trang trí trên thân chuông chủ yếu là đôi rồng đấu lưng tạo thành quai chuông. Đôi rồng được tạo hình khỏe khoắn, thân hình rồng mập mạp, mình có nhiều vẩy, bờm và sừng rồng dài, móng nhọn. Đôi rồng trong tư thế gồng mình lên tạo thành quai chuông chắc chắn. Nét chữ khắc trên chuông khá tinh vi, điêu luyện, chữ Hán được khắc khá sâu, rõ ràng, chữ viết theo thể chữ chân. Vai chuông hình khum, cong nhẹ, miệng chuông tròn, loe để trơn không trang trí hoa văn. Thân chuông chia làm 2 lớp, lớp trên to hơn lớp dưới. Các ô được chia ra thành những gờ ngang và dọc, 4 ô đứng và ô nằm. Chuông có 4 núm chia đều bốn bên, núm chuông có những hạt tròn như tràng hạt. Phần 4 góc ô trên trang trí hoa dây hình sóng nước.
Phần ô dưới được khuôn thành hình chữ nhật. Khoảng giữa 2 ô trên và ô dưới người ta đúc 1 đường gờ nổi hẳn lên, 2 bên trang trí đường diềm hoa chanh liên hoàn. Trên cùng ô lớn có khắc nổi hình lá đề. Trong mỗi lá đề khắc đại tự tên của quả chuông: “Nghinh Phúc tự chung” (Chuông chùa Nghinh Phúc). Cả 4 mặt chuông đều được khắc kín chữ Hán. Nội dung ghi bài luận về nhà Phật, lý do đúc chuông, vài nét sơ lược về lịch sử ngôi chùa và họ tên những người công đức đúc chuông. Trong phần mở đầu bài ký có một bài thơ hay thể chữ, tổng cộng có 16 câu, nội dung ca ngợi cảnh đẹp và tấm lòng công đức, khuyến khích nhân dân hướng về cái thiện. Bài thơ có giá trị nghiên cứu về mặt nghệ thuật. Chuông được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 11 (1830).
5. Sắc phong của đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương
Sắc cho xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyễn thờ Cao Sơn Quý Minh tôn thần (tức Dương Tự Minh) người đã có công phù hộ cho đất nước và giúp đỡ cho nhân dân. Hằng năm thờ cúng đều có linh ứng, nhà nước đều có ban tặng sắc phong. Vị thần tối linh hãy che chở cho đất nước, bảo vệ cho nhân dân. Niên đại Minh Mệnh năm thứ 2 (1821). Di vật này là một trong 11 đạo sắc phong của đền Đuổm được bảo tồn đến thời điểm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử và thắng cảnh tại Quyết định số 774/QĐ-BT ngày 21/6/1993. Đền Đuổm là một di tích lớn, nơi thờ chính Dương Tự Minh, một danh nhân lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, ông có tầm ảnh hưởng cực kỳ sâu xa, rộng lớn trong tâm thức nhân dân ở tỉnh Thái Nguyên, vùng Việt Bắc và một số vùng lân cận.
6. Chuông chùa và đền Đồng Mỗ
Thuộc xóm Soi, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên. Chuông đồng của chùa thuộc loại lớn được đúc vào thời Minh Mệnh thứ 12 (1831) sau bị thất lạc, nay mới tìm thấy tại chùa Xa La, thành phố Hà Đông. Chuông của đền nhỏ hơn được đúc năm Khải Định thứ 2 (1917) có bài thơ hay: Nhân chi vi thiện sự/Thiện sự nghĩa đương vi/Kim thạch do năng động/Quỷ thần kỳ khả khi (Người ta làm việc thiện/Việc thiện nghĩa diễn ra/Vàng đá còn năng động/Quỷ thần cũng kinh sợ).
Bài thơ của Thiền tăng, tên tự là Thanh Lên, chức Thái lão đàn na, trụ trì chùa lúc bấy giờ soạn. Lễ của chùa vào ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố Thái Nguyên được nhân dân lưu truyền qua câu phương ngôn: “Khi Mỏ Bạch khi Xương Rồng, khi Phù Liễn tự, khi Đồng Mỗ am”. Đền và chùa có từ đầu thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn, tuy đã được phục hồi, tôn tạo nhiều lần nhưng còn lưu giữ một số hiện vật quý.
7. Bia và sắc phong đền Túc Duyên
Đền Túc Duyên nằm ở khu dân cư thuộc tổ 8, phường Gia Sàng. Đền có từ xa xưa, thời nhà Lê đã có sắc phong. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp bị tiêu thổ, gần đây được xây dựng lại. Đền thờ Công chúa Thiều Dung, vợ của thủ lĩnh Dương Tự Minh. Tại đền còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: 1 bia đá mang tên Túc Duyên điện hậu bi (bài ký ghi việc mua hậu điền Túc Duyên) dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích và công đức của các chức sắc ở địa phương lúc bấy giờ và 2 sắc phong cho Công chúa Thiều Dung, 1 sắc của nhà Lê niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), 1 sắc của nhà Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Trước cửa đền hiện còn một cây đa cổ thụ tạo nên cảnh đẹp của di tích. Năm 2018, đền đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
8. Bia đá và chuông đồng chùa Sơn Dược, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ
Chùa nằm ở xóm Sơn Dược, là ngôi chùa cổ có nhiều cây cổ thụ như thị, đa. Chùa được nhân dân công đức tu bổ, tôn tạo lớn đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chùa có 2 tấm bia đá lớn cao 80cm, rộng 75cm, dày 20cm, bia có tên Đồng chung bi ký (Bài ký ghi công đức đúc chuông đồng chùa) mỗi bia đều khắc cả 2 mặt với khoảng 2.000 chữ Hán Nôm, niên đại Minh Mạng năm thứ 10 (1829). Nội dung ghi tên người công đức tôn tạo chùa, đặc biệt số đông là người phụ nữ tham gia công đức. Cùng với năm lập bia là quả chuông đồng nặng gần 200 cân, cao 1,2m, thân chuông khum chia làm 4 ô trên và dưới không khắc chữ, đúc 2 con rồng đấu lưng nhau. Đây là những hiện vật quý hiếm có giá trị của chùa Sơn Dược. Ngoài ra chùa còn có 1 cây hương đá ghi công đức các thiện nam, tín nữ công đức vào chùa, niên đại Minh Mạng năm thứ 19 (1840) và 1 bia đá kích thước cao 70cm, rộng 45cm mang tên Hậu Phật bi ký, bia mờ không rõ niên đại. Chùa Sơn Dược là một ngôi chùa cổ có từ lâu đời ở huyện miền núi của tỉnh cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Năm 2009, chùa đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Đình Hưng
------------
(1) Đại Nam thực lục, tập 3, Chính biên, Đệ nhị kỷ - Quyển LXXVI, NXB Giáo dục, H., 2007, trang 219, 227, 230).
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...