Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Vui Tết và… sợ Tết

VNTN - Từ bao đời nay, Tết cổ truyền được coi là quãng thời gian thiêng liêng để gia đình và xã hội thể hiện thuần phong mỹ tục đầy đủ nhất trong cả một năm, tạo nên sự ấm cúng, thân mật và tin cậy giữa người với người - đến mức ở nhiều nơi, hầu như không còn chỗ cho các tệ nạn. Tất cả những gì tốt đẹp mà ngày Tết đã "quy tụ" được có lẽ không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, đâu phải là không có những điều chưa ổn, chưa hay của Tết.

Dễ thấy nhất là, mặc dù đã được Nhà nước quy định số ngày nghỉ cụ thể theo chế độ hoặc kết hợp hoán đổi với làm bù, nhưng trên thực tế, xã hội đã bị "không khí Tết" chi phối từ quãng rằm tháng Chạp cho đến sau rằm tháng Giêng. Vì vậy mà ở chỗ này chỗ khác, người ta không mấy quan tâm đến năng xuất hay hiệu quả công việc trong dịp ấy. Đó là chưa kể, tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi" cũng góp phần để kéo dài sự uể oải, trì trệ... tạo nên sự "quan ngại định kỳ" cho không ít nhà đầu tư nước ngoài. Thật ra, muốn chấm dứt tình trạng này thì chỉ cần sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị..., tự khắc cấp dưới sẽ noi theo.

Những năm gần đây, nhờ kinh tế phát triển và hội nhập cho nên ẩm thực ngày Tết cũng phong phú, đa dạng và hiện đại hơn rất nhiều so với thời cụ Tú Xương còn mơ ước "Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết/ Kiết cú như ai vãn rượu chè". Nhưng kèm theo đó thì hàng giả, hàng nhái, hàng quá đát, hàng kém chất lượng cũng... phổ biến và tinh vi hơn trước gấp nhiều lần. Do đó, chỉ cần vô tình đến mỗi nhà "nếm" một thứ... rượu rởm là cũng đủ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy mà người ta vẫn cứ phải "trăm phần trăm" dù chưa biết là đang uống thứ gì (!). Mặt khác, cho dù phần lớn các gia đình ở khu vực đô thị đều có điều kiện "ăn ngon mặc đẹp" quanh năm nhưng ngày Tết vẫn phải bày vẽ ra đủ lệ bộ, để rồi càng "hoành tráng" càng lãng phí.

Ngay cả chuyện chúc Tết cũng có cái gì đó không thật. Tại sao là hàng xóm, thường xuyên gặp gỡ chuyện trò và cả "buôn dưa lê" với nhau mà ngày Tết lại cứ phải đóng kịch, cứ như thể lâu lắm rồi mới có dịp "tay bắt mặt mừng"? Đành rằng trong thực tế cũng có trường hợp gần nhà xa ngõ, tuy ở gần nhau nhưng chưa có dịp đến nhà nhau; song nhìn chung, chúng ta cần ưu tiên đến chúc Tết người thân, bạn bè... cùng địa bàn nhưng thường ngày ít khi được gặp gỡ. Hình như chúc Tết cũng được gắn liền với việc lì xì, nhưng tập tục này đã biến tướng đến mức không còn mang ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Nói về vấn đề này, tác giả Thái Văn cũng đã có dịp đề cập với bài viết “Nỗi lo... mừng tuổi” đăng tải trên VNTN số 3, ra ngày 19 - 1 - 2016 nên không cần phải nhắc lại.

Có một nghịch lý là, chúng ta hay nói "ăn Tết, vui Tết, nghỉ Tết…” nhưng cũng có vô số người phải kêu lên bởi "mệt mỏi vì Tết, phát ốm vì Tết..." và cả "sợ Tết lắm rồi"! Phải chăng đó là do bị ràng buộc bởi các tập tục vốn được hình thành từ xã hội nông nghiệp, xã hội phong kiến, có khi được du nhập từ phương Bắc... đã không còn phù hợp với thời đại công nghiệp tiên tiến? Vì vậy mà ngày càng có nhiều gia đình đi du lịch trong hoặc ngoài nước vào đúng dịp Tết để được thoải mái, tự do...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự "điều chỉnh", sao cho vẫn là nét đẹp thăm hỏi, chúc tụng nhưng nhẹ nhàng thư thái. Vẫn là những bữa ăn đủ đầy nhưng không lãng phí. Vui chơi mà không quên nhiệm vụ… Có lẽ, để có được những ngày Tết thực sự là những ngày vui thánh thiện của tất cả mọi người, nên chăng phải thay đổi tư duy từ chính mỗi cá thể, trong chính mỗi gia đình Việt.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy