Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
14:38 (GMT +7)

Vua Hàm Nghi – bậc anh hùng cứu quốc

VNTN - Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, có biết bao anh hùng cứu quốc đã xả thân vì đất nước này; họ có thể là những gia nô, gia đồng, có thể là những thiếu niên, cụ già; có thể là người đốn củi và cũng có cả những bậc hoàng đế đã vứt bỏ ngai vàng vì hạnh phúc của muôn dân. 130 năm trước đây, vào ngày 13-01-1889 đã có một nhà vua trẻ vì yêu nước, thương dân mà từ giã Tổ quốc lên đường lưu đày, đó là vua Hàm Nghi.


Lên ngôi trong bối cảnh rối ren của thời cuộc

Nhà Nguyễn có những ông vua bị lên án là bán nước nhưng cũng có nhiều bậc hoàng đế yêu nước đó là: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Từ trên tột đỉnh vinh quang của ngai vàng, điện ngọc, những đấng minh quân đã từ bỏ ngôi vua để cùng nhân dân của mình đấu tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Người mở đầu cho trào lưu các vị hoàng đế triều Nguyễn nổi lên chống giặc chính là đức Hàm Nghi.

Nhà Nguyễn được thành lập sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802. Trải qua 3 đời vua đầu là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, đất nước cơ bản thái bình thịnh trị, nhân dân an lạc. Những năm đầu trị vì của vua Tự Đức, đất nước vẫn giữ được những thành quả mà các triều đại trước đã tạo lập, nhưng giai đoạn này kéo dài không lâu. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (năm 1858), đất nước đã trải qua nhiều phen nghiêng ngả. Đỉnh điểm những rối ren của triều đình và đất nước là giai đoạn sau khi vua Tự Đức băng hà. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi từ khi vua Tự Đức băng hà (tháng 7 năm 1883) đến khi vua Hàm Nghi lên ngôi, đã có 3 ông vua lần lượt bước lên ngai vàng rồi bị phế và bị giết: Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Trong bối cảnh loạn ly ấy, Hàm Nghi được chọn bước lên ngai vàng ngày 02 tháng 8 năm 1884.

Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu là Ưng Lịch, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871 tại Huế. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc (Ưng Đăng) và Chánh Mông (hay Ưng Kỷ), tức vua Đồng Khánh sau này. Người Huế trong thời Đồng Khánh làm vua có câu ca dao: “Một nhà sinh đặng ba vua/ Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”. Ba vị vua trong câu ca dao này chính là 3 anh em ruột của vua: “vua còn” là vua Đồng Khánh, “vua mất” là vua Kiến Phúc và “vua thua chạy dài” chính là đức Hàm Nghi. Thực ra cha ngài chưa bao giờ làm vua, ông là em ruột của vua Tự Đức. Sinh thời vua Tự Đức không có con trai nên đã nhận cả 3 người con của em ruột làm con nuôi của mình. Lịch sử thật trớ trêu khi cả ba người này sau đều lên ngôi vua và có số phận như câu ca dao trên.

Tranh vẽ vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt tại Quảng Bình

Khác với 2 người anh ruột của mình, Ưng Lịch là con của vợ lẽ nên từ nhỏ ông không sống trong cung mà sống ở thôn quê dân dã cùng mẹ đẻ của mình. Khi sứ giả đến đón, cậu bé Ưng Lịch đã rất hoảng sợ và không dám nhận áo mũ người ta dâng lên. Nhà văn Phan Trần Chúc trong cuốn “Vua Hàm Nghi” kể lại chi tiết này theo giai thoại của người dân kinh thành Huế rằng khi ấy triều đình đến đón Ưng Lịch để đưa lên ngôi, ngài lúc này đang chơi khăng với bạn bè ngoài cửa Đông Ba. Thân mẫu ngài nghe nói con được lên làm vua thì quá sợ hãi và lo con mình cũng sẽ chết không rõ nguyên nhân như các vị vua trước đó nên bà đã lăn xả vào đoàn thị vệ khóc lóc thảm thiết không cho họ bắt con mình đi. Sau này, khi nhà vua bị đi đày bà đã không bao giờ gặp lại con mình bởi bà từ trần sau đó không lâu, năm 1889.

Sau khi vua Tự Đức băng hà, vua Dục Đức kế ngôi chỉ ở trên ngai vàng 3 ngày rồi bị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết phế truất. Lần lượt lên ngôi báu là các vua Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Đặc biệt, sau khi vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong bối cảnh phái chủ chiến trong triều đình do Tôn Thất Thuyết đứng đầu đang thắng thế, theo lí khi ấy Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (tức vua Đồng Khánh sau này) là anh và cũng là con nuôi vua Tự Đức sẽ được đưa lên ngai vàng. Tuy nhiên các quan phái chủ chiến nhận thấy nếu đưa một người đã lớn tuổi - 20 tuổi - lên ngôi vua sẽ dễ bị mất quyền.

Và, cậu bé 13 tuổi - Ưng Lịch - đã được chọn lên ngai vàng trong bối cảnh rối ren của thời cuộc.

Khói lửa kinh thành và ban dụ Cần Vương

Hàm Nghi lên ngôi với danh hiệu Đại Nam Hoàng Đế. Nhưng thực dân Pháp không đồng ý, bắt đổi lại là “Hoàng Đế An - Nam” tức chỉ là vua xứ An Nam (Trung Kỳ) mà không phải Đại Nam gồm cả Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Cửa Ngọ Môn xưa nay chỉ dùng cho vua đi nhưng khi tướng Pháp De Courcy đến Huế đã đòi cùng với 500 tên lính Pháp đi vào cửa Ngọ Môn để yết kiến vua Hàm Nghi. Trước yêu sách này, triều đình Huế phản đối, yêu cầu chỉ một mình De Courcy mới được đi qua cửa Ngọ Môn còn binh lính phải đi cửa hông. Nhưng De Courcy không chịu, nhất quyết đòi phải cho tất cả phái đoàn hộ tống y cũng được đi qua cửa Ngọ Môn. Thái độ hống hách, láo xược này của De Courcy khiến cho cả triều đình phẫn nộ.

Đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6 tháng 7 năm 1885 tức 23 tháng 5 năm Ất Dậu, Tôn Thất Thuyết cho quân lính tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ Huế. Bằng vũ khí tối tân, quân Pháp phản công lại, quân ta thua chạy. Sử gia Trần Trọng Kim trong cuốn “Việt Nam sử lược” cho biết: “Trận đánh nhau ở Huế, quân Pháp mất 16 người, 80 người bị thương. Sách Tây chép rằng quân ta chết đến vài nghìn người, còn bao nhiêu khí giới, lương thực và hơn một triệu tiền của đều mất cả”. Ngày 23 tháng 5 âm lịch ở Huế hàng năm đã trở thành ngày giỗ chung của nhân dân Huế để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ kinh thành thất thủ lần này.

Trước tình thế khẩn cấp này, Tôn Thất Thuyết mang vua Hàm Nghi cùng với tam cung xa giá ra Quảng Trị. Đến Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết chia làm hai đoàn: tam cung và những người già yếu trở về lại Huế, nhà vua và các tướng lĩnh theo vua lên căn cứ Sơn phòng Tân Sở thuộc Cam Lộ, Quảng Trị để mưu cuộc kháng chiến lâu dài.

Tại đây, ngày 2 tháng 6 năm Ất Dậu tức là ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam đứng lên tiêu diệt bọn thực dân xâm lược để giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Lời kêu gọi của nhà vua trẻ yêu nước đã lay động lòng người, làm thức tỉnh tâm can giới sĩ phu và nhân dân trong cả nước. Một phong trào rộng khắp từ Bắc chí Nam do các sĩ phu lãnh đạo đã nổi lên chống quân thù làm cho kẻ thù nhiều phen kinh hồn, bạt vía.

Trong khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ngày 19 tháng 9 năm 1985, thực dân Pháp đã đưa anh ruột vua (cùng cha, khác mẹ) là Ưng Kỷ lên ngôi, niên hiệu Đồng Khánh. Khiếp sợ trước phong trào kháng Pháp của nhân dân, thực dân Pháp đã đưa vua Đồng Khánh xa giá tận Quảng Bình để dụ vua Hàm Nghi và các cận thần của nhà vua như: Phan Đình Phùng, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Tôn Thất Thiệp (Tiệp), Tôn Thất Đạm (Đàm) v.v. ra đầu thú nhưng vô hiệu.

Cuộc kháng chiến tại trung tâm đầu não kéo dài được 3 năm trong bối cảnh vô cùng khốn khó, lực lượng của nhà vua dần lùi sâu vào vùng núi rừng. Tháng 9 năm 1888, một suất đội hầu cận nhà vua là Nguyễn Đình Tinh ra đầu hàng quân Pháp và khai rõ tình cảnh cũng như chỗ nhà vua đang đóng quân. Quân Pháp liền sai Nguyễn Đình Tinh về dụ hàng cận vệ của vua là Trương Quang Ngọc để cả hai tên này tìm cách bắt nhà vua cho người Pháp.

Bị bắt và đi đày

Cuộc kháng chiến ngày càng lâm vào khó khăn và Tôn Thất Thuyết phải giao lại cho các con mình bảo vệ nhà vua để ông sang nhà Thanh cầu viện. Tôn Thất Thiệp, con trai Tôn Thất Thuyết được giao bảo vệ nhà vua. Tôn Thất Thiệp thề sẽ sống chết với vua và chặt đầu bất kỳ kẻ nào có ý định đầu hàng quân Pháp.

Ngày 26 tháng 9 năm 1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tinh cùng mấy chục tên lính kéo lên vây làng Trà Bảo là nơi Vua Hàm Nghi đang đóng quân. Nửa đêm, khi chúng xông vào nhà, Tôn Thất Thiệp đang ngủ nên bị đâm chết. Vua Hàm Nghi cầm gươm chỉ vào kẻ làm phản Trương Quang Ngọc và nói: “Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây!”.

Hình đám cưới vua Hàm Nghi

Thanh gươm của ngài đã bị một tên phản nghịch giật lấy, nhà vua bị bắt đưa lên võng và sau đó xuống thuyền về Quảng Bình. Một người con khác của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm có trách nhiệm bảo vệ căn cứ, bảo vệ vua, nghe tin nhà vua bị giặc bắt bèn tự vẫn mà chết. Cha ông - Tôn Thất Thuyết sau này phẫn chí ở lại Trung Quốc và mất ở nước ngoài.

Trong cuộc hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi, cả gia đình Tôn Thất Thuyết gồm cha mẹ ông, vợ ông, 2 người em ruột, 4 con trai đã hi sinh vì đại nghĩa. Riêng cha vợ - Nguyễn Thiện Thuật sau thất bại chạy sang Trung Quốc và con rể - Nguyễn Thượng Hiền - theo Phan Bội Châu sang Nhật.

Sau khi bị bắt, nhà vua nói với bọn phản thần và thực dân Pháp: “Thôi ta đành theo mệnh trời, chúng bay muốn làm chi ta thì làm. Ăn thịt ta cũng được!”. Thực dân Pháp vẫn đối xử với nhà vua theo vương lễ và đã có lúc tính chuyện lập ngài làm vua 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị nhưng ngài luôn chối mình không phải là Hàm Nghi. Thực dân Pháp đã có lúc tỏ ý hoài nghi nhưng một lần thầy dạy của vua là Nguyễn Thận vào thăm, nhà vua đứng dậy vái chào thầy nên quân Pháp biết đích xác đây là vua.

Người Pháp đưa vua Hàm Nghi về Huế, họ cũng cho phép nhà vua gặp những người ruột thịt của mình nhưng ngài từ chối: “Tôi thân đã tù tội, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh chị em nữa?”.

Chiều ngày 25 tháng 11 năm 1888, người Pháp đưa nhà vua xuống tàu La Comète vào Sài Gòn. Ngày 12 tháng 12 năm 1888, đưa lên tàu Biên Hòa đi sang Phi châu. Ngày 13 tháng 1 năm 1899 tàu cập bến Alger Thủ đô Algérie, nhà vua bắt đầu cuộc đời lưu đày của mình. Toàn quyền Pháp tại Algérie vốn là một anh hùng trong trận chiến Pháp - Đức 1870 đã đối xử với nhà vua khá lịch sự và cởi mở. Lúc đầu nhà vua cương quyết không học tiếng Pháp và văn hóa Pháp nhưng dần dần nhận thấy lợi ích của việc học tiếng Pháp và văn hóa Pháp nên nhà vua đã không chỉ học thông thạo tiếng Pháp mà còn học âm nhạc, học vẽ, trở thành một họa sĩ tài năng, và thích nghi với cuộc sống mới ở nơi lưu đày. Cũng ở đây, nhà vua kết hôn với một người phụ nữ Pháp là Marcelle Laloe - con gái của một viên quan tòa ở đây. Đám cưới của nhà vua là một sự kiện nổi bật lúc bấy giờ.

Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sống với nhau hạnh phúc và có 3 người con: Công chúa Như Mai (hiện nay có tài liệu chép là Nhữ Mây, nhưng theo nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, gọi như vậy không chính xác) sinh năm 1905, mất năm 1999; Công chúa Như Lý (sinh năm 1908, mất năm 2005) và Hoàng tử Minh Đức (sinh năm 1910, mất năm 1990). Năm 1944, nhà vua từ giã cõi đời tại nơi lưu đày ở Alger hưởng thọ 73 tuổi. Bà Laloe sau này trở về sống cùng con gái là Công chúa Như Mai tại lâu đài Losse ở miền Nam nước Pháp - quê hương của bà - và từ trần vào ngày 5 tháng 9 năm 1974, thọ 90 tuổi.

Hơn 70 năm sau khi nhà vua qua đời, vì nhiều lí do khác nhau nên mộ nhà vua vẫn còn ở nước Pháp. Ở Việt Nam, tên nhà vua được lấy để đặt cho nhiều con đường lớn. Trong tâm khảm của nhiều người Việt Nam vẫn dành cho ông niềm yêu mến, kính trọng và tiếc thương một vị vua anh hùng cứu nước đã vì hạnh phúc của muôn dân mà phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy