Vừa đi đường vừa học
Nghề taxi đúng là nghề làm dâu trăm họ. Tôi được gặp đủ kiểu “mẹ chồng”, “em cô” và vô vàn những tình huống xảy ra khi tham gia giao thông. Đây là một câu chuyện trong muôn vàn lần đi chở khách mà tôi nhớ được.
Một hôm, tôi chạy taxi chở một vị giáo sư ra sân bay Nội Bài. Trên xe, để tăng phần thân mật và để cho đoạn đường ngắn lại, tôi gợi chuyện.
- Từ khi em thôi chức tổ trưởng dân phố đi lái xe taxi, cuộc sống của gia đình cũng bớt phần khó khăn. Người ta vẫn nói nghề taxi là nghề sướng nhất. Suốt ngày được vi vu, đi đây đi đó. Bác được học rộng, theo bác nghề taxi là nghề thế nào ạ?
Vị giáo sư kia hồ hởi tiếp lời bằng một sự uyên bác khiến tôi nể phục.
- Bạn không nghiên cứu báo An ninh Thủ đô đấy à? Không thấy báo hay đưa tin về các vụ cướp taxi, các vụ tài xế taxi hất cảnh sát giao thông lên nắp capo dẫn đến việc dính vòng lao lý. Nhiều vụ tài xế taxi bắt tay với các em chân dài hình thành “liên minh ma quỷ”... Chưa kể nghề taxi luôn phải đảm bảo an toàn cho tính mạng của hành khách trên xe và cả những người tham gia giao thông nữa chứ. Bạn thấy đấy, nghề lái taxi là một nghề nguy hiểm đầy cám dỗ và nhiều tệ nạn.
- Thế nhưng nghề chọn người chứ thật lòng người đâu có chọn được nghề. Vậy nên em gắn bó với cái nghiệp taxi được hơn chục năm rồi đấy bác ạ.
Khi đi qua một giao cắt có đèn tín hiệu, thấy chỉ còn vài giây đèn xanh nữa, tôi cho xe chạy chậm và dừng đúng làn đường dành cho ô tô. Vị giáo sư kia hỏi:
- Thời gian vẫn còn sao bạn không đi tiếp?
Tôi phân tích:
- Ở nút giao thông này, mật độ người và phương tiện dừng đỗ thường đông, lại có nhiều hướng di chuyển, nếu mình vượt lên được không những không nhanh hơn mà có thể còn gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông ở các hướng khác. Do đó, đợi thêm vài chục giây nữa vừa tốt cho mình, vừa tốt cho mọi người bác ạ.
Vị giáo sư kia nghe tôi nói vậy bèn nói:
- Ôi dào, cứ vẽ chuyện. Mình đúng thì mình cứ đi chứ.
Thế là mọi sự kính trọng của tôi về vị giáo sư kia dừng lại như dừng trước màu đỏ của đèn tín hiệu giao thông vậy.
Xe chúng tôi tiếp tục chạy bên làn phải của mình thì đột nhiên có một chiếc xe đen thui bỗng từ bãi đậu chồm ra ngay trước mũi xe. Tôi vội đạp phanh, xe lướt đi và thoát đụng phải chiếc xe kia trong gang tấc. Người lái chiếc xe kia lấc láo liếc xéo chúng tôi rồi chửi rủa. Tôi chỉ mỉm cười và còn vẫy tay chào. Vị giáo sư có vẻ bất mãn về cách xử sự của tôi bèn hỏi:
- Tại sao bạn lại nhát gan như vậy. Mình có sai đâu?
Tôi giải thích :
- Trên đời này không thiếu gì những người mà tâm hồn họ chẳng khác gì… những xe đổ rác! Họ chạy lông nhông ngoài đường, trong lòng tràn trề thất vọng, tức giận và bất mãn với đời. Rác rưởi càng chồng chất trong họ thì họ lại càng muốn tìm được nơi trút bỏ và đôi khi họ nhằm ngay chính chúng ta để trút. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải chuốc lấy đống rác này? Tại sao không chỉ mỉm cười, vẫy tay chào họ, chúc họ khỏi bệnh, rồi tiếp tục con đường của mình.
Tôi thấy vị giáo sư trầm hẳn.
Đến một đoạn đường khá vắng, thấy bên kia đường có một cụ bà đang xách một túi đồ rất nặng, chuẩn bị sang đường. Bỗng nhiên có một đám thanh niên bốn năm người đi ngang qua, xô vào người bà cụ khiến bà đánh rơi túi đồ. Chiếc túi rơi xuống đất, những quả cam ở trong túi lăn ra xa. Chắc có lẽ bà cụ vừa đi chợ về. Đám thanh niên nọ thấy vậy nhưng vẫn không quay lại xin lỗi và nhặt đồ lên giúp bà cụ. Họ chỉ ngoái lại nhìn rồi nhanh chóng bước đi.
Lúc ấy, trên đường cũng khá ít người nhưng cũng không ai dừng lại giúp bà cụ. Thấy vậy, tôi tấp xe vào lề đường nhanh chóng đi đến chỗ bà, giúp bà nhặt những quả cam rơi trên đường. Tôi thấy vị giáo sư kia không phản đối mà đã xuống xe cùng tôi giúp bà lão nhặt đồ. Sau đó, vị giáo sư còn đưa bà cụ sang đường an toàn rồi mới tiếp tục lên xe. Cách ứng xử của vị giáo sư giờ đã khiến tôi thấy ấm lòng.
Đến sân bay, vị giáo sư xuống xe, sau khi rút ví ra trả tiền cho tôi, ông vỗ vai tôi, thân mật nói:
- Hôm nay bạn đã cho tôi một cái nhìn thật khác về cánh lái xe và về văn hóa giao thông. Đúng là có những điều ta học trong nhà trường, trên sách vở. Nhưng cũng có những điều mà ta cần phải học giữa đời thường. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Tôi vui vẻ bắt tay vị giáo sư.
- Chúc bác thượng lộ bình an và có một chuyến công tác thu được nhiều kết quả cao.
Thì ra chúng ta không chỉ cần có cần có tấm lòng tốt, mà phải biết lan tỏa, cho đi mới có thể nhận lại những điều tốt đẹp.
Và tôi nhận ra người tử tế vẫn ở quanh chúng ta, thậm chí ở ngay trong chúng ta. Vấn đề làm sao để nhân lên ngày càng nhiều những việc làm dù nhỏ nhưng ý nghĩa, để môi trường giao thông văn hóa, an toàn hơn.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...