Vụ tập kích Sơn Tây: Thất bại lớn nhất trong lịch sử không quân Mỹ
LTS - 45 năm sau vụ tập kích Sơn Tây để giải cứu tù binh, sự kiện này vẫn mang chứa trong lòng nó những điều bí ẩn. Người Mỹ vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác là vì sao họ lại thất bại. Bài viết sau đây của đại tá quân đội Vũ Khanh, một cộng tác viên quen thuộc của Văn nghệ Thái Nguyên, sẽ cho chúng ta biết nhiều hơn về sự kiện được coi là thất bại lớn nhất trong lịch sử không quân Mỹ.
Câu chuyện về vụ tập kích Sơn Tây có thể được bắt đầu từ mùa xuân năm 1970 khi phía Mỹ tung tin rằng nhiều tù binh Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam bị tra tấn đánh đập hoặc bị bỏ đói. Vào thời điểm đó, có khoảng 450 lính Mỹ bị bắt làm tù binh ở Đông Nam Á, trong đó khoảng 80% ở Bắc Việt Nam. Hơn một nửa trong số họ đã bị giam hơn 2.000 ngày.
Tại Lầu Năm góc, Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng Mỹ có một nhóm chuyên viên đặc biệt chuyên theo dõi về các trại giam tù binh Mỹ qua các bức ảnh do vệ tinh và các máy bay do thám thường xuyên cung cấp. Trại giam Sơn Tây nằm kề sông Con, cách Hà Nội 40 km về phía Tây là một địa chỉ nằm trong sự giám sát thường xuyên của nhóm này. Phía Mỹ tin rằng có ít nhất 50 tù binh bị giam giữ tại đây. Một số chuyên gia tại Washington đã đề xuất ý tưởng sử dụng lực lượng của lục quân và không quân để giải thoát cho các tù binh này. Ý tưởng này đã đến tai thiếu tướng D.D Blackburn, cố vấn đặc biệt về chống nổi dậy và các hoạt động đặc biệt của đại tướng G. Wheeler, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Blackburn ngay lập tức được giao nhiệm vụ nghiên cứu tiền khả thi của chiến dịch. Blackburn chủ trì phối hợp với 26 chuyên gia của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục tình báo quốc phòng (DIA), Cục an ninh quốc gia (NSA) nghiên cứu xây dựng một kế hoạch giải thoát tù binh mang mật danh “Vòng tròn địa cực” (Polar Circle). Kế hoạch này được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phê chuẩn vào tháng 7/1970 và được yêu cầu giữ tuyệt mật.
Từ “thần sấm” xuống xe trâu. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Tình báo Mỹ ước tính có khoảng 12.000 quân Bắc Việt Nam đóng xung quanh trại giam, có đơn vị chỉ cách đó vài km. Ở gần trại giam có một vài trận địa tên lửa phòng không và một trường học. Các máy bay trinh sát tầm cao SR-71 “Blackbird” và tầm thấp “Buffalo Hunter” liên tục do thám và cung cấp các bức ảnh về khu vực trại giam cho Lầu Năm góc.
Bắt đầu từ Takhli, Thái Lan
Theo kế hoạch, lực lượng biệt kích sẽ được chở từ căn cứ không quân Takhli, Thái Lan đến căn cứ Udorn giáp Lào vào ban đêm. Từ đây, lực lượng biệt kích sẽ lên máy bay trực thăng bay thẳng đến Sơn Tây với quãng đường đi về khoảng 1.100 km. Các máy bay sẽ phải bay ở độ cao thấp qua các vùng rừng núi hiểm trở, thời tiết thất thường. Nguyên soái Thomas Moorer, tân Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã uỷ quyền cho thiếu tướng J. Manor, tư lệnh liên đoàn tác chiến đặc biệt của không quân Mỹ chỉ huy chiến dịch và đại tá Simons được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng biệt kích. Lực lượng biệt kích sẽ được chở bằng 1 trực thăng HH-53E và 5 trực thăng HH-53, có 2 máy bay MC-130 Combat Talon làm nhiệm vụ dẫn đường và 2 máy bay tiếp dầu HC-130; một tốp 5 máy bay A-1E bay yểm trợ và 10 máy bay F-4 làm nhiệm vụ đánh chặn nếu máy bay MiG của Bắc Việt Nam cất cánh. Ngoài ra, Manor còn sử dụng các máy bay F-105 (Wild Weasel) “chồn hoang” để nhử các trận địa tên lửa phòng không và thu hút sự chú ý vào chúng để các máy bay trực thăng rảnh tay hoạt động. Một máy bay HH-53 sẽ hạ cánh xuống bên trong trại giam, lính biệt kích từ máy bay này sẽ báo động và giải thoát họ từ các phòng giam. Các máy bay HH-53 khác sẽ hạ cánh phía bên ngoài trại giam. Một số lính biệt kích sẽ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn khu vực xung quanh trại giam và sẵn sàng tấn công nếu lực lượng Bắc Việt Nam xuất hiện. Những lính biệt kích khác sẽ đục thủng một lỗ trên tường bao trại giam và đưa tù binh lên trực thăng. Sau khi các tù binh đã được đưa lên máy bay trực thăng, toàn bộ lực lượng sẽ bay về Udorn. Cùng lúc đó, các tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ bắn pháo sáng lên khu vực Hải Phòng để phân tán và đánh lừa lực lượng phòng không Bắc Việt Nam. Lầu Năm góc quyết định nơi tập trung huấn luyện số biệt kích “tình nguyện” này tại căn cứ không quân Eglin. Đích thân đại tá Simons lựa chọn 103 lính biệt kích mũ nồi xanh. Trung tá Sydnor được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng bảo đảm an ninh bên ngoài trại giam, đại uý Meadowss chỉ huy lực lượng đột kích bên trong trại giam.
Tại Eglin, một mô hình trại giam được xây dựng có kích thước bằng một nửa kích thước thật cũng có cửa sổ, cửa ra vào và cổng. Ban ngày mô hình trại giam được cất giấu và xóa sạch mọi dấu vết đề phòng vệ tinh trinh sát Cosmos 355 của Liên Xô phát hiện. Vũ khí trang bị phục vụ cho chiến dịch được chuẩn bị chu đáo từ súng trường tiến công, lựu đạn, mìn claymore, bộc phá đến các dụng cụ đột nhập như kìm cộng lực, dao rựa, cưa xích, rìu, đèn pin cũng như kính nhìn đêm, dây thừng, bình dập cháy, vô tuyến điện... Ngoài ra, lính biệt kích còn được trang bị thuốc gây mê, thanh nẹp, thuốc ngửi, bình đựng nước, áo choàng, giày cao su, quần áo ngủ và thức ăn loãng (đề phòng trường hợp các tù binh được giải thoát không ăn được thức ăn thông thường).
Luyện tập
Việc luyện tập bắt đầu từ ngày 20/8 dưới sự bảo vệ nghiêm mật “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Lực lượng đột kích mặt đất đã luyện tập cách đột nhập và thoát hiểm với mô hình trại giam tù binh tới 170 lần, hầu hết vào ban đêm, hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ nhất. Nội dung luyện tập bao gồm nhận biết mục tiêu, trinh sát xung quanh làng, sục sạo trong nhà, ký tín hiệu bằng tay, phá hoại, sống sót trong rừng rậm, hoả lực ban đêm tự cấp cứu và cấp cứu thương binh. Lực lượng không quân tiến hành luyện tập tiếp dầu trên không, bay theo đội hình ban đêm, thả pháo sáng... thời gian luyện tập bay hơn 1.000 giờ với 268 lần cất cánh. Trong nội dung luyện tập bay theo đội hình, khó khăn nhất cần giải quyết là việc điều chỉnh tốc độ bay của phi công. Tốc độ trung bình của máy bay C-130 là 400 km/giờ ở trần bay thấp, trong khi đó phi công phải luyện tập bay ở tốc độ 170 km/giờ, với cánh phụ 700. Các máy bay trực thăng HH-53 chở lính biệt kích lại phải bay ở tốc độ lớn nhất, bay sau máy bay C-130 để sẵn sàng nhận tiếp dầu. Các máy bay A-1E chất đầy bom và tên lửa phải bay góc quặt hình chữ S ở tốc độ nhỏ nhất để giữ bay theo đội hình.
Đến ngày 28/9/1970, cả hai đội không quân và lục quân bắt đầu hợp luyện, có sử dụng đạn vạch đường. Cuộc diễn tập thử nghiệm này thực sự được coi là một chiến dịch liên quân mang mật danh là “Bờ biển ngà” (Ivory Coast). Ngày 6/10/1970, buổi diễn tập cuối cùng được thực hiện, mọi nội dung, động tác diễn ra như thật. Nếu tất cả đều diễn ra theo kế hoạch thì chỉ mất 25 phút để giải thoát cho tù binh và sau đó bay về Udorn. Hai ngày sau, thiếu tướng Manor, Blackburn và đại tá Simons có mặt tại Nhà Trắng để báo cáo Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon và Alexander Haig, sĩ quan phụ tá quân sự của Kissinger và khẳng định rằng chiến dịch đã đạt được 95-97% chắc thắng. Cũng vào lúc này, nhóm theo dõi trại giam tù binh qua các bức ảnh trinh sát đường không báo cáo về “dấu hiệu giảm hoạt động” ở trại giam Sơn Tây. Bằng chứng là cỏ đã mọc trên khu vực tù binh thường đi lại. Vào ngày 3/10, các bức ảnh do máy bay trinh sát SR-71 chụp được cho thấy, không có dấu hiệu có người ở. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu tù binh còn ở đó thì có thể vì một lý do nào đó họ không được phép ra khỏi phòng. Sau đó ít lâu, các bức ảnh trinh sát lại cho thấy “dấu hiệu hoạt động trở lại” tại trại giam Sơn Tây.
Ngày 12/11/1970, lực lượng biệt kích bắt đầu rời căn cứ không quân Eglin và có mặt tại Takhli, Thái Lan vào 17/11. Chiến dịch được đổi tên là “Nhân vật chủ chốt” (Kingpin). Tổng thống Nixon nghiên cứu rất kỹ và phê chuẩn kế hoạch tập kích, một bức điện mã hoá “Red rocket” (Rốc két đỏ) được gửi cho tướng Manor để thực hiện. 2 giờ chiều ngày 17/11, tướng Manor và đại tá Simons thông báo vắn tắt nhiệm vụ cho lực lượng biệt kích. Theo kế hoạch lực lượng biệt kích sẽ tập trung ở Takhli 3 ngày. Ngày 19/11, tiến hành kiểm tra vũ khí trang bị bao gồm cả thử súng, đạn, luyện tập đột nhập và thoát hiểm... Đến tận giờ phút này chỉ vài người trong số 56 lính biệt kích lục quân và 92 binh sĩ không quân biết được nơi họ sẽ đến.
Tin dữ đồn xa
Ở Washington bắt đầu có tin đồn khi một nguồn tin tình báo đáng tin cậy ở Hà Nội thông báo là các tù binh ở trại giam Sơn Tây đã được chuyển đi nơi khác. Các máy bay trinh sát cố gắng chụp các bức ảnh mới nhất về trại giam ngày 18/11, song không thành công. Tuy nhiên, một báo cáo khác cho rằng, trại giam này đã được bàn giao cho một cơ quan khác. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird nghe báo cáo tóm tắt tình hình và khả năng không có tù binh nào ở trại giam. Tướng Blackburn và trung tướng D.V. Bennett giám đốc DIA khẳng định việc tiếp tục cuộc tập kích khi điều kiện thời tiết cho phép. Laird đã đồng ý và đề nghị tổng thống phê chuẩn. Bức điện đồng ý của tổng thống sau đó được gửi cho tướng Manor ở Takhli. Tướng Manor dự định thời gian tiến hành chiến dịch vào ngày 20/11. Vào thời gian này, thời tiết ở khu vực châu thổ sông Hồng khá xấu, mây u ám, tầm nhìn kém và gió thổi mạnh chỉ có ngày 20 và 21/11 là thời gian thích hợp nhất. Phó đô đốc Federic A.Bardshar đã nhận được mật điện vẻn vẹn có mấy từ khi đang ở trên tàu USS Oriscany. Kíp lái của 59 máy bay cường kích và yểm trợ được thông báo vắn tắt nhiệm vụ song không được giải thích vì sao họ lại bay ra cảng Hải Phòng ở miền Bắc để thả pháo sáng chứ không phải là ném bom. Họ được phép phóng tên lửa đất đối không Shrike hoặc đạn pháo 20mm vào các trận địa tên lửa phòng không SAM khi bị uy hiếp và hỗ trợ hoạt động tìm cứu nếu có máy bay bị nạn. Mặc dù mệnh lệnh hành quân chưa được phát ra chiều ngày 20/11, nhưng tất cả binh sĩ đã được phát thuốc ngủ và được lệnh nghỉ ngơi từ 1 đến 15 giờ chiều. Sau khi ăn chiều, toàn bộ lực lượng tập hợp nghe đại tá Simons thông báo rằng họ chuẩn bị làm nhiệm vụ giải thoát khoảng 70 tù binh Mỹ, mục tiêu nằm cách Hà Nội 40 km về phía Tây. Sau khi nghe phổ biến nhiệm vụ, nhiều binh sĩ cảm thấy ngạc nhiên đến mức không nói được điều gì, một số người xuýt xoa. Lính biệt kích được đưa lên máy bay C-130 và bay đến Udorn, nơi máy bay trực thăng, máy bay HC-130 và MC-130 đang chờ sẵn. Các máy bay A-1E bay đến căn cứ không quân Nakhon Phanom.
Đúng 21 giờ 10 phút, các máy bay C-130, HH-3E và 5 trực thăng HH-53 bắt đầu cất cánh. Không một tín hiệu vô tuyến được phát ra, các máy bay bay theo đội hình lầm lũi tiến về phía Bắc Việt Nam. Khi họ bay qua biên giới Lào, thì đồng loạt 116 máy bay cùng cất cánh từ 7 căn cứ ở Thái Lan và 3 tàu sân bay ở Vịnh Bắc Bộ; 5 máy bay F-105 bay đến khu vực Sơn Tây nhằm chế áp các trận địa tên lửa SAM khi cần, trong khi 4 máy bay F-4D từ Udorn làm nhiệm vụ chế áp các máy bay MiG. Khi bay qua địa phận Lào, tất cả các máy bay được tiếp dầu, mọi việc đều diễn ra theo kế hoạch đã vạch sẵn, không có một trục trặc nhỏ nào xảy ra. Các máy bay tiến vào khu vực mục tiêu ở độ cao 150m. Các máy bay C-130 làm nhiệm vụ dẫn đường cho 8 máy bay trực thăng cho đến khi các máy bay này chỉ còn cách Sơn Tây khoảng hơn 5 km. Vào lúc đó, một máy bay C-130 đi đầu lấy độ cao lên 450m, tiếp sau là hai trực thăng HH-53: Apple 4 do trung tác C. Brown và thiếu tá R. Dreibelbis và Apple 5 do thiếu tá Murphy và đại uý George điều khiển. Nhiệm vụ của trực thăng Apple 4 và 5 là thả pháo sáng và vận chuyển tù binh sau khi được giải thoát. Toàn bộ thị xã Sơn Tây sáng rực, thậm chí các trực thăng còn hạ cánh xuống địa điểm dự kiến trước ở các đảo nằm trong một hồ nước cách Sơn Tây 10 km về phía Tây, trong khi đó, máy bay C-130 bay lượn vòng thả pháo hẹn giờ xuống một trường học và sau đó là ném bom na pan. Chiếc C-130 thứ hai, tiến lên phía trước các máy bay A-1. Sau đó, các máy bay A-1 rút đi, chiếc C-130 này bắt đầu thả bom na pan đánh dấu và sau đó bay cùng đường bay với chiếc C-130 thứ nhất. Do đèn đỏ báo sai nên thiếu tá Donohue và đại uý Waldron chỉ huy trực thăng Apple 3 đã cho hạ cánh gấp. Pháo thủ trên trực thăng đã bắn đổ 2 tháp canh và phòng bảo vệ. Thiếu tá Kalen và đại tá Zehnder đã tìm được bãi đáp ở trong trại giam nơi có nhiều cây to, cao gấp 2 lần so với trí tưởng tượng của họ. Khi trực thăng bắt đầu hạ cánh, cành cây, lá và mảnh gỗ vụn bay tung toé do bị cánh quạt chặt đứt. Trực thăng chạm đất mạnh đến nỗi một pháo thủ ngồi cạnh cửa bị văng xuống đất, song rất may là mọi việc đều ổn cả; 13 lính biệt kích do đại uý Meadows chỉ huy lần lượt nhảy ra khỏi trực thăng.
Không một tiếng trả lời
Đại uý Meadows hét lớn “chúng tôi là người Mỹ. Các bạn hãy cúi đầu xuống. Chúng tôi đến đây để giải thoát cho các bạn”. Khi những người lính biệt kích đi từ phòng này sang phòng khác, họ chỉ thấy được không khí vắng lặng bao trùm. Lính biệt kích chia nhỏ ra và lùng sục giết hại bất kỳ ai họ gặp. Trong lúc này, chiếc trực thăng chở đại tá Simons và 24 lính biệt kích đã đáp nhầm xuống một trường học cách trại giam 450m về phía Nam. Lý do của sự trục trặc này được giải thích là có hai khu nhà trông y hệt nhau ban đêm và một con kênh trông giống như sông Con. Ngay sau khi đổ bộ, nhóm biệt kích của Simons đã chạm trán với lực lượng của đối phương hình như là người Trung Quốc hoặc Liên Xô. Do tập kích bất ngờ chỉ sau vài phút, biệt kích Mỹ đã bắn chết khoảng hơn 100 người. Simons sau đó vội vã thúc quân lên máy bay; không có trường hợp lính biệt kích nào bị thương. Cũng vào lúc này nhóm biệt kích do đại uý Meadows chỉ huy đã lùng sục và bắn chết khoảng hơn một chục người Việt Nam. Các tổ liên tục báo cáo “không có gì” (ám chỉ không có tù binh Mỹ) cho Meadows. Sau đó, Meadows đã liên lạc bằng vô tuyến với Simons tại địa điểm chỉ huy “Việc tìm kiếm đã hoàn tất. Không có gì”. Do khi đáp xuống bị trục trặc, một trực thăng HH-53 bị hỏng. Trước khi rút đại tá Sydnor cho lính biệt kích nổ tung chiếc trực thăng này. Cuộc tập kích diễn ra trong 28 phút, lính biệt kích rút về Thái Lan trong sự im lặng đầy thất vọng. Có 2 máy bay F-105 bị tên lửa SAM bắn, 1 chiếc bị trúng đạn 2 phi công thoát ra ngoài trên khu vực lãnh thổ Lào. Cuộc tập kích bị thất bại, nhiều người Mỹ gọi đây là “sư leo thang của chiến tranh”. Chỉ có một điều cho mãi đến hiện nay Mỹ vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác là tại sao tù binh Mỹ lại được chuyển đi trước cuộc tập kích. Có người cho là vì lúc đó nước sông Con lên to đe doạ trại giam nên người ta phải chuyển tù binh Mỹ đi nơi khác. Người khác lại cho rằng, Bắc Việt Nam muốn dồn tù binh vào một nơi để dễ trông nom và tiết kiệm nhân lực hoặc không muốn để tù binh biết nhiều về nơi khác. Khi nói về sự kiện này nhiều lính biệt kích Mỹ chỉ nói một câu “giá như…”
Mặc dù mục tiêu Mỹ đặt ra thật đơn giản là nhằm giải thoát cho khoảng 50 tù binh Mỹ ở trại giam Sơn Tây, cách Hà Nội 40 km về phía Tây, song vụ tập kích Sơn Tây lại đạt kỷ lục về nhiều phương diện. Trước hết, đây là một chiến dịch quân sự được lập kế hoạch tổng thể và tỉ mỉ nhất trong lịch sử không quân Mỹ. Thứ hai, đây là một chiến dịch quân sự lớn đầu tiên do Hội đồng tham mưu liên quân chỉ huy. Thứ ba, Tổng thống Mỹ là người trực tiếp quyết định chiến dịch. Và cuối cùng nó là thất bại thảm hại nhất của không quân tính đến thời điểm đó. |
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...