Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:46 (GMT +7)

“Vinasoi” kiến trúc đô thị Thái Nguyên

VNTN - Nhận diện một cách thẳng thắn, tâm huyết về hiện trạng của kiến trúc đô thị Thái Nguyên, từ đó tìm kiếm giải pháp cho những điều bất cập đang hiện hữu, hội thảo “Những góc nhìn kiến trúc đô thị Thái Nguyên”, do Hội Văn học nghệ thuật phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư tỉnh tổ chức, diễn ra ngày 12/12/2019, đặt ra rất nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Mở đầu hội thảo, KTS Lê Cao Hải (Phòng Kiến trúc quy hoạch, Sở Xây dựng) đã nêu ra một vấn đề hết sức nóng, đó là câu chuyện về thiết kế đô thị.

Nội dung thiết kế đô thị bao gồm việc xác định tầng cao xây dựng cho từng công trình; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố; xác định màu sắc, vật liệu, hình thức, chi tiết kiến trúc của các công trình và các vật thể kiến trúc khác; tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước… Thiết kế đô thị sinh ra từ lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị, nhưng lại tập trung vào việc thể hiện các địa điểm quy hoạch về mặt hình thể; vừa chú trọng đến sự hài hòa tổng thể của một không gian trên quy mô lớn, và đồng thời cũng quan tâm tới cấp độ từng chi tiết mà con người cảm nhận được bằng mắt, bằng tay.

 

                                       Ảnh: Trần Hải Hưng

KTS Lê Cao Hải nhận định, ở Thái Nguyên hiện nay, thiết kế đô thị chủ yếu là dưới dạng “can thiệp”, nhằm giải quyết bức thiết yêu cầu cải tạo đô thị mà ở đó đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ các công việc từ quản lý, kinh tế đô thị, đất đai… Mặc dù thiết kế đô thị được coi là giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa quy hoạch và kiến trúc, song vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều câu hỏi cần lời giải đáp khi đi vào thực thi. Thiết kế đô thị “từ đầu” ngoài quy hoạch theo cách hiểu thông thường, đó là kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, thì cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó. Theo đó có 3 phạm trù cơ bản của thiết kế đô thị cần quan tâm đó là: Công năng, trật tự, thẩm mỹ. Và đối với các đô thị đã tồn tại trong lịch sử, kiến trúc sư thiết kế đô thị bắt buộc phải tính đến ba thì: quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta nói nhiều về thiết kế đô thị, song nếu phát triển thiếu điều tiết thì chẳng những thách thức thế hệ chúng ta, mà còn có nguy cơ trở thành “di sản” nặng nề cho con cháu.

Quan tâm đến một trong những yếu tố tạo dựng bộ mặt cảnh quan đô thị là vỉa hè, KTS Nguyễn Trọng Hà đã đưa ra phân tích cụ thể, trong thời gian qua, thành phố Thái Nguyên đã thực hiện việc nâng cấp hệ thông giao thông đô thị, trong đó yếu tố vỉa hè được đặt làm trọng tâm. Nhưng dường như việc nâng cấp đó chủ yếu tập trung vào các giải pháp kỹ thuật chứ không chú trọng vào vấn đề thẩm mỹ, cảnh quan đô thị. Vẫn còn rất thiếu các đồ án thiết kế đô thị, cảnh quan tuyến phố... có sự hiện diện của vỉa hè.

Đề cập đến câu chuyện phát triển của đô thị gắn với dòng sông, trực tiếp tham luận về vấn đề này, KTS Đỗ Thanh Nga cho rằng, đô thị được bảo vệ khỏi lũ lụt bởi những tuyến đê, nhưng đồng thời tuyến đê cũng tạo ra sự hạn chế tiếp cận của đô thị với giá trị của dòng sông. Ngày nay với giải pháp bê tông hóa, chúng ta đã, đang vô tình tạo nên những bức tường màu xám ngăn cách đô thị với dòng sông. Có những tuyến đê (như đê Mỏ Bạch) vốn rất cao nay đã được điều chỉnh, đảm bảo chức năng ngăn lũ và hòa hợp với không gian đô thị trong đê và ngoài đê. Còn như đê sông Cầu, người ta mới chỉ tập trung đến chức năng ngăn lũ chứ chưa để ý đến các đô thị bên cạnh nó, nên từ đô thị nhìn ra mất tầm nhìn, là một hạn chế lớn.

 

Khá nhiều bất cập được KTS Hoàng Ngọc Tưởng thẳng thắn chia sẻ, nhận được sự đồng thuận của các đại biểu dự Hội thảo. Đáng chú ý trong đó là vấn đề kiến trúc nhà cao tầng. Thực trạng nhà cao tầng trong đô thị Thái Nguyên hiện nay khá nhiều, song không nhiều công trình có sự nghiên cứu tổng thể và tuân thủ thiết kế nhà cao tầng, kiến trúc cảnh quan, điểm qua chỉ có một số ít các tòa nhà đáp ứng tiêu chuẩn như: tòa nhà TNG, VNPT, TBCO, Viettel... Vì thế, công tác quản lý liên quan đến nhà cao tầng cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Thành phố có nhiều nhà cao tầng, nhưng thiếu những điểm cao, có tầm nhìn đẹp để có thể khai thác du lịch.

KTS Hoàng Ngọc Tưởng cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ sở dữ liệu số về quy hoạch - kiến trúc. Hiện nay có những địa phương (như Bắc Ninh) đã xây dựng được hệ thống dữ liệu số, cung cấp đầy đủ thông tin về từng hạng mục, công trình kiến trúc (nước, điện, đường, ...) gồm hiện trạng và các phương án quy hoạch. Kiến trúc Thái Nguyên hiện chưa làm được điều này. Việc cập nhật, thu thập dữ liệu về quy hoạch - kiến trúc là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Đây là điều các cơ quan chủ quản cần sớm tiến hành thực hiện. KTS Lê Phương Bằng (Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Sở Xây dựng) đồng tình với đề nghị này; hơn thế nữa, anh khẳng định đây sẽ là một yêu cầu bắt buộc đối với công tác phê duyệt các đồ án quy hoạch kiến trúc trong một tương lai gần.

Lắng nghe và thảo luận cùng các KTS quanh thực trạng phát triển, đặc biệt là trước những bất cập, hạn chế của kiến trúc đô thị Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nguyễn Thúy Quỳnh đề cập đến vai trò, trách nhiệm phản biện và những cách thức thể hiện phản biện xã hội của các KTS hiện nay. “Vậy vai trò của kiến trúc sư ở đâu?” là câu hỏi bất ngờ bà Nguyễn Thúy Quỳnh nêu ra, khiến các KTS “giật mình”.

Trả lời câu này, KTS Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên - thẳng thắn bày tỏ, rằng ở một khía cạnh nào đó, có những phần việc trong quy hoạch kiến trúc mà bản thân các KTS không thể can dự. Không thiếu tình trạng các thiết kế, đồ án quy hoạch khi thực thi, vì một lý do nào đó mà bị thu hẹp lại so với thiết kế ban đầu. Rõ ràng, yêu cầu bức thiết đặt ra cho các KTS, các nhà quy hoạch là phải tăng cường công tác phản biện, bởi đó không chỉ là tài năng, mà còn là bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay các KTS cũng đã mạnh dạn phản biện, ví như những lý giải của KTS Trần Hải Hưng cho tình trạng ngập úng ở Thái Nguyên chẳng hạn, nêu ra những nguyên nhân, nhận diện những bất cập cũng là phản biện. Các KTS có thể thực hiện phản biện qua nhiều hình thức, như viết bài đăng tải trên các phương tiện truyền thông; gửi ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền… Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là khả năng phản biện, bảo vệ ý kiến của các KTS hiện nay còn hạn chế, chưa thực sự nỗ lực, xông xáo.

Chia sẻ về những bất cập từ phương diện công tác quản lý, KTS Đỗ Thế Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc thuộc Hội VHNT cũng nêu trăn trở về việc rất nhiều khi KTS không được là chính mình, vì thiết kế làm ra còn phụ thuộc rất nhiều vào người phê duyệt, vào chủ trương… Do đó câu chuyện phát triển đô thị không chỉ là riêng của KTS mà còn liên quan rất nhiều đến cái “tầm” của những người đứng đầu, phụ thuộc quyền hạn của người quản lý nữa.

Đã từng là người nêu ý kiến phản biện một cách quyết liệt về sự bất cập trong thi công vỉa hè Thái Nguyên và từ phản biện đó mà đơn vị thi công đã có sự điều chỉnh, KTS Hoàng Ngọc Tưởng cũng nhấn mạnh vai trò “lên tiếng” của các KTS. Khi người ta “ngắt ngọn” của một ngôi nhà, thì đó không phải là ý tưởng của người thiết kế mà là do chủ đầu tư. KTS phải truy vấn, tại sao lại cắt mà không cho KTS biết… Nêu ra những mặt trái, những phần phải sửa… đó chính là phản biện rồi.

Tại hội thảo, còn nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô khác nữa cũng được các KTS chia sẻ trong tham luận như: Xây dựng thành phố thông minh; “kiến trúc xanh” trong phát triển đô thị; kiến trúc với văn học nghệ thuật… mang đến nhiều góc nhìn đa chiều, thể hiện những đóng góp nhiệt tâm của các KTS với nghề. Quả thật, hội thảo đã khơi mở rất nhiều điều đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch, phát triển đô thị Thái Nguyên với những góc nhìn sắc sảo. Song điều đáng tiếc nhất, như KTS Nguyễn Văn Cường chia sẻ (và từ góc nhìn của phóng viên), cuộc Hội thảo bổ ích và lý thú như thế vẫn thiếu vắng nhiều gương mặt KTS cũng như của những người đang trực tiếp quản lý, điều hành công tác quy hoạch - phát triển đô thị tại địa phương hiện nay. Đó cũng là điều đáng nghĩ!

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy