Viết từ một đảo vắng ở bên kia bán cầu
VNTN - Đó là một nơi hầu như vắng bóng mọi phương tiện vật chất của xã hội kim tiền kỹ trị. Chưa bao giờ có sóng điện thoại di động, chưa bao giờ có internet, chưa bao giờ có cái bánh xe đạp, xe máy hay ô tô hình tròn nào xuất hiện. Nhưng sống ở đó, tôi có cảm giác mình thật giàu có. Và không thấy một người dân nào tỏ ra lăn tăn về việc mình “nghèo” cả. Nơi ấy, cách Việt Nam ta đúng nửa vòng trái đất.
Những hòn đảo trôi phăm phăm trên mặt hồ 8.000km2
Tôi đang kể về một hòn đảo nổi trên hồ nước ngọt lớn nhất vùng Nam Mỹ, cũng là hồ nước cao nhất thế giới mà có thuyền bè đi lại được (thay vì bị đóng băng). Bốn bề bao phủ là mặt nước hồ Titicaca, con hồ treo lơ lửng giữa đỉnh trời cao 3.812m so với mực nước biển. Hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng trăm triệu năm trước, Titicaca được giới địa chất xếp vào một trong 20 cái hồ cổ nhất thế giới. Mặt hồ cao hơn đỉnh Phan Xi Păng 3.143m - nóc nhà ba nước Đông Dương của chúng ta - những 700m! Diện tích của nó thì cũng thôi rồi: rộng gấp khoảng 3 lần cái Biển Hồ Tonle Soap tại Cam Pu Chia. Mặt nước xanh biếc, rộng không thấy đường chân trời, sâu tới 280m (!) trùm phủ mênh mang qua lãnh thổ hai quốc gia Nam Mỹ diệu vợi là Peru và Bolivia.
Bay từ Sao Paulo của Brazil, chật vật sáu tiếng qua các sân bay Lima, rồi Cusco, rồi Puliaka, chúng tôi mới đến được thành phố soi mình trước mỹ miều hồ Titicaca. Tóm lại là bay từ bờ Đông sang bờ Tây của lục địa châu Mỹ. Thành phố cổ kính Puno nằm không xa quốc gia huyền thoại Bolivia, nơi ấy, núi tuyết uy nghi sáng bóng soi mình xuống con hồ biên tái. Gã lái thuyền nhìn tôi từ đầu đến chân, chắc trong đầu hắn có nghìn câu hỏi về cái vẻ da vàng tóc đen của tôi. Tôi hỏi đùa, “Ông nghĩ gì thế?”, “À, đang nghĩ các ông thường mang lắm tiền trong người. Người châu Á đi đâu hay mang tiền mặt và tài sản theo, cẩn trọng cướp giật nhé. Bọn nó cứ nhắm “đầu đen” là tấn công”. Tôi bảo, đi xem phố ta chán lắm rồi. Giờ muốn chỗ nào tách biệt với thế giới, chỉ có thiên nhiên thôi. Vì thế mà ta phải lên xuống đổi máy bay 5 lần để đến được quê hương Puno của anh. Hắn bảo, “Quả là một suy nghĩ sâu sắc”. Rồi giật thuyền phành phạch, máy nổ giòn tan. Hắn thả tôi lên một con tàu du lịch sơn trắng, bảo ra với các bộ tộc ngoài đảo giữa hồ Titicaca, kỳ quan của nhân loại. “Rồi trở về anh sẽ nghĩ tôi đã giúp anh rất chí lý”, hắn tủm tỉm cười như thách thức. “Bao giờ về đất liền, qua bến nước này gặp tôi!”.
Qua những hòn đảo kỳ lạ nhất thế gian của bộ tộc Uros, họ chỉ có 500 người sống trên 40 đảo tết hoàn toàn bằng cỏ năn cỏ lác, lau sậy nhẹ hều rồi nổi lềnh bềnh trên hồ Titicaca. Từ vài trăm năm trước, người nơi này, vì lo sợ chiến tranh loạn lạc, vì sợ giặc ập vào giết người đốt nhà, nên họ đã nghĩ cách biến nhà cửa xóm mạc của mình thành một chiến thuyền cơ động, nổi trên mặt nước. Chặt đứt dây neo là có thể khua chèo đẩy cả một hòn đảo tết bằng cỏ với vài chục nóc nhà đi lánh nạn. Đã có chuyện, bà con không chịu cắt cây sậy khô xốp trên hồ “bồi dặm” vào hòn đảo nổi, phần lau sậy cũ chìm đáy hồ lạnh lẽo đã tan lũa, thế là suýt chìm mất một cái xóm của bộ tộc Uros. Đã có chuyện, nửa đêm bão tố, dây neo của hòn đảo cỏ rả với các nếp nhà tết bằng lau sậy bị đứt. Các xóm làng người Uros đồng loạt trôi từ phía Bolivia sang phía Peru cứ vèo vèo. Sách sử viết rõ, mấy thập niên trước, đảo nổi của người Uros ở xa thành phố Puno lắm, nhờ giông gió mà họ trôi nổi định cư hẳn sang phía Peru.
Như một bản người Mông Mèo Vạc “di cư” đến cuối trời Nam Mỹ
Không thích cảnh chen vai thích cánh với khách du lịch hiếu kỳ từ năm châu bốn biển lắm. Tôi lên một con tàu tết hoàn toàn bằng lau sậy của bà con, xin ghé bến ở lại ít ngày trên một hòn đảo đá nho nhỏ ở giữa ngút ngàn xanh hồ Titicaca. Bốn phía nhìn mãi chỉ lờ mờ vài dãy núi tuyết, tạm gọi là đường chân trời.
Nghe tin có khách lạ, trưởng xóm cử đích thân con trai mình ra bến thuyền đón. Từ cái nhìn đầu tiên, đảo vắng Taquille (Lago Titicaca) đã hớp hồn tôi. Giống như một bản người Mông huyền thoại và mơ màng ở Bắc Hà, Đồng Văn hay Mèo Vạc vậy. Váy áo sặc sỡ, như trỉa lấy những gam màu mạnh nhất của thiên nhiên bảy sắc cầu vồng. Họ dựng bờ rào đá cao vút, xanh rêu và các tán cây, các viền đá thì phơi váy áo lòe xòe. Hoa văn lộng lẫy. Vài thiếu nữ dầm chân trong nước lạnh xanh biếc mà giặt giũ. Họ vẫn đập váy áo bồm bộp bằng gậy, chắc giống thời bà Tây Thi giặt lụa trong cổ sử Trung Hoa. Rêu bốn bề xanh mướt. Rêu xõa như tóc mây xanh của người con gái. Đá thập thò mặt nước, cũng như ai đó hoặc con vật nào đó tóc xanh dài vừa lặn ngụp nhô lên.
Đường lên núi rất dốc, nắng chan hòa, đôi khi nắng gắt gỏng, bù lại gió quật quật nên không có cảm giác nóng. Clever là tên của cậu bé 17 tuổi được bố cử xuống đón khách. Hỏi, sao cháu biết ta đến mà xuống đây đón? Clever nói tiếng Anh rất khó nhọc. Vì bộ tộc này có tiếng nói riêng và hầu hết người Nam Mỹ lại nói tiếng Bồ Đào Nha như một quốc ngữ. Trên đảo có trường nho nhỏ, nhưng cậu bé ít được học tiếng Anh. Từ ngày lác đác có khách du lịch đến xin ngủ lại đảo, cậu bé bắt đầu tập tọe học. Clever bảo, chuyến tàu trước, người ta cho người lên xóm gọi, bảo với bố cậu là: có khách ngủ lại, cần phải đi đón họ. “Bởi vì đường từ bờ hồ lên rất dốc, đi bộ đã không thở được rồi. Vali cũng không kéo được, vì nó là đường xếp đá hộc”. “Từ đây về nhà cháu bao nhiêu cây số?”; “Khoảng 1 giờ đi bộ”.
Trên núi kia kìa. Tôi phóng tầm mắt lên, bao nhêu con dao quăng nhỉ? Trên đó là bạt ngàn các tán rừng xanh sẫm. Loài cây thân nó thăn thớ, vâm váp, nâu bóng như cây bạch đàn già hay loang lổ giống các thân gỗ tràm kiên cường trước bão tố Tây Nam Bộ nước ta. Giữa rừng, nó tỏa ra một mùi hăng hắc quyến rũ, dầu của nó làm thuốc trị ho hen cảm cúm nổi tiếng thế giới. Clever cắm cúi đi. Tôi nhẩn nha lạc vào một thế giới của những điều mang phong cách cổ tích.
Chim biển trắng toát hoặc nâu xám đậu khắp các mỏm đá. Sắc áo rất “H'Mông” phơi đỏ chót, xanh dương ở nhiều bờ rào đá, các tán cây lộng nắng. Tầm mắt trở nên rộng vô tận, vì bốn bề là hồ xanh rộng như biển, sau mỗi khúc cua chữ chi, chúng tôi lại lên cao dần và mọi thứ cứ mở ra như một thước phim màn ảnh rộng. Đàn cừu ở đây có hai màu chủ đạo: trắng và đen. Đầu chúng đội mũ, tết nơ, có khi đeo các quả tú cầu đỏ phất phơ như lũ thú đồ chơi thơ dại. Người đảo vắng không có ý định trình diễn trưng bày bất cứ cái gì phục vụ du lịch cả. Chỉ là mấy mỏm đá chồ ra đường.
Có khi, đá thủng một lỗ, đá ngóc cổ cò chìa ra một cái mõm giữa đường, ai đi qua cũng giật bắn mình. Sao lại có con đà mã thiên tạo gợi cảm đến thế đứng đúng ở đây? Giống này lai giữa lạc đà (đà) và ngựa (mã), lại có con la ma, nhỏ hơn chút. Đều là con vật đặc trưng, gắn bó với hầu hết các di tích của thời Đế Chế Inca, vương quốc hùng mạnh bậc nhất Nam Mỹ trong vài thế kỷ. Trong các bức ảnh quảng bá du lịch, ca ngợi cảnh đẹp và văn hóa Nam Mỹ, khó có thể thiếu hình ảnh con đà mã, con la ma đi mơ mộng bên các công trình đá kỹ vĩ của Kỳ quan Thế giới Machu Picchu (gần thành phố Cusco, Peru ngày nay). Đầu Clever chít một cái khăn, khăn cuốn thành tổ tò vò trông xa như cái kem ốc quế màu đỏ, rất ngộ nghĩnh. Khăn xanh chít ngang lưng, cu cậu mặc váy truyền thống thung thăng. Chân đi dép, bước đi dung dăng dung dẻ rất an lạc. Không vội, cũng chẳng ừ hữ nghỉ ngơi, Clever bảo “khắc đi khắc đến”, cứ bước đều là một tiếng sau đến nhà cháu, chú đừng lo.
Thốt nhiên, có con gì lại trồ ra đường. Y hệt một chú ếch xanh, yết hầu lại còn trắng nhờ nhờ nữa chứ. Chú ta ngửa miệng nhìn lên trời, đùi ra đùi, hông ra hông. Tôi bảo, giống con ếch hơn cả con ếch. Clever bảo, lúc làm đường, bố cháu không cho ai phá con ếch này. Rằng, cả thế giới sẽ đến đây chiêm ngưỡng nó, vì nó là ếch thần. Những ngôi đền thờ Mother Earth (Mẹ Trái Đất) đều xếp bằng đá, có mái nhô ra một tẹo, đá ngổng cao lên, rồi bành ra ở giữa, thoạt trông ai cũng giật bắn mình vì rất giống con rắn hổ mang. Gạch đá lại xếp thành gờ bệ, trông như những lớp vảy gồ gề xếp ngang phom cổ ngóc lên và bành ra của chúa hổ mang bành.
Kiên quyết không chấp nhận cái bánh xe tròn và mùi khói xăng
Vì sao ở nơi này không có một cái xe đạp xe máy nào? Họ xếp đá làm đường ngoằn ngoèo, cao vút, lát cả đá ra đường đi bộ và triện cả ngày tháng sang sửa đường vào cho con cháu sau này tưởng nhớ. Toàn đá kỳ vĩ, như xây Kỳ quan thế giới Machu Picchu, sao họ không làm đường xe máy, xe đạp và thậm chí đường ô tô nhỉ? Anh bạn người Bỉ hỏi tôi. Tôi bảo, chắc đó là một sự lựa chọn thôi. Tàu cao tốc chạy vè vè ngoài kia. Chở một buổi thì 300 cái xe máy kiểu Min-khù-khờ phun khói đen kịt hòn đảo, như kiểu bản Tày, bản Mông ở Việt Nam đang làm, chứ có gì khó đâu.
Về nhà, Clever bảo tôi lên gác mà nằm. Ngôi nhà đắp đất nâu óng, đệm dày mấy gang tay, nặng như khối đá. Nhìn chăn rực rỡ màu sắc như buồng cưới, tôi đoán, đêm sẽ rất lạnh. Clever chỉ ra các rặng núi tuyết, mà rằng: tối, phải đun nước mới đánh răng được. Mặt trời chưa tắt, mà cái lạnh đã luồn lỏi, xiết vào da thịt. Sau những ngày lang thang trên đảo, tôi rút ra một kết luận: đây là nơi mà những chiếc dép cao su cũ được tận dụng phổ biến và chia đều cho các gia đình nhất thế giới. Mỗi nhà có một đàn cừu, vô thiên lủng gà vịt. Họ không sợ mất trộm, tối ngủ không cần cài then cửa. Nhưng họ cần làm cửa gỗ cao đến đầu gối để ngăn lũ cừu vào nhà phá phách. Cửa ấy cũng khỏi cần khóa, lũ cừu bao giờ cũng húc vào bờ tường đá hay cửa gỗ khi cần tìm cách đi xuyên qua chúng. Vì thế, cửa nào cũng ở dạng này: bà con, du khách chỉ cần kéo nhẹ là mở được, buông cánh cửa ra là nó tự đóng vào do bản lề của nó là cái đế dép cao su có đàn hồi. Lũ cừu muôn đời không biết làm vậy. Và bà con nghĩ ra, đảo này ai cũng đi dép, dép cao su mòn vẹt, vứt ra thì làm bẩn nước hồ hay gò đồi, thôi thì tận dụng làm bản lề cửa. Cao su đàn hồi, đóng đinh vào miếng gỗ dựng dọc bờ rào đá, đóng thêm cái đinh vào tấm cửa. Thế là hai miếng dép cũ đã giúp biến vài miếng gỗ thành cái cổng mà bản lề đàn hồi tự đóng cửa cho mỗi gia đình trên đảo. Nhà tắm, nhà vệ sinh cũng quây lá lẩu, có tấm cửa gỗ, khỏi mua bản lề, ai ngồi phía trong thì tự cài then. Bình thường, để cửa khỏi bị gió lùa, khỏi bị lũ gà qué tự mở vào phá phách, bà con nhất tề dùng vài hòn đá đẹp có lỗ, treo nó ở đầu cái dây rừng. Bình thường, sợi dây, với sức nặng vừa phải của khúc gỗ giúp vít cửa ở trạng thái đóng. Ai có nhu cầu, ẩy một cái cửa sẽ mở rồi tự đóng lại trước sức kéo căng của sợi dây có treo hòn đá, nước sinh hoạt, được một tổ chức từ thiện làm đường ống bơm lên đỉnh núi, dẫn theo nguyên tắc bình thông nhau xuống mỗi gia đình. Hồ rộng 8.000km2, sâu từ 100 đến gần 300m, có mà cả thế giới bơm nước về sinh hoạt cũng đủ! Chỗ rửa mặt, rửa tay ở ngoài bìa núi lộng gió, khăn lau tay phải chặn đá cuội lớn bốn góc. Các loài hoa ở nóc mọi ngôi nhà nở rực, nhưng lá và cánh hoa rất dày. Nó là một thứ hoa khác lạ với hình dung của chúng ta. Chúng đã kiên cường sống sót với cái lạnh căm, và những cơn gió lộng óc nơi này. Hoa yểu điệu như thói thường, gió quất cho hai cọng thì liễu dập huê vùi tan thây.
Những cái cây cổ thụ trên đảo, đều gầy guộc và kiêu hùng trước phong ba bão táp. Những con đường xếp đá cao, vài người đi chăn cừu, vài bà cụ váy áo sặc sỡ đi qua, chỉ nhô lên cái đầu. Bờ rào đá với tiếng đàn môi ở Việt Nam cứ là thua xa. Hiếm nơi nào đá được xếp kỳ khu và dài dằng dặc, miên man nối đuôi nhau đến thế. Hiếm có bản làng nào ở Việt Nam mà đường xá công phu tươm tất thế, trong khi không có một bánh xe tròn nào từng lăn được ở đó.
Sẩm tối thì Clever chạy xuống, kính cẩn: “Bố cháu đã về rồi”. Vlasino năm nay 37 tuổi, da dạm đen, dáng uy nghi ngồi trong nhá nhem tối, bếp lửa bập bùng khiến anh ta càng giống như một già làng trưởng bản hơn. Lúc trầm tư ngồi nhai lá cô ca, Vlasino, dưới góc nhìn ngược sáng của bếp lửa, giống một pho tượng đồng. Lâu lắm mới có khách ngủ lại ở xóm vắng, Vlasino cho gọi đủ bố vợ, mẹ vợ, xóm mạc, anh em ruột của mình và của vợ đến chào. Tôi mang thịt bò khô, thịt gà rang thành ruốc từ Việt Nam sang mời, vừa nếm thử, tất cả mọi người đều chảy nước mắt và bảo rằng, chưa bao giờ ăn cái gì cay thế. Trong khi, đó là món ít cay nhất, tôi đã chủ động nhờ làm cho mình, một bệnh nhân đau dạ dày. Họ bảo, biết cái quả ớt đó, nhưng không có thói quen ăn. Họ hỏi về Việt Nam ở bên kia bán cầu. Tôi bảo, bay hơn 30 tiếng liền tù tì với tốc độ gần một nghìn cây số một giờ, bố vợ Vlasino nhảy dựng lên, nói rằng không tin nổi. Họ hỏi, nếu giơ quả này lên (ở đó có một thứ quả ăn rất phổ biến, nó tròn như quả táo và bên trong thì giống ruột quả chanh leo), xiên một cái xuyên tâm, thì bên này mũi dùi là đảo trên hồ Titicaca, bên kia là Đông Nam Á quê của vị khách duy nhất xin ở lại vài đêm trên đảo hôm nay. Họ, cũng như tôi, rất thú vị khi phát hiện ra, đi đến cùng trời cuối đất, đến vùng đất khó có thể xa hơn của địa cầu, mà cuộc sống, bản làng, người dân vẫn giống như ở bên kia. Hóa ra quả đất tròn và con người ở đâu cũng mưu cầu rồi hạnh phúc và khổ đau theo cách giống nhau cả.
Tôi bảo, thật không ngờ đời mình có những ngày đêm rong ruổi ở hòn đảo ấy, trên con hồ ấy với độ xa cuối đất cùng trời đến thế. Hiếm có nơi nào, nếu xuất phát từ Việt Nam mà lại xa được như chỗ này. Chỉ ngạc nhiên tại sao quý vị không dùng xe cộ mà đi, không mua tivi mà xem, không sử dụng điện thoại di động nhỉ? Vlasino bảo: Tôi có facebook chứ, chỉ lúc về thành phố Puno thì mới dùng thôi. Còn ở đây, chúng tôi không muốn sử dụng các thiết bị hiện đại của xe cộ, khói xăng. Chính quyền cũng đồng ý phương án đó, để giữ một cuộc sống trong vắt, cho hạnh phúc của chúng tôi và cho du khách. Vlasino nói tiếng Anh trôi chảy và giọng đầy tính “hiền triết”. Hóa ra anh ta từng làm ăn ở Lima, một thành phố lớn và sầm uất cách đảo mấy giờ bay và nhiều giờ đi ô tô. Con trai cả của anh ta cũng mưu sinh ở đó. Sau này, trong nỗi nhớ quê, trong sự tiếc nuối vùng đất của Mẹ Trái Đất trong lành, thấy buồn vì thân phận mình tha hương phố xá bẩn thỉu, bất an, Vlasino đã quyết định quay về. Đắp đất, xếp đá làm hai căn nhà nhỏ, mỗi nhà có tầng một uy nghi như pháo đài, tầng hai giản dị như cái đài quan sát. Anh dành tầng hai cho dịch vụ homestay. Trước nhà, đắp một con đại bàng trắng trên trụ cổng. Hoa trồng bốn mùa rực rỡ, hoa dại lan từ nóc nhà ra mép hồ Titicaca. “Và tôi thấy hạnh phúc”, Vlasino ngả mũ, mũi nhọn hoắt như cây măng. Clever cũng ngả mũ theo cha. Tưởng nghi lễ chào khách quý. Không, họ mở ra, trong đó chứa đầy lá cô ca. Thứ cây này xuất phát từ Nam Mỹ và lan truyền khắp thế giới, với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nó là một thứ ma túy tự nhiên. Nó bị cấm như lá, cây, quả anh túc (thuốc phiện). Ai vi phạm sẽ bị xử mức án cực kỳ nghiêm khắc. Còn ở đây, họ ăn như ăn trầu, họ uống như uống trà hằng ngày. Hiệu tạp hóa bán đủ lá tươi lá khô. Mỗi cái mũ là tú hụ lá cô ca, mỗi giải rút quần cũng giắt đầy lá khô, lá tươi...
Mỗi ngày mời Mẹ Trái Đất ba lá cô ca
Bỏm bẻm thưởng thức lá cô ca xong. Vlasino hất hàm bảo con mang ra một cái trống da cừu lớn, mặt trống to bằng cái mâm, da cừu trắng toát. Rồi kèn, sáo, nhị, anh ta biểu diễn say mê. Cái mũ ghếch lên. Tiếng trống thì thùng, trầm hùng như thiên binh vạn mã đang được thúc xông lên. Buông sáo, ngừng tiếng đàn bập bùng như tiếng tính tẩu của người Tây Bắc, Vlasino gọi vợ dọn ra một mâm khoai tây, kèm theo những con cá hồ Titicaca bé xíu như đầu đũa, con nào con đó ruột đắng nghét và tỏa ra một thứ hương vị kỳ lạ. “Ở đây nước rất lạnh, cá không lớn được, bụng mỗi con cá này ướp cả hương rừng sắc núi đấy”. Nhâm nhi lũ cá kiểu đòng đong cân cấn Việt Nam, “triết gia” trên đảo vắng bắt đầu tự sự. Anh và người của sáu thôn bản chỗ này không muốn mùi khói xăng, không muốn sự xô bồ. Họ coi đó là hạnh phúc trời ban và không thể nào đánh đổi món quà của tạo hóa ấy bằng những cái giá rẻ mạt...
“Khiêng một cái xe đạp hay xe máy lên đây thì dễ quá. Nhưng những thứ đó chỉ đem lại bất hạnh cho chúng tôi mà thôi. Tôi biết rõ điều đó, đừng nói gì với tôi về điều đó nữa”, anh ta quả quyết. Trên các trụ cổng xếp đá hình cầu vồng trên đảo, có các gương mặt phúc thần gồm sáu mặt, được tạc bằng đá nguyên khối, tượng trưng cho sáu đơn vị dân cư nơi này. “Tôi là trưởng của một làng, một xã, một đơn vị dân cư. Tôi muốn bà con noi gương giữ gìn không gian thuần khiết của đảo”. Tối đến, có điện mặt trời từ một tổ chức từ thiện, họ mắc điện này cho bà con hơn 20 năm nay. Chỉ để thắp sáng thôi.
Họ tôn trọng từng chi tiết nhỏ nhất của thiên nhiên, cả cái ngọn cây leo qua cửa sổ vào nhà, cũng không ai cắt. Con muỗi chui vào màn, cũng mở cửa màn đuổi muỗi ra rồi tạ ơn Mẹ Trái Đất trước khi ngủ. Sáng sớm một hôm đẹp trời, Clever dẫn tôi đi xuyên qua đảo, lên nơi cao nhất để dâng lá cô ca cho Mẹ Trái Đất ở một ngôi đền thiêng. Nghe nói, vào thế kỷ 16, các đoàn quân thực dân viễn chinh Bồ Đào Nha, dù lật đổ và chấm dứt cả một đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ, dù tàn phá di tích thời Inca không thương tiếc, song chưa bao giờ gót giày xâm lăng ba động được đến nơi này. Bà con xếp đá hộc tạo thành những mái, những vòm như bành con rắn hổ mang, để thờ Mẹ Trái Đất. Đền ở nơi cao nhất đảo, Clever bước qua phom cổng cong mái vòm, vào thiên la địa võng đá bao quanh. Rồi thành kính quý lạy, rút trên phom mũ nhọn khôi hài hình búp măng ra ba cái lá cô ca nguyên hình hài nhất. Dù khô, chúng vẫn xanh như khi còn ở trên cành. Tiếng cầu khấn lầm rầm. Rồi cu cậu tìm cách thảy ba lá cô ca vào các kẽ đá của khu thờ tự. Ngoài kia, một góc nhìn bao quát panorama, bốn bề hồ Titicaca lộng lẫy trùm phủ…
Ở nhà, hay đang đi đường, mỗi lúc thấy lòng thanh thản và muốn tạ ơn trời đất đã cho mình một không gian sống tuyệt vời nhất, người trên đảo lại rút trên mũ đội đầu ra ba lá cô ca, tìm một chỗ mà đất thịt lộ ra nục nạc nhất, họ thảy vào đó, mời Mẹ Trái Đất về hiến hưởng. Vài người già bảo, họ sinh ra ở đây và chưa bao giờ ra khỏi đảo, vì hạnh phúc của họ luôn tràn đầy. “Ta không nghĩ có lý do nào để ta rời đảo, dù là một ngày. Ta không cần gì nhiều hơn nữa, để mà phải đi tìm”. Núi tuyết uy nghi như một vị phúc thần khoác giáp trụ bằng bạc. Mẹ Trái Đất mở lòng bảo bọc họ, không mùi khói xăng, không thị phi internet hay mạng xã hội. Không có cỗ xe nào để đi nhanh hay gây tai nạn, cứ đủng đỉnh như voi lên đền. Họ sống lành lẽ. Lúc chia tay, cả nhà Clever ôm lấy tôi. “Xa xôi quá, không dám hẹn ngày gặp lại. Tôi cứ nghĩ, bên kia bán cầu phải là vùng hoang hóa, tuyết phủ hay núi giăng kín không một dấu chân người”, Vlasino rủ rỉ. Clever từ khi biết cậu còn ít tuổi hơn con tôi, quay ra gọi tôi là cha. Lúc xuống thuyền tiễn biệt, cu cậu giúp nhổ neo và đẩy thuyền đi, tôi đã ngậm ngùi quay đi, không dám nói câu giã từ. Sự quyến luyến của một người cha dành cho đứa con vẫn mỗi ngày thảy lá cô ca ra bìa núi lạy Mẹ Trái Đất là có thật.
Ở tít tịt bên kia bán cầu, dù là đảo vắng hoang sơ xa xôi nhất, hóa ra, cuộc sống, xúc cảm và những suy nghĩ về sự đời nó vẫn giống ở ta. Ở Lima, Cusco hay Puno, vẫn có người sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để lấy sa hoa của nền văn minh kỹ trị; vẫn có những người từ chối vòng quay huyền thoại của bánh xe hình tròn và sẵn sàng rũ bỏ tất cả để khỏi phải ngửi mùi khói xăng…
Lúc về, qua gặp gã lái thuyền láu cá mà hôm trước có hẹn tái ngộ, hắn mủm mỉm: “Ông đã được lột xác đúng không? Còn tham vọng là còn khổ”. Thấy tôi lo lắng, hắn vỗ vai: “Lột xác đi, anh sắp học được cách làm mới mình của loài rắn rồi đấy”. Lúc ấy, quả là tôi chưa hiểu hắn định nói gì.
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...