Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
05:21 (GMT +7)

Viết tiếp bài “Nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư bức hàng quân địch ở Đại Từ…”

Trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số 3, ra ngày 10/2/2023 có đăng bài “Nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư bức hàng quân địch ở Đại Từ cần được công nhận là Di tích lịch sử” của nhóm tác giả Văn Vượng – Trần Thép. Sau khi Tạp chí phát hành, chúng tôi có nhận được một số ý kiến phản hồi…

Nhóm tác giả trở lại Đền Khuôn Gà vào đầu tháng 3/2023 để tìm hiểu thêm sự việc
Nhóm tác giả trở lại Đền Khuôn Gà vào đầu tháng 3/2023 để tìm hiểu thêm sự việc

 

Clip: Ông Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã (nay là thị trấn) Hùng Sơn giới thiệu về Gò Đồn

Đáng chú ý, có ý kiến (của người có trách nhiệm) cho rằng Đền Khuôn Gà không thể công nhận là Di tích được, bởi địa điểm đồng chí Võ Nguyên Giáp nghỉ lại ở Đại Từ trước khi tiếp tục tiến về làng Thịnh Đán để giải phóng thị xã Thái Nguyên là thuộc xã Cù Vân; và đình Cù Vân, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp phát động Tổng khởi nghĩa và công bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời xã Cù Vân, được nhiều sách lịch sử ghi lại, với rất nhiều nhân chứng, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Để góp phần làm rõ sự kiện này, chúng tôi xin cung cấp thêm những bằng chứng lịch sử cũng như phân tích thêm một số nội dung trên cơ sở khoa học lịch sử.

Góc khuất của lịch sử

Để xác minh các sự kiện lịch sử, thì đầu tiên phải tìm đến các cuốn sách lịch sử. Đây là nguồn tư liệu chính thống và có độ tin cậy cao, bởi trước khi xuất bản, ban biên soạn, biên tập đã phải dày công sưu tầm tư liệu, nhân chứng, tổ chức nhiều hội thảo bản thảo. Từ tháng 4/2016, thực hiện Quyết định số 372-QĐ/TU, ngày 24 tháng 2 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cuốn sách lịch sử còn phải qua Hội đồng Thẩm định cấp tỉnh (từ tháng 6/2021 là Hội đồng thẩm định cấp huyện với những cuốn lịch sử cấp xã).

Tìm lại các cuốn lịch sử đảng bộ (LSĐB) của huyện Đại Từ để tìm hiểu về đường đi của Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, chúng tôi thấy: Có 9/13 xã của Đại Từ ghi nhận đoàn quân đi qua hoặc nghỉ lại, gồm: Yên Lãng, Phú Xuyên, Na Mao, Bản Ngoại, Hùng Sơn, Phục Linh, Cù Vân, An Khánh. Tuy nhiên, mốc thời gian lại không thống nhất với nhau. Dưới đây chúng tôi chỉ phân tích một số cuốn LSĐB có liên quan tới việc đồng chí Võ Nguyên Giáp về Hùng Sơn hay Cù Vân, gồm các cuốn LSĐB của các xã: Hùng Sơn, Cù Vân và An Khánh (thời kỳ đó An Khánh nằm trong tổng Cù Vân) .

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cù Vân (1946 – 2016)- xuất bản năm 2017 viết: “Khoảng 15 – 16 giờ ngày 17/8/1945, Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu về đến Đại Từ, tập kết tại sân đình Cù Vân. Đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) có gặp và đưa cho đồng chí Trương Văn Thiết (người làm nghề thợ may, sau này là bí thư Chi bộ Cù Vân đầu tiên) tấm vải nhờ ông may cờ để dùng cho buổi mít tinh ngày hôm sau. Khoảng 8 giờ sáng ngày 18/8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, nhân dân các xóm đã tập trung đông đủ tại sân đình Cù Vân nghe thông báo lệnh tổng khởi nghĩa giành độc lập”.

Phía ngoài của đình Cù Vân ngày nay
Phía ngoài của đình Cù Vân ngày nay

 

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn (1945 – 2012) - xuất bản năm 2013 viết: “…một đội quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), về giải phóng thị xã Thái Nguyên, ngày 18 tháng 8, trên đường hành quân, đơn vị có đi qua và nghỉ tại Khuôn Gà xóm Vân Long, xã Hùng Sơn. Tại đây đoàn đã được gia đình cụ Nhàn (Bàng Tiến Long) và bà con trong vùng tiếp đón ân cần, lo nơi ăn, chỗ nghỉ chu đáo…”.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã An Khánh (1947 - 2013) - xuất bản năm 2015 ghi: “Sáng ngày 18/8/1945, một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tới An Khánh và nghỉ tại xóm Ngò. Bộ phận đi đầu có khoảng 40 người, bộ phận quần chúng vũ trang tiếp theo có khoảng 60 người. Mặt trận Việt Minh và nhân dân xã An Khánh tổ chức đón tiếp, bảo vệ đoàn. Nhân dân trong xã đã ủng hộ 4 con lợn, 160 kg gạo cùng hoa quả và nấu ăn cho Quân giải phóng. Bếp nấu ăn cho đơn vị đặt tại nhà ông Hoàng Văn Quế (xóm Ngò xưa, nay là xóm Đồng Bục), ông Nguyễn Văn Tạo phụ trách tổ nấu ăn. Vì trời mưa to, nước suối dâng cao, cánh quân này không thể đi theo hướng Quan Triều nên Mặt trận Việt Minh cử một tổ 3 người… do ông Hà Ngọc Thu phụ trách đưa đoàn vòng qua xóm Suối Nước đến tập kết tại chùa Thịnh Đán vào trưa ngày 19/8/1945”.

Một điểm khá đặc biệt là tất cả các cuốn sách lịch sử đều chỉ dùng các cụm “dừng chân”, “nghỉ”, “tập kết” mà không cuốn nào ghi rõ là “ngủ”.

Để độc giả dễ hình dung, chúng tôi xin tóm lược theo thứ tự từ hướng xuất phát đến đích, kèm thời gian “dừng chân/ nghỉ/ tập kết”, như sau:

Tân Trào, Tuyên Quang (16/8) => Yên Lãng (17/8) => Bản Ngoại (18/8) => Hùng Sơn (18/8) => Phục Linh (17/8) => Cù Vân (17-18/8) => An Khánh (18/8) => Làng Đán, Thái Nguyên (19/8).

Rõ ràng, nếu căn cứ vào các cuốn sách trên, chúng ta không thể xác định được Quân giải phóng ngủ lại ở đâu trong 2 đêm 17/8 và 18/8.

Sơ đồ đường đi của Quân Giải phóng tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mô phỏng theo các cuốn sách lịch sử. Theo đó, 3 điểm liên quan đến bài viết là Hùng Sơn, Cù Vân và An Khánh hiện chưa khẳng định được thời gian Quân Giải phóng nghỉ lại qua đêm
Sơ đồ đường đi của Quân Giải phóng tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mô phỏng theo các cuốn sách lịch sử. Theo đó, 3 điểm liên quan đến bài viết là Hùng Sơn, Cù Vân và An Khánh hiện chưa khẳng định được thời gian Quân Giải phóng nghỉ lại qua đêm

Muốn đưa ra phán đoán một cách sát thực nhất còn phải sử dụng kết hợp các phương pháp khác, nhất là phương pháp phân tích so sánh và phương pháp logic. Tuy nhiên đây là công việc của các nhà khoa học lịch sử.

Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Thanh Khôi, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Ông Khôi cho biết: không ít các cuốn sách lịch sử đảng bộ khi viết dựa vào nguồn sử liệu từ các cuốn sách khác, kết hợp với lời kể của những người có liên quan đến sự kiện rồi sử dụng phương pháp lịch sử để dựng lại sự kiện đã xảy ra. Bởi vậy, có thể bị sai lệch. Khi nghiên cứu, còn phải phân tích thêm các tài liệu lịch sử có liên quan. Do tính chất của các cuốn lịch sử, người ta chỉ đưa vào sách những sự kiện lớn và họ viết khái quát chứ không thể viết chi tiết mọi thứ vào đó. Vì vậy, những chi tiết lịch sử nhiều khi vẫn còn nằm trong tài liệu của các nhà nghiên cứu.

Tái hiện qua tài liệu lịch sử

Trong chuyến công tác sưu tầm tư liệu lần này, chúng tôi đến gặp ông Trần Văn Vân, ở tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn. Ông Vân là con trai của ông Trần Văn Tân. Ông Tân là con rể ông Bàng Tiến Long (người có công với cách mạng, lập nên đền Khuôn Gà chúng tôi đã viết trong bài trước). Ngày đó ông Tân làm việc trong phủ (huyện), là người đã tham gia chuyển lá thư bức hàng quân địch vào phủ cho quan tri huyện.

Ông Trần Văn Vân (áo trắng) cùng vợ trao đổi với nhóm phóng viên
Ông Trần Văn Vân (áo trắng) cùng vợ trao đổi với nhóm phóng viên

Ông Vân lục mở cặp tài liệu của bố mình để lại và đưa cho chúng tôi xem bản gốc (đóng dấu đỏ) Giấy chứng nhận của ông Bảo Sơn (Lão thành cách mạng, khi đó đang công tác ở Ban Dân tộc Trung ương) xác nhận ông Tân là người đã tham gia chuyển lá thư bức hàng của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) cho tri phủ Đại Từ Ngô Tuấn Tiếp.

Phần phía dưới của Giấy xác nhận
Phần phía dưới của Giấy xác nhận

Ông Vân kể: Khi đó (thời điểm năm 1972) bố tôi cũng như những người hoạt động cách mạng thời ấy có nghĩ gì đến việc đòi báo công đâu, mà chủ yếu là vì danh dự. Lúc ấy bố tôi làm trong bộ máy chính quyền phong kiến, nhưng lại tham gia hoạt động cách mạng. Bởi vậy, sau này cần phải chứng minh cho rõ ràng, tránh người đời dè bỉu.

Rồi chỉ vào lá đơn trình bày viết tay gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nét bút gạch bên lề, ông Vân cho hay: Khi đó (năm 1995) bố tôi đã nhiều tuổi, nên viết thư và giao cho tôi cùng anh Hoà (anh trai cả của tôi) đi về Hà Nội gặp Đại tướng xin xác nhận. Gia đình tôi nhờ anh Thuận, con nuôi của bố tôi, khi ấy đang là một cán bộ trong quân đội đưa xuống Hà Nội gặp Tướng Giáp. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, bên cảnh vệ họ mời anh Thuận đại diện gia đình vào trình bày sự việc với Đại tướng. Bản gốc giấy xác nhận của Đại tướng, gia đình tôi đã nộp để đưa vào hồ sơ để trình cấp trên và nhờ đó bố tôi được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Có công với nước (năm 1998).

Giấy chứng nhận Người có công với cách mạng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cấp theo Bằng Có công với nước của Thủ tướng Chính phủ cho ông Trần Văn Tân
Giấy chứng nhận Người có công với cách mạng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cấp theo Bằng Có công với nước của Thủ tướng Chính phủ cho ông Trần Văn Tân

4 nội dung mà ông Tân ghi trong đơn là: 1/ Vào trung tuần tháng 8/1945, trước khi Đại tướng ở Tân Trào về Khuôn Gà, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Đại tướng cử anh Nam Tiến, anh Bảo Sơn... Hai anh đến ở nhà tôi và giao cho tôi 4 lá thư. Tôi đã tìm mọi cách để đưa được những là thư đó: 1 cho Tri phủ Đại Từ, 1 cho Thừa phái, 1 cho lục sự huyện, 1 cho lính Bảo an. Hôm sau Đại tướng và bộ đội về tới Khuôn Gà. 2/ Tôi được dẫn đường cho Đại tướng ra bờ sông cùng 2 người Mỹ và bộ đội Quang Trung (1) bắc ống nhòm nhìn sang phủ Đại Từ. 3/ Đại tướng còn nói “trên bờ tường còn mấy thằng Nhật”. Chiều hôm đó Đại tướng về Thái Nguyên cùng bộ đội Quang Trung. 4/ Đại tướng viết để lại 1 lá thư…, giao lại cho Bảo Sơn và tôi phải làm bằng được. Anh Bảo Sơn giao cho tôi nhiệm vụ này. Tôi tìm mọi cách đến được phủ Đại Từ  và đã hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, dù không phải bản khai của nhân chứng phục vụ cho việc viết sách lịch sử, nhưng thông qua tài liệu này, lại cho chúng ta thấy rõ: Đồng chí Võ  Nguyên Giáp về Khuôn Gà, cùng 2 người Mỹ (trong Biệt đội Con Nai – tác giả chú thích) ra phía bờ sông để quan sát phủ Đại Từ. Đặc biệt, dòng chữ “Chiều hôm đó Đại tướng về Thái Nguyên cùng bộ đội Quang Trung” rất đáng quan tâm.

Dẫn chúng tôi lên Gò Đồn, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp bắc ống nhòm quan sát phủ Đại Từ, ông Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn, người chỉ đạo và tham gia biên tập cuốn Lịch sử Đảng bộ xã cho biết: Theo các nhân chứng lịch sử kể lại, hôm đó đồng chí Võ Nguyên Giáp được người nhà ông Bàng Tiến Long đưa lên Gò Đồn để thị sát đồn binh của Nhật. Gò Đồn nằm sát bờ sông Công, phía bên kia sông là trung tâm huyện. Vì có địa thế rất cao, nên từ xa xưa, chính quyền nhà nước phong kiến đã biết tận dụng vị trí này để xây dựng đồn binh, nên mới có tên “Gò Đồn” là vì thế. Từ đền Khuôn Gà sang đây chỉ hơn 1km, có đường mòn từ xa xưa để lên đó và vẫn nằm trong vùng rừng núi của Khuôn Gà nên rất an toàn.  

Clip: Ông Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn

Thật may mắn, chúng tôi nhờ ông Vũ Thanh Khôi tìm lại được bản photo cuốn “Nhật ký của Đội “Con Nai”” do Thiếu tá A.K. Tô-mát (Thomas) ghi chép. Vì là nhật ký, lại do một sĩ quan bên phía Mỹ ghi chép, nên về mốc thời gian, sự kiện có thể nói rất chính xác.

Đoạn tài liệu nói về đường đi của Đội Con Nai. Địa danh “Kim Lũng” là tên cũ của xã Tân Trào.
Đoạn tài liệu nói về đường đi của Đội Con Nai. Địa danh “Kim Lũng” là tên cũ của xã Tân Trào.

Phần cuối đoạn ghi chép của ngày 16/8/1945 viết: “Mãi khuya chúng tôi mới về đến làng Đồng Măng”.

Tiếp theo, Tô-mát ghi: “Ngày 17/8/1945: Ngày thứ 2 của cuộc hành quân, chúng tôi ở lại suốt đêm tại Phục Linh cách không xa Hùng Sơn…

Ngày 18/8/1945: Một bộ phận quân đội tiến hành một cuộc trinh sát ở Hùng Sơn. Khoảng gần 20 tên Nhật hãy còn ở trong đồn, thế nhưng ông Văn (bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp – tác giả chú thích), người lãnh đạo của Đảng cho rằng không có lý do gì để chờ đợi ở đây cả 1 ngày để tìm cách tiến công bọn chúng, mà phải tiếp tục đi đến con mồi to hơn ở tỉnh lỵ Thái Nguyên. Người Mỹ và những đội quân còn lại cùng một lúc tiến thẳng về làng Thịnh Đán, cách nam Thái Nguyên vài km”.

Cũng theo cuốn hồi ký, quá trình hành quân, Biệt đội Con Nai và Quân giải phóng chia thành “3 - 4 đội quân” (ngày 20/8, khi tiến về giải phóng Thái Nguyên, người Mỹ ở thê đội 3), bởi vậy các cánh quân có thể nghỉ rải rác xung quanh một địa bàn nhỏ. Do đó, đêm 17/8 nhóm của Tô-mát nghỉ ở “cách không xa Hùng Sơn” thì nhóm Quân giải phóng của đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng có thể nghỉ tại khu vực đền Khuôn Gà (khi đó thuộc xã Phục Linh, nay thuộc thị trấn Hùng Sơn) là hợp lý.

Đặc biệt, đoạn “Một bộ phận quân đội tiến hành một cuộc trinh sát ở Hùng Sơn. Khoảng gần 20 tên Nhật hãy còn ở trong đồn, thế nhưng ông Văn… phải tiếp tục đi đến con mồi to hơn ở tỉnh lỵ Thái Nguyên” hoàn toàn trùng khớp với nội dung ghi trong tờ đơn trình bày của ông Trần Văn Tân, nghĩa là đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 2 người trong đội “Con Nai” được ông Tân và một số người nữa đưa lên đỉnh Gò Đồn để quan sát đồn Nhật bên phía phủ Đại Từ. Chiều 18/8, sau khi quan sát và quyết định không đánh đồn Nhật, đoàn quân giải phóng cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến về Thái Nguyên.

Vĩ thanh

Như đã đặt vấn đề ở đầu bài viết, bài này chúng tôi viết tiếp để làm rõ và khẳng định: sự kiện đồng chí Võ Nguyên Giáp về khu vực đền Khuôn Gà (xóm Vân Long, xã Hùng Sơn) và lên đỉnh Gò Đồn để quan sát rồi viết thư bức hàng quân địch giao lại cho một số cán bộ của ta (trong đó có ông Tân) chuyển thư vào trong phủ Đại Từ là có cơ sở và tư liệu xác đáng. Đền Khuôn Gà còn là nơi các cán bộ cách mạng của địa phương thường xuyên lui tới hội họp vào giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám. Đây là những căn cứ để xem xét công nhận đền Khuôn Gà là Di tích lịch sử.

Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng và công nhận di tích khi đủ các điều kiện, góp phần tuyên truyền truyền thống cách mạng của địa phương cho các thế hệ mai sau.

----------

(1) Tháng 2/1944, tại Hội nghị Cán bộ họp ở Khuổi Kịch (Sơn Dương, Tuyên Quang), đã quyết định chia Chiến khu Hoàng Hoa Thám thành 2 phân khu, lấy sông Cầu làm ranh giới. Phân khu A (Phân khu Quang Trung) gồm địa phận các huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai (Thái Nguyên), Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định, Thoát Lãng (Lạng Sơn), Bắc Yên Thế và Hữu Lũng (Bắc Giang).

Link bài số trước:

https://vannghethainguyen.vn/2023/01/22/noi-dai-tuong-vo-nguyen-giap-viet-thu-buc-hang-quan-dich-o-dai-tu-can-duoc-cong-nhan-la-di-tich-lich-su/

Trần Thép – Mỹ Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy