Việt Nam trong mắt một chàng rể Pháp – (Kỳ II): Hiểu Việt Nam hơn từ các vùng quê
VNTN - 1. Những chuỗi ngày trở lại khám phá vùng quê Việt Nam của Claude Constant đã mang lại nhiều cảm xúc. Khi về thăm nhà tôi tại Thường Tín (Hà Tây cũ), tôi đã muốn anh đi xe buýt. Người Pháp không lạ gì xe buýt, nhưng tôi muốn anh trải nghiệm…buýt của Hà Nội.
Từ khách sạn, chúng tôi lên xe buýt nội thành để đến bến Giáp Bát, sau đó phải đổi tuyến khác thì mới về được nhà. Sáng sớm, xe nội thành vắng khách, phụ xe và tài xế khá lịch sự, xe chạy êm và chồng tôi đã rất hân hoan. Đến bến, chúng tôi chỉ phải đợi vài phút đã có chuyến về Thường Tín. Lần này thì khác hẳn. Xe to hơn nhưng đã cũ nên không ngừng tạo ra bản “giao hưởng” cọt kẹt rít róng lặp đi lặp lại, cộng thêm anh tài xế cứ vô tư khoe tiếng và khoe chuyện - những câu chuyện chẳng ai muốn nghe… Suốt chặng đường hơn hai chục kilomet, anh ta không ngừng trò chuyện điện thoại. Điều này hẳn bị cấm, nhưng chẳng ai phản ứng gì. Hành khách trên chuyến xe này cũng khác xa với tuyến nội đô, họ ăn mặc khá lam lũ và mang theo hàng hóa cồng kềnh.
Cảnh trên xe được Claude Constant quên nhanh khi về tới nhà vợ với sự ấm áp, đầy tình thân quyến, nhất là hôm đó lại đúng ngày giỗ mẹ tôi. Anh đã rất xúc động, khám phá cảnh sinh hoạt trong gia đình, mối quan hệ anh chị em và tình làng nghĩa xóm tại quê vợ, dẫu bây giờ cũng đã khác xa trước đây. Anh bâng khuâng khi thấy làng xóm không còn lũy tre xanh, không còn cảnh khói lam chiều trên những mái nhà tranh. Con đường làng lát gạch đỏ cũ xa xưa giờ đã được láng xi măng, chỉ những cánh đồng mênh mông thì vẫn còn đó... Anh bảo, thích nhất cái cổng làng bề thế uy nghiêm, ngôi đình rêu phong với những cây đại đang vào mùa hoa nở, tỏa hương rất thơm. Dù không hiểu hết những điều mọi người nói nhưng Claude Constant rất xúc động trước cảnh đại gia đình ngồi xung quanh một mâm cỗ quê…
Từ Paris tôi đã nói trước, chuyến đi này sẽ cho anh khám phá Việt Nam một cách thực sự. Không khách sạn 5 sao, không taxi đưa rước mà sống như một người Việt Nam bình dân. Rời Thường Tín vào chiều muộn, chúng tôi bắt xe đi Hải Phòng. Nhà xe rất lịch sự, khiến tôi liên tưởng đến các hãng xe của Pháp, Nhật hay Hàn Quốc. Xe chạy bon bon và đến nơi đúng giờ.
Hải Phòng thu hút Claude với vẻ đẹp của thành phố cảng. Khu trung tâm, Nhà hát Lớn, Ga Hải Phòng, một số đường phố còn rợp bóng những cây phượng và thấp thoáng những tòa biệt thự cổ từ thời Pháp thuộc. Đôi dãy phố cạnh hồ Tam Bạc với những mái chùa mới dựng còn mới tinh, cả khu này đã được tân trang với nhiều nhà hàng và trung tâm giới thiệu sự kiện, rất hiện đại. Claude Constant đã khá xúc động khi chúng tôi tới thăm những chốn thiêng cổ kính như đền Lê Chân, Chùa Vẽ, đền Ngô Quyền…
Đã tham gia dịch tác phẩm Xứ Đông Dương thuộc Pháp của cố Thống đốc Toàn quyền Đông Dương Pháp Paul Doumer (1897 - 1902) và ông cũng là Tổng thống thứ 14 của Cộng hòa Pháp, nên tôi thuộc các địa điểm lịch sử xưa kia, nhưng nơi mà người Pháp đã đặt nền móng cho những cơ sở hạ tầng đầu tiên nhằm phát triển hệ thống hành chính cai trị cũng như giao thông, từ biển đến Hà Nội và tỏa đi khắp miền đồng bằng Bắc bộ. Cảng Hải Phòng, các bến trên sông Cấm, Nhà máy xi măng, các tòa nhà công quyền và cả những khu biệt thự… Tôi đưa Claude đến đó, anh nhướn mày như dò hỏi bởi giờ đây những điểm đó đã chẳng còn lưu lại gì dáng hình bề ngoài của hơn một thế kỷ trước. Nếu còn thì đó chỉ là những tòa biệt thự mĩ miều, được tái sử dụng sau khi Việt Nam độc lập và thường xuyên tân trang.
Nhưng theo cách của mình, tôi khiến Claude hình dung lại thời kỳ Pháp thuộc của nơi đây, nhất là trong nhiệm kỳ Thống đốc toàn quyền của Paul Doumer. Paul Doumer không phải là Thống đốc toàn quyền Pháp đầu tiên ở Đông Dương nhưng là một trong những nhà cầm quyền cao nhất có nhiệm kỳ lâu nhất tại đây, và có lẽ ông đã đạt được những kết quả kỷ lục nhất trong việc hiện đại hóa nơi này. Trong nhiệm kỳ 5 năm, kể từ 1897 đến 1902, ông đã cho xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương nối với Vân Nam - Trung Quốc; xây dựng rất nhiều cây cầu trọng yếu như: cầu Long Biên - Hà Nội, cầu Việt Trì, cầu Quay - Hải Phòng, cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa, cầu Trường Tiền - Huế, cầu Bình Lợi - Sài Gòn; Mở mang đường xá nối Nam Kỳ và Trung Kỳ; Chấp thuận đề xuất của Yersin xây dựng thành phố Đà Lạt; Mở mang xây dựng cảng Hải Phòng; Xây Nhà hát Lớn Hà Nội; Đưa Hà Nội vào danh sách một trong những thành phố châu Á đầu tiên có điện...
Rồi chúng tôi đến Đồ Sơn, nơi đây khiến Claude trầm ngâm nhiều hơn khi lội dọc bãi biển, dẫu con đường ven biển rất đẹp, nhưng nước biển đục và khá nhiều túi ny lông bơi lững lờ. Rồi, những tấm biển ghi dòng chữ rất to để khuyên/cấm kéo níu khách, nhưng chúng tôi vẫn bị chèo kéo, nhiều đến nỗi ngại đi tiếp. Đến Bến Nghiêng, nơi đã được công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến, tôi kể cho anh nghe về lịch sử nơi này, những con tàu không số đã vận chuyển vũ khí và lương thực tiếp tế cho miền nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Và vô tình, chúng tôi phát hiện ra một tấm biển rất lớn, nằm khuất nẻo giữa lùm cây xanh um. Tấm biển được khắc bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Nơi đây, ngày 15 tháng 5 năm 1955, những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng”. Claude nhoẻn cười thầm thì: “Và họ đã quay trở lại nhỉ… Nhưng dưới một nhân thân khác”. Tôi im lặng.
Gia đình chúng tôi chịu ơn thành phố Hải Phòng. Vì chính bệnh viện Nhi Đức, nữ bác sỹ Tung cùng các tập thể y bác sỹ khác đã cứu sống con trai Bin Valentin Constant của chúng tôi khi cháu bị sinh thiếu tháng với chững bệnh thiếu bạch cầu.
2. Những ngày tiếp theo, chúng tôi đến Yên Bái. Có khá nhiều lý do để chúng tôi đến thăm tỉnh Yên Bái. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi xe ca lên Yên Bái, nhưng lần này thì không gặp may, đó quả là “chuyến xe bão táp”. Đúng giờ xe xuất phát ở bến Mỹ Đình, nhưng còn đi lòng vòng nhiều lần trong thành phố để bắt khách… Suốt hành trình, nhà xe cứ tự tiện dừng trả đón khách ngay trên đường cao tốc. Và phải mất năm tiếng thì chúng tôi mới đến nơi, thay bằng hơn ba tiếng như thông báo.
Thăm không gia Nguyễn Thái Học
Ở Paris, chúng tôi đã biết Yên Bái đã kết nghĩa với tỉnh Val-de-Marne của Pháp. Ngay từ những năm 1990, tỉnh Val-de-Marne đã trợ giúp Yên Bái trong khá nhiều lĩnh vực, nhất là các trang thiết bị y tế và cải thiện nguồn nước sạch. Hàng năm các cán bộ lãnh đạo cao cấp của hai tỉnh thường xuyên qua lại và ký kết các dự án và có sự trao đổi văn hóa khá khăng khít.
Ngược dòng lịch sử đến thời kỳ kháng chiến 9 năm mà chúng tôi khám phá nhân những cuộc trò chuyện với ông Pierre Flamen, người cựu binh Pháp đã tham chiến tại Điện Biên Phủ và cũng là người đã tặng bức chân dung Hồ Chủ tịch cho Việt Nam. Trước thời kỳ diễn ra cuộc chiến Điện Biên Phủ, ông Flamen đã từng đóng quân tại Nghĩa Lộ, Tú Lệ (Yên Bái), trong những năm 1948-1953. Ông là sỹ quan trinh sát và có một trí nhớ tuyệt vời. Tay chỉ trên bản đồ, ông kể từng sự kiện, trận đánh, có bao nhiêu người tham gia, con số mất tích và tử vong. Ở tuổi 90, ông vẫn đến Trung tâm lưu trữ quân đội Thuộc địa Đông Dương để tra cứu những tư liệu chính thức. Rồi khi biết chúng tôi sắp hồi hương ông nói nếu có dịp, chúng tôi hãy đến chỗ này chỗ kia, có thể ai đó mà còn sống, chắc sẽ nhớ ông. Ông Flamen luôn tự hào là một người lính có kỷ luật, ông thường nhắc “Là người lính khi lâm trận thì đánh trận, thời bình thì phải bảo vệ dân…”. Ông cũng kể rằng phụ nữ vùng đó rất đẹp, nhưng ông đã không dám “giăng mắc” với họ, chỉ trò chuyện với những người cao tuổi. Có lần ông đã đưa dân đi cắt trộm lúa ở vùng Việt Minh kiểm soát “Không làm vậy, họ sẽ chết đói, vì thực sự họ không còn gì để ăn, rất tội nghiệp…”.
Còn tôi đã từng dịch tác phẩm Yên Bái - Đêm rực lửa của tác giả lấy bút danh Bốn Mắt. Ông này vốn là một sỹ quan cao cấp Quân đội Pháp tại Đông Dương từ những năm 1920. Ông lấy bút danh Bốn Mắt hình như để chứng thực rằng ông đứng ở hai phía để nhìn nhận sự đàn áp của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương và sự nổi dậy của người bản xứ. Ông đánh giá cao tinh thần bất khuất của các nghĩa quân và phê phán gay gắt chính sách của Pháp. Nghe nói sau khi xuất bản cuốn sách ấy, ông đã bị điều về Pháp. Trong tác phẩm ông đã kể nhiều về thành phố trung du này. Nhất là đêm tháng Hai năm 1930 ấy, cả thành phố Yên Bái máu chảy thành sông do cuộc đột kích của nghĩa quân và vụ đó đã dẫn đến việc Nguyễn Thái Học và 12 nghĩa quân bị Pháp bắt và chém bêu đầu. Bức ảnh hơn chục chiếc đầu lâu được xếp chồng lên nhau đã được lan truyền khắp thế giới. Đương nhiên các nhà cầm quyền Pháp hân hoan, bởi họ ngỡ làm vậy sẽ dập tắt được ngọn lửa phản công. Nhưng họ đã lầm, bức ảnh đã càng gợi lên ý chí căm thù đòi độc lập tự do của người bản địa và cộng đồng thế giới, và lịch sử đã chứng mình điều đó.
Đến Yên Bái lần này, Claude mong muốn được đi thăm các khu di tích xưa của Pháp. Dinh thự Thống sứ Pháp đã trở nên hoang tàn, đìu hiu dưới bóng cây cổ thụ và các bức tường bao ngoài, vẫn vững chãi trơ gan cùng thời gian. Bóng chiều hoàng hôn rọi lên các bức tường vàng rêu phong, lá rụng đầy khắp nơi khiến phong cảnh trở nên thê lương hơn. Còn đâu dáng hình của một Trung tâm quyền lực một thời của cả vùng trung du này… Các khu đồn trú của quân đội Pháp trước đây cũng thế, cây dại chen chúc nhau mọc tứ phía, chỉ còn lại những móng tường dầy khổng lồ, đã bị rêu ăn mòn. Nghe nói bà con xung quanh đó đã đến gỡ tường lấy gạch đem về sử dụng. Chúng tôi cùng đứng lặng tưởng niệm những người con Việt và Pháp đã từng tử trận nơi đây trong những ngày khói lửa đó, và nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Bái cách đây gần thế kỷ…
Hôm sau chúng tôi đi thăm thành phố Yên Bái bằng xe máy. Trừ một vài nơi sầm uất mới xây dựng với những khu nhà cao tầng tráng lệ, phần đông các quần thể nhà cửa vẫn chưa được qui hoạch, vẫn ngổn ngang mạnh ai nấy xây, kiến trúc lộn xộn không đồng đều, nhiều chỗ còn đang dang dở và rất nhiều bụi. Chỗ nào cũng có bụi, bụi bám trên mặt tiền ngôi nhà, bụi bám trên kính, trên cành cây khiến màu xanh đã trở thành một màu hoen xỉn… Bù lại, chúng gây cho khách lữ hành vẻ hoài cổ, những năm tháng xa xưa bỗng chợt hiện về… “Ga Yên Bái trong thời Pháp thuộc là đầu mối giao thông quan trọng là thế, là nơi tiếp quản vũ khí và lương thực đến từ Hà Nội và chuyển lên các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, rồi sang Trung Quốc, thì giờ đây vẫn không mấy thay đổi về hình dáng. Những con tàu cũ kỹ và đường ray xưa” - Chẳng thay đổi mấy như khi anh đọc sách xưa nhỉ! - Claude Constant nhận xét.
Đến Yên Bái thì phải đi thăm Thác Bà, Claude ngây ngất - “Cứ như là vịnh Hạ Long ấy!” - Claude thốt lên. Trước mắt chúng tôi là một khu mênh mông sơn thuỷ hữu tình, có nước, có cây, có động đá và những huyền thoại. Tôi đã nghe nói về khu hồ này, nhưng độ mênh mang của nó hiển hiện trước mắt cũng khiến tôi ngỡ ngàng! Chúng tôi thuê ca-nô đi dạo. Hôm đó ít khách tham quan, thi thoảng mới có những con thuyền nhỏ bồng bềnh trên mặt nước. Phong cảnh nên thơ thật! Hàng trăm quả đồi đất phủ cây xanh nổi trên mặt nước trong vắt. Chúng tôi có lẽ sẽ giữ mãi cảm giác lâng lâng khi đi dạo thuyền ở đó.
Hôm sau đi Nghĩa Lộ và Tú Lệ. Trên cung đường quanh co, những mỏm núi trung du trùng điệp nối đuôi nhau, thật tuyệt! Khu đồng bằng Nghĩa Lộ khiến chúng tôi an tâm hơn. Những thửa ngô đã thu hoạch để lại những thảm lá vàng khô xào xạc theo gió. Nghĩa Lộ và Tú Lệ cũng để lại nhiều thành quách của Pháp, giờ cũng đã điêu tàn. Ngoài một số khu phố sầm uất ở trung tâm, chỉ cần đi sâu vào trong chừng cây số, sẽ bắt gặp đời sống thực sự của bà con nơi đây. Dẫu những con đường lát xi măng liên bản, những cổng trào chỉn chu đón khách ngay từ đầu bản cũng không giấu đi được cuộc sống của bà con còn rất nghèo… Nhưng họ lại rất tốt bụng và thiện lương. Sự chân thật của họ khiến chúng tôi bối rối…
Ngày cuối cùng trước khi rời Yên Bái, chúng tôi được nhà thơ Nguyễn Ngọc Bái, nguyên Giám đốc sở Văn hóa tỉnh Yên Bái dẫn ra thăm Không gian Nguyễn Thái Học nằm tại công viên Yên Hòa. Phải nói đây là buồng phổi của thành phố. Không gian mênh mông, có nhiều cây và khu hồ rộng, dẫu đã bị lấn chiếm khá nhiều để xây nhà cao tầng. Quần thể tượng đài tưởng niệm nhà trí sỹ yêu nước Nguyễn Thái Học và đồng đội rất rộng, gồm tượng đài và khu mộ. Có bảng khắc tên những người đã bị Pháp hành hình ngày đó. Anh Ngọc Bái đã giới thiệu với chúng tôi rất tỉ mỷ và quá trình xây dựng khu này! Với một tỉnh còn khá nghèo, đây quả là một cố gắng lớn, đáng quý! Claude đứng lặng rất lâu trước ngôi mộ của người mà anh chỉ nghe tên nhưng đã kính phục sự can đảm và dũng cảm, kiên cường khẳng khái đến phút chót trước quân Pháp vì tình yêu nước, yêu dân tộc của mình. Anh đánh giá cao câu nói của trí sỹ Nguyễn Thái Học: “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang!”
Sau gần một tháng du lịch nhiều tỉnh thành khắp đất nước Việt Nam, lúc ra sân bay trở về Paris, Claude Constant trầm ngâm nhìn qua cửa kính, anh bảo: Anh đang nghĩ về sự thay đổi của nơi đây. Lần đầu tiên anh đến sân bay Nội Bài, khi ấy còn rất hoang sơ, tòa nhà thấp bé, đèn điện vàng vọt phậm phù, còn bây giờ thì sáng choang, chẳng khác gì những sân bay hiện đại trên thế giới. Về tổng thể, Việt Nam khiến khách ngoại quốc hân hoan trước sự chuyển biến về cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn, dẫu kiến trúc đôi khi còn hơi lộn xộn, hệ thống đường xá chưa đồng đều. Sự phát triển và đời sống người dân còn khá chênh lệch giữa thành phố và nông thôn… Việt Nam cần phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn, Hà Nội nên tái kiến thiết tàu điện và khuyến khích dân chúng quan tâm đến môi trường hơn nữa… Dẫu còn nhiều bất cập, nhưng Việt Nam có nhiều nhân tài, nếu chính phủ có những quyết định đúng đắn, mọi chuyện sẽ nhanh ổn định thôi…
Hiệu Constant
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...