Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:59 (GMT +7)

Vì sao Nga không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria?

VNTN - Sau hơn 1 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố về chiến lược chống IS và thành lập liên minh chống IS bao gồm gần 60 nước tham gia (hầu hết là các đồng minh của Mỹ), do Mỹ đứng đầu. Liên minh đã tiến hành hàng nghìn vụ không kích vào các mục tiêu của IS, song có một nghịch lý là, Mỹ và liên minh càng không kích, IS dường như càng mạnh hơn. Theo thống kê, từ tháng 8/2014 đến nay, Mỹ và liên minh đã tiến hành gần 7.000 lượt không kích với hàng nghìn chiếc máy bay các loại. Các cuộc không kích do Mỹ và liên minh tiến hành đã phá hủy được một số cơ sở quan trọng của IS và tiêu diệt được khoảng 10.000 chiến binh Hồi giáo. Tuy nhiên, Mỹ và liên minh mới chỉ giải phóng được khoảng 10% diện tích lãnh thổ do IS kiểm soát. Thậm chí, ngay các vùng mỏ thuộc quyền kiểm soát của IS, các hoạt động khai thác dầu khí vẫn được IS tiến hành công khai với khối lượng lớn thiết bị máy móc hoạt động ngày và đêm. Theo tính toán của một số chuyên gia, chi phí trung bình trong 1 ngày của chiến dịch không kích của Mỹ và liên minh tốn khoảng 7.000-10.000USD. Đến tháng 4/2015, tổng chi phí Mỹ và liên minh thực hiện chiến dịch không kích IS đã lên đến hơn 4 tỉ USD.

Kể từ ngày 30/9/2015, theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã bắt đầu các cuộc không kích lực lượng IS tại Syria. Sau hơn 10 ngày, không quân Nga đã thực hiện gần 200 lượt không kích và đã tiêu diệt hơn 100 mục tiêu của IS, trong đó có 71 xe bọc thép, 30 xe vận tải, xe ca, 19 trung tâm chỉ huy, 2 trạm thông tin liên lạc, 23 kho nhiên liệu và đạn dược, 6 xưởng chế tạo vũ khí, trại huấn luyện. Trả lời phỏng vấn của RIA Novosti, ông Riyad Haddad, Đại sứ Syria tại Nga cho biết không quân Nga đã phá hủy khoảng 40% cơ sở hạ tầng của IS, buộc lực lượng phiến quân phải rút lui về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục đích Nga đặt ra là triệt tiêu khả năng hoạt động của IS nhằm làm giảm sức ép đối với quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, giúp quân đội Syria có thời gian để tập hợp lại lực lượng và thực hiện các cuộc tiến công. Mục tiêu tiến công của Nga trải khắp trên lãnh thổ Syria, từ đại bản doanh của IS tại Raqqa cho tới vùng phụ cận của thành cổ Palmyra, phía tây thủ đô Damascus.

Cùng tham gia không kích với không quân Nga còn có các máy bay tiêm kích J-15 của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay “Liêu Ninh”. Theo các nhà phân tích, đây được coi là sự kiện cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc vì đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của Trung Quốc tại Trung Đông, cũng như việc thử nghiệm hoạt động của tàu sân bay trong các điều kiện thực chiến. Theo nguồn tin của các quan chức quân sự Nga, chiến dịch không kích IS của Nga sẽ kết thúc sau từ 3-4 tháng.

Vì sao Nga không kích IS?

Bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga 

Syria là đồng minh thân cận nhất của Nga ở Trung Đông, nhất là trong thời kỳ đầy biến động trong hơn 4 năm qua, khi Syria phải đối mặt với phong trào nổi dậy đối lập và các tổ chức khủng bố. Mục tiêu chiến lược của Nga là chủ động bảo toàn lợi ích của Nga được xây dựng ở Syria từ những năm 1970 đến nay.

Về phương diện chiến lược, Syria được coi là “chiếc mỏ neo” để Nga duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông. Việc gia tăng lực lượng cũng như tiến hành không kích tại Syria dù tốn kém về chi phí, song sẽ giúp Nga giữ vững và củng cố một “bàn đạp” quan trọng ở Trung Đông; mặt khác, sẽ giúp Nga đối phó với ý đồ chiến lược của Mỹ và phương Tây về các kịch bản cho tương lai Syria thời hậu chiến. Tại Syria, Nga đang triển khai một số căn cứ quân sự, trong đó lớn nhất là cảng Turtus, với sự có mặt của 17.000 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên nhân sự. Tartus sẽ giúp Nga mở rộng ảnh hưởng ra Địa Trung Hải, một vùng biển chiến lược mà Nga sẽ tăng cường hiện diện trong tương lai, theo tinh thần Học thuyết biển mới được công bố vào tháng 7/2015. Lợi ích chiến lược của Nga đang bị đe dọa khi diễn biến ở Syria đang chuyển biến theo hướng bất lợi cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Vì vậy, việc hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống IS thông qua trợ giúp vũ khí trang bị và thực hiện các cuộc không kích lực lượng IS là một phần trong kế hoạch hợp tác lâu dài giữa Nga và Syria.

Về phương diện kinh tế, hiện nay, nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm và lệnh trừng phạt EU áp dụng với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ucraina. Giá dầu thế giới giảm mạnh sẽ có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nga, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu thương mại của Nga (527 tỉ USD). Theo tính toán, nếu giá dầu giảm 60 cent/thùng thì Nga sẽ mất khoảng 80 tỉ USD/năm. Yếu tố duy nhất có thể đẩy giá dầu lên cao là diễn biến của các cuộc xung đột ở Trung Đông. Chính vì thế, sự bất ổn của khu vực này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Nga.

Tiêu diệt IS, bảo vệ chế độ Bashar al-Assad  

Do Nga là đồng minh thân cận của Syria, nhất là việc Nga là nhà cung cấp vũ khí trang bị lớn nhất cho Syria, ủng hộ Syria trong cuộc chiến chống IS, nên IS đã công khai coi Nga là “kẻ thù” của mình và quyết tâm trả thù Nga. Do đó, tiêu diệt IS là cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Nga, bảo đảm cho “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt sẽ triệt tiêu mối đe dọa là IS đối với an ninh quốc gia Nga; mặt khác duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Nga. Điều này có thể nhận thấy qua sự lo ngại của Nga đối với sự lung lay của chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Do đó, Nga muốn thông qua các cuộc không kích làm suy yếu IS, sẽ giúp củng cố chế độ chính trị ở Syria. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Nga tiêu diệt lực lượng khủng bố là những tín đồ Hồi giáo người Chechnya và Dagestan được IS huấn luyện, không để lực lượng này trở về quê hương.

Giải pháp Nga đưa ra cho cuộc khủng hoảng ở Syria là: Một mặt kêu gọi phe đối lập ở Syria có chung một tiếng nói để đàm phán với Syria chấm dứt khủng hoảng chính trị đã kéo dài; mặt khác, đề nghị thành lập liên minh quốc tế - khu vực chống IS. Nga đã công khai công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria là để triển khai kế hoạch do Tổng thống Putin đề xướng về việc hình thành một “liên minh quốc tế - khu vực chống khủng bố”, có sự tham gia của chính quyền Syria cùng các nước Ả rập khác và Iran. Tháng 8/2015, Nga đã tích cực tiếp xúc với các bên liên quan trong khu vực Trung Đông và Mỹ để vận động cho việc hình thành liên minh chống khủng bố có sự tham gia của chính quyền Syria. Theo quan điểm của Nga, việc loại chính quyền Syria ra ngoài liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu là không khách quan, bởi Nga coi quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad là “lực lượng hữu hiệu nhất” tại Syria để chống khủng bố. Bên cạnh đó, Nga còn hậu thuẫn cho Iran xây dựng một trục quyền lực Hồi giáo Shiite, trải dài từ Afghanistan tới Libăng qua Iran, Iraq, Syria.

Việc bảo vệ và duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad không phải đến bây giờ Nga mới thực hiện. Cách đây 2 năm, khi cả thế giới đang nín thở chờ đợi thời khắc phát nổ của “quả bom Syria” thì bất ngờ, ngày 9/9/2013, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã công bố đề xuất “cần đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế và phải để chúng bị tiêu hủy”. Sáng kiến này của Nga đang được hầu hết các quốc gia ủng hộ, đặc biệt ngay cả Tổng thống Obama, người sẽ quyết định “kích hoạt” quả bom Syria cũng phải cho rằng, đây có thể là phương án “có tính đột phá” giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh được cho là sẽ biến Bắc Phi-Trung Đông thành một chảo lửa.

Thông qua việc duy trì quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad, Nga muốn Syria trở thành bức tường thành để chống lại sự bành trướng của IS, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ của sự ra đời một nhà nước do Hồi giáo dòng Sunni nắm quyền hay một chế độ dân chủ dưới sự bảo trợ của phương Tây. Nga giúp chính quyền Syria giữ thế cân bằng lực lượng nhằm đối trọng với phe đối lập, không để chính quyền này bị đẩy vào thế yếu khi phải tham gia đàm phán để tiến tới một giải pháp chính trị dung hòa. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, trước mắt, Nga có thể là “chỗ dựa” cho ông Bashar al-Assad, củng cố chế độ và làm suy yếu lực lượng IS. Sau đó, khi có đủ điều kiện, Nga sẽ thuyết phục ông Assad từ chức và chuyển giao quyền lực.

Ngay sau khi Cơ quan lập pháp Nga cho phép, Tổng thống Vladimir V. Putin đã sử dụng lực lượng quân sự  tiến hành các cuộc không kích IS tại Syria

Phô trương sức mạnh quân sự của Nga

Những tháng đầu năm 2015, NATO đã đưa lực lượng ngày càng tiến sát đến biên giới nước Nga, với việc triển khai 6 Trung tâm chỉ huy, 12 máy bay tiến công A-10 Apache, hàng trăm xe tăng, xe quân sự, 1trận địa tên lửa Patriot, 1lữ đoàn phòng không và hàng trăm binh sỹ Mỹ tại lãnh thổ các nước thành viên NATO ở phía Đông. Tháng 3/2015, các tàu quân sự của Mỹ, Canađa, Italia, Đức còn tổ chức đợt huấn luyện trên Biển Đen với sự tham gia của các tàu chiến của hải quân Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc diễn tập được tiến hành sau khi các tàu hải quân thăm thành phố cảng Varna của Bungari, khu vực tiếp giáp với bán đảo Crimea của Nga và chỉ cách căn cứ hải quân Sevastopol vài trăm km. Mỹ còn thông báo sẽ sớm cử các xe bọc thép Stryker hành quân theo lộ trình 1.100 dặm, qua 6 quốc gia thành viên NATO ở phía Đông...

Các động thái trên của NATO được coi là hướng vào Nga trong bối cảnh căng thẳng xung quanh sự kiện Ucraina. Nga coi việc di chuyển lực lượng, phương tiện của NATO đến gần biên giới của Nga là hành động “không thể chấp nhận được”. Trong bối cảnh đó, cùng với việc công bố Học thuyết biển mới, việc Nga tiến hành không kích lực lượng IS tại Syria có thể được coi là sự phô trương sức mạnh quân sự của Nga đối với Mỹ và phương Tây.

Trong chiến dịch không kích IS, Nga đã triển khai khoảng 50 máy bay chiến đấu và máy bay không người lái ở Syria, chủ yếu là máy bay ném bom Su-24 và máy bay tiến công mặt đất Su-25. Ngoài ra, Nga cũng sử dụng loại máy bay tiêm kích-bom thế hệ mới như Su-34. Các loại bom không quân Nga sử dụng bao gồm bom “thông minh” có điều khiển như Kh-25Ls và KAB-250s, bom phá hầm ngầm như BETAB-500s.

Đặc biệt, các tên lửa hành trình Caliber của Nga được sử dụng để tiến công IS có tầm bắn xa lên đến 1.500km, độ chính xác rất cao, sai số tròn khoảng 3m. Ngày 7/10/2015, 4 tàu chiến thuộc Hạm đội Caspian của Nga đã phóng 26 quả tên lửa hành trình Caliber vào 11 mục tiêu của IS ở Syria, tất cả các mục tiêu đã bị phá hủy và không có dân thường bị thương vong. Việc sử dụng các tên lửa hành trình để tiến công IS được coi là bước ngoặt mới trong sự can dự ngày càng tăng của Nga vào cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời Nga muốn chứng minh rằng trình độ công nghệ vũ khí của Nga không hề thua kém bất cứ cường quốc quân sự nào trên thế giới.

Khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế

Thông qua việc tiến hành các cuộc không kích lực lượng IS và duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và sau đó thành lập một chính phủ mới dưới sự bảo trợ của mình, Nga muốn thể hiện vai trò là cường quốc thế giới, cản trở Mỹ và hạn chế ảnh hưởng của Iran ở Syria. Việc triển khai lực lượng và tiến hành chiến dịch không kích IS ở Syria cũng mang lại cho Nga “con bài” mặc cả với EU nhằm xóa bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế, trong bối cảnh các nước EU đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn, chủ yếu đến từ Syria. Dù muốn hay không, Mỹ cũng buộc phải mở lại các cuộc đối thoại quân sự với Nga. Mục tiêu dài hạn và quan trọng của Nga là giành được vị thế trên bàn đàm phán về tương lai của Syria, một cơ hội để Nga khẳng định tầm quan trọng về vị thế địa-chính trị của mình ở trong nước và giúp Nga trở thành một đối tác không thể thiếu của châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, Nga muốn thể hiện vai trò không thể thay thế được của mình trong hệ̣ thống quốc tế hiện nay và chứng minh rằng, Nga đang đóng một vai trò chiến lược quan trọng ở Trung Đông và sẵn sàng đặt sức mạnh quân sự đằng sau hoạt động ngoại giao. Nga cũng muốn thế giới thấy rằng, sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với Tổng thống Bashar al-Assad, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn và trung hạn là một yếu tố mà tất cả các nước khác cần phải quan tâm.

 

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước