Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:31 (GMT +7)

Vì sao Mỹ đưa tàu tuần tra ở khu vực Trường Sa?

VNTN - Sáng ngày 27/10/2015, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen tới tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đá Subi và Vành khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động nạo vét, bồi đắp trái phép biến các đá này thành các đảo nhân tạo. Tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen thuộc biên chế Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, có căn cứ tại Yokosuka (Nhật Bản), đặt dưới quyền chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương.

USS Lassen là tàu khu trục mang tên lửa, lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ, được đưa vào trang bị năm 2001, có lượng giãn nước 9.200 tấn, kíp thủy thủ 320 người. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, tàu khu trục USS Lassen được coi là một trong những loại tàu chiến hiện đại và có hỏa lực tiến công mạnh nhất của hải quân Mỹ. Vậy đằng sau hành động đưa tàu khu trục tuần tra ở khu vực quần đảo Trường Sa của Mỹ là gì?

Thể hiện trách nhiệm nước lớn đối với vấn đề chung của thế giới - bảo đảm tự do hàng hải

Tự do hàng hải được quy định trong Điều 87 (Tự do trên biển cả) của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982  (UNCLOS 1982). Theo đó, biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia có biển hay không có biển đều bình đẳng và tự do trong việc sử dụng biển. Mỹ có lợi ích cơ bản trong việc duy trì sự ổn định và quyền tự do đi lại trên Biển Đông, đặc biệt là các hành lang giao thông qua eo biển Malăcca tới Đông Bắc Á và Mỹ. Nếu một cường quốc như Trung Quốc giành được quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông thì đường vận chuyển dầu lửa và hàng hoá từ châu Á, châu Phi tới lãnh thổ phía Tây của Mỹ rất dễ bị cắt đứt, đồng thời gây trở ngại cho các hoạt động quân sự và hàng hải khác của Mỹ và các nước đồng minh.

Tàu khu trục tên lửa US Lassen tuần tra trên biển. Ảnh: Wikimedia

Việc Mỹ đưa tàu khu trục vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa được coi là hành động hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế và là phép thử quan trọng đối với phản ứng của Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu các hoạt động bồi lấp các bãi đá, rặng san hô thành các đảo nhân tạo từ tháng 12/2013, Trung Quốc đã san lấp được 1.170 ha (tính đến tháng 6/2015). Từ giữa tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề xuất việc đưa máy bay quân sự hoặc tàu chiến áp sát các đảo, bãi đá ngầm Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, mãi đến hơn 5 tháng sau, ngày 27/10/2015, Mỹ mới đưa tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh bãi Subi ở Trường Sa.

Qua sự việc này có thể thấy, Mỹ đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định đưa tàu hải quân vào tuần tra ở khu vực Trường Sa vì lo ngại phản ứng của Trung Quốc. Trước việc Mỹ đưa tàu khu trục tuần tra ở khu vực Trường Sa, nhiều người đã ảo tưởng rằng, hành động của Mỹ là để ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và rằng Việt Nam cần phải dựa vào Mỹ để chống lại các hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy mà là việc Mỹ lo ngại các hành động bồi lấp của Trung Quốc ở Trường Sa có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải của Mỹ, nhất là hoạt động của các tàu hải quân trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là một vùng biển quan trọng.

 

Thuyết phục Quốc hội tăng ngân sách cho chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương

Sau 6 năm cầm quyền, Chính quyền Obama đã nỗ lực theo đuổi chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương. Trong lĩnh vực quân sự, Mỹ đã xây dựng xong kế hoạch nhằm thực hiện chiến lược “tái cân bằng” trong 5 năm tới, với việc điều chỉnh bố trí lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); xúc tiến triển khai một số tàu chiến thường trực ở Singapo; đẩy mạnh quan hệ quân sự với một số nước ASEAN... Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ thương mại, phục hồi kinh tế, triển khai hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Ðại Tây Dương (TTIP) - hai trụ cột của Học thuyết Obama nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Chỉ tính riêng lợi ích do TPP mang lại, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng thêm 123,5 tỉ USD trong một thập kỷ tới, qua đó giúp củng cố và tăng cường vị thế hàng đầu của Mỹ ở khu vực.

Tuy nhiên, chiến lược “xoay trục” của Mỹ cũng đang gặp phải một số khó khăn, trong đó có khó khăn về tài chính. Chiến lược “xoay trục” của Mỹ ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Biểu hiện rõ nhất là việc có thời điểm hàng loạt các cơ quan của Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa. Để khắc phục khó khăn về tài chính, Chính quyền Obama đã phải tiến hành cắt giảm chi tiêu quân sự. Theo kế hoạch, trong những thập kỷ tới, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải cắt giảm hơn 1.000 tỉ USD, việc này đã thực sự gây “sốc” đối với các nhà chiến lược quân sự Mỹ. Thậm chí cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu này là “quá nhanh, quá nhiều, quá đột ngột và quá vô trách nhiệm”. Hơn nữa, do tình hình kinh tế khó khăn, tỉ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ cũng giảm, có ảnh hưởng lớn đến việc thực thi chiến lược “xoay trục” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, một số nhà lập pháp Mỹ, nhất là những người thuộc đảng đối lập yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải làm rõ nội hàm của chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương trước khi họ đưa ra quyết định ủng hộ kế hoạch ngân sách cho chiến lược này. Việc Trung Quốc gần đây có nhiều hành động gây hấn với thái độ cứng rắn hơn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông được coi là cơ hội để Bộ Quốc phòng Mỹ điều trần trước Quốc hội về kế hoạch ngân sách của chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương.

 

Thể hiện cam kết với các nước đồng minh

Kể từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương với những cam kết củng cố quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực, tăng cường hợp tác với các nước đang nổi lên… nhưng trong thực tế kết quả của chiến lược này của Mỹ ở các khu vực không giống nhau. Tại Đông Bắc Á, chiến lược “xoay trục” của Mỹ đạt được nhiều kết quả hơn so với Đông Nam Á. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không còn công khai bày tỏ hoài nghi về những cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ đối với hai nước này, tuy cả hai nước vẫn còn lo ngại về mối đe dọa đến từ Triều Tiên cũng như tham vọng của Trung Quốc. Những hành động của Mỹ, trong đó có tuyên bố của Tổng thống Mỹ B. Obama tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật đã giúp Mỹ lấy lại lòng tin của hai nước đồng minh Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, sau 30 năm tăng trưởng với tốc độ nhanh đã làm giảm bớt những nghi ngại về thách thức của Trung Quốc đối với trật tự của khu vực.

Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, chiến lược “xoay trục” của Mỹ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu như ở Đông Bắc Á, Mỹ hành xử như một đồng minh thì ở Đông Nam Á, Mỹ có cách hành xử thiên về một nhà kiến tạo hòa bình. Sự khác biệt này chủ yếu được thể hiện qua cách tiếp cận của Mỹ đối với những tranh chấp lãnh thổ. Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố là không đứng về phía nào và không tham gia vào tranh chấp, song có lợi ích quốc gia trong bảo đảm tự do hàng hải, hàng không; duy trì  hoà bình trên Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, lấy ASEAN làm trung tâm; phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; thúc đẩy COC… Do đó, cần nhận thức rằng, việc Mỹ đưa tàu khu trục tuần tra ở khu vực Trường Sa trước hết là vì lợi ích của Mỹ, chứ không phải để giúp các nước bảo vệ chủ quyền của mình và chứng minh rằng, Mỹ là một nước lớn, Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền đi lại tự do trên biển, chứ không phải vì Việt Nam cũng như là vì việc lên án các hành động của Trung Quốc.

Về phương diện bảo đảm an ninh, cả Mỹ và các nước Đông Nam Á đều đang ở thế “đi trên dây”. Các nước Đông Nam Á muốn có được niềm tin rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ, song lại không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Mỹ lại rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Mỹ muốn các đồng minh của mình ở khu vực có cảm giác được bảo vệ, song cũng không muốn bị lôi kéo vào các cuộc xung đột không cần thiết. Do đó, Mỹ bị giằng xé giữa những mục tiêu khác nhau.

Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á ngày càng có xu hướng hoài nghi về khả năng Mỹ tiếp tục can dự lâu dài trong khu vực. Những tuyên bố của Mỹ chưa phải là tín hiệu đủ độ tin cậy và những tính toán của Mỹ có thể thay đổi theo thời gian. Trừ khi cam kết của Mỹ được thể hiện bằng hành động thực tế như: Tăng cường lực lượng quân sự ở tuyến trước hoặc ủng hộ các chính sách của các đồng minh, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực vẫn tiếp tục hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với chiến lược “xoay trục”. Ngoài ra, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang cũng gây lo ngại đối với các nước trong khu vực.

Cùng với việc điều tàu khu trục mang tên lửa tiến hành tuần tra ở khu vực Trường Sa, Mỹ còn điều tàu sân bay USS Ronald Reagan đến căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản). Ngoài mục tiêu phát huy sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực, việc bố trí tàu sân bay USS Ronald Reagan còn muốn chứng tỏ việc thực hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh khu vực. Đối với Nhật Bản, đây là sự ủng hộ cho những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm mở rộng vai trò của quân đội Nhật. Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan, với biên chế 5.000 binh sĩ và hơn 60 máy bay các loại, được coi là trọng tâm của chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm chuyển tăng cường nguồn lực quân sự và ngoại giao của Mỹ sang khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ đóng vai trò như một lực lượng phản ứng nhanh đối với bất kỳ hành vi khiêu khích nào có thể xảy ra trong khu vực. Hoạt động tuần tra của tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen ở Trường Sa và sự hiện diện của tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Nhật Bản không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà thông qua đó, Mỹ muốn làm yên lòng các nước đồng minh về việc thực hiện cam kết của mình đối với sự can dự ở khu vực.

Răn đe quân sự đối với Trung Quốc

Biển Đông là môi trường tác chiến rất thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ khi can thiệp vào eo biển Đài Loan và các điểm nóng trong khu vực. Nếu quân đội Mỹ bị đẩy ra khỏi Biển Đông thì khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực bị hạn chế nghiêm trọng. Do vậy, việc giành và giữ quyền khống chế Biển Đông rất quan trọng đối với việc duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á cũng như Đông Bắc Á. Sự can dự mạnh mẽ của Mỹ vào Biển Đông cũng nhằm đáp lại mưu toan đẩy lực lượng quân sự Mỹ khỏi Biển Đông của Trung Quốc.

Hơn thế nữa, Mỹ cần khống chế Biển Đông để kiểm chế Trung Quốc. Ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ảnh hưởng đến các lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự của Mỹ trong khu vực. Mặt khác, Trung Quốc cũng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông nên nếu giữ được quyền khống chế Biển Đông thì Mỹ khó có khả năng trực tiếp kiềm chế Trung Quốc. Trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập và Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để trấn áp, thì khống chế Biển Đông sẽ cho phép quân đội Mỹ dễ dàng trực tiếp can thiệp.

Biển Đông nằm trong phạm vi hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ. Hiện nay, lực lượng quân sự Mỹ đang đóng tại Philippin là 174 người; Singapo (150) và Thái Lan (125). Trong khuôn khổ chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương, hải quân Mỹ đang có kế hoạch triển khai xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Palaoan, cách quần đảo Trường Sa khoảng 700 km. Tại đây, Mỹ dự định triển khai 60 lính hải quân đánh bộ. Ngoài ba nước (Philippin, Singapo, Thái Lan), Malaixia và Inđônêxia cũng sẵn sàng cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự.

Do đó, cùng với việc thực hiện các chuyến bay tuần tra của máy bay B-52, việc Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa thực hiện tuần tra ở khu vực Trường Sa được coi là một động thái quân sự nhằm răn đe Trung Quốc, nhất là việc gần đây Trung Quốc có nhiều hoạt động quân sự hóa Biển Đông, như xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa; mở rộng và lắp đặt nhiều thiết bị quân sự ở Hoàng Sa; thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn trên Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh quân sự…

Hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng và đào đắp diễn ra ở

Đá Vành khăn thuộc Biển Đông. Ảnh: Getty Images

Một số dự báo

Nhìn bề ngoài, nhiều người lầm tưởng rằng, cùng với những tuyên bố mạnh mẽ và một số hành động trên thực tế ở Biển Đông của Mỹ sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, thậm chí có thể xảy ra xung đột. Song trên thực tế, quan hệ giữa hai nước phụ thuộc lẫn nhau rất lớn lợi ích về kinh tế và chính trị. Kể cả sau sự kiện tàu khu trục USS Lassen, Mỹ có thể cử các tàu chiến khác thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông, song va chạm rất khó xảy ra vì hải quân hai nước đều là thành viên Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương, ký Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Hoạt động của các tàu chiến Mỹ và Trung Quốc trên biển nói chung và Biển Đông nói riêng đều phải tuân thủ các quy định của Bộ quy tắc này.

Do đó, trong thời gian tới, nếu có xảy ra các sự việc tương tự thì hoạt động của tàu chiến Mỹ cũng có thể chỉ là trò “mèo vờn chuột”, đến một lúc nào đó, cả hai sẽ thỏa hiệp với nhau về lợi ích và phần thiệt sẽ thuộc về các nước nhỏ. Trong cuộc cạnh tranh lợi ích ở Biển Đông, không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ thỏa hiệp với nhau, như những gì đã từng xảy ra đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước