Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024
22:25 (GMT +7)

Về vấn đề ghi tên người hoạt động cách mạng trong sách lịch sử đảng bộ

VNTN - Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, đồng thời là nguồn dữ liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay. “Ôn cố tri tân” (xem lại cái cũ, biết cái mới) là một nhu cầu của con người. Bác Hồ từng chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng phát biểu: “Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại”.

  Hội đồng thẩm định bản thảo cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (tháng 5/2018). Ảnh minh họa.  

Gần đây, sau vụ việc hàng ngàn điểm 0 môn Sử, rồi câu chuyện về tính chính xác của một số nhân vật, sự kiện lịch sử, hay vấn đề “lật sử” (xu hướng xét lại lịch sử) đang được mạng xã hội bàn tán xôn xao… khiến người ta nhắc đến vai trò của khoa học lịch sử nhiều hơn. Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm là việc ghi danh người hoạt động cách mạng vào các cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương.

Hiển nhiên, sách lịch sử phải “dựng lại” quá trình, hoạt động đã diễn ra, mà đối với sách lịch sử đảng bộ địa phương, đó là các hoạt động, phong trào cách mạng diễn ra ở địa phương đó, gắn liền với các nhân vật lịch sử là người hoạt động cách mạng. Càng mô tả rõ ràng, đầy đủ các nhân vật, sự kiện bao nhiêu thì cuốn sách càng có giá trị khoa học bấy nhiêu (tất nhiên phải là các nhân vật, sự kiện điển hình). Không ít người biên soạn do chưa quan tâm đầu tư sưu tầm tư liệu, dẫn đến viết chung chung (không rõ ràng về nhân vật, sự kiện), thậm chí “viết dựa” (theo các cuốn sách của địa phương khác) hoặc viết theo kiểu phỏng đoán, đã làm giảm chất lượng cuốn sách.

Nghiệp vụ biên soạn lịch sử đã được đưa vào giảng dạy cho sinh viên khoa Lịch sử ở trường đại học. Thực tế, hầu hết các nhà sử học đều có nghiệp vụ, kỹ năng biên soạn sách lịch sử. Ngoài ra, năm 2017 Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã biên soạn, xuất bản cuốn “Một số vấn đề về nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành, đoàn thể” trong đó nêu khá đầy đủ, chi tiết về quy trình, kỹ thuật biên soạn, xử lý những tình huống thường gặp... Tài liệu này đã được phổ biến rộng rãi trong hệ thống Tuyên giáo các cấp, thậm chí được sử dụng làm tài liệu tập huấn nghiệp vụ. Tuy vậy, thực tế không ít cấp ủy địa phương vẫn lúng túng trong vận dụng, nhất là việc ghi tên người hoạt động cách mạng vào sử sách.

Áp lực càng đè nặng lên các nhà nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” (Nghị định 31). Theo đó, người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (cán bộ Lão thành cách mạng) đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (cán bộ Tiền Khởi nghĩa) đã hy sinh, từ trần từ trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì có thể lấy “Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản” làm căn cứ xác nhận.

Đáng tiếc, hiện có một số cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác lịch sử Đảng đang có cách hiểu không đúng, dẫn đến làm sai quy trình, có thể bỏ sót việc ghi danh người có công vào lịch sử đảng bộ địa phương. Đơn cử như tại Đảng bộ xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), Đảng ủy xã giải trình về việc không đưa tên những người tham gia hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám vào bản thảo cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương (1945 - 2015)” vì những người này không đủ điều kiện công nhận là người tham gia hoạt động cách mạng. Đảng ủy xã đã căn cứ Nghị định số 31 và văn bản của Ban Tổ chức Thành ủy trả lời “không đủ điều kiện công nhận” để cắt bỏ, không đưa tên người hoạt động cách mạng vào cuốn sách, mặc dù trước đó, tại bản thảo gửi Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tháng 11/2016 có tên của 7 người và Hội đồng có yêu cầu cung cấp tài liệu để minh chứng. Ở đây có sự nhầm lẫn: Nghị định 31 quy định người hoạt động cách mạng được ghi tên trong cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã là căn cứ để công nhận (khác với căn cứ để đưa vào cuốn sách); trong khi Đảng ủy xã lại yêu cầu phải đủ điều kiện được công nhận theo Nghị định 31 mới đưa vào cuốn sách là… “luẩn quẩn”.

Căn cứ để đưa tên người hoạt động cách mạng vào sách lịch sử đảng bộ địa phương được thực hiện theo quy định/ quy trình hoàn toàn khác (chẳng hạn như các văn bản hướng dẫn, các đợt tập huấn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tài liệu của Viện Lịch sử Đảng nêu trên). Theo ông Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, để xác định và ghi tên người hoạt động cách mạng vào cuốn sách lịch sử, cần căn cứ vào nhiều yếu tố.

Th nht, căn cứ vào các văn bản, giấy tờ, sổ ghi chép, các tài liệu lịch sử, sách lịch sử đã xuất bản, hồ sơ và lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ... Nhưng cũng phải lưu ý, những nội dung ghi trong tài liệu đó không hẳn đã tuyệt đối chính xác. Vì vậy, phải cần đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và kết hợp với các tài liệu khác của những người tham gia cách mạng để đối chiếu, xem xét; nếu hợp lý và không có mâu thuẫn mới đủ độ tin cậy.

Thứ hai, lời kể của nhân chứng. Nguồn tư liệu từ nhân chứng phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Bản thảo sau khi hội thảo và chỉnh sửa, phải được công bố, xin ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Những trường hợp người tham gia cách mạng được ghi tên trong bản thảo được đồng thuận cao, không có ý kiến thắc mắc, khiếu kiện gì mới đủ điều kiện gửi cấp trên thẩm định.

Xin dẫn ra đây 2 ví dụ từ những cuốn sách mới xuất bản, đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì) thông qua:

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Hóa Thượng (1946 - 2016)”, Nguyễn Ngọc Lâm chủ biên, Nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2019, trang 35 ghi: “Tháng 5/1945, (…) đồng chí Phạm Thái Hòa (tức Phạm Văn Tôn, Phạm Văn Tân, Phó Ngò) được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời xã Hóa Thượng… Đội Tự vệ Cứu quốc xã do đồng chí Phạm Văn Trọng làm Đội trưởng; đồng chí Hoàng Thị Kiều được cử làm Bí thư Hội Phụ nữ Cứu quốc xã Hóa Thượng” và chú thích: “Theo Tài liệu của Đội Cải cách ruộng đất tại xã Dân Chủ năm 1954 lưu tại Phông 1, cặp 111, ĐVBQ 1209 Chi cục Văn thư lưu trữ Thái Nguyên;…”.

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ phường Thịnh Đán (1946 - 2017)”, Vũ Thanh Khôi, Nguyễn Thanh Bình biên soạn, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên xuất bản năm 2018, trang 32 viết: Tháng 3/1944, (…) gây dựng được Tổ Thanh niên Cứu quốc gồm 7 người là Nguyễn Văn Tép, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Văn Lịnh (Lệnh), Nguyễn Văn Lương (tức Nguyễn Văn Kỳ), Nguyễn Văn Cấn, Lương Văn Bất, do đồng chí Nguyễn Văn Tép làm Tổ trưởng” và chú thích: “Theo: Đơn kê khai đề nghị khen thưởng của đồng chí Nguyễn Văn Khâm, tháng 8/1995; Lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Lệnh (do đồng chí Hoàng Minh Tuấn ghi ngày 11/12/1985 - khi là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bắc Thái và bản ghi ngày 7/6/1995 khi là Bí thư Đảng ủy phường Tân Thịnh); lời kể nhân chứng Nguyễn Văn Khánh trong hồ sơ Tổng kiểm kê di tích lịch sử văn hóa tại phường Tân Thịnh năm 1996, lưu tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên”.

  Bản xác nhận của bà Nguyễn Thị Minh Tâm (tức Trịnh Thị Tâm, Nguyễn Thị Liên…) là một trong những căn cứ để xem xét đưa tên người hoạt động cách mạng vào cuốn sách lịch sử. Ảnh minh họa.  

Những người tham gia cách mạng nêu trên sẽ là đối tượng để xét công nhận là cán bộ Tiền Khởi nghĩa và Lão thành cách mạng. Nhưng, những tài liệu làm căn cứ đưa tên của họ vào cuốn sách (ghi ở chú thích) thì chắc chắn không đủ điều kiện, căn cứ để công nhận họ là người hoạt động cách mạng theo Nghị định 31. Có nghĩa rằng, những tài liệu không đủ điều kiện làm căn cứ xét công nhận người có công theo Nghị định 31 vẫn có thể làm căn cứ đưa tên người hoạt động vào cuốn sách, để rồi từ đó mới làm căn cứ công nhận là người hoạt động cách mạng. Đây là nhiệm vụ, là trọng trách của các nhà nghiên cứu, biên soạn lịch sử, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về người có công.

Trở lại bản thảo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương (1945 - 2015)” nêu trên, căn cứ vào các cuốn sách đã xuất bản và các tài liệu hiện có, Đảng ủy xã ghi vào sách: “Năm 1943, sau một thời gian hoạt động, đồng chí Trịnh Thị Tâm đã tuyên truyền giác ngộ được một số thanh niên ở Tân Cương và thành lập Tổ Trung kiên”; nhưng chính bản xác nhận của bà Tâm (khi còn sống) cho những người cùng hoạt động cách mạng với bà (viết tay, có chứng thực) kèm những tài liệu minh chứng khác lại không được xem xét để đưa vào danh sách Tổ Trung kiên!

Bỏ tên ra thì dễ, đưa tên vào mới khó, vì còn liên quan đến trách nhiệm của người viết, người chỉ đạo, người chịu trách nhiệm thẩm định bản thảo khi cuốn sách được in và dùng làm điều kiện, căn cứ để xét công nhận người có công sau này. Nhưng không vì thế mà những người có trách nhiệm chọn giải pháp “an toàn” cho mình, tắc trách với người có công và gia đình họ.

Nghiên cứu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông đã đúc kết bằng mồ hôi và xương máu. Lịch sử, văn hóa là cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc và là nền tảng tinh thần cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững. Các nhà sử học cần không ngừng nâng cao trình độ lý luận và phương pháp luận, phát huy cao trách nhiệm và nhiệt huyết, là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận này. Khi làm việc, hãy luôn tâm niệm “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” như Bác Hồ từng căn dặn.

HUY VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy