Về tư tưởng Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
VNTN - Ngày 15-10-1949, Báo Sự thật đã đăng bài báo với tựa đề “Dân vận”, bút danh X.Y.Z. Đó là một tác phẩm chỉ vẹn vẹn 620 chữ nhưng lại chứa đựng những tư tưởng lớn lao: Tư tưởng Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đánh giá rất cao vai trò của Nhân dân và sức mạnh của Nhân dân. Người khẳng định: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân". Vì vậy, trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh chỉ luôn đau đáu một chữ DÂN. Có lẽ vì vậy mà hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng nghiên cứu về Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ chữ DÂN và trở về với chữ DÂN. Vì chữ DÂN ấy mà Hồ Chí Minh đã ra đi: Chúng ta vẫn nghe, vẫn đọc thấy rằng Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo. Điều ấy không sai, nhưng chắc hẳn không hoàn toàn đúng. Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901). Ngày xưa, đỗ Phó bảng là đỗ đại khoa của triều đình. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng làm tri huyện Bình Khê, Bình Định. Ngày xưa, làm quan đến tri huyện đã là “Dân chi phụ mẫu”, tức cha mẹ của dân. Bằng xuất thân ấy, với tài năng ấy, nếu Hồ Chí Minh chấp nhận học để làm quan cho chế độ thuộc địa, chắc việc vinh thân phì gia là điều không khó đối với Người. Thế nhưng, sau này chính người kể lại: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ tự do - bình đẳng - bác ái..., tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Trong suốt cuộc đời mình, từ khi còn bôn ba ở nước ngoài cho đến khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn luôn tâm niệm bốn chữ "yêu nước, thương dân". Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổ quốc và nhân dân là một. Nói yêu nước là phải nói tới yêu dân, lo cho dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân. Đánh giá cao vai trò và sức mạnh của Nhân Dân: Ngay trong phần mở đầu của tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước ta là nước dân chủ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, là động lực của cách mạng và là nguồn sức mạnh quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Thế nhưng, Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là đối tượng phục vụ của cách mạng, cách mạng phải mang lại quyền lợi cho nhân dân: quyền con người và quyền công dân, quyền được ăn no mặc ấm, được học hành, quyền hưởng hạnh phúc. Hồ Chí Minh luôn khẳng định và đánh giá cao vai trò và sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh Hồ Chí Minh đã khẳng định cách mạng không phải là việc của một hai người, lật đổ ông vua, giết vài anh quan mà là “việc chung của dân chúng”. Muốn dân chúng đứng lên làm cách mạng, trước hết phải làm cho mọi người nhận rõ mục đích của việc mình làm, lại có phương pháp cách mạng đúng thì mới thành công. Dân vận là gì? Hồ Chí Minh chỉ rõ, Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Người cũng chỉ ra rằng làm bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành… Dân vận, xét cho đến cùng là làm sao để dân không giận, dân không giận, tức dân thương. Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ người dân có thể nghĩ ra những việc mà các đoàn thể lớn nghĩ mãi vẫn không ra. Tuy nhiên, Người cũng luôn khẳng định rằng gần dân là để hiểu dân, để đặt chính sách cho đúng chứ không phải gần dân là để “theo đuôi dân”. Tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân là tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng chỉ rõ "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân". Khi Ðảng ta được thành lập, Người luôn nhắc nhở: "Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Ðảng để làm đày tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải là "quan" nhân dân". Khi Ðảng ta trở thành Ðảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: "Ðảng ta là Ðảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Ðảng ta không có lợi ích gì khác", "Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân". Vì vậy, Người luôn chỉ rõ cho mọi người thấy và hiểu rõ vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng là: Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Ai phụ trách dân vận? Hồ Chí Minh cho rằng tất cả mọi người đều phải làm dân vận cho dù người đó là ai, hoạt động trong cơ quan nào, lĩnh vực nào của hệ thống chính trị: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Ðoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc”. Người cũng chỉ rõ, muốn cho dân hiểu, dân tin, dân làm thì: “Cán bộ chính quyền và cán bộ Ðoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn... Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”. Như vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sinh thời Người từng căn dặn các dân tộc ở phương Đông sống thiên về tình cảm, nên một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Và, muốn cho người ta theo, mình phải là mực thước cho người ta bắt chước. Sẽ khó để vận động người dân thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội khi chính người cán bộ, đảng viên có trách nhiệm lại mê tín dị đoan, lại gọi hồn, cúng ma, lại tổ chức tang lễ người thân rình rang. Cũng vậy, rất khó để kêu gọi người dân đóng góp xây dựng khu phố nếu bản thân cán bộ, đảng viên không gương mẫu đi đầu… Dân vận phải thế nào? Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách làm dân vận thật đặc biệt, đó là phải: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn gần dân nên Người rất hiểu nhu cầu và mong muốn chính đáng của Nhân dân. Đi thăm một hợp tác xã, cán bộ hợp tác giới thiệu với Người về chuồng heo do hợp tác xã nuôi. Thế nhưng, ra khỏi, Người đã khuyên rằng các chú liệu bắt lợn trả cho dân không dân bắt đến. Người nói, lợn nuôi chung nó sẽ không cắn nhau, còn lợn mà Người được mời đến để xem thì cắn nhau đứt cả lỗ tai, chứng tỏ là lợn đi mượn. Cũng vậy, đi nước ngoài, có vị đại sứ đã khoe với Người về mấy quả ớt là do đại sứ quán trồng. Khi vừa xong bữa, Người đã đề nghị được ra thăm vườn ớt. Sau đó, Người đã nói rằng, Người ở phương Tây rất nhiều năm, ớt ở phương Tây không có ớt cay… Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu đã thống kê được từ khi làm Chủ tịch nước đến khi qua đời, Người đã thường xuyên đi cơ sở, đi thăm dân. Trong tác phẩm Faust, đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe (1749-1832) đã viết: “Mọi lý thuyết đều là màu xám/ Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Có phải vì việc xa dân ấy mà trong những năm qua, đã có nhiều những chủ trương, chính sách trước và sau khi ban hành đã gặp phải phản ứng từ phía người dân. Để Nhân dân tin và làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần thể hiện lương tâm và trách nhiệm trong công việc và cuộc sống, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những lời dạy của bài báo Dân vận 70 năm qua đang nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về điều hệ trọng này.
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...