Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:42 (GMT +7)

Về trường Yên Đổ

VNTN - Cảnh quan xanh, sạch, đẹp, môi trường học tập đổi mới, đa dạng các hoạt động kỹ năng ngoại khóa và phong trào…, trường Trung học cơ sở (THCS) Yên Đổ là một điểm sáng về giáo dục của quê hương Phú Lương những năm gần đây. Ở đó có người nữ hiệu trưởng tâm huyết cả đời với giáo dục, không chỉ đưa trò qua “sông chữ” mà còn kiến tạo những hướng đi mới mẻ, hiệu quả trong dạy và học của nhà trường.


Tình yêu, trách nhiệm của một “nữ tướng”

Trong hình dung của tôi, phụ nữ giỏi chuyên môn và sắc sảo khi làm quản lý thường rất cá tính và mạnh mẽ. Nhưng tôi đã bắt gặp sự cá tính, mạnh mẽ ở chị - hiệu trưởng Lê Thị Việt Hoa một chút gì khác biệt hơn. Khác ở nụ cười, ánh mắt như biết nói chở đầy những trăn trở, tưởng chừng như rất “cương” mà lại cũng rất “nhu”.

Màu nắng thu rất ngọt làm sáng rỡ những vòm cây non mởn, cỏ xanh bồng bềnh, hàng cau đượm màu cổ tích, và cả khu hòn non bộ rì rào nước chảy… Không khí sau cánh cổng trường như được thanh lọc trong trẻo lạ lùng, khiến người ta cảm tưởng đi lạc vào thế giới của sự thư thái, yên ả. Chị Hoa cười vui khi thấy khách đến chơi thích thú, rồi say mê nói về ý tưởng của một trường học thân thiện mà chị đã lao tâm suốt mấy năm liền, bằng sự đắm đuối, bằng tình yêu với nghề, với học trò.

Hiệu trưởng Lê Thị Việt Hoa chăm sóc cây trong khuôn viên trường

Tốt nghiệp trường Sư phạm 10+3 Thái Nguyên năm 1982, chị Hoa có 7 năm dạy học tại vùng đặc biệt khó khăn ở xã Yên Trạch (Phú Lương), sau mới chuyển ra Yên Đổ. Yêu nghề, chị luôn dặn lòng làm tốt vai trò của một người đưa đò suốt cả đời người. Thành quả của chị hôm nay là sự đền đáp cho những cố gắng không ngừng nghỉ ấy. Hiện chị là thành viên tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục THCS tỉnh Thái Nguyên. Nhiều năm liền đạt thành tích Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (từ năm 2008 - 2011); được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Chính phủ, của ngành, Bộ, và tỉnh; tháng 11 năm 2014, chị đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Tháng 8/2015 vừa qua, chị vinh dự là đại biểu duy nhất của ngành giáo dục huyện Phú Lương tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên. Nói chuyện thành tích, chị cười hiền, khiêm tốn: tôi tin là những ai biết gieo tình yêu và nhiệt huyết với nghề, với cuộc đời, rồi thì cũng sẽ có được “quả ngọt” thôi!

Đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng từ năm 2009 đến nay, điều khiến chị tự bằng lòng nhất là sự phát triển của nhà trường. Những ngày đầu làm quản lý, mối trăn trở lớn nhất của chị là lấy tiền đâu để xây dựng cơ sở vật chất, làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục… Thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Chỉ thị của Bộ Giáo dục & Đào tạo (2009), nhờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, trường THCS Yên Đổ đã được xây dựng phòng học và phòng chức năng khang trang hơn. Lúc này, hiệu trưởng Lê Thị Việt Hoa lại nghĩ đến việc xây dựng mô hình trường học thân thiện. Tự thiết kế mô hình và rồi bắt tay vào làm, chị đã cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp. Ý tưởng là tạo một không gian xanh, sạch, đẹp để học sinh thoải mái sau những tiết học căng thẳng, giúp thầy cô giảm áp lực công việc. Chị không ngại cất công đi tìm hiểu, tham khảo tại các trường học trong tỉnh và một vài tỉnh bạn, nhưng áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình trường học địa phương mình. Bằng hình thức xã hội hóa trong 3 năm, nguồn kinh phí là 300 triệu đồng, mô hình đã hoàn thiện vào năm 2012.

Nói về nữ hiệu trưởng của mình, mọi người đều thiện cảm bởi chị vốn là người hiểu đời, hiểu người. Các giáo viên trẻ khi đến nhận công tác đều được chị trao đổi công việc với tinh thần nhẹ nhàng, tình cảm; chị xem xét hoàn cảnh từng người như ai có con nhỏ, ai gia đình khó khăn… để tạo điều kiện giúp đỡ trong công tác chuyên môn lẫn cuộc sống thường ngày. Với phương châm làm trước nói sau, chị luôn đi đầu làm gương cho đồng nghiệp. Là người khó tính trong chuyên môn, chị yêu cầu giáo viên làm việc chặt chẽ khoa học từ khâu soạn bài giảng, đến phong cách truyền thụ kiến thức… Thường xuyên thăm lớp học, dự giờ để góp ý từng chút một, chị giúp giáo viên có hướng làm việc tốt nhất. Nổi tiếng là người nóng tính, nói to, nhưng làm việc gì cũng sắp xếp khoa học. Với bất cứ kế hoạch, chủ trương nào chị đều công khai bàn bạc trước Hội đồng nhà trường, mời họp phụ huynh lắng nghe ý kiến để tạo sự đồng thuận chứ không phải kiểu “làm trước nói sau” là tự quyết định mọi việc theo ý mình. Đối với công tác phong trào, chị cũng khởi xướng nhiều hoạt động từ thiện trong nhà trường một cách sôi nổi, thiết thực như thăm hỏi, tặng quà học trò nghèo, gia đình chính sách, tìm hiểu hoàn cảnh để xét học bổng cho các em… Cá nhân chị hai năm nay nhận trợ cấp mỗi tháng 10kg gạo cho một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp bước em đến trường.

Nụ cười thường trực, đôi mắt chất chứa như làm chị trẻ hơn so với tuổi 53. Phụ nữ đa đoan, cuộc sống gia đình của chị cũng có phần trắc trở, hạnh phúc không trọn vẹn ấm êm như bao người, một mình nuôi con thành tài, chị đã mạnh mẽ sống và làm việc, cống hiến hết mình một cách vô tư, bình thản nhất có thể. Không muốn nhắc nhiều chuyện riêng tư, từ lâu với chị mái trường Yên Đổ là tình yêu, là ngôi nhà thứ hai. Nghiệp trồng người cũng đầy những lo toan, bộn bề, nhưng bù lại chị luôn được cấp trên ủng hộ, được sự trân quý của bạn bè đồng nghiệp, học trò nể trọng, yêu mến. Hình ảnh ấn tượng về chị được một người đồng nghiệp chia sẻ, đó là vào những ngày khuôn viên trường vừa mới hoàn thiện, 9 giờ tối vẫn thấy chị cặm cụi xách nước tưới cây. Bây giờ, sáng nào chị cũng đến trường sớm nhất, cùng học sinh dọn vệ sinh, chăm sóc cây cối. Thật giản dị và thành tâm.

Trường học đổi mới và thân thiện 

Trường THCS Yên Đổ đã hình thành và phát triển qua 42 năm (1973 - 2015), với 4 lần đổi tên, từ Trường cấp I, II Yên Đổ; Trường cấp II Yên Đổ; Trường Phổ thông cơ sở Yên Đổ I; và nay là trường THCS Yên Đổ. Trước kia cơ sở vật chất không có gì đáng kể ngoài 10 phòng học cấp bốn được xây dựng từ năm 1975 bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2000, được sự quan tâm tạo điều kiện của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, nhà trường xây dựng 10 phòng học hai tầng bằng nguồn vốn ADB. Kể từ đó đến năm 2008, nhà trường không có thêm gì mới mà lại còn bị xuống cấp do thiếu sự quan tâm trong công tác quản lý. Các trang thiết bị dạy học hiện đại không có, chất lượng dạy và học còn khiêm tốn, phong trào thi đua kém hiệu quả. Phải sang năm 2009, trường mới có được bước đột phá mạnh mẽ, tích cực khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, được nhà nước hỗ trợ đầu tư, xây mới trở nên khang trang, rộng rãi. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2013 của Bộ Giáo dục và đào tạo, trường THCS Yên Đổ đã có sự chuyển biến rõ rệt và khởi sắc trong mọi lĩnh vực. Sau khi đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 10 năm 2010, tiếp đến được công nhận "Chất lượng cơ sở giáo dục" đạt cấp độ 3 với 45/47 tiêu chí đánh giá đạt, bằng 95,75% (tháng 2/2012), đến nay đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường được củng cố, tăng dần gần 40 người, trình độ đạt chuẩn 100%, trong đó trình độ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ là hơn 60%.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, bước đầu nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ từ bàn ghế, hệ thống máy chiếu, màn hình cố định, các phòng chức năng thí nghiệm, tin học, thư viện…, phục vụ tốt cho công tác dạy và học, trong các hoạt động ngoại khóa. Song song với đó là việc kết hợp cùng cha mẹ học sinh quản lý, phản ánh tình hình học tập tại nhà của các em, lấy ý kiến về phương pháp dạy học của giáo viên để điều chỉnh, phân mở các lớp học phụ đạo cho học sinh yếu kém, đồng thời nâng cao đội ngũ học sinh giỏi và mũi nhọn. Việc dạy và học được tổ chức khoa học theo đúng giáo trình, song có sự đổi mới phù hợp với hoàn cảnh, phát huy điểm mạnh, khắc phục yếu kém cho học sinh. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn để giáo viên hiểu rõ nội dung đổi mới phương pháp dạy học, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình giáo dục THCS. Học sinh được hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo nhằm phát huy năng lực tư duy độc lập… Nhiều hoạt động ngoại khóa như: “Ngày hội công nghệ thông tin”, “Ngày hội sử dụng ngoại ngữ”, “Hội thi sử dụng thiết bị hiện đại vào dạy học”… đã giúp giáo viên và học sinh sử dụng hợp lí, ứng dụng tiến bộ khoa học hiện đại trong truyền thụ và lĩnh hội kiến thức. Toàn trường hiện có 470 học sinh, trong đó 333 em thuộc các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Sán Chí. Tuy có nhiều hạn chế về trình độ nhận thức của học sinh, song THCS Yên Đổ nhiều năm có thành tích dạy và học khá tốt, có nhiều cựu học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia trung học phổ thông và đạt giải cao. Tỉ lệ học sinh đạt thành tích học tập khá giỏi hàng năm của nhà trường trên 50%. Với những nỗ lực xây dựng và đổi mới, từ năm 2009 đến nay, trường THCS Yên Đổ luôn đạt thành tích tập thể lao động tiến tiến và xuất sắc, nhận nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh.

Không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học, hoạt động phong trào cũng được triển khai khá hiệu quả trong nhà trường. Một việc làm đầy tính nhân văn đã được phát kiến và duy trì nhiều năm nay là hoạt động từ thiện, với chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức cho em tới trường”, đã tặng xe đạp, học bổng, áo đồng phục, sách giáo khoa… cho học sinh nghèo, nhằm giúp các em có điều kiện tham gia học tập tốt. Ngoài ra, trường còn thường xuyên tổ chức các hội thi văn nghệ, khéo tay hay làm, cắm hoa nghệ thuật, thi làm Báo ảnh, Tập san… với chủ đề phong phú; lồng ghép trong các tiết dạy và các hoạt động ngoài giờ các chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, luật an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ,  tai nạn… Qua đó rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp, ứng xử,…

Với tổng diện tích hơn 13 nghìn m2, mô hình trường học thân thiện xanh, sạch, đẹp, từ hệ thống cây xanh, nhà để xe, nhà vệ sinh, hệ thống nước… đều được quan tâm chăm sóc, dọn dẹp hàng ngày; chất lượng giáo dục có sự chuyển biến rõ rệt qua từng năm học. Tất cả đã tô điểm cho Yên Đổ một môi trường học khá lý tưởng. Hi vọng với những đổi thay đáng mừng ấy, sẽ còn có nhiều điều để tin yêu hơn nữa về ngôi trường này trong tương lai.

 

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước