Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:38 (GMT +7)

Vẽ tranh tường: đưa nghệ thuật hòa vào đời sống

VNTN - Xuất hiện 6, 7 năm trở lại đây và trở thành nghề, vẽ tranh trên tường không phải hình thức mới mẻ, xu hướng ngày càng gây được sự thu hút với vẻ đẹp độc đáo và tiết kiệm chi phí trang trí cần thiết cho không gian. Thị trường tranh tường ở Thái Nguyên vì thế cũng dần được mở rộng, là mảnh đất để các họa sĩ đưa nghệ thuật gần hơn với đời sống và “sống khỏe” với nghề. 


“Đất sống” của họa sĩ

Tranh tường vẽ phổ biến nhất hiện nay ở Thái Nguyên chủ yếu là tại các trường học mầm non, các quán café, trung tâm dạy năng khiếu, tiếng Anh, quán ăn,… Không đặt nặng các yếu tố về tư tưởng, đề tài, thông điệp… như những sáng tác mang tính chuyên môn “để đời”, nên tâm lý họa sĩ khá thoải mái. Dù vẽ theo chủ ý của khách hàng hay tùy ý tưởng của mình, họ cũng vẫn được thỏa sức thổi hồn vào những mảng tường đơn điệu nét vẽ sáng tạo, đậm chất nghệ thuật.

Đội ngũ các họa sĩ vẽ tranh tường ở Thái Nguyên hiện có khoảng 20 người, số đông là nam giới. Mức thù lao được tính theo số lượng mét vuông hoặc theo giá của tác phẩm, tùy vào không gian và yêu cầu về chất lượng nghệ thuật từ phía khách hàng. Với những bức tranh “sao chép” đơn giản thì giá dao động từ 200 - 400 nghìn đồng/m2. Đối với tranh 3D hoặc phong cảnh nhiều chi tiết, phải vẽ kỹ lưỡng, thì giá cao hơn (500 - 600 nghìn đồng/m2). Dòng tranh 3D thường vẽ theo mẫu vì vật thể chủ đạo thì không sáng tạo mà chỉ sáng tạo nền, nếu có thể thì thêm/bớt chi tiết. Thường thì họa sĩ vẽ theo hai hình thức: khách hàng chọn sẵn tranh, ảnh, hoặc những cảnh trí mà họ thích và yêu cầu họa sĩ thực hiện theo mẫu; hoặc tùy theo không gian, bối cảnh mà họa sĩ có thể đưa ra ý tưởng, tư vấn để khách hàng biết sẽ vẽ gì, vẽ như thế nào cho hợp lý.

Có kinh nghiệm vẽ tranh tường 5 năm nay, Trần Anh Tân (25 tuổi, Phổ Yên) tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, hiện theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã và đang sống được bằng nghề này. Học ở Hà Nội Tân thường tranh thủ đi vẽ tại các trung tâm thương mại, quán ăn. Cuối tuần về Thái Nguyên thì tranh thủ vẽ cho các quán cà phê, trường mầm non, phòng khách hộ gia đình, nhà hàng ăn uống… Năng khiếu sẵn có, được đào tạo bài bản nên vững về chuyên môn, khâu tìm kiếm khách hàng đối với Tân cũng không quá khó. Ban đầu là theo chân cùng đi làm với các thầy cô, anh chị trong nghề; rồi chủ động tới các địa điểm trường học, nhà hàng để tìm việc. Có khi đi vẽ ở trường mầm non, phụ huynh thấy đẹp thì thích và thuê đến vẽ cho quán của họ. Lâu dần các khách hàng tự giới thiệu cho nhau tìm đến. Tân cũng tạo trang Facebook cá nhân, giới thiệu các tác phẩm để bạn bè xem, góp ý, cũng là một hình thức quảng bá khá hiệu quả.

Vững chuyên môn nhưng kinh nghiệm thực tiễn sáng tác còn ít nên Tân vẽ khá từ tốn, một ngày khoảng 4 - 6 m2. Trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, anh xem vẽ tranh tường như sự trải nghiệm để trau dồi nghề nghiệp, bởi điều khiến anh thích thú nhất là được sáng tạo một cách thoải mái, vô tư với niềm đam mê mỹ thuật của mình. Anh chia sẻ: Vẽ tranh tường cũng có những khó khăn nhất định. Nếu vẽ ngoài trời, gặp tình huống mưa đột ngột, màu chưa kịp khô sẽ bị trôi; hoặc những bức vẽ trên không gian rộng, cao, phải đứng trên giàn giáo mới làm được, nhiều khi nắng nôi, vất vả chẳng khác nào làm thợ xây. Rồi có khi gặp trở ngại vì gu thẩm mỹ của mình và khách khác nhau. Trên bức vẽ, khách hàng nghĩ rằng chỉ cần sửa một chỗ, nhưng lại không biết nếu sửa chỗ ấy thì sẽ phải sữa thêm nhiều chỗ khác thì mới ổn. Vì thế nên dù có được tin tưởng giao sáng tạo tùy ý, tôi cũng hỏi ý kiến kỹ càng, tư vấn cho khách, tránh tình trạng “lệch pha” nhau. Thù lao dù không được tính theo góc độ của các tác phẩm nghệ thuật, nhưng được làm việc một cách thoải mái, trừ chi phí họa phẩm khoảng ¼, thu nhập được 1 - 1,2 triệu/ngày cũng là khá ổn.

Xét về góc độ chuyên môn, họa sĩ Nguyễn Lộc (giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc) là người “có tiếng” trong hoạt động mỹ thuật tỉnh nhà. Anh là người đi tiên phong trong xu hướng vẽ tranh tường khi loại hình này xuất hiện ở Thái Nguyên nhiều năm trước, và thực sự “sống khỏe” bằng nghề. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở trường, khi rảnh rỗi, các ngày nghỉ anh nhận lời vẽ thêm ở ngoài. Bình thường, các họa sĩ vẽ nhanh được khoảng 6m2/ngày, nhưng Nguyễn Lộc từ lâu đã không còn vẽ bằng bút mà vẽ bằng máy nén khí, súng phun sơn, nên “thành phẩm” của anh thường cao gấp rưỡi, có khi gấp đôi. Một bức tranh có diện tích 30m2, Nguyễn Lộc có thể hoàn thiện trong 3 ngày với mức thù lao 10 triệu đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu, anh thu về gần 8 triệu đồng. Rất nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố có sự đóng góp tài năng và công sức của anh trong những bức họa đẹp mắt, mang tính giáo dục cao.

Nguyễn Lộc thường trò chuyện, nắm bắt gu thẩm mỹ của khách hàng rồi mới quyết định vẽ hay không, bởi thường thì họ không nhìn thấy mặt hàng sẽ mua nên chỉ có thể đặt niềm tin vào họa sĩ. Với tay nghề, kinh nghiệm thực tiễn vững vàng, anh vẽ và hầu như không phải thực hiện khâu phác hình trước. Tuy vậy chưa bao giờ anh bị làm khó, kể cả với những vị khách khó tính. Khách hàng tin tưởng tìm đến anh, không hề đưa ra ý tưởng mà chỉ nói đại ý chủ đề, ví như vẽ một bức nói về “giáo dục lễ giáo”, hay “vệ sinh môi trường”, “tình cảm gia đình”…, từ đó anh hoàn toàn chủ động sáng tạo.  Anh gieo sự tin tưởng nơi khách hàng bằng vốn sống, sự trải nghiệm và hiểu biết xã hội tinh tế; phong thái đậm chất nghệ sĩ với mái tóc dài, cách ăn mặc bụi bặm, cách nói chuyện hài hước nhưng chắc chắn, kiên quyết.

Nói chuyện tìm khách hàng, Nguyễn Lộc cười xòa: Dù xu hướng vẽ tranh tường xuất hiện đã khá lâu, song sự phát triển lại chưa thực mạnh ở Thái Nguyên. Khách hàng bình thường không tư duy việc trả thù lao theo giá trị nghệ thuật mà tính công ngày. Có những người còn nghĩ họ bị “lừa” vì không nghĩ rằng tôi vẽ nhanh đến thế, chỉ vài ngày mà thu cả chục triệu… Nhưng khi thực sự thỏa mãn về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, họ lại giới thiệu cho tôi những khách hàng là anh em, bạn bè của họ.

Nghệ thuật dần trở nên gần gũi

Có thể nói tranh tường xuất hiện và ngày càng trở nên gần gũi trong đời sống thường nhật. Chất liệu vẽ cơ bản là các loại sơn công nghiệp dễ pha trộn và sử dụng, rẻ hơn họa phẩm chuyên dành cho mỹ thuật rất nhiều. Nếu trong nhà thì sử dụng sơn dầu, acrylic, ve tường…, ngoài trời thì có thể sơn niko, sơn toa, két… Việc pha chế màu thể hiện phong cách sáng tạo của từng họa sĩ. Có thể thêm dầu bóng, các loại bột màu, tinh màu…, tùy theo nhu cầu chất lượng của thượng đế. Tranh tường trong nhà nếu xử lý tốt về màu sắc, độ phủ thì tuổi thọ khoảng 3 - 5 năm. Không gian ngoài trời chịu tác động thời tiết nên nhanh bạc, phai màu hơn, vì thế cần phủ nhiều lớp và có thể giữ được 2, 3 năm.

Hầu hết các trường mầm non trên địa bàn thành phố, ít nhiều đều vẽ tranh tường trang trí. Các trường 19-5, Trưng Vương, Hoa Trạng Nguyên,… đều có những không gian tranh tường ấn tượng. Đó là những hình ảnh mô tả các loại rau, củ, quả; những con vật xuất hiện trong đời sống; các câu chuyện cổ tích như: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa băng tuyết, Thế giới rừng xanh; những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình thầy trò… Dù có tuổi thọ từ 3 - 5 năm, tuy nhiên những bức tranh tường ở trường học mầm non thường xuyên được thay đổi, tạo sự mới mẻ và hứng thú khám phá thế giới với trẻ nhỏ.

Một góc không gian tranh tường tại trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên - Ảnh: Lê Tú

Trường mầm non Hoa Trạng Nguyên có 3 cơ sở ở các phường Túc Duyên, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, đều được đầu tư vẽ tranh tường khá ấn tượng. Cơ sở tại phường Phan Đình Phùng mới đi vào hoạt động được 2 năm, diện tích cả trong nhà và ngoài trời trên 4200 m2, nổi bật bởi không gian rộng rãi đầy sắc màu, mang tính giáo dục cao từ những bức họa bắt mắt. Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường chia sẻ: những bức tranh góp phần tạo môi trường học tập tích cực và thân thiện với trẻ nhỏ. Họa sĩ vẽ theo ý tưởng của mình nên rất sát thực, chi phí không lớn, lại bền đẹp hơn nhiều so với việc in bạt. Chủ đề các bức tranh được nhà trường thường xuyên thay đổi, từ mô tả phong cảnh, nét đặc trưng các vùng miền Việt Nam: núi non hùng vĩ Hà Giang, chè xanh Thái Nguyên, Phú Thọ, quan họ Bắc Ninh…, đến hình ảnh các quốc gia trên thế giới: hoa Anh đào Nhật Bản, Nữ thần tự do của Mỹ, tháp Eiffel của Pháp… Ở đây, mỗi bức tranh đều được lên ý tưởng để gắn với những bài học cụ thể. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên giảng dạy cho học sinh những hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan phong phú, hấp dẫn.

Xu hướng vẽ tranh tường trang trí tại các quán cà phê cũng trở nên thịnh hành thời gian gần đây. Tại các địa điểm như: De l'amour (phường Hoàng Văn Thụ), Monsoon Coffee & Tea, Coffee An 6 (Phan Đình Phùng), TimeLine coffee (Quang Trung)…, các bức vẽ là những họa tiết cây cối, hoa lá, muông thú, hay đơn giản là một câu nói hài hước; có nơi lại vẽ cành đào, chiếc cốc, món ăn, thức uống, logo của quán… Sự đơn giản của những nét vẽ tạo cho không gian vừa có chiều sâu, vừa trẻ trung hiện đại, ấm áp và thân thiện hơn.

Những nét vẽ đơn giản nhưng khá độc đáo tại Monsoon Coffee & Tae

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Thị hiếu, gu thẩm mỹ của người sử dụng tranh tường cũng rất khác nhau. Nhưng với xu hướng tiết kiệm, mở ra những không gian thú vị, chắc chắn vẽ tranh tường sẽ còn thịnh hành và phát triển mạnh trong tương lai. Đây cũng là cách thức để người làm nghệ thuật có thể đưa nghệ thuật trở nên gần gũi, hòa vào đời sống một cách thiết thực và hiệu quả.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy