Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
05:44 (GMT +7)

Về những người luôn sát cánh cùng chúng tôi

KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2020)

VNTN - Ở những tờ báo đông phóng viên, cộng tác viên chỉ được “phân vai” phụ. Nhưng Văn nghệ Thái Nguyên lại khác, cộng tác viên luôn được đặt vào vị trí quan trọng, bởi họ chính là những người đồng hành, sát cánh cùng Tòa soạn trên mọi “cung đường”, làm nên diện mạo tờ báo.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, nguyên Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên gợi ý, nhưng cũng là giao nhiệm vụ cho tôi: “21/6, em viết về các cộng tác viên đi, những người hết lòng vì sự phát triển của báo ấy”. Đúng rồi, tại sao lại không nhỉ, những cộng tác viên đáng mến - linh hồn tờ báo của chúng tôi!

Báo chí văn nghệ nói chung và nhất là Văn nghệ Thái Nguyên nếu không trông chờ vào đội ngũ cộng tác viên thì lấy đâu bài mà in? Bởi, trực tiếp làm nội dung chỉ vẻn vẹn 6 người, mà mỗi tuần phải xuất bản một số. Vậy nên, việc thiết lập và phát triển đội ngũ cộng tác viên bao giờ cũng là ưu tiên số một của Ban Biên tập, cũng như các biên tập viên. Ông/bà nào mà “vớ” được một cộng tác viên mới cho trang mình phụ trách, thì còn mừng hơn được bạc, cứ là lo mà giữ cho chắc!

Có hai dạng cộng tác viên, một là chỉ gửi những cái họ có, và dạng thứ hai là ngoài những cái họ có còn viết những cái Tòa soạn cần. Kiểu thứ hai chính là “đội quân thiện chiến” của Tòa soạn. “Nhà” Văn nghệ Thái Nguyên may mắn có được lực lượng thiện chiến rất hùng hậu, như: Hồ Thủy Giang, Minh Hằng, Trần Trang, Hoài Vy, Phạm Ngọc Chuẩn, Phan Thái, Vũ Kim Khoa, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Gia Bảy, Văn Công Hùng, Hiệu Constant, Hoài Hương, Vũ Khanh, Lê Đình Cúc, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Đỗ Tiến Thụy, Kiều Mai Sơn, v.v.. Họ là hội viên, là đồng nghiệp; có những tên tuổi được bạn đọc cả nước biết tên; có người đang định cư tại nước ngoài; nhưng cũng có người lúc đầu là độc giả, vì yêu quý tờ báo mà đem những đứa con tinh thần đầy tâm huyết đến gửi gắm. Điều đó khiến những thành viên “nhà” Văn nghệ Thái Nguyên chúng tôi tự hào lắm.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi có được một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu như vậy. Với một tờ văn nghệ địa phương, nhuận bút không quá cao mà được nhiều tác giả gắn bó như thế, thì chỉ là vì sự trân trọng và cảm mến, cũng không ngoại trừ là vì uy tín của người đứng đầu tờ báo. Có người cứ viết và gửi, kể cả bài Tòa soạn đặt hàng lẫn bài tự phát, nhưng không để tâm lắm đến nhuận bút, hoặc là gom cả lại ủng hộ Báo để đi làm từ thiện, như tác giả Lê Đình Cúc (Hà Nội), Nguyễn Đức Hạnh (Thái Nguyên), Vũ Trung Kiên (thành phố Hồ Chí Minh)… Vậy thì rõ ràng không phải cộng tác vì nhuận bút rồi. Lại có nhà thơ mãi tận Tây Nguyên, lúc nào cũng sẵn sàng ứng phó khi Tòa soạn cầu cứu, rất nhanh và hiệu quả, nhưng dứt khoát Ban Biên tập phải “có nhời” mới viết, không phải vì làm cao, mà vì tế nhị dành “đất” cho người khác, kiểu “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”… Những ứng xử ấy, cũng cho chúng tôi những bài học ý nghĩa về nghề, về đời.

Chuyện về cộng tác viên thì nhiều. Có người ý nhị, kín kẽ, giữ gìn từ lời ăn tiếng nói đến điệu đi, dáng ngồi. Có người lại bỗ bã, xuềnh xoàng, nhưng yêu Tòa soạn như nhà mình. Điển hình là nhà văn Đỗ Dũng, sáng sáng, đều như vắt chanh, ngày nắng cũng như ngày râm, “cụ” xách cặp lượn một vòng lên Hội, đảo qua các phòng, mời uống nước không ngồi vì: “không làm mất thời gian của chúng mày, tao chỉ lên lấy tờ báo”, rồi mở vội nhìn lướt xem có bài của mình không. Số nào có, thì không thể trì hoãn được, “cụ” vừa đi vừa đọc, thậm chí đứng giữa trời nắng mà đọc say sưa. Nhìn cảnh đó, chúng tôi vừa buồn cười vừa cảm thấy sống mũi cay cay. Đau đáu với những đứa con tinh thần là thế, nhưng nếu lâu lâu không được đăng bài nào cũng chả bao giờ giận dỗi hay trách móc ban biên tập, mà vẫn kiên trì với “quy trình”: đến Tòa soạn - dạo một vòng - không ngồi - ngó báo - và đi. Biên tập viên trẻ Bích Hồng - út ít của cơ quan nên luôn được ông quan tâm kiểu: “Thằng Khải, thằng Thắng có bắt nạt con gái không? Thằng nào mà bắt nạt mày, cứ bảo bố!”. Hồng bảo: “Cháu cảm nhận được tình cảm của bác ấy như tình thân gia đình”. Có hôm nắng quá, các bạn trẻ ái ngại: “Nắng nôi thế này ông cứ ra làm gì, ốm thì lại khổ”. Ông sẵng: “Kệ tao!”. Thấy vậy, có người ở ngoài cho rằng ông hâm, nhưng cả Tòa soạn đều cảm thấy yêu cái “hâm” ấy của Đỗ Dũng và việc ông có mặt vào những buổi sáng đã được xem như một nét điểm xuyết đáng yêu tại Tòa soạn.

Điểm chung của các cộng tác viên nhà Văn nghệ Thái Nguyên là rất cầu thị. Nhà văn Hồ Thủy Giang, bậc thầy của Văn xuôi Thái Nguyên nhưng không bao giờ đao to búa lớn trong chuyện biên tập viên có ý kiến trao đổi về bài vở. Ông sòng phẳng: “Đã trao gửi đứa con tinh thần cho biên tập viên thì phải tôn trọng ý kiến của họ, chứ đừng nghĩ rằng họ trẻ hơn mình là họ không bằng mình”. Và đây là mẩu đối thoại qua email giữa biên tập viên Thanh Tâm, người đứng trang Nghiên cứu - Trao đổi, với nhà văn Hồ Thủy Giang:

“- Bác xem lại giúp cháu chỗ cháu bôi vàng này bác nhé.

- Đúng rồi. Khi viết cứ bị lú lẫn. Cháu biên tập rất có trách nhiệm và tinh ý. Cháu sửa hộ bác cả hai chỗ ấy nhé.”

Rồi nhà văn Minh Hằng, nhà văn Phạm Quý, nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh - đều là những người viết giàu kinh nghiệm và đã có nhiều thành công của Thái Nguyên, nhưng trước mỗi đề nghị của biên tập viên, họ đều rất thoải mái trên tinh thần hợp tác. Sau mỗi tác phẩm, đều có sự phản hồi với biên tập viên, đại loại: “Cảm ơn em/cháu, đã chỉnh sửa. Hợp lý hơn đấy”. Chúng tôi hiểu, đó không phải là sự nhún nhường cho xong, mà là thái độ nghiêm túc, tôn trọng người biên tập và cũng chính là tôn trọng bản thân tác giả.

Nói như vậy, tôi không có ý rằng, biên tập viên chúng tôi tài giỏi hơn nên có thể “bắt” các “cây đa cây đề” sửa chữa tác phẩm, nhưng mỗi tòa soạn có một tiêu chí riêng để hướng đến độc giả và biên tập viên có nhiệm vụ thực hiện tiêu chí ấy.

Tác giả Vũ Kim Khoa, cộng tác viên cứng của trang Nghệ thuật đã không giấu giếm khi nói về biên tập viên Lê Đình: “Hắn cứng tay lắm đấy, đôi khi mình “cãi cùn” nhưng hắn đưa ra đủ lý lẽ để bắt mình phải tâm phục khẩu phục”.

Đến đây, tôi lại muốn kể với độc giả câu chuyện của biên tập viên Lê Đình ứng xử với cộng tác viên của mình khi chị chuẩn bị dời Văn nghệ Thái Nguyên chuyển công tác vào Cần Thơ, theo chồng. Đó là bức “tâm thư” gửi đến cộng tác viên, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc vì suốt những năm qua đã ủng hộ cho chuyên mục Lê Đình đứng trang, giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Và giờ đây vì lý do cá nhân chị không được tiếp tục làm việc với họ nữa, nhưng chị mong họ vẫn giữ mối liên hệ với Văn nghệ Thái Nguyên qua các đồng nghiệp được phân công thay chị… Hành động của Lê Đình một lần nữa thay những người làm báo Văn nghệ Thái Nguyên nói lên sự trân trọng những cộng tác viên của mình, đồng thời ghi thêm một điểm đẹp cho tờ báo với những người đã sẵn niềm yêu mến nó.

Chuyện của nhà Văn nghệ Thái Nguyên là thế đấy, chẳng to tát nhưng cứ như chiếc quạt phun sương, giản dị lắm mà khiến lòng người dịu lại giữa những gay gắt, ồn ào.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xin dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho những cộng tác viên của Văn nghệ Thái Nguyên - những người có tên và chưa có tên trong bài viết này - bằng sự chân thành và trọng thị. Chúng ta sẽ tiếp tục đồng hành trên suốt hành trình phía trước, làm cho Văn nghệ Thái Nguyên ngày thêm phát triển, đó là điều mong muốn của chúng tôi.

THU HUYỀN (Thư ký tòa soạn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy