Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:39 (GMT +7)

Về một nhiệm vụ đặc biệt

VNTN - Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương đã được ký kết. Mỹ bắt đầu rút quân khỏi miền Nam và Lào. Ở Lào, Bộ Quốc phòng cho thành lập mặt trận 31 gồm các đơn vị Trung đoàn 766, Trung đoàn 866, đoàn 335, các đơn vị trực thuộc bảo vệ cánh đồng Chum Xiêng Khoảng và các vùng giải phóng khác thay thế cho Sư đoàn 316 rút về nước chuẩn bị cho ý đồ chiến lược của Bộ.

Tiểu đoàn 923 đang đóng quân ở Mường Hàm cách thị xã Sầm Nưa chừng 40km. Đơn vị lúc này có nhiều thay đổi, nhiều cán bộ chiến sỹ phần lớn đã giảm sút về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở chiến trường lâu năm đều được giải quyết chính sách hoặc được thuyên chuyển về nước.

Thay vào đó là lớp tân binh tuổi đời 17, 18 phần lớn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đơn vị đang bước vào huấn luyện, các tình huống giả định như: địch đổ bộ đường không, địch lấn chiếm vùng giải phóng hay tập kích gây rối ám sát cán bộ…

Đầu tháng 11/1973, tôi và một số cán bộ chính trị được triệu tập về Bộ Tư lệnh 959 đang đóng bản doanh ở Viêng Say - Hủa Phăn để nhận nhiệm vụ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn Huỳnh Đắc Hương giao nhiệm vụ cho các đơn vị: bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng chính quyền nhân dân ở các địa phương, thôn bản và thành lập các đội đi quy tập liệt sỹ đưa về nước với phương châm quy tập các nghĩa trang ở xa nhất, gần địch nhất, nhỏ lẻ nhất làm cuốn chiếu từ xa đến gần. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng Nhà nước đối với các anh hùng liệt sỹ làm căn cứ cho công tác chính sách sau này.

Đội trưởng đội tình nguyện tìm mộ liệt sĩ Dương Mạnh Việt làm việc với Thiếu tướng Onđavông Phó Chủ tịch Hiệp hội ccb quốc gia Lào mùa khô năm 2012

Cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc mới đi được một nửa đòi hỏi sự hy sinh còn lớn lao hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Để khỏi làm hoang mang trong tư tưởng nhân dân, Bộ Tư lệnh yêu cầu các đơn vị, các cán bộ chỉ huy phải tuyệt đối giữ bí mật về số thương vong; Bảo vệ hồ sơ, sơ đồ mộ chí liệt sỹ, không để lọt vào tay kẻ địch; khi cất bốc mộ, tuyệt đối không được nhầm lẫn, không được để sót một đốt xương nào, xong bộ hài cốt nào phải lập 03 tờ biên bản ghi rõ: họ tên liệt sỹ, quê quán, cấp bậc, chức vụ đơn vị, ngày hy sinh, trường hợp hy sinh, tổng cộng số xương đủ hoặc thiếu, có chữ kí của người chỉ huy. Sau đó, 01 bản cho vào lọ gắn xi chôn theo xương, 02 bản gửi về cơ quan Bộ Tư lệnh. Xong nghĩa trang nào, phải đánh dấu trên bản đồ. Nghĩa trang nào chưa làm đến, phải vẽ lại, tính toán tọa độ cho chính xác…

Cầm tập tài liệu trên tay với những con số: tỉnh Xiêng Khoảng 14 ngàn liệt sỹ, Hủa Phăn 5 ngàn liệt sỹ, Luông Pha Bang 3 ngàn liệt sỹ. Tôi mới hiểu rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta tổn thất biết nhường nào.

Đoàn xe tải Gát 66 phủ kín bạt chở chúng tôi từ cơ quan Bộ Tư lệnh về đơn vị, đoạn đường này dài khoảng 60km chạy qua thị xã Sầm Nưa, cái thị xã nhỏ bé xác xơ vì bom đạn. Gọi là thị xã nhưng chẳng có nóc nhà dân nào, các bản quanh đây đã sơ tán vào những khu rừng cách đây vài cây số. Thùng xe chất đầy gạo và thực phẩm để phục vụ các đội quy tập, tuy xe chở nặng vẫn xóc nảy tưng tưng. Mặc dốc cao, đường quanh co ngoằn nghèo, đoàn xe vẫn băng băng đi về phía trước. Với tôi, đã bốn, năm năm trời nay toàn đi bộ mang vác nặng, giờ dù đi xe xóc như thế này cũng vẫn là sung sướng lắm rồi.

Ngồi trên xe tôi mường tượng những công việc trước mắt của đơn vị mình.  Không biết quy tập liệt sỹ nó như thế nào vì đã ai làm bao giờ đâu mà biết. Rồi biết bao những khuôn mặt thân thương của đồng đội khi họ sống cùng ăn cùng ngủ cùng vào trận với tôi bây giờ họ chết đi không biết hình hài xương cốt ra sao… Đơn vị tôi toàn là lính mới, họ chưa trải qua chiến đấu, thử thách, không biết công việc này có hoàn thành được không? Mải nghĩ, đến khi xe đỗ lại trước doanh trại, anh em chạy ra đón, tôi mới biết mình đã đến nơi.

Hang đá Nậm Păng nhìn ra dòng sông Nậm Khan (khu vực giáp gianh 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Luông Pha Bang) chảy quanh co uốn lượn. Trên lưng chừng núi ta đặt nghĩa trang ở đây, là nơi quy tập các liệt sỹ hy sinh ở Phu Cúm, Phan Xi Phu và các vùng lân cận. Nghĩa trang này có 46 ngôi mộ toàn là người cùng đại đội 62 với tôi trong đó có Đại đội trưởng Phạm Mang,  chính trị viên Vũ Xuân Tiến mà tôi đã làm liên lạc cho hai ông suốt 2 năm trời.

Chính trị viên Vũ Xuân Tiến hy sinh lúc 01 giờ sáng ngày 11/01/1972 khi đơn vị tập kích vào cao điểm Phần Xi Phụ. Đại đội trưởng Phạm Mạng cùng hơn 20 chiến sỹ, hy sinh lúc 11 giờ trưa ngày 11/01/1972, khi máy bay ném bom trúng đội hình đại đội, trận ấy tôi bị bom vùi, may mà không chết.

Triển khai chỗ đóng quân xong tôi cắt cử một tiểu đội đi tuần tra xung quanh khu vực đóng quân và tiến hành cho anh em phát quang nghĩa trang để sáng hôm sau khai mộ, tôi giở sơ đồ đánh dấu hàng ngang, hàng dọc từng tên liệt sỹ.

 

Sáng hôm sau tôi tập hợp đơn vị quán triệt một lần nữa. Khi bó hương đã cháy hết, chúng tôi bắt đầu khai quật. Đại đội trưởng Phạm Mang được đưa xuống gần dòng suối. Anh em đơn vị đứng xung quanh xem tôi làm mẫu rồi làm theo, thực ra tôi cũng mới làm lần đầu tiên.

Tôi cầm con dao sắc nhọn rạch tấm ni lông và tấm vải ra khuôn mặt Đại đội trưởng thân thương của tôi hiện ra vẫn khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt nhắm nghiền, trán anh dính đầy bụi đất trông như người đang ngủ, tôi vuốt tóc trên khuôn mặt của anh và nói: Thủ trưởng chịu đau một chút nhé, để em tắm giặt cho anh rồi đưa anh về quê hương Quan Hóa -  Thanh Hóa của anh!

Tôi vừa dứt lời vài chiến sỹ khóc nấc lên! Tôi giật mình thấy cậu Nóm người dân tộc Mán ở Tuyên Quang đổ sập xuống ngất đi, nhiều anh em tỏ ra sợ sệt. Tôi nghiêm giọng trấn an: Các đồng chí không được sợ, đây là đồng chí Mang, nguyên là đại đội trưởng của đơn vị ta, cùng nhiều liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Nhiệm vụ của chúng ta là đưa hài cốt các liệt sỹ về Tổ quốc, ai cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!

Dưới bàn tay tôi, từng chiếc xương được để riêng ra, có lẽ khó nhất là xương sống, xương bàn tay, xương bàn chân và hộp sọ…

Nghĩa trang này để ở trên đồi đất khô ráo, liệt sỹ lại được cuốn 2 lớp vải và tăng vì vậy mà đã 2 năm, thi thể các anh vẫn còn nguyên vẹn. Trông người nào người ấy như đang nằm ngủ… Ngày đầu, tôi trực tiếp làm mẫu nên chỉ xong được 03 người là liệt sỹ Mang, liệt sỹ Vũ Xuân Tiến và liệt sỹ Lò Văn Kẹo.

Làm xong bộ hài cốt nào, tôi mang ra suối lấy lá cỏ kỳ cọ cho sạch xương rồi trải lá chuối rừng ra bãi đá phơi cho xương khô đi, rồi lập biên bản, cho xương vào túi đánh dấu ký hiệu danh tính liệt sỹ từng người một. Phần thịt chưa tiêu, tôi cho chôn vào huyệt cũ. Tối tôi treo túi xương lên cành cây đề phòng cầy cáo vào tha đi. Đáng nhớ nhất là tối đầu tiên anh em không dám ngủ sạp mà họ ngủ thành hình vòng tròn. Khu vực này chỉ cách địch vài cây số, vì vậy không dám đốt lửa. Phần là người chỉ huy, phần lo trách nhiệm trước đơn vị, trước cấp trên, tôi không dám ngủ mà cầm súng đứng gác cho anh em, gác cho liệt sỹ chỉ sợ thú rừng vào tha xương đi hoặc có toán biệt kích nào lần mò tới…

Đoạn sông này hai bên là núi đá. Rừng già hoang vắng, ban đêm tiếng nai tác, tiếng hổ gầm, tiếng lợn rừng chạy làm đá lăn rơi ầm ầm, ở khu rừng này có bốn con hổ lớn màu lông vàng cháy chúng tôi đã gặp chúng 2 lần.

Ngày hôm sau, những đồng chí yếu bóng vía tôi cho đi tuần tra, nấu cơm và canh gác, còn lại cứ 3 người làm một mộ. Tôi đi đi lại lại kiểm tra nhắc nhở anh em, chỗ nào khó thì trực tiếp làm.

Sang ngày thứ 3, tình hình đã thay đổi nhanh chóng, nhiều chiến sỹ như Phạm Quang Lại, Hà Văn Thoi, chiến sỹ Thuần, y tá Vũ Thược quê ở Hà Bắc đã tỏ ra thành thạo công việc, nhiệt tình và bình tĩnh.

Buổi tối một số anh em theo tôi đi bắt cá, bắt ba ba, ở sông này cá và ba ba nhiều vô kể những con ba ba to như chiếc mâm đồng được tôi bắt thịt xả ra nấu với lá lốt rừng ngon chưa từng thấy.

10 ngày rồi cũng qua, chúng tôi đã quy tập xong 46 liệt sỹ và hành quân ngược trở ra. Khi đến bản gần nghĩa trang Bông Hay huyện Viêng Thoong tỉnh Hủa Phăn, tôi thấy dân bỏ bản để chạy. Hỏi ra thì mới biết, tục ở đây kiêng người chết đưa vào nhà vào bản. Thấy vậy tôi cho đơn vị đi xa bản để khỏi làm kinh sợ đến dân.

Lập xong kho cất giữ hài cốt liệt sỹ, ổn định xong chỗ ở để chuẩn bị làm nghĩa trang mới, tôi điện về cho chỉ huy Tiểu đoàn báo cáo tình hình và nhận được bức điện báo tin tôi được kết nạp Đảng tại mặt trận. Đây là một ngày đáng nhớ trong đời tôi. Niềm vui và nỗi buồn đan xen lẫn lộn, vui vì sau bao năm phấn đấu, nay tôi đã trở thành một đảng viên cộng sản; buồn vì lẽ ra tôi đã được vào Đảng từ 4 năm nay rồi, chỉ vì đơn vị đã 3 lần hy sinh hết không còn đảng viên nào nên đến nay tôi mới được kết nạp. Buồn vì biết bao anh em đồng đội tôi ngã xuống nằm lại trên chiến trường.

Những người cùng thời với tôi may mắn còn sống thì cũng phục viên, xuất ngũ hoặc thuyên chuyển về các đơn vị mới. Tôi là người lính cũ cuối cùng của đơn vị. Tôi cũng tự hào và hãnh diện trước đàn em của tôi những người lính tuổi đời 17 - 18 mùa xuân phơi phới.

Hơn một năm trời dẫn dắt đơn vị quy tập hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác Nậm Păng - Bông Hay - Mường Hiềm, Na Khằng, Mường Son, Nậm Tạt, Phu Lao, Mường Dựt, Sầm Nưa, Na Mon, Thẩm Lạ… và hàng chục nghĩa trang khác. 1800 liệt sỹ được đưa về nghĩa trang Bá Thước - Thanh Hóa và 450 liệt sỹ với đầy đủ danh tính được đưa về nghĩa trang Anh Sơn - Nghệ An. Tôi cẩn thận ghi chép lại danh tính, quê quán của 72 liệt sỹ quê ở tỉnh Bắc Thái để có điều kiện sau này cần đến.

38 năm sau, thực hiện đợt phát động của CCB Việt Nam về cung cấp thông tin liệt sỹ, tôi đã thành lập đội tình nguyện tìm mộ liệt sỹ hy sinh tại Lào gồm các đồng chí: Vũ Đình Minh, Hoàng Ngọc Dinh, Nguyễn Đức Cương, Cao Văn Thường (Thái Nguyên), Nguyễn Đức Mai, Đinh Phú Lân, Nguyễn Duy Nguyên (Hà Nội), Lưu Đoan (Vĩnh Phúc), Phạm Quang Lại, Nguyễn Công Nhuế (Bắc Ninh), Hà Văn Thoi (Bắc Giang) do tôi làm đội trưởng. Tự túc thuốc men, tiền bạc chúng tôi đã bàn giao sơ đồ của 450 liệt sỹ cho đội quy tập liệt sỹ Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Nghệ An tại Xiêng Khoảng - Lào và cùng anh em 3 lần đi tham gia quy tập lấy được nhiều hài cốt liệt sỹ.

Tại Hủa Phăn, tôi cùng đội tình nguyện và đội quy tập liệt sỹ BCHQS tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 10 chuyến đi (từ 2011 đến 2015), đã cung cấp hồ sơ trên 1000 liệt sỹ và trực tiếp tham gia quy tập được 148 liệt sỹ. Đồng thời đánh giá và khai quật lại tất cả các nghĩa trang xem có còn sót liệt sỹ nào không, đồng thời vào sâu trong dân khai thác thông tin để tìm kiếm liệt sỹ vẫn còn thất lạc. Hơn 5 năm trời, vượt biết bao khó khăn gian khổ, ăn rừng ngủ núi, đối mặt với bom mìn, rắn độc, thú hoang với cái rét cắt da cắt thịt, chinh phục những ngọn núi cao 1900, 1700m so với mực nước biển, chúng tôi mang trong lòng tình cảm thiêng liêng về đồng đội để vượt lên tất cả.

Hang đá Na Long (huyện Mường Khăm, Xiêng Khoảng) ghi lại tội ác tày trời của giặc Mỹ. 3 giờ chiều ngày 24-11-1968, 3 quả tên lửa của máy bay Mỹ bắn trúng cửa hang giết chết 394 người (trong đó có 92 bộ đội Việt Nam.

Ở cái tuổi gần 70, quả là thử thách nhưng kết quả được đền đáp, 148 liệt sỹ đã được đưa về Tổ quốc. Các đội quy tập luôn mong muốn tôi sang với họ vì lần nào đi cũng tìm được liệt sỹ. Những lần xe chở liệt sỹ đi qua thị xã Sầm Nưa, tôi thấy hàng ngàn người dân Lào theo tập tục quỳ lạy hai bên đường, học sinh, sinh viên chạy theo xe các em tung hoa vào xe chở liệt sỹ tỏ lòng biết ơn những người lính đã hy sinh để cho họ có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay. Những hình ảnh đó, những ký ức đó luôn sống mãi trong tôi.

Tôi kể câu chuyện về nhiệm vụ đặc biệt này là muốn gửi thông điệp tới mọi người: ai có thân nhân là liệt sỹ hy sinh ở chiến trường Đông Bắc Lào mà chưa tìm được phần mộ thì hãy liên lạc với tôi theo địa chỉ: Dương Mạnh Việt, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Số điện thoại: 0988 731 984, để được tư vấn và giúp đỡ với khả năng cao nhất, để sớm tìm được người thân của mình.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước