Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:38 (GMT +7)

Về một khát khao của nghệ sĩ tạo hình

VNTN -Mỹ thuật, nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật thị giác. Để cảm nhận tác phẩm thì phải nhìn trực tiếp bằng mắt. Chất lượng tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ánh sáng, không gian trưng bày có tính chất quyết định.


Nghệ thuật thị giác (Visual Art) hay nghệ thuật trực quan là một hình thức nghệ thuật tạo ra các sản phẩm bắt nguồn tự nhiên, chủ yếu tác động vào thị giác như hội họa, đồ họa, điêu khắc, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật thị giác hiện đại (nhiếp ảnh, video art). Nếu nhìn rộng hơn, nghệ thuật thị giác còn bao gồm các lĩnh vực của nghệ thuật ứng dụng như: thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội - ngoại thất và trang trí nghệ thuật; nghệ thuật hình thể (bao gồm body paiting, hình xăm nghệ thuật, vẽ mặt…).

Nói theo cách khác, nghệ thuật thị giác là những hình thức nghệ thuật tạo ra các tác phẩm, sản phẩm được tiếp nhận chủ yếu qua kênh thị giác. Trong phạm vi hữu hạn, bài viết này xin bày tỏ quan điểm về mỹ thuật - nhiếp ảnh và không gian trưng bày.

Không gian triển lãm ở Vĩnh Phúc

Mỹ thuật - nhiếp ảnh có tên gọi chung là “nghệ thuật thị giác”, nhưng hai loại hình này có đặc trưng riêng. Nếu như mỹ thuật có khả năng tái hiện lại quá khứ, diễn tả hiện thực, cũng có khi dự báo được tương lai, thì nhiếp ảnh lại phản ánh hiện thực khách quan một cách trung thực. Song cả hai loại hình đều tìm kiếm và phản ánh các giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong đời sống xã hội; luôn tuân theo quy luật của thị giác, tạo ra cảm xúc, thẩm mỹ cho người xem.

Nếu có không gian trưng bày cho tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh ở các cuộc triển lãm phù hợp thì sẽ cuốn hút được đông đảo công chúng. Bởi vì ngôn ngữ hình ảnh là thứ ngôn ngữ không phân biệt dân tộc, màu da, nó tác động trực tiếp đến mặt cảm xúc, khiến người xem nhận chân các giá trị, thông điệp được các bức tranh, ảnh truyền tải. Tựa như kiểu, nếu người Hà Nội tự hào là dân Thủ đô, thì họ ý thức phải sống sao cho lịch duyệt; người Thái Nguyên tự hào là người dân Thủ đô kháng chiến, thì phải sống sao cho tín nghĩa. Mặt khác, mỹ thuật - nhiếp ảnh tác động đến khách quan, từ nơi khác đến như những giá trị độc đáo, đa dạng, lạ lẫm, hoàn thiện và hấp dẫn cần được khám phá.

Nếu như với nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc… cần có sân khấu trang hoàng để diễn, qua đó đưa tác phẩm đến gần công chúng, thì với mỹ thuật - nhiếp ảnh lại cần không gian trưng bày. Không gian đó không chỉ là nơi giới thiệu mà còn góp phần tôn vinh, làm tác phẩm thêm sang trọng, đó cũng là nơi để khách quan thụ hưởng nghệ thuật một cách trân trọng. Không gian trưng bày ngoài vị trí treo, bày biện tác phẩm còn cần khoảng cách hợp lý để kích thích thị giác một cách hiệu quả. Hơn nữa, không gian rộng thì tác phẩm không ảnh hưởng lẫn nhau, vì tranh và ảnh đều là tác phẩm độc lập (trừ tranh, ảnh bộ). Nếu trưng bày tác phẩm quá gần nhau, người xem dễ bị phân tán, dễ dẫn đến nhanh chán. Do vậy tác phẩm đẹp, lạ mắt, thuyết phục người xem sẽ cần đến một không gian trưng bày phù hợp để “đối thoại” cùng với người cảm thụ.

Việc tìm nơi trưng bày phù hợp cho những tác phẩm nghệ thuật cần đảm bảo yếu tố thị giác. Để có thể quan sát và cảm thụ được tác phẩm, người xem cần có khoảng thời gian nhất định. Thời gian thì lại phụ thuộc vào độ chi tiết của vật, đơn giản hay phức tạp, lượng thông tin cần truyền tải nhiều ít thế nào... Đến ngay như một Bảo tàng lớn như Berlin (Đức), khi triệu phú Heiner Pietzsch, 82 tuổi và vợ ông - Ulla, muốn tặng bộ sưu tập gồm một số tác phẩm của nhiều nghệ sỹ hàng đầu thế kỷ XX như: Joan Miró, Jackson Pollock, Max Ernst, Diego Rivera, Frida Kahlo, Salvador Dalí... trị giá 150 triệu euro, nhưng không tìm ra nơi đặt chúng cho phù hợp.

Thật khó để tin rằng ở một quốc gia luôn tự hào về sự đa dạng văn hóa cũng phải đối mặt với việc thiếu không gian trưng bày các kiệt tác nghệ thuật. Chỉ riêng Berlin đã có hơn 170 phòng trưng bày và bảo tàng với tất cả hình dạng và kích cỡ. Phải thừa nhận rằng họ đang phải cạnh tranh về kinh phí trong thời điểm kinh tế khó khăn, khi việc đầu tư cho nghệ thuật không được ưu tiên. Nhiều rạp chiếu phim, nhà hát và dàn nhạc từng được coi là yếu tố quan trọng của cảnh quan văn hóa Đức, cũng đang bị buộc phải đóng cửa do cắt giảm tài trợ. Lẽ nào Berlin không thể cung cấp không gian trưng bày cho những tác phẩm trong bộ sưu tập được coi là đáng chú ý nhất của thế kỷ XX?

Ở Việt Nam chúng ta, khu vực miền Bắc không gian trưng bày triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài trung tâm triển lãm Vân Hồ, còn có Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tọa lạc tại khu đô thị Royal City (Nguyễn Trãi, Hà Nội) được nhiều người yêu thích nghệ thuật tìm đến học hỏi, cũng như trở thành điểm đến check-in mới lạ, độc đáo. Có thể nói đây là một không gian lý tưởng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh.

Ở khu vực Việt Bắc - Tây Bắc thì thật hiếm hoi chỗ trưng bày tranh, ảnh chuyên nghiệp. Hai thập niên có lẻ, gần đây nhất, triển lãm mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 22 diễn ra tại Vĩnh Phúc (tháng 8/2017) đã được lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định là triển lãm mỹ thuật quy mô, có không gian trưng bày tốt nhất từ trước tới nay. Tính đến thời điểm này, Vĩnh Phúc là một trong những nơi hiếm hoi “lóe” lên điểm sáng về một không gian trưng bày đáp ứng được mong mỏi của các nghệ sĩ.

Thái Nguyên chúng ta rất tự hào có tới 30 họa sỹ tạo hình và gần một trăm nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp. Hằng năm trong tỉnh ít nhất cũng có 1-2 cuộc triển lãm mỹ thuật hoặc nhiếp ảnh. Cũng như một số tỉnh khác trong khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc), nhiều năm nay vẫn chưa có Nhà triển lãm như mong đợi. Hiện tại các cuộc triển lãm lớn hay nhỏ cũng thường lựa chọn Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam làm nơi trưng bày, vì đây là nơi trung tâm nhất của thành phố. Mặc dù không có chức năng là nơi triển lãm tranh, ảnh nhưng Bảo tàng vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho triển lãm được tổ chức liên tục.

Ở mỗi cuộc triển lãm về mỹ thuật - nhiếp ảnh đều chọn lọc được những tác phẩm chất lượng, được các nghệ sỹ tâm huyết, dày công sáng tác. Nhiều tác phẩm đã được Hội đồng nghệ thuật trung ương đánh giá cao, tham gia triển lãm khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) hằng năm. Chỉ tiếc rằng, chỗ trưng bày của chúng ta chưa phù hợp, chưa cân xứng với giá trị của tác phẩm, gây bất tiện cho người xem, đồng thời tác giả cũng không được ưng ý.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, nghệ thuật thị giác nói chung, mỹ thuật - nhiếp ảnh nói riêng rất cần được tôn vinh bởi năng lực ảnh hưởng trong đời sống tinh thần nhân dân. Do đó rất cần (nhất thiết) phải có chỗ trưng bày trang trọng - cố định cho loại hình nghệ thuật thị giác này. Nếu như có được phòng trưng bày hợp lý, chắc chắn sẽ có thêm nhiều triển lãm nhóm hay cá nhân của các nghệ sỹ tạo hình, nghệ sỹ nhiếp ảnh; lan tỏa rộng rãi những giá trị trí tuệ và nhân văn. Mặt khác, khách quan sẽ được hưởng thụ giá trị nghệ thuật đúng nghĩa là “món ăn tinh thần”. Khi nhận được sự ủng hộ của công chúng, các sáng tạo càng dễ được đẩy mạnh và có cơ hội phát triển rực rỡ. Có phòng triển lãm trang trọng, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế ở Thái Nguyên sẽ đa dạng, hấp dẫn hơn.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy