Về một bức tranh “mạnh hơn sắt thép”
Từ niềm cảm phục người dân Nam Bộ anh hùng
Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái. Ông sinh năm 1931, Đông Anh, Hà Nội. Theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1950, sau khi tốt nghiệp năm 1958, ông được cử đi Liên Xô tiếp tục học Đại học Mỹ thuật quốc gia Xudukốp, Mátxcơva. Về nước, Lê Lam tham gia giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp được hơn hai năm. Năm 1966 ông từ chối việc đi học tiếp ở Liên Xô, khoác ba lô cùng đồng đội Nam tiến. Tham gia kháng chiến, ông ở với dân, rồi ở gần vùng giáp ranh căn cứ địch nên đã chứng kiến rất nhiều cảnh (vào những ngày đình chiến) như: cảnh sỹ quan Mỹ đi câu cá còn mượn cần câu của dân. Có cậu lính Mỹ ngạc nhiên khi thấy dân ở dưới hầm, khi hiểu ra ngọn ngành họ cũng tỏ thái độ thương cảm... Điều này giúp ông càng thêm thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Chúng ta đánh đế quốc Mỹ, không đánh anh em, nhân dân Mỹ”.
Hành trang trên vai họa sỹ Lê Lam ngoài quân trang là bút màu, giấy vẽ và tình yêu, niềm cảm phục người dân Nam Bộ anh hùng. Bước chân ông đi khắp Long An, Mỹ Tho, Bến Tre…, đến đâu ông cũng vẽ và triển lãm cho đồng bào, chiến sĩ cùng xem, để động viên tinh thần chiến đấu của họ. Tố cáo Mỹ ném bom giết hại người dân Bến Tre, ông vẽ bức tranh “Má ơi nóng quá” và “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cả hai bức tranh đã được trưng bày trong dịp Tết Mậu Thân tại chợ Linh Phụng, gây ấn tượng sâu sắc về lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân ta.
Gần một thập niên vẽ ở chiến trường miền Nam ác liệt, bộ sưu tập tranh của ông có tới hàng vài ba nghìn bức ký họa, và hàng chục bức tranh khổ lớn có giá trị như: “Đồng Khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre”, “Em bé Linh Phụng”, “Chân dung Anh hùng đặc công thủy Hoàng Lam”… Cái tài của họa sỹ Lê Lam là chỉ cần vài nét vẽ đơn sơ, ông đã khắc hoạ được những nét đặc sắc, đậm chất Nam Bộ của các nhân vật. Tác phẩm của ông có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao, được lưu giữ tại nhiều Bảo tàng trong nước như: Bảo tàng tỉnh Bến Tre, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Dừng lại” (1966 - 2000) - tranh sơn dầu của Lê Lam
Sau trận giặc Mỹ càn quét ở Long An năm 1966, Lê Lam được tiếp xúc với người phụ nữ có tên Tư Cào, được nghe chị kể tường tận chiến công của mình “tay không ngăn xe tăng Mỹ", và đã được Tỉnh ủy Long An cũng như toàn miền Nam đã phát động phong trào học tập tấm gương chị Tư Cào. Xúc động trước sự dũng cảm của chị, họa sĩ Lê Lam nhờ chị đứng đúng tư thế đó ký họa ngay. Sau này, bức ký họa ấy là tư liệu quý giá để ông vẽ nên nhiều bức tranh với tựa đề "Dừng lại!". Ngay sau đêm giặc càn, bức tranh khắc gỗ, khổ nhỏ đã ra đời. Với ưu thế của thể loại đồ họa, và sự đam mê chuyên tâm với nghề của họa sỹ, “Dừng lại” đã sớm được chuyển sang chất liệu khắc gỗ rồi được in rất nhiều bản, được dùng làm tranh “binh vận” và được rải khắp vùng tạm chiếm, còn những tranh sau vẫn hình tượng chính là người phụ nữ chặn xe tăng Mỹ nhưng chi tiết, chất liệu và thể loại, kích thước có phần khác nhau. Nhờ sức mạnh của những bức tranh sáng tác trong chiến tranh đã làm cho tên tuổi họa sĩ Lê Lam nổi tiếng khắp cả nước.
Nhân dịp lễ Phật Đản năm 1967, theo gợi ý của lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, với tính chất một tác phẩm Đấu tranh trực diện. Bức tranh cổ động trên mười mét vuông vẽ hai mặt được thể hiện rất nhanh, một bên có hình bộ đội giải phóng, dân quân du kích, nhân dân và cả quân đội Mỹ lẫn Lyndon Johnson, với dòng chữ: "Toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Mặt chính ông vẽ chị Tư Cào đứng dang chân dang tay trước xe tăng địch, dưới gầm trời xám loang lổ khói bom lẫn “bầy đàn” máy bay trực thăng nhiều như ruồi phủ trên cánh đồng lúa vàng. Trên xe người lính Mỹ giương súng trước mặt chị Tư Cào cùng với tựa đề: "Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục".
Bức tranh được dựng lên sừng sững ở Cầu Tầu trên sông Thơm, đoạn nối sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông. Tranh được neo chặt vào hai đoạn cây bông gòn chôn sâu hàng mét. Sông Thơm chỗ ấy hàng ngày có hàng ngàn thuyền bè qua lại. Đến đó thuyền nào cũng đi chậm, dừng xem tranh đông như hội. Nơi đây là vùng tranh chấp, thỉnh thoảng máy bay Mỹ ngụy sà xuống xem tranh. Chúng căm tức điên đầu. Một lần cả lính bộ, tàu chiến kéo đến, đích thân tên Mỹ chỉ huy ra lệnh dùng súng bắn vào dây thép treo tranh để tranh rơi xuống nhưng không được. Sau chúng phải công kênh nhau lên mới tháo được tranh, khiêng xuống tàu. Chúng buộc tranh kéo lên tàu chạy dọc sông, vừa chạy vừa bắc loa "Đây là chiến lợi phẩm thu được của Việt cộng". Địch đem tranh về Vĩnh Long hai ngày rồi chở đi Bình Phước, Mỹ Tho. Chúng cho triệu tập nhiều sĩ quan tâm lý chiến đến xem. Sau này có nguồn tin, rằng có người đã thấy bức tranh ấy ở bên Mỹ.
Từ ký họa một dáng người phụ nữ dang tay, dang chân ngăn cản xe tăng của giặc Mỹ đang đi càn phá nhà cửa hoa màu của bà con Long An, sau này họa sỹ đã xây dựng thành tranh hội họa. Trong thời kỳ về Trung ương Cục, Lê Lam vẽ lại bức tranh “Dừng lại” gửi ra Bắc. Ông vui mừng khôn xiết khi được biết, trong một lần đến xem triển lãm, Bác Hồ đã đến trước bức tranh. Người xem đi xem lại rất lâu, hỏi kỹ càng về chị Tư Cào rồi Bác bảo: "Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem". Năm 1999, tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với đề tài “Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân” được tổ chức khai mạc tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, tác phẩm “Dừng lại” được giới thiệu với công chúng ở thể hội họa với chất liệu sơn dầu.
Bác Hồ xem tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1968
Chị Tư Cào, nhân vật chính trong tranh họa sỹ Lê Lam tên thật là Võ Thị Cào, sinh năm 1923, người xã An Ninh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chị chuyên nghề "bà mụ" đỡ đẻ, người nhỏ nhắn, chân đi hơi thọt, miệng nhai trầu liên tục. Chồng chị người Bắc, phu đồn điền cao su trụ lại. Năm ấy chị khoảng 43 tuổi. Người ta kể lại rằng: Hôm ấy nghe tiếng động cơ ngoài làng, chị chạy ra xem sao, thấy xe rầm rầm quần chạy qua cánh đồng lúa đang chín. Một ý nghĩ bột phát lóe lên, nó quần nát thế này lấy gì ăn... Chẳng còn biết sợ hãi gì nữa, chị nhảy ra dang hai chân hai tay thét liên tục: "Dừng lại! Dừng lại!". Một tên Mỹ có lẽ là chỉ huy nhảy xuống xe xì xồ hỏi. Chị Tư Cào chỉ vào miệng làm hiệu "ăn!" và nói toáng lên, chỉ vào ruộng lúa nhầu nát. Lúa thế này lấy gì mà ăn? Rồi làm hiệu chỉ cho xe lên đường mà đi. Dường như tên chỉ huy hiểu ý, chần chừ một lát rồi ra lệnh cho xe tất cả quay lên đường chạy. Xe địch đi rồi, du kích, bộ đội phục kích quanh túm lại rôm rả reo hò: "Bà Cào ngăn xe Mỹ! Bà Cào tay không ngăn xe Mỹ". Trước sự dũng cảm của chị Tư Cào, lãnh đạo cấp trên khi biết tin này đã có hình thức khen thưởng, tôn vinh chị Tư Cào, coi đây là một tấm gương điển hình để nhân dân noi theo.
Năm 1999, được tin từ các con chị Tư Cào nhắn gọi: “Bác Lam ơi, má con mất rồi!”. Họa sỹ thương chị lắm nhưng vì đã có tuổi, mắt mờ chân chậm, ông không sao vào được Long An để thắp cho chị một nén nhang. Quả thật, trong lịch sử những người làm nghệ thuật, văn chương, hiếm thấy sự gắn bó máu thịt nào giữa tác giả với nhân vật tác phẩm của mình như trường hợp họa sĩ Lê Lam.
Trong căn hộ đơn sơ của ông, trên tường treo kín tranh ký họa cùng nhiều thùng giấy chứa đầy tác phẩm của ông, trong đó phần lớn là về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Bởi đó là ký ức về một thời đạn lửa của dân tộc mà ông đã sống, đã vẽ và tiếp tục vẽ. Từ khi chị Tư Cào mất, họa sĩ dành góc nhỏ kế ngay bên chỗ ông hay ngồi làm việc để treo bức tranh vẽ về chị, đó là thể hiện lòng thành kính, thương yêu một con người có hành động anh hùng.
Gia Bảy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...