Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
00:46 (GMT +7)
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Về lại những An dưỡng đường năm xưa

VNTN - Trong những ngày cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), chúng tôi tìm đến An dưỡng đường thương binh số 1 và số 2, hai di tích cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng gắn với nguồn gốc ra đời ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1947.


Người “mẹ nuôi” của thương binh

Chân dung cụ Bá Huy   (Nguồn: baotanglichsu.vn)

Chân dung cụ Bá Huy   (Nguồn: baotanglichsu.vn)

“Người mẹ Lục Ba, tình mẹ bao la, nhường cơm sẻ áo nuôi người chiến sĩ” - đó là câu hát nói về cụ Nguyễn Thị Đích (tức cụ Bá Huy) - người phụ nữ đã lập nên trại an dưỡng thương binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Cụ sinh năm 1902 ở thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 17 tuổi, không bằng lòng việc bị ép gả cho con trai Chánh tổng, cụ bỏ đi theo những người thợ cấy lên Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên). Tại đây, cụ gặp cụ ông Trần Đình Tích, cùng cảnh “cày thuê cấy mướn” mà nên duyên vợ chồng, dù hai cụ chẳng cưới xin gì. Thủa ấy, đất Lục Ba còn là vùng rừng núi rậm rạp, hoang vu, đất rộng người thưa, vợ chồng cụ chăm chỉ vỡ đất khai hoang, chịu khó làm lụng, có vốn liếng tích góp mà dần trở thành người giàu có trong vùng. 

Khi phong trào Việt Minh kháng Nhật phát triển mạnh mẽ ở Đại Từ (1943-1945), cụ được giác ngộ đã ra sức ủng hộ cách mạng. Giữa năm 1945, chồng cụ mất, một mình cụ vừa nuôi dạy 6 người con thơ dại, vừa tích cực tham gia cách mạng. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, cụ được phân công làm Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ Lục Ba. Tháng 3/1947, Lục Ba thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, cụ là một trong những đảng viên đầu tiên của xã.

Cuối năm 1946, gần một trăm thương binh của Trung đoàn Thủ đô được chuyển về, chỗ ăn, chỗ ở và chữa bệnh đều gặp rất nhiều khó khăn. Được Phòng Thương binh Bộ Quốc phòng (lúc này trụ sở đang đóng tại nhà cụ) vận động, sẵn mang trong lòng tình cảm sâu đậm với bộ đội, với cách mạng, cụ đã tự nguyện hiến 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu và huy động dân làng làm 10 gian nhà bằng tre, gỗ, sắm sửa dụng cụ, tiện nghi để lập An dưỡng đường số 1 và là trại thương binh đầu tiên của nước ta. 

Với tấm lòng thơm thảo, nhường cơm sẻ áo của cụ Bá Huy, các thương binh, chiến sĩ ai cũng gọi cụ là “Mẹ”. Kể từ đó, cả nước dấy lên phong trào "Hội Mẹ chiến sĩ". Ngoài chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, cụ còn vận động chị em phụ nữ trong vùng lấy chồng thương binh. Trong số đó có chị Trần Thị Lệ (cháu gọi cụ bằng thím) lấy anh thương binh Đỗ Công Chức, chị Nguyễn Thị Tình (cùng xóm) lấy anh thương binh Phí Văn Thuyên đều ở lại Lục Ba định cư.

Không chỉ có những việc làm tình nghĩa với thương binh mà suốt những năm kháng chiến chống Pháp, nhà của cụ còn là nơi đi lại làm việc của một số cơ quan Chính phủ và đội du kích. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội đã qua lại công tác và ăn nghỉ ở đây như Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng...

Những thành tích của cụ đã được các báo Độc Lập, Cứu quốc hồi đó đăng tin, ảnh ca ngợi. Trước nghĩa cử cao đẹp của cụ với thương binh, Hồ Chủ tịch rất cảm kích. Người đã viết thư khen cụ vào đúng ngày Thương binh liệt sĩ đầu tiên của cả nước 27/7/1947, và An dưỡng đường “Bà Bá Huy” là cái tên do chính Hồ Chủ tịch gọi, trong thư khen cụ. 

Bức thư Hồ Chủ tịch khen cụ Bá Huy (Nguồn: baotanglichsu.vn) 
Bức thư Hồ Chủ tịch khen cụ Bá Huy (Nguồn: baotanglichsu.vn) 

Nỗi oan khuất còn đó

Vậy mà... kháng chiến thành công năm 1954, do biến cố lịch sử cải cách ruộng đất, gia đình cụ bị quy là “địa chủ bóc lột”, cụ phải rời tổ chức và nghỉ công tác từ đó…

Phải nhờ người quen giới thiệu chúng tôi mới gặp được ông Trần Đình Tỉnh (76 tuổi), con trai út của cụ, hiện vẫn sống cùng gia đình và chị gái ruột thứ hai là bà Trần Thị Nghi (88 tuổi) ở Lục Ba, Đại Từ. Bởi nỗi oan khuất của mẹ đến giờ vẫn chưa được sửa sai, dù nhiều báo đài đến tìm hiểu, khơi lại nỗi đau của gia đình mà cuối cùng kết quả cũng chẳng đi đến đâu khiến họ càng thêm đau lòng, không ít lần ông từ chối thẳng thừng việc tiếp xúc với phóng viên.

Tiếp chuyện chúng tôi tại phòng khách có bàn thờ của mẹ, ông Tỉnh xúc động kể lại: Trong đợt đấu tố địa chủ, tổ đấu tố không cần nhìn nhận công lao của mẹ tôi đối với cách mạng mà cứ nhìn vào tài sản đất đai của mẹ tôi mà quy là địa chủ. Khi họ đem mẹ tôi ra xử, các thương binh lúc ấy ở trong An dưỡng đường đã ra sức bảo vệ cụ nhưng không có kết quả. Nhiều thương binh trong số đó vì xót xa cho cụ - một người có công mà phải chịu oan uổng nên họ đã bỏ về quê hoặc đến một nơi khác. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn gọi vụ đấu tố mẹ tôi là "oan khuất Bà Bá Huy".

Dừng lời giây lát, ông Tỉnh ngậm ngùi: Nhà cửa, ruộng đất, tài sản không còn, chúng tôi phải dọn ra đồng ở. Mang tiếng là “địa chủ bóc lột” thì xấu hổ lắm, bị miệt thị, không dám tiếp xúc với dân. Bởi ra ngoài đường, gặp đứa trẻ con nó cũng chửi, nhục lắm! Con cháu chúng tôi vì thế cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Dù tôi đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường B, con cháu nội ngoại của mẹ tôi dù có 8 người đi bộ đội, 2 người là liệt sĩ, nhưng chúng tôi không một ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì lý lịch mẹ tôi là địa chủ.

Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Tỉnh (65 tuổi) nhớ lại: “Dù phải chịu nỗi oan đau đớn nhưng chưa bao giờ mẹ chồng tôi trách Nhà nước. Cụ luôn nói “Công của mình so với những người đổ máu không thấm vào đâu. Mình thì chỉ mất của mà thôi”. Nhưng trong lòng cụ thì buồn và u uất lắm, dù cụ luôn giấu, chẳng thể hiện ra ngoài. Nhiều khi tôi thấy cụ ngồi một mình bên hiên nhà, mắt buồn vời vợi nhìn về phía An dưỡng đường năm xưa. Hơn 30 năm, cụ cứ âm thầm chịu đựng, sống trong nỗi oan và sự lãng quên đến tận lúc qua đời”.

"Từ năm 1955 thực hiện sửa sai, mẹ tôi được minh oan nhưng do cán bộ địa phương năng lực, nhận thức còn yếu nên chuyện đó không đi đến đâu. Năm 1987, khi mẹ tôi tròn 85 tuổi và cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH có cử đoàn cán bộ về thăm. Sau đó, anh cả tôi đã về Hà Nội gặp ông Lê Thành Ân là quyền Trưởng phòng Thương binh thời lập An dưỡng đường. Anh tôi còn gặp được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị để chuyển lời cảm ơn. Hai tháng sau mẹ tôi quy tiên. Gia đình tôi cứ nghĩ, sau đấy mẹ tôi sẽ được Nhà nước khen thưởng, vậy mà chờ đợi mãi chẳng thấy gì. Đến tháng 3/2002, kỷ niệm 55 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, có 6 người nguyên là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp của Nhà nước và quân đội cùng ký tên trong một bức thư gửi đến Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Nhà nước ghi nhận mẹ tôi là người có công và có hình thích khen thưởng thích hợp. Đó là các ông Lê Thành Ân, đại tá Lê Thành (thương binh từng điều dưỡng tại An dưỡng đường số 1), Đặng Đình Mỹ (nguyên Trại trưởng An dưỡng đường số 1), Trần Huy Chương (nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Đông Nam Á), Hoàng Quý Chương (nguyên Vụ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ) và GS.TS. Vũ Tất Uyên. Gia đình tôi những tưởng rằng công lao của cụ sẽ được Nhà nước ghi nhận, nhưng thêm một lần nữa, chúng tôi lại phải thất vọng", ông Tỉnh ngậm ngùi!

Căn nhà cũ của cụ Bá Huy từng là nơi đi lại làm việc của một số cơ quan Chính phủ và đội du kích
Căn nhà cũ của cụ Bá Huy từng là nơi đi lại làm việc của một số cơ quan Chính phủ và đội du kích

Mong mỏi lớn nhất của cả gia đình ông Tỉnh lúc này là cụ Bá Huy được các cơ quan có thẩm quyền đính chính, sửa sai về vụ việc bị kết là “địa chủ bóc lột” năm xưa. Lúc đó, những mất mát có thể sẽ được nguôi ngoai phần nào. Cụ đã khuất núi, nhưng lịch sử cũng cần phải có cái nhìn công bằng và tôn vinh một con người đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước như vậy. 

Nhưng tất cả những điều đó rất khó thực hiện, bởi đã trải qua hơn sáu thập kỷ, có quá nhiều sự khác biệt trong cơ chế, chính sách với thời điểm hiện tại. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Lục Ba cho biết: “Cũng đã có nhiều đoàn thể, báo đài của Trung ương, tỉnh, huyện về đây tìm hiểu về trường hợp của cụ Bá Huy nhưng bao nhiêu lần cho gia đình hy vọng là bấy nhiêu lần khiến gia đình thất vọng. Có lần tiễn đoàn ra về, gia đình bảo với tôi “Phải tiếp thì chúng tôi tiếp thôi, chứ chúng tôi biết chẳng hy vọng gì đâu!”. 

Ông Thủy chia sẻ thêm: “Năm 2004, tỉnh cũng đã trao giấy khen (?) nhưng phải nói mãi gia đình mới chịu nhận. Bởi nói thật, chỉ cần công tác tốt 1, 2 năm là đã được tỉnh khen, thế nên so với công lao của cụ Bá Huy thì tỉnh khen nó không tương xứng. Như lời của gia đình: “Bác Hồ đã khen rồi, tỉnh khen làm gì nữa. Khen nhưng cái oan sai còn treo trên mộ người đã khuất thì có ý nghĩa gì”.

Và những điều trăn trở

Mang giá trị ý nghĩa lịch sử quý giá, An dưỡng đường “Bà Bá Huy” được công nhận là di tích cấp tỉnh. Nhưng khác xa với sự tưởng tượng của chúng tôi, con đường dẫn vào khu di tích chỉ là con đường mòn, dốc trượt, đất đá lởm chởm. Chúng tôi đi vào đúng ngày mưa âm u, con đường càng trở nên sâu hun hút, đất bùn lầy lội như níu chân người. Đáp lại chặng đường trơn trượt, lầy lội khó đi ấy, di tích hiện ra trước mắt chúng tôi là một khu đất chỉ còn nền nhà, rặng tre, cây mít xưa; không một tấm bia hay biển báo, chẳng có gì ghi dấu “nơi đây là di tích An dưỡng đường thương binh số 1 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - di tích cấp tỉnh”, mà chỉ trơ trọi mấy chiếc cọc bê tông đánh dấu vị trí.

Khi hỏi về hiện trạng của di tích, ông Thủy cho biết: “Mặc dù gia đình ông Tỉnh luôn sẵn sàng hiến đất để làm khu di tích, nhưng đến giờ xã vẫn chưa xin được kinh phí từ các cấp ngành trên, chỉ biết đóng mấy cọc bê tông đánh dấu lại vị trí thôi. Nếu xin được kinh phí, xã rất muốn xây nhà tưởng niệm và dựng bia để thế hệ sau biết đến lịch sử và có nơi để mọi người thắp nén hương, tỏ lòng tri ân với cụ Bá Huy.”

Ngoài An dưỡng đường số 1 của cụ Bá Huy, huyện Đại Từ còn có An dưỡng đường số 2 của nhà cụ Đặng Văn Ẩm tại xã Mỹ Yên. Theo lời kể của nhân chứng lịch sử ông Dương Văn Tuần (82 tuổi, xóm Đồng Cháy, xã Mỹ  Yên): Năm 1947, thương binh từ các chiến dịch được đưa về, gửi nhờ các nhà dân, Mỹ Yên khi ấy dân còn nghèo nên điều kiện sinh hoạt của các thương binh hết sức khó khăn, thiếu thốn. Tháng 9/1947, cụ Ẩm đã hiến một nửa gia sản (gồm ngôi nhà 8 gian, gần 2ha cánh đồng ruộng lúa xen với đầm cá, đàn bò 4 con cùng 1 con ngựa thồ) lập nên An dưỡng đường số 2, sau được nhân dân và thương binh cảm kích đổi tên thành An dưỡng đường Đặng Văn Ẩm. Suốt những năm 1947-1954, có cả ngàn thương binh đã được điều trị tại đây, và nhiều người trong số họ được phụ nữ xã đón về chăm sóc rồi lấy làm chồng.

Trang thông tin điện tử của Bảo tàng lịch sử quốc gia tại địa chỉ baotanglichsu.vn vẫn lưu trữ bài viết “Trại an dưỡng thương binh đầu tiên ở Việt Bắc”, trong đó khẳng định: “Hai An dưỡng đường số 1 và số 2 cùng với địa danh lịch sử nơi ra đời ngày thương binh liệt sỹ tại gốc đa cổ thụ xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên là những địa danh có ý nghĩa quan trọng gắn với nguồn gốc ra đời ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm”.

Nhưng cũng giống như di tích An dưỡng đường Bà Bá Huy, di tích An dưỡng đường Đặng Văn Ẩm dù đã được công nhận là di tích cấp tỉnh nhưng thực tế vẫn chưa được quan tâm đầu tư gì ngoài việc xã cắm cọc bê tông đánh dấu lại vị trí.

Chưa đầy một tháng nữa, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ được tổ chức tại khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 (thị trấn Hùng Sơn). Huyện Đại Từ trong những ngày này cũng đang rất khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng cho Lễ kỷ niệm, đặc biệt là khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 (thị trấn Hùng Sơn) - nơi ghi dấu sự kiện ra đời ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 ở nước ta. Con đường cái dẫn vào khu di tích đã được trải nhựa; quảng trường đối diện đang được gấp rút xây mới; cổng vào di tích, sân gạch, cây cối… mọi thứ được trang hoàng lại một cách tỉ mỉ. 

Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến hai di tích An dưỡng đường số 1 và số 2, nơi nuôi dưỡng, chở che hàng ngàn thương binh suốt cuộc trường kì kháng chiến chống Pháp; nghĩ đến những con người gắn với hai di tích ấy cùng công lao, nghĩa cử cao đẹp của họ. Không biết rằng liệu sắp tới đến ngày 27/7, có ai còn nhớ đến để quay lại hai mảnh đất ấy, chỉ để thắp một vài nén nhang? 

Đường vào Khu di tích An dưỡng đường số 2
Đường vào Khu di tích An dưỡng đường số 2

VNTN đã từng có bài viết về những di tích và các nhân vật này cách đây hơn 10 năm, hôm  nay, chúng tôi tiếp tục nhắc lại như một sự tri ân với lịch sử, đồng thời muốn góp thêm một tiếng nói bày tỏ mong muốn những công lao và nghĩa cử cao đẹp của hai cụ sẽ được hậu thế ghi nhận thỏa đáng.

Bích Hồng - Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục