Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:04 (GMT +7)

Vẻ đẹp dưới lớp lắng trầm

VNTN - Trong bộ ảnh phong cảnh của cuộc Triển lãm Ảnh quốc tế VN17, tác phẩm “Sáng sớm ở Thành cổ Lệ Giang” của NSNA Cao Phong chợt khiến tôi có một trường liên tưởng rằng, có những người đẹp khuất phục con mắt ta ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng đã có bao nhiêu những người đẹp từng đánh gục nhân gian bằng vẻ thầm lắng dịu dàng, bằng sự hy sinh vì người mình yêu hay chỉ bằng một lời ca vút lên giữa chốn đông người…(?)

Khác với sức hút của những góc ánh sáng ngập tràn, rực rỡ, có tiết tấu sôi động…, nếu ta nhìn thoáng qua tác phẩm, thì chỉ thấy tràn một màu xám, nhưng ngắm thêm một chút, thì mắt lại bị “dính” vào đó và sự ngạc nhiên. Những câu hỏi cứ quấn lấy: Ở đâu vậy? Nó có từ bao giờ? Sao người ta giữ được một công trình cổ những ngần ấy năm? Nó ẩn dấu những gì về quá khứ, hiện tại và tương lai?…

Tác phẩm “Sáng sớm ở Thành cổ Lệ Giang”

Những câu hỏi lần lượt được giải đáp: Nó là một tiểu cảnh của Lệ Giang, thuộc Vân Nam, Trung Quốc. Một tỉnh có vị trí thật đặc biệt: Phía tây bắc giáp Tây Tạng; phía tây nam giáp Miến Điện; phía nam giáp Lào và phía đông nam giáp Việt Nam. Thành cổ Lệ Giang có từ thời Tống. Khi vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn tràn đến thì Lệ Giang đã là một đô thị rất phồn thịnh. Qua ghi chép của Marco Polo thì nơi đây có khu chợ bán đá quý rất độc đáo, hiếm lại rẻ. Những viên đá có thể đánh đổi được cả một góc thành Venedig mà chỉ phải trả bằng giá của một con cừu, khiến người mua cứ có cảm giác là đã cướp không của họ… Chỉ cái tên “Lệ Giang” thôi (dòng sông nước mắt), cũng đã hé mở cho người xem ảnh biết được sự trầm luân của bao nhiêu kiếp người. Người Trung Quốc vốn hay lấy những điển tích, hoặc sự kiện để đặt tên cho địa danh, khi nước mắt đã chảy thành sông xuôi về biển, thì những thân phận của hàng triệu người xưa hẳn phải là một bể khổ! Và như để xoa dịu những nỗi trầm luân của cả một vùng, người ta đã trồng ở nơi đây những cây liễu rủ trước nhà, cũng là muốn nhận một sự đồng cảm và chia sẻ từ thiên nhiên, trời đất…

Nhiều năm rồi, Thành cổ Lệ Giang đã được các nhà kinh tế và những kiến trúc sư hoạch định thành một trung tâm du lịch, họ giữ vẻ ngoài như nguyên vẹn từ thủa xa xưa. Thoạt nhìn, bức ảnh của Cao Phong khiến người ta nghi ngờ là anh đã không chụp ở thế kỉ 21. Không thấy một dàn ăng ten trên những mái nhà, không có một bồn nước inox, không cột điện hay những dãy đèn đường. Nhìn từ vị trí chụp, như nhìn vào một quần thể mê cung - ai bước vào đó sẽ lạc ngay vào thế kỉ thứ 14,15. Họ sẽ rối vào những ngõ hẻm, cũng như loạn giác quan khi tới đâu cũng ran ran tiếng gõ của nghề chạm bạc…

Thời điểm ghi hình là giờ khắc mặt trời chưa trùm nắng, những tia sắc ấm của dải quang phổ còn chưa kịp bùng lên, gam tím nặng buồn vẫn ngự trị cả không gian. Thành Lệ Giang đã âm thầm thức giấc như vội nối tiếp công việc của ngày hôm qua còn vương bỏ lại. Những mái ngói cổ xỉn màu thời gian, như hàng trăm tấm lưng trần cam chịu chìa ra để hong nắng và nhận những đầy ải của bề trên. Chút le lói của ánh đèn cùng dải khói trắng vừa thoát ra khỏi khe mái bếp, như nhắc bảo cho người xem ảnh thấy dưới đó đang tồn tại những thực thể sống vừa tỉnh dậy. Cái sắc xám “đồng phục” trễ nải cứ như táp thêm lớp lớp nỗi buồn vào lòng người. Nhưng ai bảo cảm giác buồn là thứ tình cảm bi lụy, thì hãy ngắm lâu tác phẩm để nghiệm ra rằng, nỗi buồn được cộng hưởng cũng có sức mạnh chẳng kém gì những trạng thái khác của tâm hồn.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy