Về cuộc tranh cãi mang tên “thấu cảm”
VNTN - Những ngày qua, một cơn bão mạng mang tên “thấu cảm” (liên quan đến phần thi Đọc hiểu trong đề môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia) đã được tạo ra bởi một cộng đồng khổng lồ những… người lớn.
Người lớn tranh luận - tranh cãi, người lớn châm chọc, chế giễu. Một số (không nhỏ) người lớn thì ra sức chửi. Họ chửi tuốt luốt từ ban ra đề, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nền giáo dục nước nhà, thậm chí chửi luôn cả ông tác giả bỗng dưng có sách được trích dẫn. Theo cách chửi loạn xạ trên mạng thì thấy chắc rằng rất nhiều người trong số đó không hề ghé mắt đọc cái đề Văn ấy thật kỹ lấy một lần, xem nó thực ra là thế nào, yêu cầu học trò làm gì. Cả khi đáp án được công bố, có lẽ họ cũng không hề đọc. Vì nếu đọc kỹ, đọc một cách có trách nhiệm, họ không thể chửi rủa, hạ nhục người khác dễ dàng như thế, trừ khi… có vấn đề gì đó không thể tiếp nhận nổi, thì chịu.
Vì cơn bão mang tên “thấu cảm” quá lớn, được hậu thuẫn bởi “giới chuyên môn” nên những “thân phận nhỏ bé” là các thầy cô giáo dạy Văn thực sự hiểu chuyện chỉ biết lặng im chịu trận. Họ không biết sẻ chia với ai, vì bất cứ tiếng nói bênh vực nào cất lên lúc này cũng dễ dàng hứng về cơn cuồng chiến từ những cái đầu đang bốc hỏa. Nhà giáo Hoàng Tố Nga, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã phải thốt lên: “Chúng ta cần phản biện xã hội! Nhưng chúng tôi cần những nhà phản biện chân chính! Chúng tôi sốc trước những lời chửi rủa của "người lớn" nhân danh phản biện”.
Điều đáng chú ý là, trong khi một bộ phận không nhỏ người lớn tự cho mình là những “người phán xử” đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng những người có liên quan, thì các học trò lớp 12 lại giải quyết nội dung Đọc hiểu đó một cách không mấy khó khăn. Rất nhiều học trò lớp 12 và các thầy cô giáo dạy Văn xác nhận điều này. Bọn trẻ lấy làm ngạc nhiên vì người lớn gây sóng gió về một chữ mà hầu hết chúng không băn khoăn; và nếu có thì các yêu cầu rõ ràng của đề thi cũng đã giúp chúng giải quyết.
Tranh cãi về một nội dung nào đó trong đề thi Văn Quốc gia là chuyện thường mỗi năm. Nhưng chửi rủa thì đã tăng cấp độ lên, sau vụ “bùn và lụa” năm ngoái. Lý giải nguyên nhân của sự bức xúc mang tâm lý đám đông và một số trở nên quá khích trong phát ngôn, nhiều người cho rằng, phải chăng phía sau những cơn chửi rủa kinh hãi ấy là những nỗi niềm bi phẫn khác, là sự bất mãn với ngành giáo dục về những yếu kém của ngành. Sâu xa hơn nữa là sự bất đắc chí với xã hội, với thời cuộc. Những ai đó, phải chăng đã mượn cơn cớ “thấu cảm” để trút những nỗi niềm bi phẫn ấy?
Xin bàn về chuyện đó ở một bài viết khác, nhưng không thể nào không nói về việc chúng diễn ra trước - mắt - con - trẻ.
Con cháu chúng ta, những đứa trẻ lớp 12 cùng lũ đàn em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đã phải chứng kiến những cơn thịnh nộ trút xuống thầy cô của chúng, trút xuống cái ngành đang dạy dỗ, rèn luyện chúng, trút xuống cái xã hội mà chúng đang sống.
Một em học sinh lớp 12 ở Gia Lai đã viết trên Facebook những dòng này:
“Tranh cãi của các vị, thực sự làm các cháu hoang mang hơn, không biết mình đúng hay là sai. Rồi tiếng nói của các vị, cùng với sự hưởng ứng đám đông, những lượt like, lượt share... làm chúng cháu mất niềm tin về nền giáo dục. Vô tình, chúng cháu lại có thể suy nghĩ và hành động một cách phản giáo dục là tiếp tục chửi bới nền giáo dục. Vâng, chửi thế, khua bàn phím như thế, có thay đổi được điều gì không ạ? Hay là chỉ hình thành một thói quen, cứ không vừa ý là ầm lên chửi rủa?... Và các vị có "thấu cảm" được không, khi chúng cháu đọc những bình luận bới móc, chửi bới, nhục mạ nhau giữa những người lớn như thế? Mỗi lần lên facebook, đọc thêm được một bình luận nữa, cảm giác như mình đang đứng giữa cuộc xung đột của người lớn, và hoang mang, niềm tin chẳng biết bám vào đâu!”
Xin hỏi: những “người lớn” nghĩ gì khi đọc tâm sự của em?
Để rồi, họ có hiểu những đứa trẻ nhận được từ người lớn cái gì qua cuộc chiến “thấu cảm” nhân danh chúng: sự hoang mang, sự coi thường, hay sự căm ghét nền giáo dục, căm ghét xã hội này?
Đó là những thứ chúng cần được nhận từ người lớn để đi tiếp vào đời chăng?
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...