Vào rốn lũ miền Trung – Kỳ II
VNTN - Khúc ruột miền Trung, Quảng Bình và Hà Tĩnh - nơi “đặc sản” mùa hè là cái nắng cháy da và gió Lào khô khốc, mùa đông cái rét thấu xương, đặc biệt là những trận mưa bão dữ dội, lụt lội liên tiếp vào cuối thu.
Trong khó khăn gian khổ, ý chí vượt khó, tình thương yêu, tinh thần đoàn kết đã làm nên sức mạnh cộng đồng những người dân nơi đây.
Kỳ II: Những chuyện chưa kể nơi “rốn lũ”
Sống chung với lũ
Chỉ 3 ngày sau trận lũ lịch sử 10/2016 đi qua thị trấn Kiến Giang, dấu vết của lũ dữ gần như còn lại rất ít. Dọc các tuyến phố cùng những con đường quanh co dẫn vào trong các xóm đã sạch sẽ, gọn gàng. Thỉnh thoảng ở một vài điểm tuy còn bùn đất đọng lại nhưng đang được các tốp thanh niên tình nguyện khẩn trương xúc lên xe tải để chở đi. Con sông Kiến Giang dù nước vẫn đục lờ lờ nhưng ở các bến sông các bà, các mệ tranh thủ giặt giũ… Dọc bờ sông, lao xao những âm thanh của cuộc sống thường nhật.
Cuộc sống người dân dọc sông Kiến Giang những ngày sau lũ lụt |
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Hoàng - phóng viên Báo Quảng Bình vốn là người gốc Lệ Thủy thở dài, trầm giọng giải thích: “Oan cho Lệ Thủy lắm! Vừa rồi nghe tin bão lụt to, nhiều đoàn cứu trợ đến để ủng hộ khi nước đã rút, thấy cảnh quan gọn gàng, sạch sẽ vậy thì nghĩ địa phương nói dối để nhận quà cứu trợ. Họ có biết đâu dân ở đây quen “sống chung với lũ” nên cả khâu dọn vệ sinh sau lũ cũng “chuyên nghiệp” luôn. Nước rút đến đâu người dân dọn dẹp vệ sinh đến đấy. Nước xâm xấp hè đường là dân bắt đầu khoắng bùn non đọng phía dưới để nó trôi theo nước lũ, một loáng là sạch, chứ để bùn non đọng lại, khó dọn vô cùng”.
Quả đúng như lời Hoàng nói, chúng tôi để ý kỹ ở Lệ Thủy hầu như gia đình nào bên hông nhà cũng có chiếc đò nhỏ. Nhà có điều kiện xây cao tầng thì không tính, còn hầu hết các nhà một tầng đều theo lối xưa, mái lợp ngói, phía dưới mái đều làm cái tra (trần) làm bằng gỗ khá chắc để ở và cất đồ mỗi khi có lũ lụt. Phía đầu hồi hai bên nóc, mỗi bên để thêm cái cửa sổ nhỏ một người chui vừa hình tam giác hoặc hình vuông mà người dân ở đây gọi là cái “khu đị”.
Theo kinh nghiệm người miền Trung, nước lụt thường dâng trong đêm vì vậy người ngủ nhưng vẫn phải có người thức để canh nước. Khi nước đã vào thềm nhà mọi người lập tức phải chuyển đồ đạc kê lên giường, lên bàn…Những ngày lũ lụt nước dâng quá cao, cả nhà dọn hết đồ đạc lên tra và sống tạm trên đó. Thiếu ánh sáng sinh hoạt thì mở cái “khu đị” ra hoặc dỡ hẳn thêm vài ba viên ngói ở nóc để ánh sáng thoải mái tràn vào. Ngày lụt, con đò nhỏ luôn neo bên cạnh làm phương tiện di chuyển, đi lại hữu hiệu. Người dân khua mái chèo đi quanh vườn, vớt lại các đồ đạc bị trôi, sửa lại cái phên liếp hay cái mái nhà xập xệ hoặc đi đánh bắt cá, tìm kiếm nguồn thực phẩm… và đặc biệt để thoát thân phòng khi nước lút cả nóc nhà.
Tôi gặp Lê Văn Vũ (33 tuổi) quê ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy là thành viên của nhóm “Thiện nguyện Quảng Bình”. Vũ là người tàn tật. Dù bị mất đôi chân vì bệnh tật, nhưng Vũ mạnh mẽ như một người bình thường. Trên chiếc xe lăn đi bên cạnh tôi, Vũ tự hào nói về quê mình như một hướng dẫn viên du lịch thông thái: Lệ Thủy là vùng trũng nhất ở Quảng Bình, hầu như năm nào lũ hắn cũng “tới thăm” nên dân quê em tự ngàn đời cũng đã quen với bão giông, lụt lội. Anh cứ để ý ở đây không chỉ có Lệ Thủy mà hầu hết các tên xã trong huyện đều gắn với chữ “Thủy”, gắn với nước, với mưa bão... Vũ tâm sự: “Cuộc đời em vui, buồn, hạnh phúc đều gắn với sông nước, với lũ lụt anh ạ!”.
Vũ mắc phải căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Đôi chân Vũ ngày một teo tóp, đau đớn. Học đến lớp 4 Vũ phải nghỉ học vì sức khỏe quá yếu. Vũ tưởng cuộc đời sẽ hết hi vọng vì đôi chân tật nguyền nhưng ông trời vẫn thương Vũ để anh có cơ hội hòa nhập với cuộc sống. Nhà vốn gần sông Kiến Giang, mỗi lần lụt lội Vũ nhìn mọi người bơi trong dòng nước, anh thích lắm và cũng học bơi. Thật bất ngờ Vũ học rất nhanh và bơi khá giỏi, từ đó cứ mỗi lần đi chăn trâu Vũ lại cùng chúng bạn vui đùa dưới dòng sông quê. Dưới dòng nước trong mát ấy Vũ thấy tự tin và khỏe mạnh. Lớn lên Vũ vào Nam làm nghề bán vé số dạo. Năm 2004 Vũ tham gia giải thể thao dành cho người khuyết tật và anh đạt 3 huy chương vàng. Từ đó đến 2010, Vũ giành thêm 25 huy chương vàng ở các cự ly thi đấu cho đoàn thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật cấp Quốc gia. Cảm phục tài năng, chị Hà - một vận động viên khuyết tật, kém Vũ 3 tuổi, cũng là người cùng quê đã đồng ý yêu và lấy Vũ. Năm 2010, đám cưới được tổ chức. Sau đó vì mưu sinh, hai vợ chồng Vũ đã rời đoàn thể thao và cùng nhau về quê, bán hàng nước và bán hoa quả dạo để sinh sống. Hạnh phúc như được nhân lên khi vợ Vũ mang thai và sinh đứa con đầu lòng hoàn toàn lành lặn. Vũ đặt tên con là Lê Bình An, cái tên là mong ước của Vũ về miền quê Lệ Thủy. Vũ mong quê mình không bị lũ lụt tàn phá để con anh có tương lai tốt đẹp sau này.
Nhớ lại những trận lụt, Vũ tặc lưỡi: “Mùa lụt, nước mang phù sa đến cho ruộng vườn tươi tốt và em được thỏa sức vẫy vùng, đuổi cá, bắt chim cùng bạn bè. Nhưng lụt đến cũng cuốn đi nhiều thứ quá. Nó tàn phá hết cây cối hoa màu nhà cửa, người dân trắng tay, buồn lắm anh ạ! Em rất muốn làm điều gì đó có ích nên đã tham gia nhóm thiện nguyện để vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp đỡ quê hương mình…”.
Lệ Thủy là vậy, sống quen với lũ lụt nên rất chủ động chống chọi với thiên tai. Dân ở đây biết trữ lương thực, biết căn sao cho vụ lúa hè thu thường hoàn tất trước khi mùa mưa tới. Họ cũng biết cách xem một số dấu hiệu báo mưa lũ trong thiên nhiên như quan sát tổ ong, tổ kiến…để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Mùa mưa tới, nhà nào cũng dùng vật nặng để đè lên mái ngói, chằng buộc lại cẩn thận rồi ra vườn chặt bớt những cành cây đề phòng bị gãy đổ, tích trữ thêm mấy ôm rơm cho trâu bò chống đói, gạo củi cũng được kê lên chỗ cao, tránh nước. Những ngày lũ, các giếng nước thường được lấy bạt hoặc ni lông bọc kín miệng lại bằng dây cao su, để ngăn không cho nước lũ tràn vào…
Tình người nơi “rốn lũ”
Chiều ngày 24/10, trời mưa lất phất, tôi cùng các thầy cô giáo và các em học sinh trường PTTH Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vượt gần 20 km, qua bến đò Liên Châu bắc ngang con sông Ngàn Sâu đến thôn Liên Hòa, xã Đức Liên thăm gia đình em Nguyễn Thị Hồng Nhung, lớp 11A5 trường PTTH Cù Huy Cận.
Năm 2007, do lụt lội trâu bò không có chỗ ăn, bố Nhung đi chăn trâu cạnh đường tàu và bị tàu hỏa cán chết. Gần đây do mưa bão mẹ Nhung đi làm keo thuê thì bị cây keo đổ gãy xương vai, xương cột sống, hiện giờ đang sống thực vật trong Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Vì lo bệnh tật cho mẹ, nhà lại còn bà nội già 74 tuổi, gia đình Nhung đang nợ nần chồng chất. Mưa lũ chia cắt nhiều ngày Nhung phải nghỉ học để ở viện chăm mẹ và vì hoàn cảnh quá khó khăn, Nhung có nguy bỏ học.
Thấy thầy cô và các bạn Nhung vui lắm. Cầm những phần quà trên tay mắt Nhung nhòa lệ, nghẹn ngào: “Con cám ơn chú, cám ơn thầy cô và các bạn đã tới thăm. Con ước mẹ con nhanh khỏi bệnh con sẽ lại tiếp tục được đến trường”.
Theo lời chú ruột Nhung kể thì từ khi gia đình Nhung gặp nạn, thầy cô và các bạn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, không những vậy qua facebook mọi người đã vận động các tổ chức xã hội đến giúp đỡ gia đình em. Và mấy ngày trước các nhà hảo tâm đã tới hỗ trợ gia đình Nhung được hơn 25 triệu đồng…
Lũ dữ đi qua để lại những đau thương, mất mát. Và nơi rốn lũ của miền Trung này chỉ có tinh thần đoàn kết và phương án “4 tại chỗ” mới tạo nên sức mạnh chống lại sự khốc liệt của thủy thần. Trong trận lũ lịch sử vừa qua huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình là địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất, tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với Tuyên Hoá ước tính gần 500 tỷ đồng. Trong đó Mai Hóa và Ngư Hóa là các xã đầu nguồn phải đương đầu với lũ xiết. Thôn 5 xã Ngư Hóa có 34 hộ dân, sống ở 3 mỏm đồi. Khi lũ về nước dâng cao bà con lại chạy lên đồi để tránh lũ. Thời điểm nước dâng cao nhất ở trên đỉnh đồi Đôộng Chè chỉ còn lại mỗi nhà anh Nguyễn Văn Minh là không bị ngập. Thế là suốt mấy ngày nước lũ, nhà anh Minh trở thành mái nhà chung và bếp ăn tập thể cho các gia đình trong xóm đồi Đôộng Chè. Vợ chồng anh đặt nồi cơm to nấu ăn tiếp tế cho cả 7 gia đình, với hơn 20 con người. Và không chỉ có năm nay mọi năm lũ lụt đều như thế cả. Nhắc chuyện đó anh Minh cười sảng khoái: “Mần chi to tát đâu anh. Toàn là bà con hàng xóm cả, chừ hoạn nạn phải dựa vào nhau, giúp nhau chứ”.
Không chỉ có người dân, suốt những ngày mưa lũ chính quyền địa phương đã căng mình cùng bà con chống lũ. Nhiều cán bộ bản thân nhà cũng bị ngập và còn ngổn ngang chưa dọn dẹp được nhưng vì việc chung của cộng đồng họ sẵn sàng xắn tay vào giúp dân. Cùng các lực lượng triển khai dọn dẹp, công trình, nhà cửa… và túc trực phát quà cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng.
Phóng viên VNTN trao quà của Báo cho gia đình em Nhung |
Chị Hà Thị Hoán, Phó Chủ tịch Liên Hiệp phụ nữ xã Mai Hóa kể: Trận lũ khiến nhiều gia đình trong xã bị ngập trong nước từ 3m trở lên lương thực, thực phẩm cũng bị lũ nhấn chìm và cuốn trôi, thứ cần thiết nhất với dân là cơm ăn, nước uống. Xã đã trích kinh phí mua mì tôm cứu trợ khẩn cấp cho bà con. Toàn bộ lực lượng cán bộ xã đều được huy động đến giúp đỡ bà con khôi phục lại đời sống. Dân ở đây dù nghèo, nhưng sống tình cảm lắm. Khi nước to chúng tôi sẵn sàng cho nhau lương thực, quần áo. “Là xã vùng sâu lắm khó khăn, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của người dân và chính quyền, mới đây Mai Hoá vinh dự được huyện, tỉnh chọn để tập trung chỉ đạo đạt xã nông thôn mới vào năm 2016. Nhưng có lẽ sau trận lũ lụt này chúng tôi không thể cán đích được”. Chị Hoán nén tiếng thở dài sau khi ngừng lời.
Người dân Mai Hóa đi nhận quà hỗ trợ |
Lũ dữ đi qua để lại những mất mát và có cả những nỗi đau. Nơi “rốn lũ” còn vô vàn những tấm gương người dân cứu người trong lũ dữ mà không hề tiếc thân mình và đã có những người không may đã ra đi vĩnh viễn... Đi dọc miền Trung mùa này còn biết bao câu chuyện về tình người nơi vùng lũ. Trong khó khăn, gian khổ người dân nơi đây sẵn sàng sẻ chia, cần mẫn chịu đựng những thiệt hại do bão, lụt gây ra, để rồi lại gây dựng, chắt chiu cho một cuộc sống bình yên.
Cảm phục lắm miền Trung!
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...