Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
09:16 (GMT +7)

Vắng chủ nhà…

VNTN - 7 giờ sáng, tôi tiện đường đi bộ tập thể dục rẽ vào nhà chị bạn chơi. Cửa mở toang, trên giường đặt góc nhà cánh màn vẫn buông, con gái cả chị nằm trong màn, mắt nhìn cái điện thoại, tay lướt lướt liên tục.

Tôi hỏi:

 - Giờ này cháu còn nằm à, cơ quan làm việc 7 giờ theo giờ mùa hè cơ mà?

Nó cười khinh khích:

- Cô ơi, giờ quy định không quan trọng bằng giờ của sếp.

- Sao, sếp cháu cho phép đi làm muộn à?

- Không, mà là hôm nay sếp trưởng, sếp phó đi vắng hết, quân tha hồ tự do. Hi hi.

Thì ra là thế. Tôi ngám ngẩm quay ra, mặc con cháu vẫn nằm ườn, mắt chăm chắm nhìn màn hình điện thoại. Kiểu này nó dậy, ăn uống, ngắm vuốt xong ra khỏi nhà chắc phải 9, 10 giờ.

Tôi sực nhớ mấy hôm trước, tôi đến làm việc ở cơ quan nọ. 9 giờ sáng mà một đám đông vẫn xúm xít uống nước chè ở phòng bảo vệ, đống bã chè lùm lùm cộng với chục mẩu thuốc lá vứt trong cái chậu nhựa cáu bẩn, chứng tỏ đám “trà thuốc” này đã ngồi rất lâu.

Thấy tôi đến, mọi người tản đi, tôi hỏi bác bảo vệ:

- Hôm nay có sự vụ gì mà mọi người tập trung đông thế bác?

Bác bảo vệ thú thật:

 - Có việc gì đâu, ngày nào chả thế, hôm nay thì ngồi muộn hơn vì sếp đi vắng, không có ai “soi” nên thoải mái tí.

 Người tôi cần gặp chưa đến, tôi cũng đành ngồi nói dăm ba câu chuyện chờ người, lúc sau mới thấy anh này (cùng vài chị nữa) tíu tít đi từ cổng vào, mồm mỗi người ngậm một cọng tăm.

Ngày xưa các cụ có câu “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, tất nhiên không nói về gà. Đến tận bây giờ, vẫn còn không ít người làm ở cơ quan nhà nước chỉ đợi “vắng chủ” để “gà” mổ trộm thời gian. Thế nên nhiều “chúa” rất sợ trong lúc mình đi vắng lũ “gà” không chịu làm bèn nghĩ ra nhiều cách để quản lý. Người thì gọi điện đột xuất hỏi đang ở đâu, làm gì, người thì cho thân tín kiểm đếm con số, mở cửa các phòng xem có ngồi làm việc không? Người lại cho lắp đặt camera giám sát… Thật là khổ cho lãnh đạo.

Thường thì cái cảnh làm ăn giả dối chỉ xảy ra ở những vị trí “sáng vác ô đi tối vác về”, “đánh trống ghi tên”, “vô thưởng vô phạt”, đến ngày thì lĩnh lương. Những người này không có đầu việc rõ ràng, không được giao định mức và “chốt” thời gian hoàn thành. Thường thì những người khôn hay đóng kín cửa phòng để làm việc riêng. Nhưng không ít kẻ có điều kiện là họ kề cà ăn sáng đến gần trưa và ăn trưa đến gần chiều. Chỉ cần sếp ra cổng trước là họ luồn cổng sau đi mua sắm hoặc chạy về nhà tranh thủ tưới luống rau.

Tôi thấy ở nhiều đơn vị, hằng ngày nhân viên phải làm mô tả công việc và báo cáo kết quả. Lãnh đạo không chấp nhận báo cáo kiểu “tích cực”, “nỗ lực”, “đang làm”, “sẽ làm”… mà phải cụ thể bằng con số, đầu việc, tiến độ. Vậy nên, thay bằng quản lý thời gian, thiết nghĩ các “sếp” nên quản lý nhân viên bằng công việc. Hãy giao cho họ khối lượng việc đủ để không còn thời gian “buôn dưa lê bán dưa chuột”, đủ để đến cơ quan là bắt tay vào làm ngay mới kịp. Trong hoàn cảnh đó dù sếp có đi vắng cả tháng trời nhân viên cũng chẳng dám chơi.

Còn đối với người đến cơ quan chỉ để sếp nhìn thấy mặt, có thì thừa không có thì thiếu, cũng nên cho họ nghỉ, dành chỗ cho người khác. Tất nhiên, nếu nhân viên đó rơi vào trường hợp “nhạy cảm” hay “đối ngoại” thì đành chấp nhận họ “mọc đuôi tôm” mà thôi

 Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước