Vấn vương một chữ tình
VNTN - Tan họp, hiệu trưởng Hùng vừa đặt cái cặp lên bàn làm việc thì ba cô giáo: Thắm, Hồng, Đào bước vào, nhanh như cơn lốc. Thấy vậy, Hùng nghĩ chắc họ thắc mắc gì nên nghiêm mặt:
- Thế nào, lúc ở cuộc họp không nói, giờ lại định nói gì nữa hay sao.
Thắm nhìn hai bạn rồi mỉm cười:
- Hiệu trưởng nhầm rồi, bọn em đâu có thắc mắc gì. Chỉ muốn hiệu trưởng thương tình cho chút được không.
- Cô nói gì, tôi chưa hiểu, Hùng hỏi lại.
Thắm lại nhìn hai bạn rồi trình bày:
Ảnh minh họa
- Chả là thế này, em xin sang năm hiệu trưởng đừng “ưu tiên” cho em làm chủ nhiệm lớp “chọn” này nữa. Đau đầu lắm. Ai đời một lớp có quá nửa là con giáo viên, con cấp trên, con “đối ngoại”. Số học sinh này hay ỉ thế bố mẹ, lại đều nghịch ngợm, lười học và mất hết kiến thức cơ bản gốc. Vậy em làm sao mà đưa lớp lên tiên tiến hoặc hoàn thành chỉ tiêu trên giao được ạ. Em nói thật là em không sợ vất vả nhưng nó lại trớ trêu là thực tế ấy lại không hợp với cá tính thẳng thắn, vô tư của em. Em cứ muốn một là một, hai là hai. Chứ học kém lại bảo đánh giá là trung bình, hư bảo em phải đánh giá là ngoan thì ức chế lắm.
Nói xong, Thắm ngồi thừ mặt như sắp khóc.
Hiệu trưởng định giải thích thì cô Hồng ngồi xích lại gần Thắm, an ủi:
- Thắm nói đúng tâm trạng đấy ạ. Tuy nhiên, đây đâu phải là lần đầu tiên. Tôi đã bốn năm học được thử thách làm chủ nhiệm, dạy Văn lớp như kiểu ấy. Bây giờ tôi còn giữ mấy trăm bản kiểm điểm của các em học sinh, có em viết hàng chục lần. Kiểm điểm là cho cha mẹ các em ấy biết mà răn đe con, chứ kiểm điểm đâu có bù được thêm chữ nào vào đầu chúng cơ chứ. Như cô Giang dạy Toán lớp tôi lúc đó đấy. Cô cho ba bài tập về nhà, kiểm tra thật một bài các em đó không làm được. Cho một bài về, kiểm tra đúng bài đó, làm vẫn sai. Đúng là “kiển tố” vẫn là “tổ kiến”. Cô giáo vẫn bị đốt sưng mồm. Thế mà cuối năm vẫn phải cho mấy em đó đạt danh hiệu tiên tiến. Hết lớp 9 vẫn xét tốt nghiệp là gì.
Mặt hiệu trưởng đỏ rần lên. Hùng biết là đang bị nhóm giáo viên có tiếng là “ngang ngạnh” này tấn công. Nhưng họ lại là những giáo viên có năng lực, có kinh nghiệm nên anh phải dè chừng. Họ nói nhưng họ không quậy, lại đúng với thực tế. Phải lựa lời sao đây.
- Chị Thắm, chị Hồng nói chí lý. Cô Đào lên tiếng. Em vào ngành sau hai chị mà đâu có thoát được sự sắp xếp của nhà trường. Nhớ hồi em mới về, dạy con hai giáo viên: một cháu thiểu năng tuần hoàn não, một là hạng “siêu quậy”. Em phải khóc mấy lần. Vừa thương, vừa tức mà không làm gì được. Phải học hỏi mấy cô giáo già được vài mẹo, mới trị được chúng. Thôi thì coi như nợ đồng lần, con mình chắc gì không có lúc phải nhờ vả người khác. Em đành làm sổ điểm cá nhân để dọa, còn sổ chính thì vào điểm sau cho các cháu không bỏ học. Biết làm vậy là sai nhưng đa số đồng tình là được. Phải không, thầy hiệu trưởng.
Đây là gợi ý đáng nể cho Hùng, bởi vậy anh ung dung thuyết trình:
- Các cô nói đều đúng. Nếu khảo sát chất lượng thật đầu vào chỉ có 30% là đạt yêu cầu. Mà cuối năm vẫn phải đạt 80% trung bình trở lên, cuối khoá vẫn phải đạt 90% tốt nghiệp. Trường muốn tuyển được học sinh vào học thì phải có điều gì đó để phụ huynh tin tưởng. Nếu thấy học sinh lưu ban nhiều ắt họ sẽ cho con em họ đi học nơi khác. Xin hỏi nhỏ các cô: thế con của cán bộ sở, phòng, con nhà doanh nghiệp, con giáo viên có nên nhận được sự quan tâm không? Thầy cô giáo là những kỹ sư tâm hồn, mà trong sâu thẳm tâm hồn là tình người, chứ. Ngành ta chẳng bao giờ hết vấn vương chữ tình đâu.
Tưởng các cô giáo đã bị thuyết phục, nào ngờ cô Thắm bật dậy:
- Vậy, thưa hiệu trưởng, cứ vương vấn thế thì đến bao giờ mới có chất lượng thật đây?
Hùng im lặng nghĩ đến nỗi khổ của riêng mình, anh thấy những người làm lãnh đạo như anh cũng cần phải mạnh mẽ như cô Hồng, cô Thắm.
Nguyễn Đình Tân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...