Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:14 (GMT +7)

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 18

LTS: Trang Văn nghệ Tuổi hoa số này xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn “Chiếc vòng dâu” của tác giả Nguyễn Khánh Linh. Đây là một truyện ngắn không chỉ thành công ở nội dung, đề tài mà còn ở cả kỹ thuật kể chuyện. Khánh Linh tỏ ra chững chạc hơn bạn bè đồng trang lứa khi biết đặt mình vào từng vị trí trong câu chuyện để người đọc tường tận hơn một bi kịch gia đình mà nạn nhân là một cô bé bị bán đi từ lúc lọt lòng rồi cô đơn giữa dòng đời khi thiếu thốn cả tình cảm yêu thương và vật chất. Tuy nhiên, dù sống giữa hoàn cảnh ấy, nhưng cô bé sớm bộc lộ rõ nét thiện lương trong tâm hồn khi chọn lựa ngành học điều dưỡng và làm thêm bằng việc chăm sóc người già. Chính công việc này đã đưa đẩy cô tới mối nhân duyên gặp lại bà nội, người thân duy nhất yêu thương cô, chờ đợi cô trở về. Truyện ngắn chắc chắn sẽ đem tới cho bạn đọc những cảm xúc tuy buồn nhưng vô cùng đẹp đẽ.

Cũng trong số này, Văn nghệ Tuổi hoa gửi tới bạn đọc tản văn "Hiểu và đồng cảm" của tác giả Hoàng Tuệ Minh. Có thể nói, tản văn là một tiếng lòng giãi bày tha thiết và rất sâu sắc của những đứa trẻ đang tập làm người lớn. Các bạn ấy mong chờ gì ở xã hội, ở cha mẹ mình? Không mong gì nhiều nhặn, chỉ là mong muốn được thấu hiểu, cảm thông và công nhận thôi. Thế nhưng, người lớn cũng thấy gì từ con em mình qua những mong muốn ấy? Có bao giờ xã hội chịu thừa nhận, người lớn chưa đối xử và đánh giá công bằng với người trẻ không?

Trang Văn nghệ Tuổi hoa số này còn mang đến cho bạn đọc chùm ba bài thơ của tác giả Ngô Thu Hà. Cả ba bài thơ đều bắt đầu từ chất xúc tác cho tâm hồn tuổi trẻ là những ca khúc, bản nhạc mà giới trẻ yêu thích. Sau đó Hà đã triển khai những ý tưởng của mình một cách tự nhiên và tự tin. Tuyệt nhiên không nhìn thấy ở bạn ấy sự gò bó, trói buộc vần nhịp. Thơ của Hà tự do và tung tẩy dù bạn ấy viết về tình yêu của tuổi mới lớn. Như thể bạn ấy cho phép mình được tự do trải nghiệm những cảm xúc đẹp đẽ ấy. Mà như thế thì đã sao? Bởi nếu không có sự tự do thì không có bất cứ thứ gì được giải phóng từ chính tâm hồn bạn.

***

Chiếc vòng dâu

Cặm cụi mấy hôm, bụi từ chiếc bàn cũ bay nghi ngút khiến bà Sáu cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, đôi bàn tay nhăn nheo của bà Sáu vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Lục đục sớm hôm, từ việc chọn lựa những thân cây dâu tằm cho đến lúc khắc gọt đều rất tỉ mỉ. Tâm huyết của bà dồn hết vào đôi tay và những âm thanh đều đặn phát ra. Đều đặn như chính những hạt vòng dâu trắng ngà tròn xoe và nhẵn mịn. Cuối cùng thì chiếc vòng cũng đã hoàn thiện. Sở dĩ bà đặt nhiều tình cảm và công sức cho chiếc vòng như thế là vì đó là món quà đầu tiên bà muốn tặng cho đứa cháu gái sắp chào đời của mình.

Bitmap in 26-27.cdr
Minh họa: Nguyễn Lộc

Ấy là gần hai mươi năm về trước, tiếng khóc oa oa từ phòng mổ khiến ai cũng phải nôn nóng. Bà hạnh phúc thốt lên: “Ôi! cháu gái của bà, ơn trời”. Khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy cháu gái, bà thật sự run rẩy. Mọi người không biết bà đang run lên vì hạnh phúc, hay là run lên vì cái giá lạnh mùa đông. Bà ngồi cạnh bên, mê mải nhìn đứa cháu gái mới chào đời. Mãi rồi bà mới nhớ đến chiếc vòng dâu được gói ghém cẩn thận, bọc kĩ trong một tấm vải màu đã bạc. Tay bà run run khi luồn vào túi áo lấy chiếc vòng ra, run run đeo cho cháu gái. Chiếc vòng dâu tằm được coi như lá bùa hộ mệnh bảo vệ cháu không bị quấy nhiễu bởi tà ma, âm khí, người có vía nặng. Chiếc vòng giúp đứa trẻ đeo nó ngủ ngon, không còn giật mình hay quấy khóc ban đêm nữa. Sâu xa hơn, đó chính là lời cầu chúc bình an, khỏe mạnh, tình yêu thương vô bờ của bà dành cho cháu gái.

Ngược lại với niềm hạnh phúc của bà Sáu, cha mẹ cô bé không lấy làm vui lòng. Cũng chính ngày định mệnh ấy, cô bé bị cha mẹ ruột của mình bán cho một gia đình giàu sang bậc nhất thành phố lúc bấy giờ. Họ khó sinh con và có lẽ cô bé được sinh ra từ một sự sắp xếp.

Bà Sáu vui vẻ mang hộp cháo mình tự tay nấu từ nhà đến cho Oanh - người con dâu cả của bà mới bước qua cửa tử ấy chưa được bao lâu, đã bàng hoàng khi nghe tin cháu gái mình đã không còn ở đây nữa.

“Cha mẹ nó bồng nó bán cho nhà khác rồi u ơi, con cản nhưng anh chị bị đồng tiền che mờ mắt rồi, giờ anh chị ở đâu con cũng không rõ u ơi…”- tiếng người con dâu thứ cất lên vội vàng. Nghe tin như sét đánh ngang tai, thêm bệnh tim bẩm sinh của bà Sáu khiến bà lên cơn quặn thắt dữ dội. Nào có ai ngờ lần trao vòng đầu tiên ấy cũng chính là lần cuối cùng bà được nhìn thấy đứa cháu gái bà hằng mong đợi của mình. Chao ôi! Cái đói nghèo khiến con người ta dễ dàng buông tay bán đứt máu mủ của mình. Mùa đông năm ấy có lẽ là mùa đông lạnh lẽo nhất của đời bà.

***

Thấm thoắt đã gần hai mươi năm. Con đường bùn đất và sỏi đá ngày xưa ấy giờ đã được đổ bê tông sạch sẽ. Những cây hoa sữa, phượng vĩ và bằng lăng bé bỏng ngày nào giờ đã cao lớn, tỏa bóng râm mát cả con đường. Cung đường đi học về xào xạc tiếng lá, tiếng gió thổi phù phù như muốn chào tạm biệt một ngày mệt nhọc, đưa đẩy con người ta về nơi yên bình hơn. Mẫn cũng cảm nhận được điều đó bằng tâm hồn thiếu nữ dịu dàng thuần khiết. Thanh xuân tươi đẹp này là của cô, đời người ai cũng có một lần thôi để tận hưởng và sống vui vẻ hết mình. Nhưng đôi mắt Mẫn sao u buồn đến thế. Nét mặt cô luôn thảng thốt bàng hoàng như vừa chứng kiến một điều trớ trêu bất ngờ xảy đến. Cô theo ngành y ở bộ phận điều dưỡng. Ngoài giờ học ra, Mẫn thường đi làm phục vụ, chạy việc vặt để kiếm thêm thu nhập. Lâu lâu có người thuê chăm sóc riêng tại nhà thì cô lại đổi việc. Cứ thế mà lần lữa bước qua từng ngày.

Là con nuôi nhà giàu, cứ tưởng cuộc sống của cô sẽ êm ả vì chẳng phải lo ăn lo mặc bao giờ. Cha mẹ nuôi mua cô từ tay cha mẹ ruột của cô, cũng chỉ vì họ khó có thể sinh con. Cứ thế nuôi Mẫn lớn dần cho đến khi cha mẹ nuôi của Mẫn biết tin mình đã có thai. Mọi sự quan tâm và ưu tiên đều hướng về phía đứa bé sắp chào đời kia, có thể nói đó là điều giá trị nhất của gia đình Mẫn theo như lời mà cha mẹ nuôi của Mẫn nói với nhau. Đứa nhỏ chào đời, là con trai, thằng bé tên Kim, Kim trong từ kim cương. Được vài phút hạnh phúc khi thấy em trai mình đến với thế giới này, cả khoảng thời gian sau đó lại trái ngược hoàn toàn. Cha mẹ không còn quan tâm đến đứa con có được bằng tiền bạc đấy nữa. Mẫn sớm nhận thức được vị trí của mình trong lòng cha mẹ, dù lòng đau đáu dai dẳng, nhìn gia đình vui khi em trai chào đời, cô cũng mỉm cười mỹ mãn rồi. Sự ra đời của em trai đánh dấu cho một khởi đầu mới của Mẫn - những ngày tháng cơ cực khi phải tự tách khỏi chính căn nhà mình gắn bó bấy lâu.

Không biết tự bao giờ cái bóng đã trở thành người bạn tri âm tri kỉ của Mẫn. Hẳn là từ hôm cô dọn ra khỏi căn nhà thân thuộc đó. Căn nhà là nơi cô không nỡ rời đi nhưng cũng là nơi cô không thể ở lại.

Cô bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống không có sự quan tâm từ cha mẹ ruột lẫn cha mẹ nuôi. Tuổi hai mươi nhưng bận bịu triền miên. Ngày đi học, thời gian rảnh rỗi không đủ để thở dài thở ngắn, những dòng suy nghĩ mưu sinh giữa dòng đời đông đúc đè nặng lên đôi vai gầy gò nhỏ bé ấy. Dù vào dịp hè, việc học hành chưa quá gấp, Mẫn cũng không dám trì trệ phút giây nào. Cứ có việc là cô lao vào thôi. Ngày đè lên ngày, trôi dần, mỗi khi màn đêm buông xuống, nhìn vào cái hộp đựng chiếc vòng dâu tằm, Mẫn lại thấy tủi thân vô cùng. Chiếc vòng là kỷ vật duy nhất minh chứng cho những yêu thương quan tâm đầu đời cô từng nhận được. Nó như lời động viên, an ủi Mẫn mỗi đêm trước khi đi ngủ. Rằng trên đời này vẫn còn có một người mong ngóng, yêu thương Mẫn. Cứ thế, trong thâm tâm Mẫn từ trước đến giờ luôn nhen nhóm ý định tìm lại những người thân còn lại của mình. Bây giờ không còn là nhen nhóm nữa, màn đêm cùng sự cô đơn hòa quyện làm một, trong lòng Mẫn bừng lên ngọn lửa hi vọng. Hi vọng một ngày nào đó được gặp lại người thân, ở giữa vòng tay yêu thương mà khóc nức lên như một đứa trẻ.

Gần hai mươi năm trôi qua, bà Sáu đã yếu đi nhiều. Thời gian làm cho mọi thứ dường như thay đổi. Bà Sáu già đi, sức khỏe tổn hao, nhưng có những thứ vẫn còn nguyên vẹn trong bà. Đó là lòng thương xót đứa cháu nội vừa chào đời đã bị cha mẹ bán đi. Mỗi lần nghĩ đến cháu gái, bà lại trăn trở không thôi, đôi khi là tự hỏi: “Con ơi, bà đây, không biết con bây giờ sống có tốt không? Họ có cho con đủ ấm không? Con ơi!”, rồi lại tự trả lời để xoa dịu đi nỗi xót thương ấy: “Chắc là nó sống vui, cha mẹ sẽ đối xử tốt với con bé thôi...”. Càng nghĩ càng đau, bệnh tim của bà ngày càng trở nặng. Gia đình nhà người con trai thứ hai của bà lại bận bịu tối mặt nên cũng chẳng thể ở cạnh bà mãi mà chăm sóc từng li từng tí được.

Nghĩ vậy, vợ chồng nhà con trai thứ hai của bà mới tìm thuê người chăm sóc bà. Đúng vào dịp nghỉ hè năm đó của Mẫn. Cô là sinh viên nên rất cần đến kinh phí để trang trải với cuộc sống khó thở nơi Thủ đô, không có ai hỗ trợ Mẫn. Nghe tin có gia đình đang tìm người chăm sóc người già, khuôn mặt giãn nở và đôi mắt cô như có thần hồn hơn. Không suy nghĩ nhiều, thời gian hè cũng chỉ đâm thân đi kiếm tiền, Mẫn liên hệ với gia đình đó ngay. Hôm tới là buổi gặp đầu tiên của cô với gia đình ấy.

Tối hôm sau, Mẫn đi theo định vị tới điểm hẹn. Cung đường mà Mẫn đi nay dịu nhẹ, gió đìu hiu thổi luồn qua những kẽ bằng lăng. Những cây bằng lăng xếp thẳng hàng, đung đưa nhè nhẹ khiến cho con đường tràn ngập sắc tím, mộng mơ đến kì lạ. Ánh đèn vàng từ những cột đèn đường tỏa ra như sưởi ấm cuộc sống lạnh lẽo của Mẫn thời gian qua. Chỗ này đường vắng, mấy đứa trẻ con nô nhau buổi tối tự nhiên khiến lòng Mẫn thấy khó tả. Mẫn không rõ nữa, nơi này cho cô một cảm giác vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm đến khó hiểu: “Con đường này quen thế, phải chăng mình đã từng băng qua”.

Họ hẹn tám giờ tối, nhưng mới bảy giờ Mẫn đã có mặt rồi. Sự lo lắng và lúng túng đột nhiên kéo đến khi đứng trước cửa nhà họ. Cô phải đứng một lúc, bình tĩnh chỉnh lại, sửa sang tóc tai, trang phục sao cho gọn gàng nhất. Khi đã thấy mọi thứ ổn thỏa, Mẫn bấm chuông cửa. Một người phụ nữ nom có vẻ tiều tụy mở cửa đón Mẫn vào trong. Người phụ nữ ấy tên Thi – con dâu thứ hai của bà Sáu. “Cứ tự nhiên nhé, nhà tôi cũng không có ai. Mà sao cô đến sớm thế? Hơn hẳn một tiếng so với lịch hẹn.” Thi hỏi Mẫn. Mẫn có vẻ ngại ngùng, cô cười duyên đáp: “Dạ con chào cô, đây là buổi đầu tiên gặp nhau nên con muốn chuẩn bị thật kĩ lưỡng ạ”.

Bước chân vào căn nhà ấy, căn nhà vắng lặng, ánh đèn vàng nhẹ, bỗng có tiếng cút kít từ trong phòng vọng ra. Đó là tiếng bánh xe lăn của bà Sáu. Thi dẫn Mẫn vào phòng khách trước, rồi giúp bà Sáu đẩy xe lăn ra ngồi gần. Thời gian của ba người cứ thế trôi qua, nói chuyện được một lúc, cả ba cũng hiểu hơn về hoàn cảnh của từng người. Sau đó là chuyến tham quan quanh ngôi nhà mà Mẫn sắp tới sẽ làm việc. Vừa đi, Thi vừa dặn dò Mẫn về những điều cần thiết khi chăm sóc bà. Bà đã già yếu rồi, đi lại thì vẫn được nhưng không nhiều, căn bệnh tim của bà ngày càng trở nặng hơn. Cô chú đi làm triền miên, không có ai ở nhà để thường xuyên bầu bạn và chăm sóc bà. Nghĩ thì cô thấy có lỗi với bà lắm, nhưng cũng không còn cách nào khác. Ngày xưa bà nhà cô vui tính lắm, đi khắp, bây giờ thì bà chỉ thích ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời như chờ đợi gì đó.

Sau những buổi làm việc đầu tiên còn lạ lẫm, nơi này dần quen thuộc với Mẫn. Mẫn chăm sóc bà và cả ngôi nhà nữa. Có những hôm đôi vợ chồng ấy phải thốt lên khen ngợi vì sự tận tâm của Mẫn trong công việc, thật là như cái tên của cô ấy vậy. Bà lại là người nhạy cảm, bà khó ngủ, có những đêm mất ngủ nhưng không dám làm phiền hay đả động tới ai. Từ khi Mẫn tới, đêm nào Mẫn cũng ở cạnh giường canh bà ngủ. Có đêm khuya, Mẫn thấy bà không ngủ, chỉ nằm yên thôi, thắc mắc Mẫn liền hỏi bà: “Muộn thế này sao bà vẫn thức, bà có chuyện gì sao ạ?”. “Đêm bà đói nhưng không dám làm phiền đến cháu” – Bà Sáu trả lời. Mẫn ngạc nhiên đáp: “Ơ không, cháu ở đây để chăm sóc cho bà. Có gì bà cứ nói với cháu, cháu coi bà như bà của mình vậy. Để cháu đi nấu cháo cho bà ạ”.

Cứ thế ngày qua ngày, sự quan tâm của Mẫn dành cho bà nhiều hơn cả những u buồn trong cuộc sống của cô. Dường như từ khi cạnh bên lắng lo, chăm sóc cho bà, cô thấy được sự ấm áp của gia đình. Bao lâu rồi bà không có ai bầu bạn, lủi thủi một mình, đến nay có Mẫn xuất hiện, bà coi Mẫn như cháu mình vậy. Cạnh Mẫn, bà thật sự cảm nhận được tình yêu thương.

Mỗi lần về lại căn phòng trọ chật chội, màn đêm kéo xuống khiến cảm xúc con người ta không tự kiểm soát được. Mẫn cũng không ngoại lệ, cô về căn phòng trọ sau khi chăm sóc bà xong, nhìn vào chiếc vòng dâu tằm của người bà làm tặng chưa từng một lần được gặp lại, cô nhung nhớ và hy vọng biết bao. Cha mẹ ruột của cô biệt tăm gần hai mươi năm nay, thực mà nói thì cô cũng không biết họ trông như thế nào nữa, cô chỉ biết họ đã bán mình cho một gia đình không còn yêu thương cô.

Ôi! Màn đêm và những vì sao lấp lánh trên bầu trời kia, gần gũi mà vợi xa, chênh vênh và nhỏ bé. Giống như Mẫn, cô đơn giữa phồn hoa đông đúc. Nhưng những ngôi sao ấy, chúng còn có thể ở cạnh nhau mà vẽ nên bầu trời tuyệt đẹp. Còn Mẫn, những người bên cạnh cô, chỉ là tình cờ, khi cô đi qua phố đông. Tủi thân biết chừng nào.

Chiếc vòng dâu được cất kĩ càng trong hộp bấy lâu vì sợ cũ nay được Mẫn đeo trên tay, bởi vì cô nghĩ tới người làm ra nó. Cha mẹ cô đã bán cô đi thì sẽ không làm chiếc vòng dâu này đâu. Mà bố mẹ nuôi của cô nói, khi cô bước vào căn nhà của họ, trên tay cô đã có chiếc vòng ấy rồi. Như thường ngày, Mẫn đến nhà bà Sáu để chăm sóc bà. Hôm ấy, trời nắng gắt, tiếng ve kêu inh ỏi khiến con người ta thấy nặng đầu, Mẫn thất thần về cuộc đời của chính mình. Cô bước vào ngôi nhà như thường ngày nhưng năng lượng thì như để ngoài cánh cửa. Được khoảng một tiếng hơn, cơn đau đầu ghé thăm Mẫn, cô gục xuống chiếc ghế sofa tại phòng khách mà thiếp đi. Thấy vậy, bà Sáu ngồi trên chiếc xe lăn cũng lăn bánh lại gần chỗ cô. Tự bao giờ, ánh mắt của bà đối với cô trở nên trìu mến thân thương đến thế.

Nhìn Mẫn, bà lại càng đau đáu nỗi đau không gặp lại được cháu gái mình trước kia. Đôi bàn tay gân guốc run run khẽ vuốt tóc Mẫn. Đã có lúc bà mong cô là cháu ruột của mình. Nhìn Mẫn ngủ một hồi, bà chỉnh lại tay áo cho Mẫn. Giật mình, bà thấy chiếc vòng dâu tằm đeo trên cổ tay cô gái. Dòng suy nghĩ và những tia hy vọng trong bà bắt đầu hiện rõ. Sự ngạc nhiên, bối rối đan xen nhau thôi thúc bà. Không thể chờ đợi thêm, bà gọi Mẫn dậy và hỏi về chiếc vòng. Mẫn vừa mở mắt, vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo sau cơn ngủ vừa rồi, cô vội vã trả lời: “Dạ đây là chiếc vòng mà cháu đã mang khi chào đời ạ. Bố mẹ ruột cháu đã đem cháu cho bố mẹ nuôi nên giờ cháu cũng không biết ai là người đeo vào tay cháu chuỗi vòng may mắn này ạ".

Bà Sáu vội bảo Mẫn tháo chiếc vòng dâu ra: “Mẫn ơi, con thử xem mặt trong của chiếc vòng có màu đỏ nhạt hay không?”. “Dạ có bà ơi, nó nhạt lắm ạ” - Mẫn trả lời. Bà vỡ òa, mếu máo nói: “Ôi! Cháu tôi, Mẫn ơi. Là con, đúng là con rồi. Bà là bà của con đây Mẫn ơi. Chiếc vòng này là tự tay bà làm cho con, tự tay bà đeo cho con. Trong lúc làm chiếc vòng, tay bà có bị chảy máu. Máu nhỏ vào chiếc vòng nên in màu lên đó”.

Mẫn nghẹn ngào ôm lấy bà mà khóc nức lên, trút bỏ hết sự tủi hờn vì thiếu vắng tình yêu thương bấy lâu nay. Hai mươi năm xa cách, có bao nhiêu điều hai bà cháu cần nói với nhau, nhưng nước mắt đã ngăn họ lại.

Đúng vào cái khoảnh khắc thiêng liêng ấy, hai vợ chồng đứa con trai cả biệt tăm tích gần hai mươi năm của bà Sáu bỗng dưng xuất hiện. Nhìn là biết họ túng thiếu bần hàn. Nếu so sánh họ với những người ở khu ổ chuột thì cũng tương đương. Hóa ra, họ là kẻ thua cuộc trong canh bạc cuộc đời, giờ cháy túi, trong người không móc nổi một đồng thì tính kế về nhà.

Lúc họ tới trước cửa, Mẫn nhiệt tình tiếp đón họ vào nhà mà không biết họ là cha mẹ ruột của mình. Cô nhìn nét mặt lạnh băng vô cảm của bà nội và dần đoán biết mọi chuyện. Ra vậy, trước mặt cô, những người đang khóc lóc van xin bà nội cô chính là những người đã nhẫn tâm sinh ra cô rồi đem bán. Họ kể về những gì đã trải qua và những lỗi lầm và muốn sửa đổi, chuộc lỗi. Cô không oán trách họ một lời, nhưng cũng chưa nghĩ ra cách nào để tha thứ.

Bà Sáu giận con trai và con dâu lắm, chỉ muốn tống cổ đi. Nhưng thiết nghĩ, cháu gái bao lâu không cảm nhận được tình yêu thương thật sự từ cha mẹ mình, bà lại mủi lòng. Và bà hy vọng, cháu gái bà có thể tha thứ cho bố mẹ nó. Vì thế, ngậm đắng nuốt cay, bà quyết định cho họ về lại căn nhà chung sống, sau bao năm lang bạt ngoài kia. Đương nhiên là không thể thiếu đứa cháu gái của bà.

Tối hôm ấy, họ ăn bữa cơm đầu tiên với nhau. Mẫn vui lắm, có thể nói đây là bữa cơm ấm áp nhất từ trước đến giờ của Mẫn, vì có bà nội bên cạnh. Tuy nhiên, căn bệnh tim của bà ngày càng trở nặng nên tối bà phải nghỉ ngơi sớm hơn. Mẫn đưa bà lên giường nằm nghỉ, cô cũng nằm bên cạnh bà. “Cháu ước bà cháu mình sẽ không bao giờ xa cách nữa” - Mẫn nói với bà. Bà mỉm cười hạnh phúc đáp: “Cháu ngoan ngủ đi, bà cháu mình còn nhiều điều cần làm cùng nhau nữa đấy”.

Đêm hôm ấy tĩnh lặng, ánh đèn đường chiếu qua cửa sổ khiến cho không gian của hai bà cháu ấm cúng biết bao. Được nằm bên cạnh bà nội, Mẫn ngủ say và bồng bềnh trong giấc mơ rất đẹp.

Bỗng nhiên, Mẫn thấy ai đó như đang kéo Mẫn ra khỏi giấc mơ, ra khỏi bà nội. Mẫn choàng mở mắt thì cô thấy tất cả tối um. Ai đã chụp cái gì đó lên đầu cô và siết lại ở cổ. Mẫn vùng vẫy cố để thoát ra. Cô nghe tiếng bà nội hét lên. Quân khốn nạn, chúng mày lại định đưa cháu tao đi đâu hả?

Giọng hằn học, cay độc của cái gã đàn ông mà Mẫn còn chưa dám gọi là bố, cất lên bên tai: Bà muốn tôi không hại nó thì phải chỉ cho tôi biết, vợ chồng con Thi giấu tiền ở đâu? Tiếng bà nội cô lào phào như gió thoảng bên tai. Làm gì có tiền. Muốn có tiền thì giết tao đi.

Chiếc túi trùm trên đầu Mẫn được giật ra. Ánh sáng đèn đường bừng lên trước mắt Mẫn, dù là tia sáng mong manh lọt qua cửa sổ. Nhưng Mẫn biết, bà nội đã vừa gom chút sức tàn để bảo vệ cô. Mẫn òa lên nức nở. Bà ơi, bà đừng đi, cháu sẽ gọi bác sỹ cứu bà. Cô vội vàng tháo chiếc vòng dâu từ tay mình đeo vào tay bà nội. Cô tin chiếc vòng dâu may mắn ấy sẽ che chở cho bà như đã từng chở che cô suốt hai mươi năm.

Nguyễn Khánh Linh

_____________________________

Hiểu và đồng cảm

Thời đại có lẽ còn là một tên gọi khác của sự thay đổi, sự thay đổi này như những thứ gia vị khiến ta được nếm trải nhiều hơn cái gọi là mùi vị đa dạng của của cuộc sống. Mỗi thời đại trôi, qua mỗi sự xoay chuyển của sự sống thì đi kèm với nó luôn luôn là những mặt tốt xấu song song. Như ở thời đại chiến tranh, thời đại mà mưa bom lửa đạn luôn rình rập, hiện hữu trong mỗi phút giây trôi qua của cuộc đời, sự sống chỉ mỏng nhẹ như nhưng trang giấy trắng bay phấp phới trên bầu trời trong xanh kia thì may mắn thay ta lại gặp được những vị anh hùng hào kiệt, những cô cậu thanh niên dũng cảm không ngại khó, ngại khổ để chung tay bảo vệ hai từ “độc lập'' cho Tổ quốc.

Trải qua thời gian đấu tranh dài không kể xiết thì đến nay đất nước nói riêng hay toàn thể thế giới nói chung đã được hưởng mùi vị của sự độc lập. Đất nước phát triển đi lên, không còn phải đói khổ, chịu cảm giác đau đớn của vũ khí, chiến tranh. Nghĩ đến thôi tôi đã phải thốt lên hai từ hạnh phúc và biết ơn những người đi trước rất nhiều.

Được sống trong thời đại của sự hòa bình và phát triển, con người ta không phải ngày đêm chịu sự hành hạ về thể xác, nhưng tại sao về những vấn đề tâm lí con người hiện nay lại thường hay mắc phải vậy chứ? Nhất là với giới trẻ, ở độ tuổi năng động, đẹp đẽ và hoài bão nhất của cuộc đời. Tôi từng nghe được người lớn nói rằng: “Tại sao giới trẻ ngày nay lại yếu đuối đến thế, cái thế hệ Gen Z, Gen Y tại sao cứ hở tí là mệt mỏi, stress rồi lại trầm cảm?''. Tôi cũng đã từng có suy nghĩ như vậy, tôi đã từng nghĩ rằng được sống ở một thế giới hòa bình và phát triển, mọi thứ thì đầy đủ vốn đã là một điều hạnh phúc rồi mà.

Nhưng có lẽ khi được tự mình trải qua, tự mình nếm trải cuộc sống tôi mới thấy thời đại nào cũng áp lực, cũng phải chịu đau khổ cả, chỉ là qua mỗi thời đại cái sự gian khổ đó sẽ hiện hữu ở một hình hài khác nhau. Nguyên nhân và kết quả đó là hai thứ không thể tách rời và điều này cũng thế, giới trẻ hiện nay đúng là có phần yếu đuối hơn so với thời đại của 10, 15 hay 20 năm về trước dù không phải là tất cả nhưng đa số đều như vậy. Tuy thế những thứ họ phải trải qua ở thời buổi hiện nay đôi khi còn đáng sợ hơn cả chiến tranh, nó vô hình và chẳng thể đoán trước…

Khi còn là một đứa trẻ tôi cảm giác thế giới này đẹp đẽ lắm, tôi hi vọng mình có thể lớn nhanh hơn để được tự do làm điều mình thích, tôi nhìn những anh chị lớn tuổi hơn có được cái này có được cái kia, họ có thành tích họ có thể tự do đi đây đi đó mà không bị ai quản. Nhưng sao càng lớn tôi lại càng mong mình là một đứa trẻ đến thế, tôi muốn thời gian ngừng trôi, muốn bản thân trở về cái thời vô lo, vô nghĩ ấy. Những thứ tôi đã từng mong ước có được tại sao bây giờ tôi lại sợ hãi nó đến thế, thành tích, sự thành công, sự kì vọng hay cả sự công nhận đến từ xã hội dù mệt mỏi nhưng hình như vẫn có một thế lực vô hình nào đó buộc tôi phải cắm đầu vào mà thực hiện, tôi cứ cảm giác rằng nếu bản thân không chịu cố thì cũng sẽ chẳng còn cơ hội nữa.

Nhưng cứ cố, cố mãi, rồi cố nữa sao bỗng dưng tôi thấy mệt mỏi đến thế, tôi bắt đầu muốn bỏ cuộc, tôi cảm thấy càng ngày mình càng nhạy cảm hơn và có xu hướng muốn chữa lành ngày càng nhiều. Tôi cứ tưởng chỉ bản thân là như thế nhưng ai có ngờ cứ cầm điện thoại lên lướt một chút lại là những video nói về các bệnh tâm lí , những gì hiện lên lại là những podcast nói về áp lực của giới trẻ. Nói thật lúc đầu tôi cảm thấy có chút gì đấy an ủi trong lòng vì bản thân không phải chống chịu một mình, nhưng sau đó sao tôi lại thấy sợ đến thế, sợ cái cảm giác dù đang ở những lứa tuổi đẹp nhất của một đời người, ở cái độ tuổi mà hoài bão, ước mơ đang rực cháy ấy có những người lại chọn lựa làm những điều dại dột chỉ vì quá áp lực với cuộc sống.

Xã hội thì ngày càng phát triển cũng vì thế mà việc mong cầu về những người tài giỏi là việc không thể bàn cãi và cũng chính vì vậy mà áp lực về sự tài giỏi, về sự thành công cũng ngày càng trở nên nặng nề. Có lẽ là vì thế giới này tuy đầy đủ nhưng cũng đầy rẫy những áp lực và tiêu chuẩn, vậy nên chúng ta cũng ép mình phải trở nên hoàn hảo, mình phải đạt điểm tối đa trong các môn học này, mình phải kiếm được hàng trăm triệu một tháng như những người khác, mình phải xinh đẹp, phải thon thả.

Tôi có thể chưa từng trải qua tất cả những áp lực kể trên nhưng tôi đã gần như chứng kiến hết tất cả, chứng kiến những con người dần mất đi sự vui tươi vốn có chỉ vì những áp lực và tiêu chuẩn chèn ép lên con người họ. Ngoài những quy chuẩn đó, ngoài việc phải làm sao để có sự công nhận đến từ xã hội, thì mệt mỏi hơn đôi khi còn là vì sự kì vọng của gia đình, của những người mình thương yêu. Gia đình là nơi nung nấu những tình yêu thương nhưng đôi khi nó còn là nơi tạo nên những sự đổ vỡ. Nhắc tới gia đình ta luôn được định nghĩa là nơi tạo nên những tình yêu thương vô bờ bến nhưng đó chỉ là một định nghĩa đúng và chung nhất thôi, còn ở thực tế thì đâu phải ai, đứa trẻ nào sinh ra cũng được hạnh phúc như thế.

Ở những thời đại về trước do bị ảnh hưởng bởi những phong tục định kiến cổ hủ nên việc trẻ em bị chèn ép hay không được yêu quý là điều có vẻ đã quá đỗi quen thuộc khi nhắc lại. Nhưng ở một thế giới hiện đại như hiện nay, một thế giới mà con người thoát ra được những phong tục xưa cũ, có được một nhận thức đúng đắn về xã hội thì việc trẻ em được yêu thương, được quan tâm hơn luôn luôn sẽ là điều được đặt lên hàng đầu. Thử nghĩ xem một đứa trẻ đang trong tuổi trưởng thành họ phải sống và chịu đựng trong một ngôi nhà không có tình yêu thương thì sẽ như thế nào. Đi ra ngoài thấy ai cũng được gia đình yêu thương động viên còn mình thì không, thử nghĩ xem trái tim chúng ta có chia thành tám mảnh, trái tim chúng ta liệu có rỉ máu. Xã hội phát triển, nhận thức phát triển nên đa phần mỗi gia đình sẽ biết cách để yêu thương con cái mình hơn và cũng vì lẽ đó mà những đứa trẻ không được yêu thương một cách trọn vẹn chúng sẽ cảm thấy chúng khác biệt, chúng cô đơn và dần ngày càng trở nên tự ti, khép mình.

Ở cái tuổi mới bước nào đời này sẽ có những điều làm ta phải vỡ mộng và ngộ ra rằng hình như cuộc sống không hề đẹp đẽ như chúng ta đã từng nghĩ. Có lẽ chưa bao giờ mạng xã hội hay những phương tiện truyền thông bùng nổ như ngày nay, tích cực có nhưng tiêu cực cũng chẳng hề ít. Giới trẻ hiện nay không chỉ ngày càng áp lực hơn về vấn đề công việc, học tập, những sự kì vọng của bố của mẹ mà hiện còn bị áp lực bởi mạng xã hội. Giờ đây chỉ cần đăng một tấm ảnh lên thôi còn bị soi mói, đánh giá về ngoại hình, vóc dáng. Mạng xã hội nhằm để giải trí và cũng như để kết giao bạn bè nhưng tại sao những trường hợp tiêu cực xuất hiện trên đó cũng ngày càng nhiều. Có những người vẫn còn trẻ, còn hoài bão lắm nhưng vì sự chỉ trích đến không ngừng từ những người được gọi là anh hùng bàn phím kia mà họ dần bị rơi vào sự tự ti và trầm cảm đôi khi còn đến mức muốn chấm dứt cuộc đời mình.

Thực sự tôi chỉ mong đừng ai nghĩ rằng giới trẻ hiện nay yếu đuối mà hãy nghĩ rằng có những điều họ không thể mạnh mẽ nổi. Xã hội phát triển nên họ cùng ngày càng ép mình phải trở nên hoàn hảo nhưng đi mãi đi mãi ai rồi cũng mệt, đầy những áp lực vô hình đè lên người họ.

Sống ở thời đại và thời gian khác nhau nên người lớn không thể cứ lấy cảm nhận của mình về áp lực trong quá khứ để nói về áp lực của thế hệ sau trong hiện tại. Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, mỗi người đều có một câu chuyện và hành trình vượt qua áp lực khác nhau vì thế tốt nhất hãy cứ động viên họ, để họ tự mình cảm nhận thế giới. Ai rồi cũng sẽ mạnh mẽ, chỉ cần họ có một môi trường thích hợp, hãy hiểu cho họ, những đứa trẻ đang tập lớn.

Hoàng Tuệ Minh

_______________________________

 

Waltz de L'adieu

 

Anh lại đàn khúc Waltz de L'adieu

Em dạo múa theo từng điệu phách nhạc

Ồ anh xem, đôi ta thật huyễn hoặc!

Khi mịt mờ, khi bừng chói nhân gian

 

Ta sẽ là gì sau mối tình vụn tan

Cặp người xa lạ hay một đôi tri kỷ?

Ta sẽ là gì sau một thoáng hùng vĩ

Bản đàn buồn không kéo dài đến mãi sau…

 

Ta thưởng nhạc như ta thưởng thức nhau

Motif  một, ta nhìn nhau, say đắm!

Ta còn nhớ chi cái nỗi buồn thăm thẳm

Khi Mi, rồi Rê giáng cứ liền kề

 

Motif  hai, ôi mong mỏi, mải mê

Ta là gì? Ôi hai kẻ đê mê!

Anh thấy chăng? Chiếc hôn dài vô tận

Anh thấy chăng? Tiếng yêu cứ thầm thì…

 

Sau đoạn tình ấy - nỗi khắc khoải, chia ly

Những hồi sấm, những cơn dông, bão tố!

Motif  ba đến bất ngờ vậy đó

Nào đợi chờ ta lường trước điều gì…

 

Cơn dông ấy đã đến, cơn dông ấy đã đi

Motif  ba kết thúc, lại motif  một “Rê - Mi”

Nhưng anh ơi, motif  một - lạ lắm!

Vẫn tha thiết, nhưng chẳng còn đê mê, diệu kỳ…

 

Chopin - trong mắt anh là gì?

Kẻ cô độc, kẻ lang thang, phiêu bạt

Nhưng Chopin, với em, ôi rất khác!

Kẻ thao thức, điên cuồng vì tình yêu

 

Anh vẫn dạo khúc Waltz de L'adieu

Em vẫn nhảy, dầu đôi chân thấm mệt

Nhưng anh ơi, điệu nhạc còn da diết

Xin anh, một lần nữa, đàn khúc Waltz de L'adieu!

 

Mãi mãi một đêm mưa

“Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng” - Đường xa ướt mưa (Đức Huy)

 

Em nhìn xem:

Đêm nay, thời gian bỗng dài ra như vô tận

Mưa đang rơi ngoài hiên, mưa rơi như trút nước

Ta lại nhìn nhau, ánh mắt vẫn đậm tình như thuở trước

Anh bỗng ngờ ngợ chăng ánh mắt thuở ban đầu…

 

Mưa rồi sẽ tạnh, nhưng mưa chớ tạnh mau

Cho đôi cố nhân tình lân la thêm đôi chút

Da em lụa là, tóc em xõa mềm lả lướt

Và đôi mắt em - vẫn đôi mắt sáng ngời

 

Anh còn đang mơ, nhưng mưa sắp nguội rồi

Mưa ơi, xin mưa đừng tuyệt tình đến thế

Xin hãy thương thay cho đôi tình nhân trẻ

Xin thương thay giấc mộng hẵng bồi hồi…

 

“Mưa đã tạnh rồi

Ngại đường sá xa xôi, anh đưa em về, anh nhé?”

Đêm ơi, sao đêm bỗng trôi nhanh đến thế!

 

“Mưa vẫn còn lê thê,

Đừng bắt anh đưa em về!”

 

Đường về còn xa, đêm mưa còn lạnh lắm

Em về sớm, ướt mưa, kẻo cảm nặng

Chi bằng ở lại cùng anh nốt đêm này?

 

“Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng

Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng”

Đêm mưa ấy, trong lòng anh, em say giấc

Mưa ướt đường xa, nhưng tạnh nguôi câu giã từ.

 

Một hành tinh khác

“Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tị nạn” (Trương Đăng Dung)

  

Anh hận lắm

Một hành tinh đông đúc nhưng rất cô đơn

Một hành tinh rộng lớn

                            nhưng chẳng đâu điểm tựa

Một hành tinh bao la những hẹn hứa

Rồi dần trôi vào lãng quên

 

Một hành tinh của những ngày không em

Anh như con thuyền

Lang thang giữa lênh đênh biển cả

Anh đã muốn chạy thật xa

Khỏi những nhỏ to thầm thì trong kẽ lá

Khỏi những xô bồ hối hả nhân gian

 

Anh từng ước được bay đến cung trăng

Hay được ngắm nhìn vẻ đẹp nơi sao Thủy

Giá như đó là sự thật em nhỉ

Một giấc mơ quá đỗi diệu kỳ

 

Trở về với thực tại, em ơi

Ta chỉ có thể ngưỡng mộ những vì sao

                                       từ phía xa tít tắp

Nhưng chẳng hành tinh nào giúp ta

                                  lánh khỏi thế nhân tàn ác

 

Vì ta trốn đi đâu được ngoài chạy trốn

                                                      khỏi chính ta?

 

Hành tinh này, đếm sao hết gian nan

Chốn bình yên cho em, anh tị nạn

Giờ đây, thay vì trốn đến một hành tinh khác

Anh lựa chọn chạy về phía em...

 

Ngô Thu Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy