Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:41 (GMT +7)

Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với Nghị quyết trung ương 6

VNTN - Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đề cập đến “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây cũng là mối quan tâm chung của đông đảo người dân và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. VNTN mở diễn đàn “Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với Nghị quyết trung ương 6”, đăng tải các ý kiến đóng góp, nguyện vọng của văn nghệ sĩ Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.


Để đổi mới thành công, xét cho cùng vẫn là yếu tố con người

Nhà văn Nguyễn Văn

Nghị quyết Trung ương VI đang được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, có người hiểu đơn giản rằng, đây là nghị quyết về giảm biên chế, mà không thấy rằng việc giảm biên chế chỉ là một trong nhiều vấn đề của Nghị quyết. Hơn nữa, muốn giảm biên chế, thì phải “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, chứ không phải nói giảm, là giảm ngay được.

Tôi từng được chứng kiến nhiều cuộc giảm biên. Những lần ấy, cũng có chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện chặt chẽ. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, biên chế lại phình to. Hóa ra, không giải quyết tận gốc vấn đề chức năng, nhiệm vụ, thì không giảm biên chế được. Nhưng muốn giải quyết vấn đề ấy, thì phải thực hiện đổi mới đồng bộ. Như vậy, thành công của việc thực hiện Nghị quyết lần này đến đâu, là tùy thuộc vào việc đổi mới trong tương lai.

Để đổi mới thành công, ngoài thể chế, còn cần năng lực tổ chức thực hiện. Xét cho cùng, vẫn là yếu tố con người. Ví như, việc sáp nhập nhiều cơ quan, đơn vị lại thành một, thì trước hết là người đứng đầu phải có năng lực quán xuyến chung. Không như vậy, thì việc sáp nhập ấy sẽ trở nên phản tác dụng. Đã qua rồi cái thời thủ trưởng chỉ biết ký. Và, trước khi ký, thủ trưởng giao hẹn: “Tớ ký, cậu chịu trách nhiệm nhá”. Hay như ở xã, phường, một người được trao cả “cờ” và “kiếm”. Dĩ nhiên, nếu có người xứng đáng, thì đó là điều tốt. Nhưng trong thực tế, ta lại thường không có được kỳ vọng đó. Xin kể chuyện sau: Có một người được bầu làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Người dân gợi ý ông Trưởng ban nên thanh tra các quĩ dân góp. Ông Trưởng ban đưa việc đó vào chương trình công tác năm và báo cáo Chủ tịch Mặt trận tổ quốc (MTTQ). Ông Chủ tịch nhất trí, nhưng rồi mấy hôm sau ông thông báo lại với Trưởng ban Thanh tra là không được lãnh đạo đồng ý. Vậy là, khi có cả “cờ” và “kiếm”, người ta có thể bất chấp luật pháp, mà không sao cả. Còn ông Chủ tịch MTTQ, không hiểu vì sao đã quên rằng mình đang đại diện cho hàng nghìn người dân, mà bỏ rơi nhiệm vụ.

Có thể kể ra rất nhiều những chuyện cụ thể, mà xét cho cùng, đều liên quan đến người đứng đầu. Lâu nay việc chọn người đứng đầu có cả một qui trình. Tiếc rằng, trong qui trình ấy, giá như thêm một việc, là người có quyền ra quyết định bổ nhiệm, hỏi người mà mình định bổ nhiệm, xem họ có đảm nhiệm được vị trí ấy không. Họ nói có, thì ký. Họ nói không, thì dừng. Do không có việc này, rất nhiều người thích được bổ nhiệm, nhưng khi không làm được việc, thì nói là “Tổ chức giao nhiệm vụ, thì tôi phải làm…”. Vậy là không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân cả.

Làm cán bộ phải ra...cán bộ

Nhà văn Minh Hằng

Đánh giá về đội ngũ cán bộ của cơ qua mình tôi thấy thủ trưởng nào cũng nhận xét bằng một câu tương đối giống nhau: Thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu. Thừa người kém năng lực và kém phẩm chất, thiếu người làm việc tốt và tư cách đạo đức chuẩn mực.

Tôi cho rằng hầu hết các thủ trưởng cũng đều hiểu rất rõ "quân" của mình. Và trong thâm tâm cũng muốn cho người nọ người kia nghỉ việc lắm lắm. Nhưng rồi họ vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà chịu đựng ông/ bà cán bộ nọ, thậm chí còn phải ngọt ngào kiềng nể hơn những người khác trong cơ quan, chưa nói đến chuyện dám cho họ vào diện "tinh giản".

Vì sao vậy? Theo tôi có mấy nguyên nhân.

Thứ nhất. Họ là CCCC - "con cháu các cụ" gửi gắm vào. Lơ mơ động vào họ là sự nghiệp của sếp cũng có thể đi tong. Ở cơ quan, họ là sếp không chính thức nhưng lãnh đạo cơ quan cũng phải sợ. Cơ quan nào càng đông người được “gửi gắm” thì nỗi bất hạnh càng lớn.

Thứ hai. Những người vào được nhờ chạy chọt - chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển... Họ sòng phẳng lắm. Họ nhìn thủ trưởng bằng con mắt của người mua kẻ bán nên cả tâm và khẩu họ chẳng cần tỏ ra nể phục. Ông/ bà định đuổi tôi ư? Tôi sẽ "loe" ra cái chuyện ông/ bà nhận những gì của tôi, nhận bao nhiêu. Thách đấy.

Thứ ba. Là hệ thống người nhà của chính các lãnh đạo cơ quan. Thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ. Tôi dám chắc sẽ rất ít cơ quan đơn vị nào không có người nhà của lãnh đạo chính cơ quan đơn vị đó.

Mà sao lãnh đạo lắm người nhà thế. Tay đứt ruột xót, lãnh đạo không thể để con cháu mình vất vả nên đặt họ vào vị trí...ngon ăn. Người nhà mình làm sao mình tinh giản được.

Ấy thế cho nên thiết nghĩ việc tinh giản thành công hay không trước hết phải từ... thủ trưởng. Thủ trưởng to đừng "gửi gắm" con cháu, anh em kết nghĩa, họ gần họ xa xuống thủ trưởng bé nữa. Thủ trưởng bé không nhận người chạy chọt rồi đẻ ra phòng ban nữa. Thủ trưởng bé (cùng các thủ phó) cũng ngừng đưa con em nhà mình vào ngồi hết chỗ nữa...thì lúc ý có thể cán bộ sẽ ra...cán bộ.

Bước đột phá đưa đất nước cất cánh

Nhà thơ Phan Thái

Những bất cập trong quản lý điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ của bộ máy ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp độ phát triển và tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng một nền hành chính quốc gia trong sạch, hiệu lực, hiệu quả đặt ra hết sức cấp thiết.

Trước đòi hỏi cuộc sống và quản lý xã hội, thiết nghĩ chúng ta cần phải có những bước đột phá, kiên quyết đổi mới tư duy về cấu trúc hệ thống tổ chức. Rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, sáp nhập một số cơ quan Đảng, chính quyền có nhiệm vụ tương đồng, trên cơ sở đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông của hệ thống chính trị. Từng bước nhất thể hóa một số chức danh.

Hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa các cơ quan đơn vị. Nếu có cùng chức năng nhiệm vụ thì kiên quyết sáp nhập. Tái cấu trúc bộ máy phải gắn kết với các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ, hiệu xuất công việc của từng cá nhân. Lựa chọn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực sự có năng lực vận hành thì bộ máy mới phát huy được hiệu quả. Đổi mới phương pháp đánh giá năng lực cán bộ. Kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi bộ máy cán bộ làm việc kém hiệu quả. Công tâm trong sàng lọc, bố trí sắp xếp để tinh giản biên chế bằng tiêu chuẩn chức danh. Không để lợi dụng tái cơ cấu và tinh giản biên chế loại bỏ những người không ưa, không “ăn cánh” hoặc không có các mối quan hệ…

Nghiên cứu sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn về dân số và diện tích đất tự nhiên. Sáp nhập các làng, xóm, thôn có quy mô dân số nhỏ.

Ý Đảng lòng dân đã hòa quyện. Tôi tin công tác xây dựng, tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt đẹp và là bước đột phá đưa đất nước cất cánh.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy