Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với Nghị quyết Trung ương 6
VNTN - VNTN - Văn nghệ Thái Nguyên tiếp tục đăng tải những tâm tư nguyện vọng, ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ Thái Nguyên xung quanh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Để văn nghệ sỹ không có cảm giác như bị bỏ rơi
Nhà viết kịch Mông Đông Vũ
Từ năm 1950 đến đầu thế kỷ 21 Thái Nguyên là một trong những Trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của cả nước. Có lúc trên địa bàn tỉnh có đến 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và một trung tâm đào tạo văn nghệ sỹ cho cả khu vực miền núi phía Bắc. Nghệ thuật Thái Nguyên đã có lúc vàng son, vang bóng một thời, rực rỡ với nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật được công chúng khán giả trong và ngoài tỉnh mến mộ và nhận được nhiều huân chương, huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn. Do sự biến đổi của thời gian, đến nay nghệ thuật chuyên nghiệp của Thái Nguyên chẳng còn lại bao nhiêu, hào quang một thời chỉ còn lại trong ký ức đượm buồn.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 là tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giảm biên chế là việc làm cấp thiết, mang tính quy luật của sự phát triển. Thay đổi cái cũ, xây dựng cái mới tốt đẹp hơn là mong muốn của tất cả mọi người. Những cơ quan, đơn vị, đoàn nghệ thuật có thể sát nhập, giải thể hay tái cơ cấu lại, nhưng còn nghệ sỹ thì sao? Hàng trăm nghệ sỹ chuyên nghiệp của Thái Nguyên không phải là con số nhỏ. Hàng trăm số phận con người. Về tư chất đa số nghệ sỹ là những con người yếu đuối, dễ đa cảm và nhạy cảm với mọi sự biến đổi. Họ mạnh mẽ với cái xấu, cái ác nhưng lại mủi lòng, rơi nước mắt trước một cánh hoa rơi.
Làm thế nào để văn nghệ sỹ không có cảm giác như bị bỏ rơi hay bị gạt ra bên lề cuộc sống? Nhiều nghệ sỹ vào trường học nghề từ bé như múa hay nhạc công, nhiều nghệ sỹ gắn bó, sống chết với nghề dù khó khăn nghèo khổ. Những tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo múa, diễn viên, nhạc công trong lòng ngổn ngang những tâm tư nặng trĩu.
Nghệ thuật chuyên nghiệp của Thái Nguyên không còn nhưng những văn nghệ sĩ Thái Nguyên vẫn cần có một sân chơi. Nên chăng tương lai tỉnh chú ý xây dựng Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh ngày càng vững mạnh thành ngôi nhà ấm áp cho văn nghệ sỹ. Hội không chỉ là nơi hội tụ, nơi dừng chân, nơi nâng đỡ cho những sáng tạo nghệ thuật, còn là nơi an ủi, động viên văn nghệ sỹ trong cuộc sống thường ngày. Hội sẽ là chỗ dựa tinh thần khi các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp không còn. Trước tiên Hội cần được Nhà nước giúp đỡ để tự đổi mới chính mình, đổi mới đến mức có được lòng tin và sự hấp dẫn với văn nghệ sỹ. Tự đổi mới đến mức Hội thực sự là ngôi nhà ấm áp cho văn nghệ sỹ Thái Nguyên.
Tinh giảm biên chế là rất cần thiết tại các trường đại học
Nhà văn Đỗ Dũng
Đi thẳng vào vấn đề, ở một số trường Đại học hiện nay tôi thấy thì chức Trưởng phòng Tổ chức có thể kiêm nhiệm cả Trưởng phòng Tổng hợp hành chính và quản trị ký túc xá sinh viên. Nếu để cả 3 phòng, ban có tới 6 ông Phó phòng và hơn 20 cán bộ quản lý chịu trách nhiệm từng mảng thì thật lãng phí tiền của Nhà nước cho bộ máy cồng kềnh này. Chúng ta vẫn nói: “Người học là trung tâm giáo dục” và, từ (2013 - 2017) tình trạng “thầy tìm trò” ngày càng phổ biến. Bởi vậy thì không có trò thầy dạy ai? Cán bộ quản lý ai…? Chẳng lẽ vẫn để cán bộ quản lý nhiều ngang với học trò?
Là một thương binh hạng ¾, chiến đấu ở khắp các chiến trường B, C và đã 36 năm đứng lớp ở một trường đại học tôi xin nói điều chân thành là phải giảm biên chế hơn nữa ở một số trường đại học. Chắc rằng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở Giáo dục thì điều này cũng phải tinh giảm hơn nữa. Ngẫm nghĩ câu nói của các cụ “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” quả không sai.
Hiệu suất lao động của một người Trưởng phòng biết kiêm nhiệm thì tốt hơn 3 ông Trưởng phòng và 6 ông Phó phòng. Hoặc Hội đồng quản trị của trường đại học có cần thiết không?
Một ông Chủ tịch quyền ngang ông Hiệu phó thế là dư ra một ông lãnh đạo. Có ông Hiệu phó chỉ là Thạc sĩ quản lý cơ sở vật chất nhà trường khi về hưu lương cao bằng Phó Chủ tịch tỉnh. Vì vậy, cần tinh giản hơn nữa, cần tìm người tài biết quán xuyến công việc giỏi hơn. Tăng lương cho một người mà giảm đi được nhiều người là cần thiết. Ngoài ra cán bộ giảng dạy phải tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...