Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:42 (GMT +7)

Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với Nghị quyết trung ương 6

VNTN - VNTN - Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đề cập đến “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây cũng là mối quan tâm chung của đông đảo người dân và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. VNTN mở diễn đàn “Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với Nghị quyết trung ương 6”, đăng tải các ý kiến đóng góp, nguyện vọng của văn nghệ sĩ Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.


Giảm trả nợ và ban phát ân huệ

Nhà văn Phạm Ngọc Chuẩn

Một sự thật rất rõ ràng đang tồn tại, hiện hữu trong cơ quan hành chính Nhà nước là dư thừa chức danh, dư thừa biên chế. Biết cồng kềnh, nhưng vẫn tiếp tục “phì đại”, âm ỉ gặm nhấm “bầu sữa” ngân sách - dẫn đến tình trạng đông nhưng không mạnh.

Biết đã đủ, song không ít cơ quan hành chính Nhà nước vẫn chủ động xây dựng Đề án phát triển mới phòng, ban chuyên môn. Theo đó là việc xin được bổ sung biên chế và bổ nhiệm chức danh cán bộ phụ trách. Trên suốt lộ trình đều đủ, đúng lộ trình và quy trình.

Xin không nêu đích danh cơ quan nào của tỉnh bị khui việc bổ nhiệm vô tội vạ. Vì đó là thực trạng chung, khó tránh khiếm khuyết, nên chắc chắn đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp đã bị phình to, không biết “xì hơi” thế nào để thuận trên, vừa dưới. Lo lắng nhất vẫn là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Dù đã được trao quyền sinh, quyền sát nhưng không thể “trảm” được ai - Vì động đâu, mắc đó.

Sẽ khó đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan Nhà nước, nếu người đứng đầu đơn vị không có bản lĩnh, thiếu năng lực thực tế. Ngay bản thân người lãnh đạo ấy cũng vì một lý do cá nhân đặc biệt mới được sắp xếp, bổ nhiệm. Rồi khi làm lãnh đạo, “họ” bị lãnh đạo cấp trên coi như con rối trong tay, ép nhận con, cháu thiếu năng lực vào làm việc. Hoặc bản thân người lãnh đạo vì làm “kế hoạch 3” cho gia đình bằng cách nhận tiền, xếp việc cho người không có năng lực chuyên môn, bằng cấp chưa đạt chuẩn vào cơ quan. Lại nữa, vì là “thành viên” nhóm lợi ích, chỗ cánh hẩu, tung hứng ăn ý với nhau, nên khi chuẩn bị mãn nhiệm, hoặc luân chuyển đến cơ quan khác, vị trí khác, thủ trưởng cơ quan chủ động đi vận động hành lang, rồi nhắm mắt làm quy trình, cuối cùng là bổ nhiệm cho nhau như một cách trả nợ.

Việc tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ cấp phòng tràn lan được nhiều cán bộ lãnh đạo gọi đó là cách vận dụng khéo. Chỉ tiếc là nhiều người không có năng lực, thiếu tư chất đạo đức lại được tuyển dụng, thậm chí là bổ nhiệm nhanh chóng. “Hạng người” này không chú tâm vào công việc chuyên môn, thậm chí sách nhiễu, phiền hà, hành dân là chính. Nhưng bù lại ở “mọi mặt trận” họ đều đáp ứng được sở thích của thủ trưởng. Chỉ khi sự cố xảy ra, lần lại hồ sơ mới vỡ lẽ… đều đúng quy trình.

Thiết nghĩ: Đất nước trên đường hội nhập, Nhân loại “nói chuyện” về kinh tế - văn hóa 4.0. Cũng như cả nước, Thái Nguyên không đứng ngoài cuộc bằng chính hành động sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo cho một số cơ quan trực thuộc sát nhập lại. Một số đơn vị cụ thể phải nghiêm túc thực hiện giảm đầu mối cấp phòng, ban, từng bước hạn chế việc bổ nhiệm chức danh như một ban phát ân huệ.

Cần ứng xử phù hợp đối với nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật

Nhạc sĩ Phạm Đình Chiến

Nghị quyết Trung ương VI đã nêu nên sự cần thiết và cấp thiết về tinh giản bộ máy công quyền của hệ thống chính trị và Nhà nước. Có như vậy thì mới tập trung chiêu mộ những Hiền - Tài để đưa đất nước phát triển bền vững như niềm ước ao, mong mỏi của nhân dân ta bấy lâu.

Từ góc nhìn của người làm công tác nghệ thuật để nhìn nhận, thì tôi thấy rằng việc tinh giản biên chế là hết sức cần thiết, và cần được thực hiện hết sức thận trọng, nhất là đối với nguồn nhân lực khối văn hóa xã hội.

Từ lâu giới nghệ thuật là những con người làm việc và hoạt động mang tính đặc thù, qua các tác phẩm - những bản nhạc hay, những điệu múa đẹp…, họ ca ngợi những nét đẹp cuộc sống của đất nước, thiên nhiên, con người, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ cái đẹp, cái tiến bộ. Trong nền kinh tế thị trường, cuộc sống của một số anh chị em văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn say mê với công việc sáng tác, biểu diễn và có đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này các cơ quan quản lý nghệ thuật và các đoàn nghệ thuật cũng không tránh khỏi việc tinh giản. Tuy vậy, mong các cấp có thẩm quyền xem xét và có những đánh giá công bằng, khách quan. Đừng vì tinh giản theo chỉ tiêu trên giao mà làm mất đi những người tài hoa, những ngành nghệ thuật đã và đang thực sự cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà.

Nguyện vọng của anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi là hãy đánh giá đúng vai trò, vị trí của các anh chị em nghệ sĩ và có cơ chế hợp lý, ứng xử phù hợp đối với giới nghệ thuật, hãy giúp những người làm nghệ thuật tồn tại với chuyên môn sâu và riêng của họ trong khi xã hội văn minh vật chất chưa thực nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của họ.

Thái Nguyên là tỉnh ổn định về chính trị, thiên tai hầu như không bị ảnh hưởng… đó là những điều kiện thuận lợi để nền kinh tế và chính trị của tỉnh ổn định và phát triển. Nhưng văn hóa cũng cần được chú trọng đầu tư, mà đầu tư cho nguồn nhân lực là điều kiện số một.

Nói đi đôi với làm thật không dễ

Nhà văn Nguyễn Đình Tân

Đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đây không phải lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến vấn đề này nhưng thực tế chưa làm được bao nhiêu. Đến thời điểm này, nếu không có quyết sách thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nó sẽ tạo ra tảng đá ngăn cản đường lối kinh tế, phá vỡ từ trong ra những mục tiêu chính trị khác.

Tuy nhiên, nói đi đôi với làm thật không dễ. Muốn làm triệt để, có bài bản, vững chắc thì Đảng phải nghiêm túc đổi mới chính mình. Thói bảo thủ, bao biện, giáo điều đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người, kể cả lãnh đạo. Bởi vậy mới có câu ca “Huống hồ như thể nước ta, tất nhiên rồi cứ tách ra nhập vào”. Tổ chức chính quyền có chức năng này ắt bên tổ chức Đảng cũng phải có cán bộ làm chức năng ấy. Sở, ngành nào cũng muốn “độc lập”, cũng muốn có nhiều phòng ban, trung tâm. Cho nên tóp chỗ này lại một thì lại phình chỗ kia năm. Đảng phải nhìn vào sự thật lối sống của không ít kẻ cơ hội, đã tìm mọi cách để leo lên chức nọ, chức kia, tham quyền cố vị. Muốn củng cố thế lực, vây cánh, bảo vệ quyền lợi thì ắt phải đưa anh em, họ hàng, thân tình vào biên chế. Thử hỏi mỗi người có chức tước sẽ có bao nhiêu “cháu” luồn vào cơ quan nhà nước, cháu nào cũng có “bằng cấp”, thậm chí gửi tạm khi chưa có bằng nhưng chỉ vài năm sẽ có. Thế là người có đức và có tài thực sự sẽ bị loại ra ngoài, lớp người kém cỏi, cán bộ non kém ngồi không, chờ thời được cài cắm để cho cán bộ có năng lực è cổ gồng gánh công việc mà không dám nói ra. Bởi thế giảm bớt bộ máy biên chế đang đang cồng kềnh, phình to mà đòi hỏi vô tư và công bằng thì... phải làm thật sự nghiêm túc mới mong có kết quả. Nếu trong đội ngũ còn những người cầm cân nảy mực mà mất phẩm chất thì còn lâu mới giảm được biên chế.

Nói là giảm biên chế, bộ máy càng không dễ vì đây là vấn đề khoa học và trí tuệ. Nói bỏ phòng này ban kia, bỏ sở này ghép sở nọ... thì phải có căn cứ khoa học, không thể làm bừa. Làm bừa là phi chính trị dẫn đến sai. Đến lúc “rút kinh nghiệm” thì đã mất hàng chục năm.

Một vài đóng góp, xuất phát từ đáy lòng, nói thẳng nói thật, mong muốn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thì vấn đề bộ máy biên chế lần này sẽ là một mặt trận toàn thắng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy