Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
14:26 (GMT +7)

Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với đổi mới và hội nhập

LTS: Đổi mới và hội nhập là xu hướng tất yếu đối với mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương nghệ thuật? Văn nghệ sĩ cần phải làm gì trong dòng chảy đổi mới và hội nhập hôm nay? Đó là những trăn trở, suy nghĩ, dự định và hướng đi được các văn nghệ sĩ Thái Nguyên chia sẻ trước thềm năm mới.


Văn nghệ sĩ phải tự cập nhật kiến thức

Dịch giả Phạm Đức Hùng

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nhắc nhiều đến các cụm từ "Cách mạng công nghiệp 4.0", "Thời đại công nghiệp 4.0", "Công nghiệp 4.0", "Công nghiệp thông minh" và "Trí tuệ nhân tạo" để nói về xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Việt Nam chúng ta cũng không thể đứng ngoài dòng chảy phát triển đó của nhân loại trong thời đại công nghệ số.

Trí tuệ nhân tạo sẽ làm cuộc sống của con người thay đổi mạnh mẽ kéo theo sự thay đổi lớn của xã hội. Robot sẽ lấy mất việc làm của con người trong nhiều ngành nghề và trí tuệ nhân tạo được không ít người dự đoán sẽ thông minh hơn cả con người. Nhưng có một điều chắc chắn rằng robot và trí tuệ nhân tạo dù có thông minh đến đâu cũng không thể tạo ra những sản phẩm cần đến những rung động cảm xúc của con người trong quá trình hình thành. Đó là những sản phẩm của văn học nghệ thuật do các văn nghệ sĩ sáng tạo ra. Đơn cử như trong lĩnh vực dịch thuật, hiện nay đã có những phần mềm dịch, tuy nhiên những phần mềm này chỉ dịch được những câu đơn giản, còn những câu phức trong văn cảnh rộng thì chúng chỉ cho ta những câu dịch rất ngô nghê, máy móc và vô nghĩa.

Tuy thế, trước sự thay đổi lớn lao của xã hội loài người trong tương lai gần trên toàn thế giới thì việc đổi mới và hội nhập ở Việt Nam là một việc cấp bách đối với các văn nghệ sĩ. Trong đó các văn nghệ sĩ Thái Nguyên không thể là ngoại lệ, phải phản ánh được một cách chân thực cuộc sống, xã hội ở thời đại công nghiệp 4.0 trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của mình, để tạo ra những giá trị tư tưởng và nghệ thuật tương thích với hệ giá trị của thế giới. Được như thế mới mong nền văn học nghệ thuật đương đại của Việt Nam có được vị thế xứng đáng trên trường quốc tế cho một đất nước chín mươi triệu dân và 4000 năm văn hiến. Điều đó đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải tự cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực của mình, học cách sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ sáng tạo trong kỷ nguyên số, đổi mới tư duy, tìm tòi và phát hiện những đề tài sáng tác mới bám sát hơi thở của cuộc sống

Thắp cho mình một ngọn đèn

Nhà thơ trẻ Nguyễn Nhật Huy

Tôi luôn ấn tượng với một ý thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đại ý là: Tất cả chúng ta đều ngồi trong bóng tối nhưng không ai chịu thắp cho mình một ngọn đèn. Có lẽ, thơ ca đã khiến tôi muốn thắp sáng khao khát được học hỏi, được tự do như vậy.

Thơ ca nghệ thuật Việt và nghệ sĩ Việt hình như ngày càng buồn bã. Tất nhiên buồn bã không có gì sai. Thậm chí nỗi buồn là một phần của sáng tạo nhưng phải hơn thế. Có lẽ với mỗi người nó sẽ mang lại một giá trị riêng nhưng với tôi: người nghệ sĩ trước hết phải tự thắp sáng mình bằng trí tuệ. Điều này không riêng gì nghệ sĩ mà dành cho tất cả mọi người.

Đôi khi nhìn quanh cuộc sống của mình, tôi cảm thấy hình như càng có tuổi chúng ta càng lười nhác việc học tập trong khi thế giới đang vận động từng giờ, từng phút, từng giây. Hình như chúng ta bị ai đánh mất cái khao khát được thấu hiểu thế giới và con người. Hay chúng ta đã quen với bóng tối của mình? Theo tôi biết, ở nhiều quốc gia ngay cả người già cũng rất ham học vì họ sợ sự tụt hậu, sợ sự lãng quên của thời đại. Đặc biệt với người nghệ sĩ, họ cần phải học để tự làm mới, để thoát khỏi cái khuôn cũ. Nếu họ vẫn đi lại những con đường đã có thì mãi mãi chỉ là cái bóng của người khác và của chính mình.

Hơn thế nữa, để nói về hội nhập đối với văn nghệ sĩ, tôi nghĩ cũng như nhiều lĩnh vực khác. Chúng ta đi sau thế giới nhiều nên chẳng có gì bằng học từ họ. Đặc biệt hơn 90% những thứ hay ho trên thế giới đều được viết bằng tiếng Anh. Không có “cây cầu” này thì việc tiếp cận với các nền văn hóa khác khó khăn hơn nhiều chưa nói đến hội nhập.

Cuối cùng, có rất nhiều lý do để không học, có rất nhiều thứ để đổ lỗi, có rất nhiều chuyện để kêu ca nhưng: chúng ta đều ngồi trong bóng tối nên ít nhất hãy tự thắp cho mình một ngọn đèn

Nhiếp ảnh - tồn tại và hướng đi

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Việt Hùng

Văn học nghệ thuật ngày nay nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, đều có sự chuyển động theo sự thay đổi của thời đại. Sự kế thừa luôn là nền tảng vững chắc cho thế hệ hậu sinh, dù một số nhỏ có những đột phá táo bạo, cảm tưởng như không còn nằm trong vòng ảnh hưởng của tính truyền thống hay mất hẳn tính kế thừa. Tuy nhiên dù đổi mới bao nhiêu thì cũng không thể thay đổi được hai tính chất đặc thù đó, bởi nó cũng được “hiện thực hóa” tịnh tiến theo thời gian.

Nhiếp ảnh Thái Nguyên hiện nay vẫn nằm trong tốp ba địa phương dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc, trong bối cảnh hội nhập phát triển và thay đổi tính chất các cuộc thi ảnh mấy năm gần đây, chuyển đổi từ hệ phong trào tới chuyên nghiệp từng phần nhằm nâng cao chất lượng tác giả, tác phẩm. Thực tế có nhiều vấn đề đáng lưu tâm về nghiệp vụ của cả người dự thi lẫn giám khảo, còn nhiều tay máy trong toàn khu vực vẫn chưa bỏ được lối mòn, thiếu sáng tạo trong sáng tác, xử lý hậu kỳ còn yếu. Một số giám khảo chưa đáp ứng được nghiệp vụ phần mềm xử lý ảnh, bỏ qua nhiều lỗi photoshop trong thẩm định gây “sóng gió” khi công bố kết quả triển lãm. Tuy nhiên khá nhiều điểm sáng khả thi như một vài tỉnh yếu đã vươn lên, có nhiều tác giả trẻ có tác phẩm chất lượng tốt đoạt giải cao, nhiều tác phẩm với ý tưởng mới đáp ứng thị hiếu công chúng, mang tính thời đại mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống. Nhiếp ảnh Thái Nguyên không nằm ngoài số đó.

Để đáp ứng tốt hơn trong hoạt động, phát triển nhiếp ảnh của Thái Nguyên cần có hội thảo về định hướng đổi mới theo thực tế hội nhập thời đại, xác định rõ mục đích thông tin quảng bá, nhiệm vụ chính trị và thuần túy nghệ thuật; Quy định chặt chẽ hơn về thể lệ, nội dung, mở rộng đề tài sáng tác cho các cuộc thi ảnh cũng như trưng bày triển lãm; Khuyến khích ưu tiên và đầu tư cho các tác giả trẻ, các tác phẩm chụp mang tính nghệ thuật cao

Người viết trẻ trước thử thách văn chương hội nhập

Nhà văn trẻ Hoàng Thị Hiền

Một năm mới lại về với nhiều hi vọng cho nền văn học nước nhà. Thế hệ trẻ cầm bút như chúng tôi tiếp tục cày cấy trên cánh đồng chữ nghĩa, mở rộng đề tài, sáng tạo trong tư duy, tìm lối viết mới mẻ nhưng luôn bám sát hiện thực cuộc sống. Làm thế nào để tìm cho mình một lối đi riêng và thành công nhờ đông đảo bạn đọc tiếp nhận luôn là điều không chỉ cá nhân tôi trăn trở. Đất nước hội nhập nền kinh tế quốc tế, văn chương cũng vậy.

Tôi thường viết về đề tài miền núi, đời sống vùng đồng bào thiểu số đang dần chuyển mình nhờ chương trình nông thôn mới, các dự án phi chính phủ, bản sắc dân tộc bao đời nay cần được gìn giữ và quảng bá đến với bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ rằng người cầm bút cũng đóng vai trò chuyển tải những giá trị văn hóa vùng miền, những bất cập, hệ lụy của sự giao thoa văn hóa, những phong tục đẹp nhờ tác phẩm sáng tạo của mình. Thực tế vẫn còn nhiều mảnh đất màu mỡ mà chúng ta chưa khai thác để dựng nên tác phẩm nghệ thuật mang tầm vóc. Cây bút trẻ rất cần người chỉ đường, đó là các thế hệ nhà văn, nhà thơ gạo cội- những từ điển sống vô giá. Nhờ công nghệ, chúng tôi được tiếp cận thông tin cập nhật liên tục, việc tra cứu từ ngữ được giải quyết nhanh gọn, các lớp trau dồi vốn ngoại ngữ luôn rộng mở; tuy nhiên, trước cám dỗ của các trang mạng thu lợi nhuận, người cầm bút rất dễ sa vào lối viết dễ dãi hoặc từ bỏ giữa chừng niềm đam mê để theo đuổi công việc khác đem lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Vốn thời gian trải nghiệm thực tế, đi sâu vào đời sống nhân dân lao động cũng được đặt ra là thử thách khi công việc bộn bề. Tôi không thể viết khi chưa hiểu rõ vấn đề.

Cá nhân làm nên những đỉnh cao trong hội nhập. Vậy nên, các nhà văn tên tuổi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… đã đem cả một giai đoạn lịch sử Việt Nam đến với bạn đọc quốc tế. Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay cũng vậy, cần trau dồi kiến thức, đem tài năng và sức sáng tạo của mình tạo dấu ấn ở văn học Đông Nam Á và trên thế giới, góp một toa tàu văn học trên chuyến tàu hội nhập tiến về tương lai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy