Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
22:22 (GMT +7)

Văn học nghệ thuật với vấn đề giá trị con người

1. Giá trị và giá trị học

“Giá trị” trong tiếng Hy Lạp là “axia”. Theo nghĩa ban đầu, “axia” là phẩm chất tốt đẹp của một sự vật, sự việc, dùng để phục vụ cho sự phát triển con người và xã hội. Về sau “giá trị” còn được coi là ý nghĩa, tầm quan trọng của sự vật, sự việc. Song, giá trị vừa là kết quả của nhận thức phán định vừa là kết quả của sự sáng tạo, cho nên giá trị lại được quan niệm là có loại giá trị tích cực, có loại tiêu cực. Thậm chí có người còn cho rằng “vô giá trị” cũng là một giá trị, nhưng là loại giá trị bậc thấp trong thang bậc đánh giá giá trị (1).

Tuy nhiên, theo tôi, cái gì không có giá trị thì không còn là giá trị nữa. Chỉ có thể chấp nhận quan điểm coi giá trị có hai chiều cạnh tích cực và tiêu cực. Nhưng điều này làm nảy sinh vấn đề về tính lịch sử - xã hội của giá trị. Một đồ vật, sự việc, ở thời điểm này nó không có giá trị gì đáng để ý, nhưng ở thời điểm sau nó lại có ý nghĩa rất quan trọng: ví dụ như kim cương ở thời cổ đại so với kim cương thời hiện đại; hay ở thời điểm này một sự vật có giá trị tích cực, nhưng ở thời điểm phát triển sau và trong một hoàn cảnh khác nó lại trở thành tiêu cực: ví dụ như năng lượng hạt nhân cho động cơ so với sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử...

Như vậy, giá trị vừa mang tính cụ thể vừa trừu tượng, vừa khách quan lẫn chủ quan, vừa đơn giản vừa phức tạp. Trong nhiều trường hợp, giá trị hoàn toàn không phải là giá cả. Tính phức tạp và tầm quan trọng của giá trị đối với sự phát triển của con người và xã hội đã làm cho nó trở thành đối tượng của một ngành khoa học được gọi là “lý thuyết giá trị” hay “giá trị học”. Lý thuyết giá trị đã tồn tại từ lâu trong khuôn khổ của ngành triết học, nhưng giá trị học với tư cách là một bộ môn độc lập thì mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, với những người đầu tiên đặt tên “giá trị học” cho bộ môn này là nhà triết học người Đức Eduard von Hartmann trong công trình Giá trị học và các phân môn của nó (L'axiologie et ses divisions, 1890) và Cơ sở giá trị học (Grundriss der Axiologie, 1905), và Giáo sư đại học người Pháp Paul Lapie trong công trình Lôgic của ý chí (La logique de la volonté, 1902).

Giá trị học là quan niệm mang tính lịch sử - xã hội. Quan niệm giá trị học biện chứng xuất phát từ việc giải thích con người vừa như là chủ thể vừa là khách thể, với nghĩa là thông qua hoạt động của nó, nó tự tạo ra chính nó, như là một thế giới của các giá trị được quy định bởi lịch sử xã hội, nhưng đồng thời nó còn chịu sự quyết định của một thái độ sáng tạo. Do đó, giá trị có cả tính khách quan lẫn chủ quan.

Như vậy, giá trị không thể tồn tại tự nó và vì nó, mà nó tồn tại do con người và vì con người, cho nên nó là sản phẩm của cả hai quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Và vì thế, để sáng tạo và phán định giá trị, hành vi sáng tạo và tiếp nhận phải có các tiêu chuẩn.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 15/12/2021. Nguồn ảnh: tuyengiao.vn.

2. Vị trí của giá trị con người trong hệ giá trị văn học nghệ thuật

Trong các hoạt động tinh thần, giá trị là một phạm trù trừu tượng, kể cả trong những lĩnh vực có những sản phẩm vật chất cụ thể mà trong đó giá trị được hiện thực hóa, thì về bản chất, giá trị vẫn là một phạm trù trừu tượng. Phạm trù trừu tượng đó là kết quả của sự phán định của con người. Vì thế chúng ta không thể xác lập được một hệ thống định danh cố định cho các giá trị cụ thể có sẵn, mà ta chỉ có thể đề xuất một hệ tiêu chuẩn giá trị cho hành vi phán định. Trong lĩnh vực văn nghệ cũng vậy, nói đến hệ giá trị tức là ta phải hiểu đó là cách nói tắt của hệ tiêu chuẩn giá trị văn nghệ.

Thực chất, “tiêu chuẩn giá trị” cũng chính là những “giá trị chuẩn mực”, là những “giá trị gốc” để giúp ta xác định các giá trị cụ thể cho từng sản phẩm văn nghệ và trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế, hệ [tiêu chuẩn] giá trị văn nghệ cần phải mang tính khái quát của tinh thần nhân loại và của từng xã hội, tránh áp đặt các quy định cụ thể giáo điều duy chính trị và duy luân lý, cũng như những giáo điều của giới luật tôn giáo...

Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã bàn đến hệ giá trị của con người và của văn hóa, và đến những “giá trị cốt lõi” có nhiệm vụ định hướng “điều khiển sự biến động của hệ giá trị văn hóa theo hướng phát triển”, nhưng họ không cho đó là những tiêu chuẩn giá trị mà là những “giá trị định hướng”. Nói đến tiêu chuẩn giá trị, Trần Ngọc Thêm cho rằng “Tiêu chuẩn của một hệ giá trị định hướng cốt lõi cho một dân tộc cũng có thể quy về ba điểm: 1- Đạt được sự hài hòa giữa chất tiên tiến mang tính nhân loại với bản sắc truyền thống mang tính dân tộc; 2- Đạt được sự thống nhất giữa cái mà dân tộc đang cần với việc khắc phục những thói xấu mà xã hội đang mắc phải; 3- Đạt được sự hài hòa giữa cái phổ quát với cái đặc thù; giữa cái công và cái tư; giữa cái tinh thần và cái vật chất” (2).

Thực ra, những cái mà Trần Ngọc Thêm gọi là “tiêu chuẩn của hệ giá trị định hướng cốt lõi” nói chính xác thì chỉ là các nguyên tắc để xác định giá trị. Còn chính “giá trị cốt lõi”, hay “giá trị gốc”, mới là tiêu chuẩn giá trị. Bởi vì tiêu chuẩn phải là phẩm chất đặc trưng của một vật để giúp ta xác định vật đó mà dựa vào nó ta có thể gọi tên được giá trị. Ba “điểm” nói trên của Trần Ngọc Thêm không phải là phẩm chất đặc trưng của giá trị mà chỉ là các mối quan hệ “ngoài giá trị” mà người đánh giá mong muốn. Do đó chúng không thể là tiêu chuẩn mà cùng lắm thì chỉ có thể là các nguyên tắc đánh giá.

Theo chúng tôi, nói đến tiêu chuẩn giá trị thì phải xác định rằng hệ giá trị của văn nghệ vừa phải có những tiêu chuẩn giá trị mang tính nhân loại, vừa có những tiêu chuẩn giá trị mang tính đặc thù lịch sử dân tộc, trong đó, những tiêu chuẩn giá trị về con người chiếm vị trí hàng đầu. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập quốc tế như ngày nay, giá trị con người đang trở thành mục tiêu phát triển hàng đầu của mỗi quốc gia. Ở mỗi quốc gia, phát triển xã hội cuối cùng cũng là vì con người. Và phát triển con người trở thành nhiệm vụ trọng tâm của phát triển xã hội.

Trong tinh thần đó, hằng năm, Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đều có “Báo cáo Phát triển Con người” chứ không có báo cáo phát triển xã hội. Con người đã trở thành đối tượng quan tâm của toàn cầu. Tất nhiên, khi nhằm vào con người bản thể, Liên hiệp quốc vẫn quan tâm đến con người cụ thể của từng quốc gia. Nhưng đánh giá con người luôn được dựa vào các tiêu chuẩn giá trị toàn cầu về con người.

Cái đẹp nghệ thuật chính là giá trị tiêu chuẩn cuối cùng để xác định các giá trị của văn nghệ là giá trị nghệ thuật. Ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn

Ở Việt Nam, khi nói đến “con người bản thể” và hệ giá trị xã hội hiện nay, PGS Phạm Quang Long đã nhận xét: “Cho đến nay, con người bản thể không được coi trọng, 'con người chính trị' được đề cao, kèm theo đó là một hệ thống những tiêu chí về hệ giá trị theo tiêu chí 'chính thống'. (...) Cốt lõi của vấn đề là chúng ta đề cao đến mức tuyệt đối hóa 'con người chính trị'. Gắn với điều đó là đề ra những tiêu chí chính trị không sát thực tế” (3). Và ông đề xuất giải pháp tháo gỡ sự mâu thuẫn giữa nhất nguyên tư tưởng với đa nguyên kinh tế trong phát triển con người: Đó là việc “phải tôn trọng những yếu tố mang ý nghĩa nền tảng, phổ quát thuộc về nhân loại mà thế giới đang thừa nhận. (...) ...xây dựng con người theo hướng đa nguyên” (4). Điều này rất phù hợp với quan điểm của UNDP và UNESCO khi các tổ chức này coi đa dạng văn hóa là một nguồn lực của sự phát triển, và cũng như tôi đã khuyến cáo về việc “hệ [tiêu chuẩn] giá trị văn nghệ cần phải mang tính khái quát của tinh thần nhân loại và của từng xã hội, tránh áp đặt các quy định cụ thể giáo điều duy chính trị và duy luân lý, cũng như những giáo điều của giới luật tôn giáo” (5).

Thực ra, cái mà chúng ta gọi là “con người chính trị” chính là một sự nhầm lẫn khái niệm do căn bệnh tuyệt đối hóa chính trị gây ra. Như tôi đã nói, do tuyệt đối hóa chính trị mà chúng ta đã đồng nhất “chính trị” với “chính đảng”, đồng nhất “chính trị” với “chính thống”. Ở đây, “con người chính trị” thực chất là “con người chính đảng” (6). Do nhầm lẫn công cụ với giá trị mà chúng ta đã coi “chính trị” (hay “chính đảng”) là giá trị cao nhất. Theo một quy định ngầm, hầu như tất cả các chức vụ lãnh đạo hành chính và chuyên môn đều phải là đảng viên với chứng chỉ lý luận chính trị, kể cả những chức hiệu trưởng của một trường tiểu học hay trưởng phòng của một đơn vị làm kinh tế hay quản lý hoặc nghiên cứu khoa học... Từ đó dẫn đến sự huyễn hoặc về giá trị con người, tạo cơ hội cho sự tha hóa con người bản thể (theo nghĩa triết học), dẫn đến suy thoái, biến chất (hầu như mọi hiện tượng tham nhũng đều là đảng viên). Chúng ta đã có những nhà khoa học rất giỏi về chuyên môn nhưng chỉ vì không phải là đảng viên nên không được làm quản lý; lại có những nhà khoa học rất thành thạo chuyên môn nhưng không có kiến thức quản lý thì khi làm quản lý thì lại sa vào vòng tham nhũng. Chúng ta có những lớp dạy quản lý nhà nước, nhưng những lớp này chỉ dạy những kiến thức về quản lý hành chính quan liêu chứ không dạy được về quản lý chuyên môn. Rõ ràng, tuyệt đối hóa giá trị chính trị/ chính đảng đã làm xơ cứng con người bản thể, làm mất đi những giá trị cơ bản của con người.

Trong truyền thống, trên cơ sở những tiêu chuẩn chung như chủ nghĩa nhân văn, tính nhân dân, tính dân tộc, tính thế giới, hệ tiêu chuẩn giá trị văn nghệ Việt Nam đã cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn phán định giá trị đặc thù như: tình thương đồng bào, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống cái ác; hình tượng con người xây dựng đất nước, hình tượng người anh hùng trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, hình tượng cái đẹp nhân văn, hình tượng tâm hồn cao thượng, hình tượng bi tráng, hình tượng phê phán cái xấu, hình tượng tình yêu... Đó là những giá trị cơ bản của văn học nghệ thuật dân tộc qua nhiều thời kỳ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Ngày nay, tiếp thu quan điểm về giá trị của thế giới, ta có thể rút ra ba tiêu chuẩn cơ bản của giá trị phát triển con người để đưa vào hệ giá trị văn nghệ: 1) quyền sống; 2) quyền tự do; 3) quyền sáng tạo. Đây là những tiêu chuẩn giá trị cơ bản góp phần vào hệ giá trị văn nghệ trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa.

Từ đó, chúng ta có thể bổ sung thêm những giá trị mới đặc thù cho thời đại vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó là tư tưởng nhân quyền, quyền cá nhân trong sự hài hòa với quyền cộng đồng, quyền tự do, quyền sáng tạo văn hóa, tư tưởng dân chủ, công bằng, ý thức công dân, trách nhiệm sinh thái, và đặc biệt là tinh thần phản biện xã hội. Phát huy các tư tưởng và tinh thần đó sẽ làm cho văn nghệ nước nhà có được những giá trị vừa trường tồn vừa có tính thời sự, vừa có tính dân tộc vừa mang tính nhân loại. Đó chính là một nhiệm vụ quan trọng của văn học nghệ thuật dân tộc hiện đại của nước ta. Tất nhiên, tất cả những giá trị đó phải được phán định theo ba tiêu chuẩn giá trị gốc là chân, thiện, mỹ trong sự kết hợp với ba tiêu chuẩn giá trị con người bản thể là quyền sống, quyền tự doquyền sáng tạo, nhưng chúng lại phải được hòa nhập và chuyển hóa dưới sự quy định của cái mỹ để, bằng các thủ pháp và biện pháp nghệ thuật của văn nghệ sĩ, chúng làm thành giá trị cái đẹp nghệ thuật. Đến lượt nó, cái đẹp nghệ thuật chính là giá trị tiêu chuẩn cuối cùng để xác định các giá trị của văn nghệ là giá trị nghệ thuật. Theo đó, những sáng tác nào đi ngược lại hoặc vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của cái chân, thiện, mỹ, của chủ nghĩa nhân văn, của cái đẹp nghệ thuật, thì cho dù có tỏ ra mới lạ thì chúng cũng không thể có giá trị nghệ thuật, bởi vì, cái mới lạ thuần túy không thể làm nên giá trị nghệ thuật. Đó là nguyên tắc tối cao của sáng tạo nghệ thuật và cũng là của việc tạo giá trị cho tác phẩm nghệ thuật.

Ngày nay, văn học nghệ thuật nước ta, đặc biệt là phim ảnh, còn ít có những tác phẩm quan tâm đến những giá trị bản thể của con người. Nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh đã đề cập được đến những vấn đề thời sự của xã hội và những vấn đề của đời sống cá nhân, nhưng vẫn còn ít có tác phẩm mổ xẻ những vấn đề lớn của xã hội liên quan đến quyền sống, quyền công bằng và quyền tự do - trong đó có tự do văn hóa - của con người, thậm chí của cả dân tộc. Trong khi đó lại có nhiều kịch bản còn phải mua của nước ngoài, như thể Việt Nam không có vấn đề để làm phim, hay là các nhà văn né tránh?

Những điều nói trên cho thấy một yêu cầu là phải xác định lại hệ giá trị con người và hệ giá trị văn nghệ, cần xóa bỏ mô hình hệ giá trị tuyến tính chỉ huy để xây dựng mô hình hệ giá trị của “con người đa nguyên” theo cách nói của Phạm Quang Long, hay “con người đa dạng văn hóa” theo cách diễn đạt của Liên hiệp quốc. Đây mới chính là những chủ đề làm cho tác phẩm có cơ hội trở thành đỉnh cao. Phải chăng đó chính là giải pháp cho mâu thuẫn giữa “nhất nguyên tư tưởng” với “đa nguyên kinh tế” mà Phạm Quang Long đã nói tới? Để giải quyết mâu thuẫn này, có lẽ cần có cái nhìn cởi mở trở về với các giá trị của con người bản thể trong sự hội nhập với các giá trị nhân văn của thời đại.

Tháng 10-2021

Nguyễn Văn Dân


(1) Hồ Sĩ Quý, Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 41.

(2) Trần Ngọc Thêm, “Những cơ sở lý luận về giá trị và việc xây dựng hệ giá trị định hướng cốt lõi”, trong sách: Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 28.

(3) Phạm Quang Long, “Nghĩ về 'con người bản thể' và hệ giá trị xã hội hiện nay”, báo Văn nghệ, số 35+36, 28-8-2021, tr. 25.

(4) Phạm Quang Long, bài đã dẫn, tr. 25.

(5) Nguyễn Văn Dân, “Góp phần xác định hệ giá trị văn nghệ”, t/c Nghiên cứu văn học, số 1-2021.

(6) Xem Nguyễn Văn Dân, “Quản lý văn nghệ ở Việt Nam: thực trạng, vấn đề, giải pháp”, trong: NVD, Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 91-106.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy