Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:31 (GMT +7)

Văn hóa, văn nghệ khu vực miền núi phía Bắc: Vẫn còn đó nhiều mối trăn trở

VNTN - Trong 2 ngày 27 và 28-7, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giao ban văn hóa - văn nghệ khu vực miền núi phía Bắc. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật của 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã tham dự.

 

Toàn cảnh hội nghị. Các đồng chí: Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên; nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chủ trì.   Ảnh: Triệu Doanh

Nội dung chính của Hội nghị giao ban lần này là các vấn đề: Đánh giá tình hình văn hóa, văn nghệ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm khu vực miền núi phía Bắc; việc tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở khu vực; công tác triển khai Nghị quyết Đại hội IX (2016 - 2021), hoạt động tài trợ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Trong số đó, thực trạng và giải pháp việc tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở khu vực miền núi phía Bắc là nội dung được các đại biểu quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến thảo luận. Tại đây, đại diện Ban Tuyên giáo các tỉnh đã trình bày tham luận, phản ánh cụ thể tình hình hoạt động văn hóa văn nghệ thời gian qua, đồng thời đề ra những phương hướng, kiến nghị, đề xuất thực hiện trong thời gian tới, bám sát tình hình, nhu cầu thực tiễn ở từng địa phương.

Có thể nói, hoạt động văn hóa, văn nghệ nói chung, việc tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa ở cơ sở nói riêng hiện nay có nhiều lợi thế. Theo báo cáo của Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, trên các mặt: tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở; thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; hoạt động văn học, nghệ thuật… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều cái khó cần được các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ.

Nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu, cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương hiện nay, đó là việc quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật, cùng với đó là kế hoạch hành động, những chế tài cụ thể cho hoạt động báo chí văn nghệ. Cụ thể là thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.

Đại biểu các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bày tỏ: với đặc thù các tỉnh biên giới, vùng sâu vùng xa, diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa có nhiều điểm phức tạp, thì công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng. Việc có một đội ngũ làm văn hóa văn nghệ chuyên sâu, phục vụ tốt công tác tuyên truyền VHNT là vô cùng cần thiết. Chúng ta có hệ thống báo chí văn nghệ, nhưng đồng hành với nhân dân còn kém hiệu quả.

Bàn về vấn đề này, đại diện báo Văn nghệ Thái Nguyên, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động báo chí văn nghệ trong nền báo chí hiện đại. Với sự ủng hộ cao từ các cấp ủy, chính quyền, với sự nỗ lực của đội ngũ làm báo phát huy được sức mạnh của lực lượng cộng tác viên, bám sát quy hoạch phát triển báo chí của tỉnh và trung ương, báo Văn nghệ Thái Nguyên đã liên tục đổi mới về mọi mặt, trở thành một ấn phẩm có uy tín trong giới báo chí văn nghệ. 14 tỉnh trong khu vực, mỗi tỉnh đều có một cơ quan báo chí văn nghệ; làm thế nào để báo chí văn nghệ khu vực có chỗ đứng thực sự, đồng hành với sự phát triển của báo chí hiện đại là vấn đề mà người làm công tác VHNT còn nhiều trăn trở. Việc nuôi dưỡng nguồn cộng tác viên, giữ hình ảnh, uy tín trong lĩnh vực báo văn nghệ, đóng góp hiệu quả trong việc làm cho con người sống tốt hơn, trong sáng hơn, khẳng định các giá trị Chân - Thiện - Mỹ của đời sống…, đó là mục tiêu, là hướng đi cần được chú trọng đầu tư của báo chí văn nghệ.

Một trong những cái khó, nỗi lo “muôn thuở” của các Hội VHNT hiện nay là vấn đề kinh phí. Tuy rằng hoạt động văn hóa, văn nghệ ở làng bản khá sôi nổi, giàu tiềm năng, nhưng để khai thác và phát huy các giá trị thì rất hạn chế vì thiếu nguồn kinh phí. Thêm vào đó, sự chậm trễ trong triển khai thực hiện đưa các chủ trương hỗ trợ sáng tác của trung ương đến địa phương cũng là tác nhân gây ra sự kém hiệu quả trong hoạt động VHNT. Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong phần thông tin về hoạt động tài trợ sáng tác văn học, nghệ thuật của Đảng đoàn Liên hiệp theo Nghị quyết Đại hội IX (2016-2021) cũng đã giải đáp những khúc mắc này của các đơn vị. Tin tưởng thời gian tới vấn đề này sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng về thực trạng mai một các nét văn hóa truyền thống trước lối sống hiện đại. Quan tâm các vấn đề cốt lõi xây dựng đời sống văn hóa; cần có cơ chế đặc thù về thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới; chú trọng mảng văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, đặc biệt là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, văn nghệ sĩ người thiểu số nói riêng… là những ý kiến, đề xuất được nhiều đại biểu gửi gắm tại hội nghị.

Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến, kiến nghị từ địa phương, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao đổi, làm rõ hơn những vấn đề được đề xuất. Cùng với đó lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động phối hợp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; nắm bắt tâm tư, tình cảm đội ngũ văn nghệ sĩ, năng lực hoạt động của các Hội VHNT; phát hiện các vấn đề bức xúc, nhạy cảm trong quản lý và hoạt động văn hóa văn nghệ…, để thời gian tới nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Vẫn còn đó nhiều trăn trở, nhiều nỗi lo. Có ý kiến cho rằng các hội nghị giao ban về văn hóa  văn nghệ cần phải được tổ chức thường xuyên hơn, và có thêm sự góp mặt của lãnh đạo Bộ VH, TT&DL để việc tiếp thu, điều chỉnh và tháo gỡ các vướng mắc từ phía địa phương nhanh chóng, đồng bộ hơn. Việc chọn ra những địa phương điển hình, là điểm sáng trong hoạt động văn hóa văn nghệ để truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm trong các cuộc giao ban cũng là việc làm vô cùng cần thiết.

 

Các đại biểu dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Phú Đình, huyện Định Hóa Ảnh:Triệu Doanh

Trong khuôn khổ hội nghị giao ban, ngày 27-7, các đại biểu đã đến dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa và thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy