Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
15:31 (GMT +7)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong lựa chọn nhân sự đại hội Đảng

VNTN - Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) diễn ra đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tập trung chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, một trong hai vấn đề đặc biệt quan trọng tại mỗi kỳ đại hội là công tác chuẩn bị nhân sự. Bởi vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ chính là nền tảng, là kim chỉ nam để Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn cách mạng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đều phải phát huy tinh thần trách nhiệm, thực sự “tinh tường, tỉnh táo” để lựa chọn nhân sự đại hội Đảng nhiệm kỳ mới.

“Cán bộ là cái gốc của mọi việc” Ngay từ rất sớm, trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927), ở trang đầu tiên, Hồ Chí Minh nêu tư cách của một người cách mạng. Sau này, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người ví, “Cán bộ là cái dây chuyền của nhà máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Là người có nhiều năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ thật đơn giản, dễ hiểu, nhưng cũng thật khúc triết mang tầm bao quát rộng lớn để mọi người dân, mọi đối tượng đều hiểu và nhận xét, đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vai trò đó được Người đặt ở vị trí tiên phong. Nói theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội không chỉ có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội, mà đây còn là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước”. Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, tiêu chuẩn tổng quát nhất về cán bộ cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cặp chỉnh thể “Đức và Tài”. Mối quan hệ biện chứng giữa “Đức và Tài”, thì “Đức” là tính thứ nhất của phẩm chất người cách mạng. Hiện nay, tiêu chí “Đức và Tài” trong xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nước ta được diễn đạt bằng nhiều cụm từ khác, như: phải vừa có tâm vừa có tầm, vừa “hồng” vừa “chuyên” hoặc vừa có phẩm chất, vừa có năng lực, v.v.. Nhưng dù ở bất cứ cách diễn đạt nào, chữ “Đức” vẫn đứng trước chữ “Tài”. Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua và bài viết với tiêu đề “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” được viết ngay sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)… Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không có năng lực, phẩm chất kém,… có biểu hiện cơ hội chính trị, có tư tưởng cục bộ, nói không đi đôi với làm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng...”. “Làm sao để lựa chọn cho được cán bộ có đức, có tài” Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta trong lịch sử hàng ngàn năm, là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là một hệ thống luận điểm toàn diện cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn, đang được Đảng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó là, cấp ủy khóa mới ngoài đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, tính kế thừa, thì phải là những người có đức, có tài, có tâm vì nước, vì dân, linh hoạt và sáng tạo, đoàn kết với tập thể, có khả năng tập hợp quần chúng, dám chống cái sai trái, trong sạch, vô tư, trung thực, có uy tín trong Đảng và ngoài xã hội. Tuy nhiên, “Làm thế nào để lựa chọn được cán bộ vừa có đức, vừa có tài và trách nhiệm ấy thuộc về ai?” lại là vấn đề đặt ra. Theo Đồng chí Nguyễn Ngô Hai - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: “Công tác cán bộ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm nhiều khâu, mà mỗi khâu là một mắt xích, và nếu bị mất bất cứ một mắt xích nào cũng không thể tạo nên chuỗi mắt xích. Trong đó, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bác Hồ đã nói, “dùng người như dùng gỗ”. Gỗ tốt phải dùng vào những nơi phải chịu lực, như rường cột; còn gỗ không được tốt thì sử dụng vào những chỗ có thể thay thế được. Như vậy, chúng ta đánh giá cán bộ mạnh cái này, yếu cái kia cũng là để bố trí vào chỗ này, chỗ kia cho phù hợp, mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của tổ chức cơ sở Đảng. Còn đối với việc vận dụng vào công tác nhân sự Đại hội Đảng hiện nay, theo tôi, phải rèn luyện, thử thách cán bộ. Phải đưa cán bộ vào thực tiễn cuộc sống, công tác, thậm chí đưa vào những vị trí rất khó khăn, đòi hỏi người cán bộ đó phải được thử thách nhiều”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,“cất nhắc cán bộ không đúng là khuyết điểm lớn của người lãnh đạo”. Hiện nay, Đảng ta áp dụng các biện pháp dùng tập thể cấp ủy để giới thiệu, đề bạt cán bộ; trong đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, trách nhiệm ấy không chỉ thuộc về Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, của các cấp uỷ, tổ chức đảng mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Bởi, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. Gần 50 năm tuổi đảng, hơn 5 nhiệm kỳ trong cấp ủy ở cơ sở, đảng viên Nguyễn Thế Thịnh - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Hưng Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, xóm có đông đảng viên nhất tỉnh - cho rằng, bài phát biểu và bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự Đại hội Đảng đã vận dụng rất linh hoạt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dùng câu nói, hình ảnh rất dân dã, nhưng lại dễ hiểu để nói về tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ. Theo tôi, để có thể “đừng nhìn gà hóa cuốc”,”đừng thấy đỏ tưởng là chín”, thì giải pháp căn cơ là phải dựa vào dân. Đấy cũng là trách nhiệm của nhân dân trong công tác lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng. Muốn biết cán bộ có kê khai tài sản trung thực không, chỉ có dân mới biết. Muốn biết cán bộ có hòa nhã, gần dân, vì dân hay không, chỉ có người dân nơi cán bộ sinh sống mới biết được. Bởi thế, cần coi trọng đánh giá việc thực hiện Quy định 213-QĐ/TW (ngày 2/1/2020) về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú chính là một trong những thước đo để đánh giá và lựa chọn cán bộ”. “Nói đi đôi với làm” Có thể thấy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về lựa chọn cán bộ, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến tiêu chí cán bộ. Cấp ủy các cấp cũng đã cụ thể hóa các chỉ thị, quy định của Trung ương thành các văn bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị mình. Như vậy, hệ thống các văn bản liên quan đến lựa chọn cán bộ đã tương đối đầy đủ, toàn diện và rõ ràng. Vấn đề đặt ra thực hiện thật tốt những quy định, quy chế, quy trình ấy theo phương châm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: “Nói đi đôi với làm”. Hiện nay, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đang tập trung chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, thời điểm này, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương về tổ chức đại hội và công tác rà soát, thẩm định, xác minh chính trị nội bộ được đặc biệt quan tâm. Theo đó, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã xuống từng địa phương nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Tỉnh ủy cũng thành lập 2 đoàn công tác giám sát chuyên đề việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 146/KH-TU của Tỉnh ủy Thái Nguyên về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Qua giám sát nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội ở cơ sở. Đồng chí Lê Thanh Tuyết - Bí thư Thị ủy Phổ Yên cho biết: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên về công tác nhân sự Đại hội, BTV Thị ủy đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Đến nay, Đề án nhân sự khóa mới đã được xây dựng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, tỷ lệ, trong đó đáp ứng tỷ lệ cấp ủy đổi mới theo Chỉ thị số 35-CT/TW không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên, với 13 đồng chí. Đặc biệt, sau khi thẩm tra, xác minh đối với nhân sự được quy hoạch vào cấp ủy các cấp, nhân sự được giới thiệu tái cử cấp ủy, nhân sự mới được giới thiệu tham gia cấp ủy và các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 2 trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị nội bộ, hiện đều đã được đưa ra khỏi đề án nhân sự khóa mới.” Phải nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Gốc có vững thì cây mới bền. Bởi vậy, phải tỉnh táo, tinh tường để lựa chọn cho đúng cán bộ là nhiệm vụ đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đòi hỏi cấp ủy các cấp và từng cán bộ, đảng viên phải thực sự khách quan, công tâm, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc và quốc gia lên trên hết, trước hết.

TRẦN TRANG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy