Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:04 (GMT +7)

Vãn du rừng chè cổ ở Thái Nguyên

Dân gian truyền tụng, ở lưng chừng sườn phía đông dãy núi Tam Đảo có ngôi chùa và đền cổ “Thiên Tây Trúc” phong cảnh kỳ vĩ, linh thiêng lắm. Ngồi trên chiếc xe máy cà tàng kêu lạch cạch, lách cách, leng keng,… tôi háo hức quyết lên đấy một phen xem sao, một là lễ Phật lễ Thánh, hai là ngắm non xanh nước biếc của xứ sở Thái Nguyên ta. Vừa đi tôi vừa ngẫm nghĩ về cái tên “Thiên Tây Trúc”. Tại sao lại có tên là “Thiên Tây Trúc”? Nghĩ mãi cũng chẳng ra…

Đến xóm Đền, xã Quân Chu huyện Đại Từ, tôi được bà con chỉ đường vào xóm Hoà Bình. Đường sá ở đây khá tốt, phong cảnh thật hữu tình. Ngước mắt lên xa xa là thác Đát Ngao với dòng nước lớn từ trên cao hàng trăm mét đổ xuống trắng xoá, sáng lấp lánh như một con rồng trắng quần đảo ầm ầm. Từ đây nhìn lên dãy Tam Đảo trập trùng như mê hoặc lòng người. Sương trắng bồng bềnh trôi lãng đãng như kéo đất lên gần với trời hơn.

Đền Thiên Tây Trúc rất đẹp, xung quanh cũng có khá nhiều cây chè cổ

Chùa Thiên Tây Trúc được xây dựng từ thế kỷ XV. Đến thời nhà Mạc ngôi chùa được dựng lại. Khoảng năm 1989 bà con địa phương góp công góp sức xây dựng chùa. Năm 1993 được tôn tạo trên nền đất cũ, nhưng được chia ra làm hai phần là nhà chùa và nhà đền. Trong đền thờ tượng Địa Mẫu và thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, thờ 18 vị quận công. Trong chùa thờ ba pho tượng Tam Thế và tượng Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay được chế tác bằng gỗ mít. Người dân ở đây truyền tụng, để có được ngôi chùa và đền đẹp đẽ, cổ kính như ngày nay là do công lao vợ chồng cụ thủ nhang Vũ Xuân Thuận, năm nay đã 86 tuổi. Cụ lên đây từ lúc còn bé. Quê cụ ở mãi tận huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. Có lẽ vì có duyên với nhà Phật và nhà Thánh nên cụ đã dành cả cuộc đời của mình để gìn giữ, tôn tạo nơi đây được đẹp đẽ phong quang như ngày nay. Các con cụ cũng góp công góp sức cùng với cụ gìn giữ nơi linh thiêng này.

Điều làm tôi thực sự bất ngờ là phía trước sân chùa có ba cây chè to, cao khoảng 6 mét, đường kính gốc khoảng từ 15 đến 20cm. Xung quanh còn có hơn 30 cây chè nhỏ hơn, mọc rải rác khắp nơi. Theo chị Bàn Thị Hạnh, con dâu út của cụ thủ nhang cho biết, dưới giếng Cô Chín còn nhiều cây chè lắm.

Khu vực tác giả đứng có tới 6 cây chè cổ mọc xen kẽ với cây rừng

Tôi lần theo bậc bê tông khoảng 100m thì đến giếng Cô Chín. Một ngôi nhà nhỏ dài, xinh xinh được dựng vắt ngang chân núi. Ngai thờ nhỏ được xây cất bằng gạch chia làm 02 tầng. Tầng trên đặt tượng Cô Chín. Tầng dưới là chiếc giếng có đường kính khoảng 1m, được xây lát bằng gạch chỉ đỏ. Nước trong giếng gần tràn bờ, trong vắt. Tôi chắp tay xin Cô Chín một cốc nước đầy và uống. Vị nước ngọt dịu, thanh khiết, thơm mát như lắng vào tận đáy lòng. Theo các nhà phong thuỷ, ở đâu có được giếng nước trong mát và không bao giờ cạn là nơi đất quý. Giếng nước là nơi tụ thuỷ, tụ phúc cho người dân sống ở quanh vùng. Vợ chồng anh Quân chị Hồng là con trai - con dâu của cụ thủ nhang, trông coi chính ở đây.

Khi tôi hỏi về những cây chè, chị Hồng chỉ cho tôi thấy những cây chè to mọc xung quanh giếng Cô Chín. Có một cây cao khoảng 8m, đường kính gốc hơn 20cm. Có lẽ đây là cây chè to nhất, cao nhất, đẹp nhất, thân cây trắng sáng, khỏe khoắn tràn đầy sức sống. Vô cùng phấn khích, tôi đã lấy thước đo từng cây, 8 cây có đường kính thân khoảng từ 15 cm đến 20 cm, cao từ 6 đến 8 mét. Tất cả đều mọc xung quanh giếng Cô Chín, cây xa giếng nhất cũng chỉ cách khoảng 10m mà thôi. Qua kinh nghiệm hiểu biết về cây chè, tôi cho những cây chè to ở đây có tuổi thọ trên dưới 200 năm. Ngoài những cây chè to, còn có khoảng hơn 30 cây chè nhỏ hơn, thấp hơn. Tôi ước đoán những cây chè này có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm.

Vì yêu chè, nghiện chè, lại làm công tác văn hóa nên tôi có dịp đến với nhiều vùng chè nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, kể cả ra nước ngoài tìm hiểu, học hỏi. Tôi đã có dịp đặt chân lên những vùng chè san tuyết nổi tiếng như Lũng Phìn - Hà Giang, Suối Giàng - Yên Bái, Tủa Chùa và Tà Xùa ở vùng rừng núi Tây Bắc, hay vùng chè ở Na Hang - Tuyên Quang, Đồng Phúc - Bắc Kạn. Rồi những vùng chè bạt ngàn như Phú Thọ, Mộc Châu, Mỹ Lâm, Bảo Lộc, vùng chè ở biển hồ Gia Lai… Tôi đã đến Trung Quốc xem chè Long Tỉnh, Hàng Châu, chè Phúc Kiến, chè Tứ Xuyên, chè Lưỡng Quảng, chè Phổ Nhĩ ở Vân Nam, thậm chí lên cả thành phố La Xa vùng Tây Tạng, Trung Quốc để xem tại sao người dân ở đây lại yêu chè đến thế. Họ uống chè gần như nhiều nhất thế giới. Chè đối với họ là cuộc sống, là sinh mạng. Thiếu chè họ không thể sống khoẻ mạnh được. Vậy mà chưa có nơi nào khiến tôi thích thú như đứng dưới những gốc chè cổ này.

Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cuốn sử “Đại Nam Nhất Thống Chí” ghi chép tỉ mỉ, chính xác phần thổ sản của các tỉnh trong cả nước. Theo đó có hơn 10 tỉnh có chè. Chè ngon hay không ngon, hương vị thế nào, được thẩm bình và ghi chép cẩn thận, công phu. Quyển 20 ghi chép về Thái Nguyên vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Phần thổ sản của Thái Nguyên ghi chép như sau “Chè nam: Sản ở các huyện Phú Lương, Động Hỷ (*), Đại Từ, Phổ Yên, vị ngon hơn chè các nơi khác”. Như vậy, cách đây gần 200 năm các sử gia triều Nguyễn đã khẳng định Thái Nguyên có đến 4 huyện có chè, có thể nói là nhiều chè nhất cả nước. Đặc biệt các sử gia đã ghi nhận là vị ngon hơn chè các nơi khác. Vị là tố chất tinh tuý, quý giá nhất của chè. Vị có ngon thì chè mới ngon. Vậy thì, sẽ có một số câu hỏi được đặt ra: Chè Thái Nguyên ở Thiên Tây Trúc là giống chè gì? Hiện nay còn có ở đâu? Liệu các sử gia triều Nguyễn có nhầm lẫn gì không?

Mấy năm gần đây người ta đồn đại cây chè cổ thụ ở núi Bóng, xã Minh Tiến huyện Đại Từ. Có người còn gọi đó là cây chè Tổ. Báo đài cũng đã viết nhiều lời hay ý đẹp, nhưng tôi chưa dám tin! Thử hỏi giống chè đó là chè gì? Xung quanh cây chè đó có bao nhiêu cây chè lớn bé? Nếu đã là cổ thụ, đã là cây chè tổ thì phải sinh ra ông bà, cha mẹ, con cái cháu chắt giống chè đó chứ. Nếu là chè thật, mà đứng một mình trong rừng cô đơn, không sinh con đẻ cái, không phát triển nòi giống thì làm sao thành Tổ được? Vì quả chè chín, già rụng xuống sẽ mọc cây non, rễ chè gặp mưa xuân sẽ đâm chồi nảy lộc thành nhiều cây con. Cứ như thế sẽ có nhiều thế hệ chè sinh tồn, cả một vùng chè tươi tốt.

Nhớ năm nọ cũng ồn lên chuyện cây chè tước ở bờ tường chùa Hương Sơn (Gang Thép, Thái Nguyên). Đường kính cây khoảng 70 cm, cao khoảng 10 mét, lá như lá cây si, cây xanh, hoa từng chùm nhỏ như hoa ngâu. Cành lá sum suê, kiêu hãnh ưỡn ngực chào lữ khách đến lễ chùa. Tôi đến, bà con chỉ cho rất nhiều cây thấp, cây non mọc khắp nơi trong xóm. Tôi nhờ bà con hái lá tươi vò rồi hãm như hãm chè tươi. Nhờ người hái nhiều búp non, rồi sao như sao chè xanh truyền thống. Chọn nước ngon, pha búp chè tước mời mọi người cùng thưởng thức chè lạ. Ấm chè tươi có mùi khó tả, vừa nồng vừa lợ cổ. Còn ấm chè búp sao suốt thì khét nồng… hai ấm chè tước không có chút hương vị nào của chè cả, không thể uống được.

Nụ và hoa chè cổ thụ

Trong phần đính chính của sách “Dư địa chí” của danh nhân Nguyễn Trãi có ghi như sau: “Chè tước thiệt là thứ chè nhỏ như lưỡi chim sẻ”. Như vậy cây chè ở chùa Hương Sơn không có hương vị của chè, lại có mùi nồng thì không thể là chè tước. Có thể người dân ở đó lấy tên chè tước để gọi, để phân biệt với những loại cây khác mà thôi, chứ thực hư ra sao thì chưa biết.

Phía trước đền Thiên Tây Trúc với những nương chè xanh ngát. Ảnh trong bài: Quang Khải

Xin được trở lại với những cây chè ở đền chùa Thiên Tây Trúc. Qua kinh nghiệm, tôi thấy đây không phải là những cây chè san tuyết hay giống chè đắng. Thân cây chè ở đây màu nâu trắng sáng, lá chè nhỏ, hình con thoi, mầu xanh lục, xung quanh mép lá có răng cưa gai nhọn, gân lá hình xương cá, gân hai bên đối không đều. Về hình thức rất giống với những cây chè trung du lâu năm còn sót lại rải rác ở Thái Nguyên, có tuổi đời đến vài chục năm. Vậy chè ở đây là giống chè gì? Có lẽ các sử gia triều Nguyễn đã rất đúng khi gọi chè Thái Nguyên là “chè nam”… “Chè nam” là giống chè khá phổ biến ở Thái Nguyên. Theo quan sát, tôi thấy những cây chè ở đây không phải là được trồng, mà mọc tự nhiên ở cánh rừng nguyên sinh, được nhà chùa bảo vệ gìn giữ nên nó chưa bị tàn phá. Rừng ở đây với độ dốc thoai thoải, rất thích hợp cho gống chè sinh trưởng và phát triển. Rừng chè ở đây có cây lớn, cây bé, có nhiều thế hệ cây chè. Nghe nói, ngày trước ở sau chùa có nhiều cây chè to lắm. Có một số cây chè già phải tự sinh tự diệt. Có cây vì những lý do nào đó mà không còn. Thật đáng tiếc thay!

Tôi xin được hái búp, ngắt lá, lấy hoa chè, quả chè của một số cây chè to và cây chè bé ở nơi đây. Sau khi pha búp chè sao khô và hãm nước chè tươi, nếm hoa chè, quả chè một cách chăm chút và thận trọng, bằng cảm quan, sau khi uống vài tuần trà tôi thấy hương vị giống hương vị của chè trung du truyền thống. Màu nước vàng xanh, bã chè thuôn, mềm đều. Chà! chè ở đây ngon thật. Vị ngọt hơn, thanh dịu hơn. Có thể nói, những cây chè ở đây phải có sức sống mãnh liệt lắm mới sinh tồn được. Vì phải sống dưới những tán rừng cây to, tầng tầng lớp lớp, ánh sáng mặt trời dường như không thể chiếu tới. Cây chè phải bon chen, cạnh tranh, phải tự thích nghi và phải hài hoà với những cây xung quanh thì mới sống được.

Có thể bước đầu nhận định, đây là giống chè nam, những cây chè to ở đây có tuổi đời trên dưới 200 tuổi. Chè nam có thể là tổ tiên của giống chè trung du truyền thống quý báu, đã có một thời nổi tiếng ở Thái Nguyên? Người dân Thái Nguyên đã rất yêu thích và thân quen với cây chè trung du. Cho đến nay, chè trung du vẫn còn được trồng nhiều, được chăm sóc và thu hái để làm ra chè đặc sản nổi tiếng thơm ngon.

Có lẽ ở đâu đây trên vùng đất Thái Nguyên tươi đẹp này, chè nam mọc tự nhiên vẫn còn? Có thể là ở sườn đông dãy núi Tam Đảo trập trùng, hùng vĩ dài đến vài chục km trên phần đất của Thái Nguyên? Hay ở vùng rừng núi Thần Sa hoang sơ và bí hiểm? Hay ở núi Hồng thẳm xanh thơ mộng? Nhưng chỉ với hơn 10 cây chè to, hơn 60 cây chè lớn bé ở một góc rừng Thiên Tây Trúc cũng đã là kỳ tích tự nhiên của chè Thái Nguyên rồi.

Nói đến Thái Nguyên là nói đến chè ngon! Nói đến chè ngon người ta nhớ đến Thái Nguyên. Ngày xưa, ngày nay và ngày mai vẫn thế. Chè Thái Nguyên mãi mãi trường tồn và là niềm tự hào cao quý của đất và người Thái Nguyên.

Tháng 10 năm 2022

--------------

(*)Nay là huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Ghi chép. Mông Đông Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước