Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
06:36 (GMT +7)

Vấn đề kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên

VNTN - Quyền lực (pouvoir) là quyền hành (quyền quyết định, điều hành công việc) và thế lực mạnh đủ để quyết định các công việc.

Cán bộ, đảng viên được giao nhiều quyền lực để thực thi nhiệm vụ phục vụ cho nước, cho dân. Cán bộ nhỏ thì quyền lực nhỏ, cán bộ to, nhất là người đứng đầu, thì quyền lực to.

Những năm gần đây, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xuất hiện nhiều nhân tố khách quan và chủ quan làm cho quyền lực của cán bộ, đảng viên bị tha hóa, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực.

Ở nước ta, quyền lực thuộc về nhân dân thông qua hệ thống chính trị đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân nhằm bảo đảm cho quyền lực ấy nhất thiết phải phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước và sự trường tồn của chế độ. Sự tha hóa quyền lực nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và người dân trở thành nạn nhân của quyền lực. Sự tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên cần phải được ngăn chặn và đẩy lùi.

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” (1) một phần là do buông lỏng sự kiểm soát quyền lực cán bộ, đảng viên.

Để khắc phục tình trạng quyền lực không bị tha hóa, làm cho nó chỉ vì dân, vì nước thì phải có những cơ chế nghiêm ngặt để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền, người đứng đầu.

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy chế làm việc của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị.

Hai là, thực hiện nghiêm cơ chế công khai, càng công khai càng dễ kiểm soát; phát huy vai trò của truyền thông, báo chí, văn hóa nghệ thuật... tiến tới mọi việc phải để dân biết, dân bàn, tạo mọi thuận lợi để dân kiểm tra; quy định cụ thể nội dung, đối tượng, hình thức công khai, trách nhiệm người công khai, chế tài xử lý vi phạm; thực hiên cơ chế trưng cầu dân ý...; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để nhân dân giám sát. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp phải nhớ rằng, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất cứ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.

Ba là, dân chủ là chủ thể duy nhất và tối cao của mọi quyền lực, được quyền kiểm soát tất cả quyền lực công và có năng lực kiểm soát quyền lực; phải tạo điều kiện tốt nhất cho dân trực tiếp tham gia giám sát, kiểm tra, góp ý, đề nghị, yêu cầu, chất vấn... buộc cán bộ, đảng viên phải thực thi quyền lực theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước bảo đảm thống nhất chặt chẽ; nghiên cứu ban hành luật kiểm soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở pháp lý để thực hiện việc kiểm soát quyền lực. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Năm là, đổi mới công tác cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu cử phải qua thi cử, tranh cử; có cơ chế thi tuyển minh bạch đối với chức danh bổ nhiệm và cơ chế tranh cử đối với các chức danh bầu cử bằng cương lĩnh, chương trình hành động. Xây dựng Bộ Luật Trọng dụng người tài làm cơ sở pháp lý chuẩn mực để thi hành chính sách trọng dụng người tài; tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; có cơ chế cam kết và thực hiện cam kết, hứa mà không làm thì tự nhận hình thức xử lý theo quy định... Sàng lọc, xử lý, thay thế, miễn nhiệm, cho từ chức người đúng đầu yếu kém về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo thực tiễn hạn chế; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm thực thi quyền lực trong công tác cán bộ gây bức xúc dư luận, kể cả đương chức và đã nghỉ theo chế độ.

Sáu là, đẩy nhanh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xóa bỏ hết cơ chế “xin - cho”; xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, phục vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm mọi sai phạm...

Bảy là, đổi mới cách thức tự phê bình và phê bình. Cần kết hợp nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, bên trong và bên ngoài, giữa tự giác và bắt buộc, giữa vai trò của người phê bình và trách nhiệm của người bị phê bình. Làm tốt công tác này thì khuyết điểm càng ít, ưu điểm càng nhiều.

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; quản lý tài sản bất chính không bị tẩu tán, biến hình...

Chín là, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên.

Mười là, nghiên cứu tăng quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với tổ chức Đảng và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu.

Kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu là công việc rất hệ trọng có quan hệ đến sự tồn vong của chế độ, đòi hỏi phải được kiên trì tiến hành thường xuyên, liên tục, quyết liệt, bằng nhiều biện pháp khả thi, thiết thực, hiệu quả là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, bảo đảm cho quyền lực không bị tha hóa, nhưng không được trói buộc quyền lực, gây khó khăn, cản trở việc thực thi công vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7, khoá XII của Đảng.

(1)Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII.

Nguyễn Xuyến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy