Uống rượu trong tuyết rơi
Kí. Hà Phạm Phú
I.
Rượu, lẽ dĩ nhiên là vật chất, nhưng cũng là tinh hoa, tinh thần, tinh túy. Hồi đầu năm Đinh Dậu, tôi và nhà văn Phạm Trường Thi qua Quảng Tây tham dự một Diễn đàn về văn chương, trước khi về nước đã được Chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Tây mở tiệc chiêu đãi. Tiệc chiêu đãi rất sang, nhưng không có rượu. Nhà văn Đông Tây, vị Đông đạo chủ phân bua, Chính phủ Trung Quốc cấm dùng rượu tiếp khách trong mọi trường hợp, rồi nói nhỏ vào tai tôi, dịp khác ông sang, tôi sẽ mời thưởng thức Mao Đài, tại tư gia. Tôi nghĩ thầm, dù có cao lương mĩ vị mà không rượu thì sao có thể gọi là tiệc, chỉ là một bữa cơm thường.
Thực khách, ngoài hai chúng tôi là người Việt Nam, còn lại là những cây bút chủ lực của Khu tự trị dân tộc Chuang cùng mấy vị khách Bắc Kinh xuống chủ trì diễn đàn. Không khí bữa tiệc chùng như bánh đa nhúng nước. Rượu có tội gì không nhỉ? Cái này có thể bàn nhiều, tôi chỉ nói cảm nhận của tôi. Rượu vừa đủ sẽ tạo ra một trường tinh thần, dễ giao lưu, dễ bộc lộ tính cách. Dù là khách mời, nhưng tôi quyết định nắm quyền chủ động tạo ra cái trường tinh thần đó.
Chỗ chúng tôi ngồi ăn không có quầy bán rượu. Tôi ra ngoài, hỏi một nhân viên bảo vệ, được chỉ lên trên gác. Tôi lên, mua một chai Nhị Oa Đầu, thứ đặc sản của Bắc Kinh, không có hương liệu, nặng đến 50 độ, tựa như rượu Lúa Mới. Rượu này khi làm phim ở Quảng Châu, tôi và diễn viên Trần Lực hay uống với thịt bò xiên tăm tẩm ớt nướng. Đem rượu vào bữa tiệc, tôi hỏi vị quan chức Bắc Kinh, tôi muốn mời mỗi người một li rượu có được không? Vị này lắc đầu nói, Chính phủ cấm. Tôi đến bên nhà văn Đông Tây, vị Chủ tịch kiêm giáo sư, nói tục lệ của người Việt và cả người Hoa xưa nay khi tiễn đưa khách đều có rượu. Vả lại như thi nhân Lý Bạch đã viết: Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh. Nhà văn Đông Tây bèn đứng lên, làm như chưa nghe vị quan chức Bắc Kinh nói gì, cất giọng hào sảng, tôi uống một chén chia tay các bạn. Thế là mọi người cùng uống, kể cả vị quan chức từ Bắc Kinh.
Người Trung Quốc khá sành rượu. Cách đấy ít năm, chưa có lệnh cấm rượu. Nhân dịp qua thăm Bắc Kinh, tôi gửi cho ông Hứa Bách Lâm một cái tin nhắn: Thời gian chúng tôi ở Bắc Kinh ngắn, cố gắng thu xếp một buổi gặp mặt. Ông Hứa là Tổng Thư kí Hội Điện ảnh Trung Quốc mới qua thăm Việt Nam vào mùa hè, tôi được cử đưa đi chơi Hạ Long, trò chuyện hợp nhau mà thành bạn. Buổi tối trước hôm chúng tôi bay đi thành phố cổ Tây An, tỉnh Thiểm Tây, ông đón chúng tôi đến một quán ăn ở gần trụ sở Hội Điện ảnh, đãi một bữa các món ăn Đông Bắc, trong đó có món rùa non và Jiao zi (giống món sủi cảo ở Hà Nội).
Vào tiệc, ông Hứa hỏi tôi, các bạn Việt Nam uống rượu gì: Mao Đài, Ngũ Lương Dịch, hay…? Đây là hai loại rượu hàng đầu trong số mười loại danh tửu hàng đầu của Trung Quốc. Thứ tự như sau: Mao Đài (Quí Châu), Ngũ Lương Dịch (Tứ Xuyên), Tây Phượng Tửu (Thiểm Tây), Cẩm Tửu (Quí Châu), Song Câu Đại Khúc (Giang Tô), Dương Hà Đại Khúc (Giang Tô), Cổ Tỉnh Cống (An Huy), Kiếm Nam Xuân (Tứ Xuyên), Phần Tửu- Trúc Diệp Thanh (Sơn Tây), Lô Châu Lão Hiệu (Tứ Xuyên). Xếp hạng mười loại danh tửu hàng năm luôn có biến động, nhưng Mao Đài, Ngũ Lương Dịch luôn thay nhau chiếm vị trí nhất nhì, trong đó Mao Đài được xếp là quốc tửu. Chúng tôi nhiều người không biết uống rượu nên bảo: Chọn rượu nho đặc sản Trung Quốc. Ông Hứa vui vẻ nói, đêm cuối năm, Bắc Kinh đã lạnh, uống rượu, tán chuyện gẫu thật thú vị. Thì ra đã là tháng Chạp rồi.
Nhà hàng đưa lên rượu nho Xương Lê, bảo rằng ở Bắc Kinh rượu nho Xương Lê rất nổi tiếng. Giống như Mao Đài ở Quí Châu, Xương Lê ở Hà Bắc cũng là một thứ danh tửu, vị thế có thua cũng chỉ thua chút ít. Dân rượu vẫn ví Mao Đài là Vương Hậu, còn Xương Lê là Quí tộc. Cô gái nhà hàng bày những chiếc cốc pha lê có chân, bụng phình to, rót vào li cho khách nếm thử trước. Ông Hứa mời tôi. Nâng li rượu lên, tôi cố ý để cho hương rượu thơm mát đượm vị chua thấm vào cảm nhận, thấy tinh khiết của vị nho chín, của men say, rồi uống một ngụm, ngậm trong miệng cho ngấm sau mới thả nhẹ trôi qua họng, man mác lâng lâng. Ngon! Tôi khen thật lòng.
Lúc đó mấy người bạn Việt Nam đồng hành với tôi nhìn ra ngoài trời, ngạc nhiên kêu lên, tuyết rơi. Đúng thật, tuyết lác đác rơi, những bông trắng nom phảng phất như hoa gạo ở miền quê xứ nóng phương nam xa xôi. Tôi nói, đây là lần thứ hai tôi thấy tuyết rơi ở Bắc Kinh. Lần trước vào khoảng Tết âm lịch năm 1964 thế kỉ trước, trên đường đi Liên Xô, tôi phải dừng lại chờ tầu liên vận của Liên Xô từ Dabaican sang, đúng vào mồng một, hai Tết. Hứa Bách Lâm nói, tuyết Bắc Kinh không rơi dày như phương bắc, chỉ một lớp mỏng rồi tan ngay. Quả vậy. Khi tôi đến Dabaican, nhìn những cây thông ngoài sân ga trĩu nặng tuyết, nhìn những cô gái Nga xinh xẻo trong tấm áo choàng lông, khuôn mặt đỏ hồng đầy hấp dẫn, mới biết mùa đông Bắc Kinh không phải nơi có nhiệt độ thấp. Năm 1964, Hứa chắc còn quá nhỏ, nhưng chắc không thể không biết phong trào Ca vang những bài ca cách mạng. Tôi bảo, lần ấy chúng tôi tranh thủ đi thăm Di Hòa Viên thấy trên tường treo ảnh Lênin, Stalin và bắt gặp ở nhiều quảng trường, góc phố những đám đông mặc áo bông, quần bông, giầy bông tập trung cao giọng hát. Hứa Bách Lâm nhìn tôi, hóm hỉnh nói, cũng dịp Tết ấy bà gấu trúc ở Vườn động vật Bắc Kinh sinh gấu con. Rồi nói thêm, năm nay tuyết rơi muộn.
II.
Lại nhớ cái nóng ở Hà Nội, bữa rượu chia tay để Hứa Bách Lâm cùng phái đoàn đi thành phố Hồ Chí Minh, máy lạnh mở hết cỡ mà mồ hôi vẫn ướt lưng, được cái rượu trắng Hà Nội, êm mà say sâu. Tôi nói, tiếc cho Hứa bằng hữu không có dịp thưởng thức rượu quê đặc sản của miền Bắc Việt Nam. Hứa Bách Lâm là một người viết tản văn, quan tâm đến cách chế rượu của Việt Nam. Tôi nói, cha tôi hay nấu rượu, tự nấu lấy, ủ kĩ để uống. Nhưng cái quyết định đặc chất của rượu lại là men. Ở Việt Nam, cùng là rượu trắng, cùng chế tác thủ công, nhưng rượu làng Vân khác rượu Hạ Đan, rượu Mẫu Sơn khác rượu Bắc Hà, rượu Bầu Đá khác rượu Bó Nậm. Rượu trắng Việt Nam không pha hương liệu, thuần chất rượu, nhấp một hụm rượu như nhấp một ngụm lửa, chỉ ấm mà không rát, thấy cay nhưng ngọt mà không chát, thấy nồng êm mà không gắt. Rượu mà chúng ta uống hôm ấy ở khách sạn là loại công nghiệp, gọi là vốtca Hà Nội, cũng ngon nhưng không có được cái vị, cái hương riêng kia.
Ông Hứa thừa nhận, phần lớn các loại rượu trắng, rượu mầu của Trung Quốc đều có pha hương liệu, có lẽ đấy là đặc sản riêng của người Trung Hoa. Cái kỳ công làm nên danh tiếng của rượu Hạ Đan quê tôi là công đoạn làm men. Men lá và men thuốc bắc. Quê tôi người ta thích uống rượu men lá. Men lá được làm từ khoảng hơn chục các loại lá, củ, quả. Chẳng hạn: Riềng nếp, kinh giới núi, sài đất, cà, thiên niên kiện, hoa sói, nhân trần, tu hú lá to, lưỡi đắng bầu, trầu không rừng, lá quế, găng, xuyên tiêu, dây mật… Những thứ lá, củ, cây, dây… được rửa sạch, thái phơi khô, giã nhỏ, rây thành bột rồi đem trộn với bột gạo và bột sắn làm thành nắm men. Tỷ lệ (thường là bí mật gia truyền) các loại lá, củ, quả làm men sẽ quyết định hương vị, độ thơm ngon của rượu. Nắm men rượu Hạ Đan to như những chiếc bánh bao, xốp và nhẹ được phủ những vỏ trấu vàng có gì đó thật bí ẩn, thiêng liêng. Những đồ nấu rượu thủ công của người quê tôi rất sơ sài: nồi đồng, trõ (hông) gỗ, chậu thau, ống dẫn bằng tre… Trõ được làm từ một thân cây khoét rỗng, phía trong có lắp một lưỡi gỗ tròn hứng rượu cho chảy vào chai. Cái rượu được làm từ sắn, ngô, gạo. Quê tôi kết nhất là rượu nấu từ gạo nếp. Gạo xay để nguyên cám không giã hoặc sắn hoặc ngô được đồ chín, tãi ra nia trộn đều với men rồi đem ủ. Đến độ chín thì đem nấu (cất) rượu. Ngày bé, tôi đã thức đêm coi bố tôi nấu rượu. Ông đem nồi cái rượu đặt lên bếp, lắp trõ có đuôi đã được thửa từ trước vừa khít với miệng nồi, trên trõ đặt thau cho đầy nước lạnh, lắp ống dẫn tới bình chứa. Để giữ cho hơi rượu bốc lên không lọt ra ngoài, cha tôi dùng bột sắn khô giã nhuyễn với lá rau lang, gắn kín các khe hở. Rượu cất có thể lấy đến nước hai nước ba, nhưng nước đầu là đậm đặc nhất, gọi là nước rượu cốt. Cái rượu lẽ dĩ nhiên phải ủ, càng lâu càng ngấu, càng được rượu. Và hương thơm càng thơm.
III.
Hứa Bách Lâm là nhà hoạt động điện ảnh, nhưng ham viết tản văn, ngoài năm mươi tuổi. Thời trẻ ông bị đưa đi khai hoang ở vùng Tân Cương trong một binh đoàn thanh niên xung phong, cái mênh mông vô thủy vô chung của thảo nguyên luôn gợi cho ông những cánh chim đại bàng và vó ngựa tung trời. Rượu đem lại cho ông thi hứng, đem lại cho ông sự chiêm nghiệm. Nghe tôi kể bố tôi đã nấu rượu như thế nào, ông giơ ngón tay cái nói, thật là tuyệt vời, con người càng sống cuộc sống công nghệ hiện đại, càng không nên quên truyền thống. Rồi thêm, ông già Việt Nam cất rượu, thật đáng xếp vào truyền thống. Thật đáng!
Trong lúc chờ nhà hàng làm món, chúng tôi nói về rượu Mao Đài. Lĩnh Nam cổ sử có đoạn ghi Lục Giả du thuyết nước Nam Việt, phải dựng nhà, trồng cấy lấy thức ăn, chờ sáu tháng mới được Nam Việt vương Triệu Đà gật đầu cho yết kiến. Nửa năm ăn chực nằm chờ, có thể Lục Giả đã kiếm được một thứ vưu vật trân quí của người Thổ Trước sống ở lưu vực sông Xích Thủy gọi là Câu Tương Tửu đem về dâng lên Hán Vũ Đế. Vua Hán nếm thử thấy ngon, mới đặt tên là Cam Mĩ Chi. Theo Tư Mã Thiên, vào năm 135 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế sai Đường Mông đi sứ Nam Việt đã thúc đẩy việc cống tiến Cam Mĩ Chi của xứ Dạ Lang, Nam Việt Quốc tới Vương triều Hán, để rồi sau này trở thành quốc tửu. Tôi nói, ở Âu Châu, nước Cộng hòa Czech, có truyền thống là nhà nhà nấu bia. Tổng thống của họ, nhà viết kịch Haven đã tuyên bố, hãy để cho mọi người đến quán bia, cởi mở tâm trạng, xả ẩn ức trong quán bia, cho xã hội an bình.
IV.
Hứa Bách Lâm nói, rượu với người Trung Quốc là một thứ văn hóa. Một sự tích tụ lâu đời, như một thứ tài nguyên. Chẳng hạn Mao Đài, có thể thoạt kì thủy, người ta không nấu như bây giờ, nhưng cái thứ Cam Mỹ Chi mà vua Hán uống sau khi đã tiêu diệt được Hạng Vũ, làm chủ chín châu, cũng đã được ủ hết sức công phu rồi. Ngày nay để ra được chai rượu Mao Đài bán rẻ cũng 200 nguyên (nhân dân tệ), phải mất công phu những năm năm. Những năm năm! Đúng vậy, Hứa Bách Lâm khẳng định. Nguyên liệu dùng để nấu rượu Mao Đài là loại cao lương thật tốt được chọn lọc kĩ, men rượu được chế từ tiểu mạch. Lượng men dùng trong một mẻ rượu nhiều hơn nguyên liệu nấu, thành thử phải ủ lâu, ủ nhiều lần, cất rượu nhiều lần… Theo qui trình, việc làm rượu phải hai lần nạp cao lương sống, tám lần cho lên men, chín lần chưng cất. Chu kì sản xuất kéo dài đến tám chín tháng. Rượu chưng cất xong phải ủ ba năm, sau đó pha trộn điều chế, rồi ủ tiếp một năm nữa, đến khi đóng chai xuất xưởng ngót nghét năm năm. Đúng là kì công. Mấy người bạn tôi thốt lên. Có người nói, nhưng sao Mao Đài bán ở Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) lại rẻ thế nhỉ, chỉ có mấy chục ngàn đồng Việt Nam? Hứa Bách Lâm trố mắt ngạc nhiên. Rượu có thương hiệu nổi tiếng mà giá rẻ bất ngờ ấy chỉ có thể là rượu giả. Mao Đài giả ở Trung Quốc, giá chỉ có mười nguyên thôi à. Người Trung Quốc đi siêu thị mua rượu, lắm khi cũng không phân biệt được rượu thật rượu giả. Làm sao mà biết được Mao Đài thật hả ông bạn? Người sành, công lực thâm hậu nhìn có thể biết, công lực thấp thì phải nếm. Rượu Mao Đài trong vắt, trong cái ánh sáng lấp lánh của nó thấp thoáng màu vàng, chất rượu luôn phả ra một mùi thơm đặc biệt, thanh cao nhưng không mỏng, dư vị lưu giữ rất lâu, chiếc li đựng rượu đã hết, lòng chén vẫn còn mùi thơm, giống như người đẹp đi rồi mà căn phòng nàng đến vẫn phảng phất hơi thở và hương vị tinh khiết đồng trinh.
V.
Hứa Bách Lâm bảo, ăn tiệc Quảng Đông, thức ăn cứ dâng lên lần lượt từng món, tiệc vùng Đông Bắc, thức ăn được bày ra hết, mâm cứ tràn đầy. Tôi nhớ thế kỉ trước, quãng những năm sáu lăm, sáu sáu, trên đường qua Vũ Hán về Việt Nam phải dừng lại chờ, vì Hồng Vệ Binh (phong trào học sinh, sinh viên do Chủ tịch Mao phát động để lật đổ những vị cách mạng già) đã trưng dụng mất tầu hỏa. Nhà bếp ở chiêu đãi sở quân khu Vũ Hán nấu cơm cho chúng tôi ăn, thường dùng phẩm mầu viết lên tô canh hoặc món thức ăn nào đó mấy chữ Tình hữu nghị Trung - Việt đời đời bền vững. Hôm nay bữa tiệc Đông Bắc, bày quá nhiều món ăn, món nào hình như cũng được nhúng màu. Những thứ màu thực phẩm này không biết có độc hại không? Hứa Bách Lâm gắp thức ăn bỏ vào bát mình nói, màu thực phẩm cũng có thể coi là chất phụ gia, nhiều vô kể. Ở một siêu thị trong khu Hải Định mà chúng ta đang ngồi ăn đây, người ta đã thống kê thử, 7 loại thực phẩm bày bán, trong đó thứ nhiều thứ ít, nhưng tổng cộng có đến 50 chất phụ gia, trung bình mỗi món thực phẩm người ta dùng đến hơn 7 chất phụ gia. Càng những thứ đồ ăn ngọt, kẹo, kem thì chất phụ gia càng nhiều, loại cao nhất dùng đến 20 chất phụ gia. Chất phụ gia dùng để thay đổi màu sắc, mùi vị của thực phẩm, như thế mới hấp dẫn.
Tôi nói, ở Việt Nam, người ta thích ăn thanh đạm hơn, thích ăn nhiều rau xanh, ít cho chất phụ gia. Hứa Bách Lâm nói, có lẽ thế thì tốt hơn. Bữa đó lạ miệng, chúng tôi ăn uống no say, cảm thấy đặc biệt ngon.
VI.
Hôm sau chúng tôi đi Tây An, đi về phía Tây Bắc Trung Quốc. Lạnh không kém gì Bắc Kinh. Đó là vùng đất đầu tiên mà các vương triều phong kiến Trung Quốc thiết lập đế đô. Tây An tên cổ gọi là Tràng An, là đế đô của các triều đại: Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tân, Tây Tấn, Tiên Triệu, Tiên Tần, Hậu Tần, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường. Tây An cũng là đô thành của các cuộc khởi nghĩa nông dân với các danh xưng như: Xích Mi, Lục Lâm, Đại Tề, Đại Thuận.
Lái xe đưa chúng tôi đi thăm Tây An xuất thân là một người học trung y, rất thích đọc sách lịch sử, tên là Cảnh Phong. Những khi phải lái xe, Cảnh Phong không đụng một giọt rượu. Buổi tối thì anh có thể uống. Nói đến rượu, mắt Cảnh Phong sáng lên, không phải vì anh ham uống mà vì đụng đến sở trường. Anh khoe, Thiểm Tây quê hương có ba loại danh tửu là Tây Phượng, Thái Bạch và Đỗ Khang. Cảnh Phong không cần làm vẻ khiêm tốn, tuyên truyền tôi, nói rượu không chỉ là thương phẩm mà còn là văn hóa, nó không chỉ chứa đựng những truyền thuyết làm lay động lòng người mà còn làm không ít văn nhân say đắm như Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên…
Cảnh Phong thao thao, Tây Phượng Tửu ra đời từ thời Chu, được truyền tụng bởi ca dao, ngạn ngữ: Mở vò thơm mười dặm/ ngoài rào ba nhà say… hoặc …Phú tại Quan Trung, tửu tại Tây Phượng. Rồi anh kể một truyền thuyết về Tây Phượng Tửu. Thời Đường, Lại bộ thị lang họ Bùi trên đường đưa Vương tử Ba Tư về nước đi qua trấn Liễu Thanh. Lúc đó khoảng tháng ba, phát hiện thấy ong mật và bươm bướm ngả nghiêng đậu đầy mặt đất, tìm hỏi quan thái thú địa phương mới biết, ấy là do chủ nhà rượu trong vùng mới mở hầm ủ rượu, hương thơm lan tỏa khắp bốn phương tám hướng, khiến ong bướm say mới đậu ngả nghiêng như vậy.
Cảnh Phong nói, ông có biết không, tên rượu từ đâu mà ra? Từ đất. Đất có những nguyên tố vi lượng, có nước, có cây, có hoa, có quả. Đất quyết định chất lượng của rượu, đất đặt tên cho nó. Thiểm Tây nổi tiếng với dãy Tần Lĩnh. Núi Thái Bạch là chủ lĩnh. Dưới chân núi là huyện Mi. Nước nấu rượu ở huyện Mi được lấy từ nước tuyết tan trên núi Thái Bạch, rượu ấy gọi là rượu Thái Bạch. Ông có thể mua rượu Thái Bạch ở các nước Đông Nam Á, ở Pháp, Mỹ, Đức. Còn muốn ngâm thuốc bổ, không có rượu nào tốt hơn rượu Thái Bạch.
Bữa tiệc tiễn khách, bạn Thiểm Tây đãi chúng tôi món lẩu thịt dê, uống với rượu Đỗ Khang. Bếp lò đượm lửa, phòng ăn nóng rực dù ngoài trời lạnh dưới độ không. Rượu cũng như một người tri kỉ, có thể cởi mở tâm tình, có thể giúp trút giải cơn sầu. Chủ nhiệm đối ngoại Hội Nhà văn tỉnh Thiểm Tây họ Vương (cha ông là Vương Văn Thạch có truyện dịch ra tiếng Việt in ở Việt Nam hồi cuối những năm năm mươi thế kỉ trước) đọc mấy câu thơ của Tào Tháo: Đối ẩm hát với rượu/ hỏi đời còn gì hơn/ duy chỉ Đỗ Khang Tửu/ giúp ta giải cơn buồn. Vương Duy, nhà thơ đời Đường khi tiễn bạn là Nguyên Nhị viết: Khuyên quân cạn thêm chén nữa/ ra ngoài Dương Quan không ai người thân.
Thơ làm bạn với rượu. Thơ thuộc về văn hóa thì rượu cũng thuộc về văn hóa. Lại nhớ bữa rượu ở Bắc Kinh, Hứa Bách Lâm nhân cơ hội đã phô bày những thu nhận qua nghiên cứu của mình về văn hóa rượu. Hứa nói, những truyền thuyết kì thú về rượu, những công nghệ lâu đời, những dụng cụ sản xuất… đều thuộc về văn hóa rượu, nhưng xét đến cùng thì hạt nhân của nó là gì để chỉ đạo suy nghĩ, hành động của người Trung Hoa? Có thể nói, hạt nhân văn hóa rượu Trung Quốc gói trong hai chữ “lễ” và “đức”. “Tửu lễ” đặc biệt nổi bật trong những yến tiệc thời cổ và kéo dài cho đến ngày nay, bao gồm “lễ nghĩa” và “lễ tiết”. Vào tiệc uống liền ba tuần rượu là “lễ nghĩa”, sau đó người trẻ chúc rượu người già hoặc cấp dưới chúc rượu cấp trên là “lễ tiết”.
Ở Việt Nam có chức quan Tế tửu không? Tôi nói có, quan trông coi Quốc tử giám gọi là Tế tửu. Hứa Bách Lâm gật gù, thời Trung Quốc cổ, các quan chủ quản Quốc tử giám hoặc các quan đứng đầu ngành giáo dục được gọi là “Tế tửu”. Chứng tỏ người xưa coi trọng mối quan hệ giữa văn hóa, giáo dục và rượu. Tế tửu không đơn thuần truyền dạy “lễ” mà thông qua đó còn truyền dạy “đức”.
Tôi hỏi Vương suy nghĩ thế nào về văn hóa rượu. Vương nói Văn hóa rượu dạy người ta khuôn phép, bản chất của văn hóa rượu chính là Nho giáo.
VII.
Những bữa rượu trong tuyết giá đã lùi xa. Những vấn đề đời sống hàng ngày đang choán hết suy nghĩ, thì đột nhiên Bản tin Đài truyền hình Việt Nam đưa tin, Trung Quốc vừa phát hiện một lượng lớn rượu nho Xương Lê là rượu giả. Theo Đài truyền hình trung ương Bắc Kinh trong chương trình “tiêu điểm” thì việc làm rượu giả ở Xương Lê đã diễn ra hàng chục năm rồi. Rượu giả chỉ có 20% tinh nho, còn lại là nước. Màu sắc và mùi vị được điều chế bằng hóa chất. Nhãn rượu nội, ngoại được in hàng loạt ở công ty bao bì Phàn Nam huyện Vô Ninh bên cạnh, giống thật đến 95%, người tiêu dùng khó mà phát hiện ra. Nghe nói làm một chai rượu giả, giá thành chưa đến 5 nguyên, nhưng bán giá trên trời thu lời từ mười mấy lần đến trên một trăm lần. Lợi nhuận cao như thế khiến không ít kẻ trở thành những nhà sản xuất và buôn bán vô lương tâm. Chợt nghĩ không biết rượu nho Xương Lê chúng tôi uống lần ấy có phải là rượu giả không?
Theo nhiều ghi chép thì rượu ra đời cách đây những 7.000 năm. Trong mấy ngàn năm lịch sử ấy, không ai biết được các thứ rượu giả đã xuất hiện bao nhiêu lần. Nhưng rượu thì vẫn tồn tại.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...