Ứng xử trong xung đột văn hóa
VNTN - Hình như chưa bao giờ, chiếc áo dài Việt Nam lại được tôn vinh và mổ xẻ nhiều như quãng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Không phải bởi trang phục truyền thống của ta vừa được xướng tên trong một cuộc bình bầu vinh quang nào đó mà bởi mùa xuân năm nay, bỗng dưng xuất hiện một mẫu váy áo được gọi là “áo dài cách tân” làm vừa mắt nhiều người, song lại gây ức chế ở không ít người khác.
Lùm xùm bắt đầu từ khi có một facebooker công khai viết status đả kích sản phẩm thời trang được cho là “trên bến Thượng Hải, dưới làng Vũ Đại”, “mắm tôm trộn ca cao”. Ngay lập tức, một cuộc khẩu chiến, bút chiến, bàn phím chiến… diễn ra sôi nổi với nhiều cung bậc cảm xúc hỷ - nộ - ái - ố. Người ta dùng ngôn từ, hình ảnh, dữ liệu lịch sử, dự đoán tương lai để đả kích, mạt sát nhau, tung hô, dìm hàng nhau, thậm chí hủy kết bạn, từ mặt, chừa tên, quyết không đội trời chung với nhau… nếu “mày” còn mặc, like hay tỏ thái độ ủng hộ cho áo dài váy đụp… Tham gia vào cuộc tranh luận nảy lửa ấy là đủ mọi tầng lớp xã hội, từ nhà báo, nông dân, nhà thiết kế thời trang, nhà buôn Quảng Châu, Thượng Hải đến giáo sư, tiến sĩ lịch sử văn hóa… Cứ thế, diễn đàn dư luận mỗi lúc một sôi sục, trong khi đó, “tội phạm” chính là chiếc áo chưa thể định danh kia vẫn tung tăng ngoài phố, có khi lại càng được săn đón nhiều hơn.
Có lẽ, cuộc chiến mang tên áo dài cách tân sẽ chỉ kết thúc khi mùa lễ hội đi qua, xu hướng thời trang lắng xuống như mọi trào lưu khác, chứ không thể ngã ngũ thông qua những phân tích, bình luận dù có xác đáng hay hằn học của những người tham gia diễn đàn khẩu chiến. Nó giống như mọi hiện tượng tranh cãi khác đã đang và sẽ diễn ra với không khí gay gắt hơn, quyết liệt hơn, động đến quyền và nghĩa vụ của đông người hơn và đề cập đến về những vấn đề trọng đại hơn nhiều so với chiếc váy đụp.
Ảnh minh họa Nguồn: internet
Ví như chuyện ăn tết ta hay tết Tây, có nên duy trì việc chém lợn, mổ trâu trong lễ hội, bánh chưng khổng lồ, cày tơ bảy món… Đơn giản bởi tất cả những hiện tượng ấy đều thuộc về văn hóa, mà bản chất của văn hóa chính là sự khác biệt, sự tương đối về tính giá trị. Văn hóa được định hình dưới sự thừa nhận của một cộng đồng nhất định mà không nhất thiết phải thuyết phục được mọi cộng đồng bên ngoài. Mặc cho thế giới nói người Việt kì lạ khi “hôn nhau trong bóng tối và đi vệ sinh ngoài ánh sáng” thì cái quy tắc văn hóa chung của dân nước mình vẫn sẽ được duy trì, ít nhất là duy trì “nửa trước”. Và đến một lúc nào đó, theo quy luật tự nhiên, nhưng cái không phù hợp sẽ phải tự đào thải, như thói quen được nói đến trong “nửa sau” của câu ngạn ngữ bên trên. Sự đào thải ấy hầu hết không phải do những định hướng của nhà quản lý, những chỉ trích của nhà văn hóa mà do sự tự lựa chọn của chính cộng đồng. Ấy là quy luật của tự nhiên.
Xung đột văn hóa là điều không thể tránh trong bất cứ xã hội nào. Sự xung đột đôi khi còn dâng đến đỉnh điểm để trở thành “chiến tranh văn hóa” như nó đã từng xảy ra ở Mỹ vào quãng những năm 90 của thế kỷ trước. Thật khó để tìm ra đáp án đúng sai trong những cuộc xung đột văn hóa ấy. Thế nhưng, cái dễ dàng nhìn thấy lại là sự đúng sai trong cách hành xử của con người trước xung đột. Cháy áo dài cách tân đẹp hay xấu không ai dám khẳng định nhưng cái đẹp xấu qua cách hành xử, qua lời lẽ khen chê, qua cách lợi dụng một hiện tượng văn hóa để thỏa mãn cái tôi cá nhân hay vùi dập nhau, xúc phạm nhau, nịnh hót nhau… thì thật dễ dàng trông thấy. Đó là điều chúng ta phải suy ngẫm, trong những ngày đầu xuân mơn mởn này.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...