Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
21:41 (GMT +7)

Ứng xử mùa lụt ở Thái Nguyên

Điều kiện địa hình đồi núi, sông, suối và những cơn mưa lớn đã làm cho khu vực vùng trung du, miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên trở thành một nơi thường xảy ra lũ. Khi lượng mưa cực lớn, dồn dập sẽ tạo ra lũ quét, theo các rãnh đồi núi nước bị dồn sẽ tạo ra lũ ống. Lũ ống và lũ quét đã phá hoại mọi thứ trên đường đi của nó, nhiều khi trở thành nỗi kinh hoàng của cư dân định cư trong khu vực.

Người dân đoàn kết trong phòng tránh lũ

Vùng trung du miền núi phía Bắc ngoài hiện tượng lũ, lụt cũng hay xảy ra úng ở vùng trũng, vùng lưu vực, vùng cửa sông. Lũ, lụt xảy ra ở khu vực này thường không kéo dài ngày. Tuy nhiên, mức độ phá hoại cũng rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khi lụt chồng lụt, lụt kéo dài khi có mưa tiếp, đất khu vực đã bị thấm nước bão hòa. Hoa màu, hạ tầng và các công trình kiến trúc đã bị thương tổn, giảm sức chịu đựng trước tác động của thiên nhiên.

Phác họa vị trí Bãi sơ tán

1. Các huyện phía Bắc tỉnh Thái Nguyên bị tác động nhiều của lũ, lụt và úng thông thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Vùng xã Linh Sơn nằm ở phía Đông Nam của huyện Đồng Hỷ là một địa bàn nằm trong khu vực ấy cũng chịu sự ảnh hưởng.

Khu vực này thực ra không có sông, nhưng có con suối Linh Nham. Địa hình khu vực với độ dốc chênh cao được tạo ra do hệ thống đồi núi xen lẫn các khe suối nhỏ, ruộng canh tác cùng với lượng mưa lớn, cục bộ là thủ phạm chính của những trận lũ, lụt, úng trên địa bàn. Trước khi có lụt, lũ đã xuất hiện nước do những cơn mưa từ thượng nguồn vùng núi huyện Võ Nhai tràn về tạo ra.

Bản đồ ngập úng khu vực xã Linh Sơn

Lũ sẽ thực sự nguy hiểm khi có cả mưa ở thượng nguồn và mưa tại chỗ, mức độ lũ sẽ cộng hưởng. Lượng mưa tại chỗ lớn cũng dễ dẫn đến việc sạt lở. Trên thượng nguồn khi lượng mưa lớn, dồn dập lũ về sẽ tạo ra những cơn lũ quét, lũ ống cực kỳ nguy hiểm. Khi lượng nước do lũ vượt quá khả năng thoát lũ của con suối Linh Nham, lụt ở khu vực đã xuất hiện, lụt ở vùng Linh Sơn tuy kéo dài không lâu, thông thường chỉ hai ngày, tối đa là ba ngày. Cứ khoảng 10 năm vùng Linh Sơn lại bị úng một lần, úng xuất hiện khi mưa nối mưa, lũ chồng lũ, hơn thế nữa đập ngăn nước trên sông cuối suối Linh Nham được đóng lại để hạn chế lụt cho vùng hạ lưu.

Lũ, lụt, úng xảy ra đều gây ra những tổn thất cho khu vực. Đối tượng bị tác động là con người, tai nạn xảy ra có thể là đuối nước, sập nhà, lở đất, mắc bệnh ô nhiễm môi trường do ô nhiễm nguồn nước sạch, thực phẩm, không khí và đất đai, trong đó đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người già, trẻ nhỏ, người yếu thế (bệnh nhân, thương tật...).

Cùng với đó là vật nuôi, phương tiện sinh hoạt, phương tiện sản xuất, hoa màu bị tác động và tổn thất, ảnh hưởng lâu dài đến thu nhập và đời sống của nhân dân trong vùng.

Các công trình kiến trúc cũng là đối tượng bị tác động nhiều, đặc biệt là các công trình xây dựng ở những vị trí nhạy cảm: công trình xây dựng ở những vị trí khe suối, sườn đồi núi... khu vực dễ bị trượt và sạt lở; công trình xây dựng ở ven suối, bãi bồi... khu vực dễ bị lụt, úng; các công trình hạ tầng: điện, nước, giao thông... cũng sẽ bị hư hỏng không ít thì nhiều.

Trồng rừng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh lũ

2. Từ thực tế, xin đưa ra một số giải pháp ứng xử và hiệu quả của việc chống lũ, lụt, úng ngập của địa phương Thái Nguyên.

Có tư duy, nhận thức

- Sống chung với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các ảnh hưởng xấu ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ứng xử với lũ, lụt, úng thường xuyên diễn ra ở địa phương.

- Có biện pháp kịp thời giảm thiểu tối đa thiệt hại bằng các giải pháp phù hợp.

Các biện pháp cụ thể địa phương đã áp dụng hiệu quả

- “Mọi người đều biết bơi” phải trở thành một chương trình của địa phương, đây là giải pháp quan trọng để hạn chế việc đuối nước khi con người tiếp cận với nước.

- Dự phòng các thiết bị chống lũ, lụt, úng cho mọi gia đình và cá nhân như: bè mảng, thuyền, áo phao...

Lũ lớn sẽ phá hoại mọi thứ

- Xây dựng mô hình nhà chống lũ: Có tầng cao.

- Công trình có kết cấu bền vững đối với khu vực nhạy cảm.

- Có đội hình xung kích tại chỗ, gồm các thành viên trẻ, khỏe, nhiệt tình, có kỹ năng, có trang thiết bị đủ điều kiện để xử lý các tình huống cứu nạn, cứu hộ trong thực tế.

- Trong khu vực có điểm cứu nạn với các tiêu chí:

Dễ tiếp cận.

An toàn: là điểm cao có cao độ không bị lụt, úng; ở vị trí không bị tác động của lũ, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Đủ diện tích để sơ tán người, phương tiện sản xuất kể cả vật nuôi (trâu, bò, gia cầm...).

Có hạ tầng tối thiểu để sinh hoạt trong điều kiện sơ tán: nguồn nước sạch, chất đốt, vệ sinh. (Có thể so sánh với điểm cứu nạn trên đèo hoặc bệnh viện dã chiến trong mùa Covid).

Nhà hai tầng chống lũ

- Một số giải pháp đi cùng:

Hệ thống thông tin (báo động) khi có thiên tai (kẻng, trống, trang thông tin điện tử...).

Bảo vệ nguồn nước giếng khơi: Thực tế cho thấy việc dùng bạt che kín miệng giếng, khi hết lũ, lụt tháo bạt nguồn nước hoàn toàn không bị ô nhiễm do đây là nước ngầm.

Qua các pháp giải và các biện pháp cụ thể vừa nêu trên sẽ giúp các vùng của Thái Nguyên trở nên yên bình qua mỗi mùa lũ. Lũ, lụt, úng đi liền với tác hại như đã biết cũng có những giá trị nhất định nhất là việc mang phù sa về bồi đắp cho mùa màng thêm tốt tươi. Ngoài việc ứng xử phù hợp thì đặc biệt cần quan tâm tới việc “trả lại cây cho rừng”, là giải pháp tốt nhất để con người hòa hợp với thiên nhiên.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy