Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
21:16 (GMT +7)

Tuyển sinh đầu cấp

VNTN - Sáng sớm, ông Đức đến trường THCS làm thủ tục hồ sơ xin cho cháu ngoại vào học lớp 6. Do còn thiếu chút thông tin, ông cầm hồ sơ về xin phép chiều đến nộp. Đi qua hàng phở rẽ vào trường, có tiếng gọi to:

- Bác Đức ơi, đi đâu đấy, vào làm chén đã.

Nhìn vào thấy anh em ở câu lạc bộ cầu lông đang ăn sáng.

Ông rẽ vào, thấy tay ông có túi hồ sơ, một người tầm tuổi ông, chẳng ý tứ gì nói ngay:

- Ái chà, bác đi xin học cho ai đó. Chắc lại có người nhờ. Nhờ là phải cảm ơn. Cảm ơn thời buổi này đâu phải nói xuông bác nhỉ.

Ông Đức chưa kịp mở miệng thì một chị cười phe phé, bắn một tràng liên thanh:

- Đúng quá. Tuyển sinh vào đầu cấp bây giờ là cả một vấn đề. Trường cạnh nhà em, năm nào cũng bảo năm nay trên cắt chỉ tiêu, rút lớp. Ấy thế mà năm nào cũng bốn, năm lớp. Họ tung hoả mù cho phụ huynh lo. Lo con không có chỗ học. Lo ắt thì phải chạy. Chạy thì ắt phải nhờ. Nhờ thì phải tiền. Đó là lối sống thời đại mới, là cơ chế thị trường mà.

Còn nữa, họ nói, chỉ tiêu năm nay so với độ tuổi vào học thì vừa sát nút, làm gì còn nhận trái tuyến. Vậy mà vẫn có gần trăm học sinh nơi khác vào học, vào được chắc chắn cân lạng không đơn giản đâu.

Cô ta vừa dứt lời, một cậu tầm trung niên hình như chạm nọc, đứng lên:

- Các ông bà nói tôi mới sực nhớ ra. Năm ngoái con trai tôi vào lớp một. Trường mở danh sách phổ cập gì đó, không có tên cháu. Cô thường trực tuyên bố thẳng thừng: Trái tuyến, xét sau.

Tôi đưa hộ khẩu ra nhất định cô ta không nghe. Gia đình tôi mấy đời ở đây, học ở địa phương này sao được gọi là trái tuyến. Có cô còn bảo: Hộ khẩu cũng chưa tin. Có người ở đâu đó còn gửi hộ khẩu ở thành phố. Tức quá, tôi đưa hộ khẩu lên hiệu trưởng. Họ hẹn hôm sau lên đối chiếu. Hóa ra sổ bộ dân số tổ dân phố chép thiếu tên cháu. Bực mình.

Một ông có tuổi dễ cao nhất trong đó, nói chắc nịch:

- Mọi người nói đều có khía cạnh đúng. Chính cái chạy trường, chạy lớp mới sinh ra “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Trường ở phường tôi xây đẹp, cô giáo dạy không phải xoàng, thế mà năm nào cũng chật vật mới đủ lớp, mà mỗi lớp chỉ chưa đến ba chục em. Nghe nói có chuyện đau lòng. Cô giáo trường đó còn xin giúp phụ huynh sang trường khác. Họ quên là “Ăn cây nào phải rào cây ấy” đó sao. Chính là tự làm mất lòng tin cho trường mình. Chỉ vì chút quyền lợi cá nhân mà quên quyền lợi lớn hơn và danh dự. Bây giờ chuyện đó tuy không còn nhưng nay sắp tập trung mà vẫn còn thiếu học sinh. Thật là đáng suy nghĩ. Còn nữa, học sinh xin vào trường mầm non mới nửa cười nửa khóc, xếp hàng lấy tích kê từ 3h sáng khác nào xếp gạch xếp rổ giá mua thịt thời bao cấp.

Thấy không còn ai nói gì. Ông Đức mới thanh minh:

- Tôi xin các vị. Có mỗi chuyện tôi có hồ sơ tuyển sinh mà các vị nói quá nhiều. Tôi đi xin cho cháu vào học. Vì còn thiếu thông tin nên tôi xin đem mẫu hồ sơ về nộp sau. Các cô giáo chẳng gây khó dễ gì. Quả là chuyện xin học đầu cấp giờ ồn ào thật. Chuyện trái tuyến được vào học phải nộp tiền cũng có nhưng ta nghe phải chắt lọc. Giáo dục lấy đạo đức làm đầu. Có lần họp tôi hỏi dò các cô hiệu trưởng, các cô đều nói: Chúng cháu cũng bị áp lực lắm, Sở, Phòng, Ủy ban cũng có những danh sách đối ngoại, sao chúng cháu dám nỡ chối từ. Còn nói thật, học sinh giỏi xuất sắc, dù đủ chỉ tiêu cháu vẫn nhận.

Mọi người ngồi ăn phở, người nghe cả, người nghe một nửa. Chẳng biết bao giờ chuyện tuyển sinh đầu năm mới bớt đi phức tạp. Chỉ biết chắc chắn ai có con cháu xin học đầu cấp vẫn phải lo lắng băn khoăn.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước